Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến nay, cùng với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng thì lĩnh vực văn hóa cũng đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần kiến tạo nền tảng tinh thần xã hội, trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng, đảm bảo quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những thách thức mới đang đặt ra, từ đó có giải pháp khả thi để tiếp tục gìn giữ, phát triển và chấn hưng nền văn hóa dân tộc là việc làm cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
1. Đặt vấn đề
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và thế giới có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, khó dự báo, như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; cuộc xung đột Nga - Ukraine, đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã gây ra những hệ lụy lớn cho đời sống xã hội. Hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, dẫn đến suy giảm tăng trưởng và gia tăng rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế; các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống; biến đổi khí hậu, thiên tai, động đất,... diễn ra với tần suất cao hơn, gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, khu vực; tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Trước những thách thức đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành kịp thời nhiều quyết sách quan trọng nhằm ổn định tình hình chính trị, đảm bảo an sinh xã hội và tìm kiếm những giải pháp khả thi để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Cùng với những kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng thì văn hóa cũng có nhiều khởi sắc, tạo được những dấu ấn quan trọng.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021- Ảnh: Tuấn Minh
2. Những kết quả đạt được
Vị trí, vai trò của văn hóa được khẳng định, đề cao
Điểm nhấn quan trọng trong lĩnh vực văn hóa thời gian qua là nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa ngày càng được nâng cao. Điều này nhằm khắc phục “điểm nghẽn” trong phát triển văn hóa bấy lâu nay là nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về văn hóa chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, thậm chí có nơi còn xem nhẹ văn hóa. Vì nhận thức phiến diện nên việc quan tâm, đầu tư cho văn hóa còn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa chưa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và sức mạnh nội sinh của sự phát triển.
Đến Đại hội XIII, trên cơ sở kế thừa, phát huy những quan điểm chỉ đạo, những bài học kinh nghiệm về phát triển văn hóa ở những giai đoạn, thời kỳ trước, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách, xây dựng những chương trình hành động cụ thể nhằm quán triệt, đưa nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống.
Phát triển văn hoá là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất"(1).
Về những điểm mới, nổi bật trong nhiệm vụ phát triển văn hóa nhiệm kỳ Đại hội XIII mà Đảng đề ra, đó là “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(2), đồng thời cần “khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”(3).
Để khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, đưa nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống, Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan bộ, ngành xây dựng kế hoạch, tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo nhằm khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa cũng như tìm kiếm những giải pháp để khơi thông mạch nguồn văn hóa, chuyển hóa nguồn lực văn hóa trở thành sức mạnh, đảm bảo quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Ngay sau Đại hội Đảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24-11-2021) được tổ chức với quy mô lớn sau 75 năm kể từ Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24-11-1946). Hội nghị đã quy tụ được đông đảo giới văn nghệ sĩ, trí thức; các nhà khoa học, người làm công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa và các cơ quan, bộ, ngành liên quan, các địa phương tham gia, hưởng ứng. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định và đánh giá cao vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự tồn vong của dân tộc, đất nước: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn”(4).
Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư đề nghị các cấp các ngành cần tập trung thực hiện thật tốt 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp trọng tâm, như: Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội.
Sau Hội nghị văn hóa toàn quốc, các hội thảo về văn hóa như Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ VHTTDL; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức (ngày 29-11-2022). Hội thảo đã chỉ rõ tính cấp thiết cần phải nghiên cứu, xác định và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; làm sâu sắc hơn vai trò của từng hệ giá trị và mối quan hệ biện chứng giữa các giá trị đó trong xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, trong đó nhấn mạnh lấy chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm; hệ giá trị gia đình là cơ bản; hệ giá trị văn hóa là nền tảng, hệ giá trị quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao cả, chi phối các hệ giá trị khác.
Về nội dung của các hệ giá trị, kết luận Hội thảo nhấn mạnh: Về hệ giá trị con người Việt Nam cần xây dựng gồm 8 giá trị chủ yếu là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị nền tảng: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị cơ bản: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng, ngày 17-12-2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Hội thảo là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước thảo luận, làm rõ vấn đề lý luận, thực tiễn, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách để huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển văn hóa trong bối cảnh mới.
Năm 2023 tròn 80 năm ngày Đảng ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - một văn kiện được xem là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, đặt nền móng và định hướng cho sự vận động và phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam với ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng. Nhằm khẳng định tầm nhìn của Đảng về văn hóa cũng những giá trị mang tầm thời đại của bản đề cương, Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” (ngày 27-2-2023).
Có thể nói sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, các cấp các ngành từ Trung ương đã tổ chức hàng loạt các hội thảo, tọa đàm, các diễn đàn khoa học nhằm trao đổi, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, người làm công tác văn hóa, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục những rào cản, những “điểm nghẽn” để văn hóa không ngừng phát triển. Thông qua các diễn đàn cũng như tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, internet, mạng xã hội, đã góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong tiến trình lịch sử cũng như trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giao lưu, hội nhập quốc tế.
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam" - Ảnh: Tuấn Minh
Tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hóa
Nhằm tạo môi trường và những điều kiện thuận lợi cho văn hóa phát triển, Nhà nước đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách quan trọng, tạo cơ sở hành lang pháp lý để huy động sự tham gia của các chủ thể, các cá nhân, tổ chức cùng chung sức đồng lòng với quyết tâm gìn giữ, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, trên cơ sở ý kiến đề xuất của các bộ ngành và Chính phủ, ngày 15/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15. Luật gồm 8 chương, 50 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023, thay thế Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009.
Cùng với Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa (ban hành năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009) sau 20 triển khai và thực thi, một số điều khoản của Luật bộc lộ những bất cập, hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của bối cảnh, tình hình mới, Bộ VHTTDL đã xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 năm 2024 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 năm 2024.
Theo Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Luật về Nghệ thuật biểu diễn, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực văn học; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022 - 2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định ; thông qua Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030”.
Song song với công tác xây dựng Luật thì Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, chiến lược hành động với những cam kết dành ưu tiên về nguồn nhân lực, vật lực cho phát triển văn hóa. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ) đề ra mục tiêu đến năm 2030, tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm và định kỳ 5 năm tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc.
Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và mức chênh lệch thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, Chiến lược nhấn mạnh: “Bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương”(5).
Nếu như ở những giai đoạn trước, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi chương trình kết thúc năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm, nhưng luôn ở mức thấp. Trước thực trạng đó, ngày 15-5-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 515/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025. Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực cụ thể, gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa,...
Cùng với các chương trình, chiến lược về phát triển văn hóa, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ) cũng đã dành những ưu tiên cần thiết về nguồn vốn đầu tư cho phát triển văn hóa, nhất là văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng cũng như quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, các địa phương đã xây dựng những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cần thiết để đầu tư và những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của văn hóa, phát huy mạnh mẽ giá trị và nguồn lực văn hóa trong quá trình phát triển.
Nếu như ở giai đoạn trước Đại hội XIII, mức đầu tư cho phát triển văn hóa từ nguồn ngân sách nhà nước và các địa phương cho văn hóa đạt khoảng 1,6-1,7%, thì đến giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn đầu tư phát triển văn hóa từ ngân sách nhà nước đã có sự gia tăng đáng kể. Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách nhà nước, trong đó đã quyết định số vốn ngân sách trung ương đầu tư phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng (đầu tư tại các bộ, cơ quan trung ương là 4.445 tỷ đồng; đầu tư tại địa phương 5.021 tỷ đồng), gấp 2,26 lần so kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (tổng số là 4.170 tỷ đồng; trong đó đầu tư tại các cơ quan trung ương 1.985 tỷ đồng và đầu tư tại địa phương 2.185 tỷ đồng)(6). Một số tỉnh, thành phố cũng đã cam kết bố trí nguồn ngân sách tương xứng để dành ưu tiên cho mục tiêu phát triển văn hóa. Nghị quyết 71-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đã đề ra mục tiêu nâng mức đầu tư cho văn hóa đạt tối thiểu 4% tổng chi ngân sách của tỉnh. Doanh thu của dịch vụ văn hóa sẽ đóng góp từ 3-5% tổng thu nhập của tỉnh. Đối với Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, Thủ đô sẽ dành khoảng 14.000 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực phát triển văn hóa, cả văn hóa vật thể và phi vật thể.
Trình diễn hát xoan tại Tuần Văn hóa, Du lịch đất Tổ năm 2023 - Ảnh: Tuấn Minh
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa không ngừng được quan tâm; hệ thống các thiết chế văn hóa ngày càng đầy đủ; các hoạt động văn hóa văn nghệ được tổ chức, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và quyền thụ hưởng văn hóa của nhân dân
Phát triển trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sáng tạo, thực hành và tiếp nhận văn hóa của người dân. Tuy nhiên với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thích ứng trong điều kiện bình thường mới, các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân đã có những đóng góp tích cực, thúc đẩy sự phát triển của văn hóa.
Một thành tựu nổi bật trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là thời gian qua là Việt Nam đã có thêm một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Maroc, ngày 29-11, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Trước đó vào ngày 26/11/2022, tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra ở thành phố Andong (Hàn Quốc), Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) đã thông qua 2 hồ sơ “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” và “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là những minh chứng sinh động cho thấy những nỗ lực của Việt Nam và chủ nhân của những di sản - cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và phát huy và quảng bá giá trị di sản văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các hoạt động của đời sống xã hội nhưng với nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tích cực, chủ động của người dân, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng và chuyên nghiệp được tổ chức, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng. Một số hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao mang tầm khu vực được tổ chức ở Việt Nam tạo được ấn tượng tốt với du khách trong và ngoài nước như: Chuẩn bị và tổ chức tốt Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI diễn ra từ ngày 8 đến 12-11-2022 tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 800 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế, 123 bộ phim của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Liên hoan phim không chỉ là sự kiện văn hóa, điện ảnh quan trọng mà còn là hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ, quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách.
Tổ chức thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31). Tại lần Đại hội này, đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công, đứng thứ nhất toàn đoàn, với tổng số 446 huy chương các loại, phá nhiều kỷ lục của Đại hội ở các môn Bơi, Điền kinh, Cử tạ, đặc biệt đã bảo vệ thành công huy chương vàng SEA Games của môn Bóng đá nam và huy chương vàng SEA Games lần thứ 7 của đội tuyển bóng đá nữ. Tại SEA Games 32, được tổ chức tại Campuchia, vượt qua nhiều khó khăn, với thành tích rực rỡ, lần đầu tiên đoàn thể thao Việt Nam xếp số 1 chung cuộc khi không là nước chủ nhà.
Để khai thác và phát huy tốt nguồn vốn văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm chú trọng với việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo mọi điều kiện để các ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam có thế mạnh như: Điện ảnh; Quảng cáo; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, đặc biệt là du lịch tăng tốc, phát triển. Đối với ngành du lịch, bằng nhiều biện pháp ứng phó linh hoạt trong bối cảnh mới và những cách làm sáng tạo, kết thúc năm 2022, “Việt Nam đã đón và phục vụ khoảng 104,8 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 3,5 triệu lượt khách quốc tế và 101,3 triệu lượt khách nội địa. Con số này cho thấy du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ và vượt qua dự báo. Tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách; vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra đại dịch COVID-19)”(7).
Đối với ngành VHTTDL, đã tạo dấu ấn sâu đậm, với phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa; tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện chính sách và khơi thông nguồn lực văn hóa; tham mưu để Bộ Chính trị tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, báo cáo Ban Bí thư chấp thuận chủ trương tổ chức chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, tạo sự lan tỏa trong xã hội về ý nghĩa, vai trò của văn hóa và phương châm phát triển văn hóa trong giai đoạn mới.
Đánh giá khái quát về những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức rất thành công, đã tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được dư luận rộng rãi trong cả nước hoan nghênh và đồng tình, ủng hộ cao. Qua đó, các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn và hành động tích cực, có hiệu quả hơn đối với vấn đề phát triển văn hóa, xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước đi”(8).
3. Kết luận
Có thể khẳng định rằng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vai trò quản lý nhà nước ngày càng đậm nét của Bộ VHTTDL và sự quyết tâm, đồng thuận của nhân dân, đời sống văn hóa ngày càng khởi sắc, đóng góp những giá trị mới để kiến tạo nền tảng tinh thần lành mạnh, trở thành động lực, sức mạnh quan trọng, đảm bảo quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được thì bối cảnh mới cũng đang đặt ra những thách thức cho lĩnh văn hóa, đó là khoảng cách giàu nghèo; mức chênh lệch về đời sống văn hóa giữa các vùng miền còn lớn; môi trường văn hóa ở một số nơi còn bị ô nhiễm bởi những thói hư tật xấu, những hủ tục lạc hậu. Các loại hình, sản phẩm văn hóa văn nghệ còn đơn điệu, còn thiếu những tác phẩm lớn để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Tình trạng nhập khẩu dễ dãi các sản phẩm văn hóa ngoại lai. Sự lấn át, “xâm lăng” văn hóa diễn biến phức tạp. Sự chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa ngày càng tinh vi, quyết liệt. Công tác quản lý các sản phẩm, hoạt động văn hóa, văn nghệ trên không gian mạng và môi trường số đứng trước những thách thức mới. Việc bố trí nguồn nhân lực, cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là văn hóa cơ sở còn có những khó khăn, bất cập…
Về định hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển văn hóa từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân… Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn… Nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóá, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp. Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội”(9).
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tinh thần chủ động, tích cực của các địa phương và sự tham gia nhiệt tình của nhân dân, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam chắc chắc sẽ có những khởi sắc. Ngày nay, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển mà văn hóa còn là sức mạnh mềm quan trọng, quyết định đến sự thành bại của các quốc gia. Việc khơi thông nguồn lực văn hóa từ sự đổi mới trong tư duy lãnh đạo, tầm nhìn chiến lược và năng lực xây dựng cơ chế, chính sách từ các cơ quan quản lý là một trong những yếu tố quan trọng để phát huy giá trị văn hóa và sức sáng tạo của con người Việt Nam, từ đó hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
TS NGUYỄN HUY PHÒNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
____________________
1, 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.110-111, 143, 145.
4. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.157.
5. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ), Hà Nội.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “Chính sách đầu tư phát triển văn hóa – thực trạng và giải pháp”, in trong Kỷ yếu Hội thảo văn hóa 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, Bắc Ninh, tháng 12-2022, quyển 1, tr.309.
7. 10 sự kiện, vấn đề nổi bật về văn hóa, thể thao và du lịch năm 2022, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 31-12-2022.
8, 9. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII”, Báo Nhân Dân, ngày 18-5-2023, tr.2-3.