Tỉnh Điện Biên với dấu ấn năm 2024 và kế hoạch phát triển văn hóa kết nối với du lịch năm 2025

Tết té nước dân tộc Lào, xã Na Sang 1, huyện Điện  Biên, Điện Biên - Ảnh: Anh Tuấn

 

Điện Biên là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; đồng thời được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình đa dạng, nhiều sông, hồ và những cảnh quan đẹp, hùng vĩ… Nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, tỉnh Điện Biên có diện tích tự nhiên 9.562,9 km2, đường biên giới dài 455,572 km và có 20 di sản văn hóa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là Nghệ thuật thực hành Then Tày - Nùng - Thái và Nghệ thuật Xòe Thái; có 35 di tích được xếp hạng; trong đó, 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc, mỗi dân tộc đều sở hữu những giá trị văn hóa truyền thống riêng, độc đáo về tập quán xã hội, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề thủ công, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian… tạo thành bức tranh đa sắc màu văn hóa. Với những đặc điểm trên, tỉnh Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, mang đặc trưng miền Tây Bắc.

Năm 2024 là một năm quan trọng đối với tỉnh Điện Biên, đánh dấu bởi chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên PhủNăm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024. Tỉnh đã thực thực hiện nhiều chương trình, sự kiện có quy mô lớn, đặc sắc, tạo dấu ấn đặc biệt, được tổ chức thành công tốt đẹp như: lễ khai mạc Năm Du lịch gắn với tổ chức Lễ hội Hoa Ban năm 2024 với chủ đề: Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận; chương trình nghệ thuật đặc biệt - bắn pháo hoa nổ tầm cao được tổ chức vào tối ngày 6-5-2024 tại Quảng trường 7-5; Lễ diễu binh, diễu hành và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức vào sáng ngày 7-5-2024, tại Sân vận động tỉnh Điện Biên; Hội chợ Công Thương khu vực Tây Bắc - Điện Biên 2024; các giải đua xe đạp, giải chạy marathon; Liên hoan Ẩm thực toàn quốc - Điện Biên 2024, Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Điện Biên năm 2024 được tổ chức vào tháng 11 vừa qua. Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức Lễ Bế mạc “Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024” vào ngày 26-12-2024, tại thành phố Điện Biên Phủ...

Chung một điệu sạp

 

Việc đăng cai và tổ chức tốt các hoạt động du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
(7-5-1954 - 7-5-2024) đã tạo hiệu ứng lan tỏa rất tích cực, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực trong đầu tư phát triển, xây dựng các sản phẩm mới, hấp dẫn, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Dự ước năm 2024, tỉnh Điện Biên đón 1.850.000 lượt khách du lịch (tăng 1,85 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 11.500 lượt (tăng 1,31 lần so với cùng kỳ năm 2023); tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 3.300 tỷ đồng (tăng 1,88 lần so với cùng kỳ năm 2023). Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch ước đạt 3 ngày.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn kết với phát triển du lịch được lồng ghép trong tổ chức các hoạt động sự kiện. Một số lễ hội tiêu biểu được duy trì tổ chức hằng năm như: lễ hội Hoa Ban, lễ hội đua thuyền đuôi Én (thị xã Mường Lay), lễ hội đền Hoàng Công Chất (huyện Điện Biên), lễ hội Xuân Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ), Show diễn Huyền tích Uva… đã và đang tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa khác biệt, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách trong và ngoài nước đến tham gia, trải nghiệm.

Bên cạnh đó, ngoài nét văn hóa Thái, tỉnh Điện Biên đã nỗ lực đưa thêm các nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc khác như: múa khèn của dân tộc Mông; Tết Hồ Sự Chà - Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì; Tết té nước của dân tộc Lào... vào chuỗi du lịch văn hóa của địa phương, nhằm mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn với du khách. Đồng thời, tổ chức các lớp truyền dạy các nghề thủ công truyền thống tại các huyện, thị xã, thành phố... nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn đặc trưng, chú trọng phục dựng, phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng, vừa sản xuất kinh doanh, vừa phục vụ du khách đến tham quan trên địa bàn tỉnh như: dệt thổ cẩm của người Thái tại các bản Mển, bản Him Lam 2, bản Co Mỵ, bản Che Căn; làm bánh khẩu Xén ở thị xã Mường Lay; mây tre đan tại xã Nà Tấu (huyện Điện Biên); dệt thổ cẩm của người Lào ở xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) và xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông); nghề thêu ren thổ cẩm ở bản Tà Là Cáo (xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa)...

Trải nghiệm của du khách tại Không gian văn hóa vùng cao 
Ảnh: Trịnh Xuân Tư

 

Từ kinh nghiệm tổ chức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024 và các hoạt động sự kiện lớn trong năm 2024, tỉnh Điện Biên đúc rút một số bài học kinh nghiệm như: Cần chủ động, kịp thời trong công tác chỉ đạo điều hành và sớm xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch để tổ chức thành công, có hiệu quả cao các chương trình, sự kiện; Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá bằng việc tổ chức các chương trình, sự kiện lớn, như: Tuần Văn hóa - Du lịch Tây Bắc và TP.HCM tại tỉnh Luông - pha -băng; Tuần Văn hóa - Du lịch Tây Bắc tại TP.HCM; Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên tại Hà Nội; Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa tại tỉnh Thanh Hóa… góp phần tuyên truyền, quảng bá và lan tỏa Năm Du lịch quốc gia Điện Biên 2024.

Bên cạnh đó, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh nội tại; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh, thành phố; phát huy tính năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ; nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc tổ chức triển khai, thực hiện; phát huy, lan tỏa sự thân thiện, mến khách của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và quảng bá môi trường an ninh, an toàn của tỉnh Điện Biên để thu hút khách du lịch.

Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2025 tỉnh Điện Biên phấn đấu đón trên 1.450 nghìn lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt trên 2.400 tỷ đồng, số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt trên 3 ngày. Để đạt mục tiêu đó, Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7-5-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; rà soát, bổ sung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, dựa trên ba trụ cột chính là: du lịch lịch sử; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, có chất lượng cao, kéo dài thời gian lưu trú, gia tăng chi tiêu của khách du lịch. Tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả để đến năm 2030 Điện Biên Phủ - Pá Khoang đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện trở thành khu du lịch quốc gia, với một số sản phẩm du lịch cao cấp, độc đáo, hấp dẫn, có sức cạnh tranh mạnh mẽ. Tăng cường quảng bá, nhất là trên một số kênh truyền thông quốc gia, quốc tế, nền tảng mạng xã hội, ứng dụng chuyển đổi số.

Thứ hai, đẩy mạnh, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố du lịch trong nước; đặc biệt, trong Nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa… trong khu vực và quốc tế (Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản…) nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách hội nhập về kinh tế, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững.

Thứ ba, tăng cường hợp tác với một số doanh nghiệp lữ hành lớn, một số hãng hàng không để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu thông tin về điểm đến, sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP; phối hợp nghiên cứu mở mới một số đường bay mới ở trong nước và quốc tế kết nối với Cảng hàng không Điện Biên.

Thứ tư, đề xuất đăng cai tổ chức một số sự kiện, hội nghị, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch quy mô khu vực, quốc gia và quốc tế. Chủ động tổ chức các giải thi đấu, hoạt động thể thao có thế mạnh như: dù lượn, marathon, hoạt động thể thao dưới nước, câu cá thể thao…

Vậy, để “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” - đòi hỏi cần có một sự nỗ lực của UBND, sở, ban, ngành và người dân tỉnh Điện Biên trong những kế hoạch cụ thể trên nhằm khai thác các tiềm năng, giá trị di sản lịch sử, đồng thời, phát huy phát triển du lịch cộng động của địa phương, khai thác cảnh quan thiên nhiên và quảng bá hình ảnh du lịch cho tỉnh Điện Biên. Điều đó không chỉ giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy, phát triển chất lượng đời sống của người dân nơi đây. Vì vậy, cần đẩy mạnh phát triển đa dạng hơn nữa các hoạt động văn hóa du lịch của tỉnh Điện Biên trong năm 2025.

Lễ hội đua thuyền Đuôi Én và Giải Vô địch dù lượn quốc gia

 

SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH ĐIỆN BIÊN

Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"

;