Xu hướng phát triển của xuất bản trước làn sóng công nghệ mới

ChatGPT, AI cùng một loạt công nghệ mới từ hoạt động chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, mà xuất bản cũng biểu hiện như một trong những lĩnh vực điển hình chịu sự tác động từ những đổi thay ấy. Vậy, diện mạo ngành Xuất bản đã thay đổi như thế nào trước những tác động đó; các tác giả, đơn vị xuất bản đã làm gì để tận dụng những ưu việt của công nghệ mới nhằm phát triển ngành công nghiệp sáng tạo nội dung này?

1. Sự bùng nổ của xu hướng tự xuất bản

Tự xuất bản trên thế giới vốn đã xuất hiện một thời gian. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự bùng nổ khi có sự tác động mạnh mẽ từ những thay đổi trong công nghệ xuất bản hiện đại. Trong hơn một thập kỷ qua, hoạt động tự xuất bản liên tục phát triển, trở thành một điểm nhấn tiềm năng trong lĩnh vực xuất bản nhờ áp dụng sách nói, sách điện tử và sự thúc đẩy hoạt động của các công ty xuất bản trực tuyến.

Theo số liệu của Statista, có khoảng 153.000 mã số ISBN được gán cho sách tự xuất bản tại thị trường Mỹ năm 2010. Đến năm 2018, con số đó đã lên tới hơn 1,6 triệu cuốn sách. Năm 2020, đại dịch COVID-19 và sự phổ biến của sách điện tử càng đẩy xu hướng này đi xa hơn. Các tác giả, đặc biệt là các tác giả mới, hướng nhiều sự chú ý đến việc tự xuất bản vì họ được thỏa sức sáng tạo và sản xuất sách theo cách của mình. Thay vì việc một nhà xuất bản chọn thiết kế bìa, quản lý việc chỉnh sửa và định giá sách thì khi tự xuất bản, các tác giả sẽ chịu trách nhiệm. Smashwords, nhà phân phối gần một nửa số sách điện tử tự xuất bản, ghi nhận số lượng tác giả họ làm việc cùng đã tăng 5,3% và chỉ riêng số sách xuất bản năm 2022 đã tăng 5,7%. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, số lượng sách tự xuất bản đã tăng 264%; doanh thu từ mảng này cũng đạt gần 1,25 tỷ USD mỗi năm (theo trang nghiên cứu số liệu Wordsrated). Trên Amazon, có hơn 1.000 tác giả (tự xuất bản) đã kiếm được hơn 100.000 USD nhuận bút chỉ tính riêng trong năm 2022; và nền tảng này đã phải trả hơn 250 triệu USD tiền bản quyền cho các tác giả tự xuất bản mỗi năm (1).

Tại châu Á, với dân số 4,2 tỷ người, chiếm 60% dân số thế giới, cùng sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ và internet, châu lục này đang là thị trường đầy tiềm năng cho mô hình tự xuất bản điện tử nở rộ. Hai đại diện nổi bật nhất của châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản hiện nằm trong top 6 thị trường tự xuất bản điện tử của thế giới, bên cạnh các quốc gia hàng đầu là: Mỹ, Anh, Pháp, Đức. Dù đi sau châu Âu, châu Mỹ khá nhiều nhưng tự xuất bản điện tử ở châu Á đang có những bước đi ấn tượng.

Tại Việt Nam, tự xuất điện tử được dự báo sẽ bùng nổ trong những năm tới. Thị trường Việt Nam có đặc điểm là dân số đông, tỷ lệ người dùng internet rất cao, tốc độ tăng tỷ lệ người dùng internet đạt 7-8%/năm. Điều này gợi mở tiềm năng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho mọi nhu cầu về thông tin trong đời sống xã hội. Có thể thấy tự xuất bản đang giữ một vị trí quan trọng trong hệ sinh thái xuất bản. Phương thức xuất bản mới này ngày càng trở nên thu hút đối với các tác giả, những người có thể sản xuất tác phẩm của mình và thực hiện hoạt động truyền thông marketing, mang tác phẩm đến với bạn đọc.

2. ChatGPT, AI được thử nghiệm trong viết sách

Trước đây, việc xuất bản sách đòi hỏi nhiều công sức và thời gian để thực hiện các công đoạn: sửa lỗi chính tả, chỉnh định dạng, kiểm tra tác giả, tìm từ khóa liên quan...; đồng thời dễ xảy ra sai sót. Nhưng với sự ra đời của AI và ChatGPT, những việc này trở nên đơn giản hơn nhiều. Các ứng dụng AI có thể tự động sửa lỗi chính tả, định dạng văn bản, tìm kiếm thông tin và lọc dữ liệu. Ngoài ra, AI còn có khả năng tự động dịch văn bản sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, giúp cho các tác phẩm được xuất bản và phân phối trên toàn cầu. ChatGPT cũng hỗ trợ người đọc tìm kiếm thông tin liên quan đến sách và báo, cập nhật về những tác phẩm mới nhất, quản lý hàng tồn kho và tiền lương cho nhân viên.

Một số công ty công nghệ, nhà xuất bản lớn cũng như các cá nhân có trình độ cao đã ứng dụng AI vào hoạt động của mình. Trong cửa hàng Kindle của Amazon hiện có hơn 200 cuốn sách điện tử được viết bởi ChatGPT và con số này không ngừng gia tăng. Theo báo cáo của Trường Truyền thông và báo chí USC Annenberg: AI chưa sẵn sàng để viết một cuốn sách bán chạy nhất, nhưng nó là một công cụ mạnh mẽ có thể cải thiện các tình tiết và tăng mức độ tương tác của khán giả. Sau sự thành công gần đây của một tác giả trẻ khi dùng AI để viết sách thiếu nhi, có thể không lâu nữa thế giới sẽ thấy AI viết tiểu thuyết ngày càng nhiều (2). Câu chuyện tự xuất bản đầu sách Con sóc nhỏ khôn ngoan: Câu chuyện về tiết kiệm và đầu tư là một câu chuyện dành cho trẻ em dài 30 trang do AI viết và vẽ minh họa, đang được bán với giá 2,99 USD cho bản kỹ thuật số và 9,99 USD cho bản in (3). Các ví dụ khác về nội dung do AI tạo ra trên Kindle Store bao gồm truyện thiếu nhi Sức mạnh của bài tập về nhà, một tập thơ có tên Tiếng vọng của vũ trụ và sử thi khoa học viễn tưởng kể về cuộc sống tại một trạm vũ trụ được gọi là Ngôi sao đỏ Volli - nơi mà tất cả các sinh vật ngoài hành tinh và con người cùng tồn tại và chung sống - mang tên Galactic Pimp: tập 1.

Theo một số ước tính, Mỹ hiện sản xuất tới bốn triệu cuốn sách mỗi năm, bao gồm xuất bản thương mại, tự xuất bản, tái bản, tài liệu thuộc phạm vi công cộng, xuất bản giáo dục... Cơn bão xuất bản đó không phải là vấn đề đối với các tác giả như Michelle Obama hay Hoàng tử Harry hay J.K Rowling hay John Grisham. Mọi người đều biết sách của họ. Thế nhưng đó là một vấn đề đối với hầu hết tác giả mới bởi vì rất khó để một cuốn sách được chú ý. Phiên bản tiếp theo của ChatGPT, sắp ra mắt, có thể tạo ra cuốn sách 60.000 từ trong khoảng 20 giây. Nó có thể sẽ không phải là tác phẩm văn học tuyệt vời, nhưng đủ tốt cho hầu hết mọi người, hầu hết mục đích và rất rẻ để sản xuất. Việc sử dụng AI sẽ lan nhanh ra các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. AI được áp dụng trong các công ty ở Hà Nội, TP.HCM… rồi đến địa phương khác tương tự như việc phủ internet trước kia. Chỉ khác là quá trình phủ AI/ChatGPT nhanh hơn, tối thiểu là 50% (4).

3. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của thị trường sách điện tử

Ngày nay, hoạt động xuất bản được coi là một trong những lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất, lớn nhất từ sự bùng nổ của khoa học, công nghệ. Về cơ bản, xuất bản điện tử là hình thức xuất bản, phổ biến thông tin ở định dạng số và phân phối cho người dùng tiềm năng trên internet và mạng nội bộ hoặc ở các định dạng độc lập như CD-ROM và đĩa mềm. Các thông tin trong xuất bản số có thể là văn bản, số liệu, đồ họa, hình ảnh tĩnh hoặc chuyển động, video, âm thanh, thậm chí là sự tích hợp của tất cả những dạng thông tin này.

Sách điện tử có những ưu điểm vượt trội hơn so với sách in truyền thống. Khi được tối ưu hóa trên các thiết bị lưu trữ điện tử, ưu điểm không thể phủ nhận của sách điện tử là khả năng tích hợp cao về nội dung, phương thức, hệ sinh thái, khả năng hỗ trợ tốt về công nghệ phù hợp nhu cầu hưởng thụ, tiếp cận của người dân. Mỗi thiết bị đọc có thể chứa hàng nghìn cuốn sách giúp độc giả có thể đọc mọi lúc, mọi nơi. Không những thế, độc giả cũng có thể chủ động điều chỉnh phông chữ lớn, nhỏ tùy thích, đọc ở trang chọn lựa và làm dấu trang đã đọc, liên kết với những trang mạng để đọc thêm những tài liệu liên quan đến một chủ đề, một từ ngữ, kể cả nghe nhạc và xem các hình ảnh. Ngoài ra, xét về tính thương mại, sách điện tử có lợi thế hơn trong các phương thức phát hành và phân phối.

Trên thế giới, mặc dù một cuộc khảo sát năm 2021 cho thấy định dạng sách được đọc nhiều nhất ở Mỹ vẫn là sách in, sách điện tử xếp thứ hai, với 30% số người được hỏi thích sách in hoặc sách nói hơn. Tỷ lệ người trưởng thành cho biết đã đọc sách điện tử trong năm ngoái có xu hướng dao động nhưng vẫn ở mức từ 20% đến 30% từ năm 2012 trở đi, trong khi việc nghe sách nói ít phổ biến hơn ở những người tham gia khảo sát. Một báo cáo toàn cầu bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh và Đức đã tiết lộ rằng kênh mua sách điện tử chính là Amazon, với hơn 60% số người được hỏi từ mỗi quốc gia cho biết họ đã mua sách điện tử ở đó. Dữ liệu về doanh thu xuất bản kỹ thuật số tại Mỹ cho thấy doanh thu xuất bản sách điện tử có thể đạt 5,4 tỷ USD vào năm 2027 (5). Đây có thể coi là một báo hiệu về tương lai thịnh vượng cho sách điện tử.

Tại Việt Nam, nhiều loại hình sách điện tử hiện đại đã ra đời với sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp phát hành sách điện tử với các doanh nghiệp công nghệ. Sự tăng trưởng ấn tượng của một số doanh nghiệp khởi nghiệp với các ứng dụng: sách nói Fonos, sách điện tử Waka, giải pháp công nghệ V&V với các nền tảng quảng bá và phát hành sách... sự có mặt của các ứng dụng này và các đơn vị vận hành phía sau với công nghệ mới, tư duy mới đã tạo ra làn sóng sản phẩm mới trong ngành Xuất bản. Fonos được coi như một hiện tượng điển hình trong bối cảnh phát triển. Công ty này hiện đang là đối tác chiến lược của hầu hết các nhà xuất bản lớn tại Việt Nam, mang đến hơn 3.000 nội dung độc quyền, trong đó có hơn 1.000 sách nói. Dù phải đối mặt với các vấn đề vi phạm bản quyền, doanh thu của Fonos vẫn đạt mức tăng trưởng trên 20% mỗi tháng. Hay Waka hiện đang hợp tác với hầu hết các nhà xuất bản và phát hành Việt Nam. Tính đến nay, Waka có vài triệu người đọc, sách điện tử của Waka bao gồm những hình thức như ebook, audiobook, truyện tranh xuất bản trên nền tảng điện tử có bản quyền lớn. Trên nền tảng này, bạn đọc có thể nghe, đọc sách mọi lúc, mọi nơi trên mọi thiết bị… (6). Sự phát triển này cho thấy xuất bản Việt Nam đang nỗ lực tiệm cận thị trường xuất bản thế giới về mặt công nghệ.

4. Chuyển đổi số trong ngành Xuất bản

Chuyển đổi số có thể mang đến những thay đổi ngày càng rõ nét trong các khâu xuất bản, truyền thông, phát hành. Thực tiễn ngành Xuất bản thế giới cho thấy, các quốc gia có nền xuất bản phát triển hiện đại đều là những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực xuất bản điện tử, xuất bản kỹ thuật số, tiêu biểu là các nước: Mỹ, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp…

Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản được thể hiện trên nhiều phương diện và quá trình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về công nghệ xuất bản, có bốn giai đoạn chính trong quá trình chuyển đổi số. Giai đoạn đầu tiên là số hóa các dữ liệu. Thứ hai là việc triển khai các ứng dụng, các nền tảng và một số hoạt động đơn giản hoặc hoạt động có tính lặp đi lặp lại nhiều, ví dụ như hoạt động hành chính, hoạt động kế toán. Thứ ba là ứng dụng các nền tảng vào quy trình trong xuất bản, từ khâu quản lý, đến khâu biên tập, phát hành, phát triển thị trường, truyền thông...
Đó là quá trình ứng dụng hiện nay các nhà xuất bản khác nhau thực hiện cũng rất khác nhau. Thứ tư là quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong các hoạt động của quy trình.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản đã từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, thể hiện rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử. Các hệ thống marketing, bán hàng tự động và bán tự động với trí tuệ nhân tạo như Chatbot, tự động gửi thông tin marketing qua thư điện tử, mạng xã hội theo sở thích, thói quen và nhu cầu riêng của từng khách hàng đang xuất hiện ngày một nhiều. Quy trình quản lý, quản trị hoạt động xuất bản cũng được thay đổi dựa trên ứng dụng công nghệ. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý các nội dung mà trước đây chỉ dành cho lao động trí tuệ cao như khâu biên tập, cũng đã được một số nhà xuất bản thực hiện.

Ở Việt Nam, chưa có nhà xuất bản nào có thể xây dựng, tập hợp, tích hợp được kho dữ liệu số thực sự lớn; mỗi đơn vị xuất bản chỉ mới số hóa được một phần nhỏ nguồn tài nguyên nội dung họ đang có. Do đó, cần phải cải cách thể chế quản lý, cơ chế vận hành và cơ chế sử dụng nguồn nhân lực, tập trung nguồn tài nguyên nhằm tạo điều kiện môi trường xuất bản kỹ thuật số hiện đại. Đồng thời, cần tăng cường số hóa các xuất bản phẩm, tạo ra các xuất bản phẩm số với nhiều hình thức khác nhau: sản phẩm số hóa văn bản (CD-ROM, DVD-ROM, ebook) hoặc sản phẩm âm thanh (sách nói - Audiobook), sách tương tác… song song với việc đa dạng hóa hơn nữa các hình thức marketing, thương mại điện tử để thúc đẩy hơn nữa nhu cầu đọc trong xã hội, đặc biệt với các thế hệ trẻ hiện nay.

______________

1, 5. Tổng hợp từ trang statista.com.

2. Tổng hợp từ trang annenberg.usc.edu.

3. Anh Vũ, ChatGPT: Khi AI thành tác giả xuất bản sách, laodong.vn, 23-2-2023.

4. Tình Lê, ChatGPT viết sách 60.000 từ trong 20 giây và lo ngại của Chủ tịch Alpha Books, vietnamnet.vn, 17-4-2021.

6. PV, Sách điện tử - sự chuyển dịch của lĩnh vực xuất bản, ictvietnam.vn, 22-11-2022.

NGUYỄN THỊ NGỌC LÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023

;