Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh tại các tỉnh phía Nam

Hiện nay, các cơ sở đào tạo điện ảnh, nhất là các cơ sở đào tạo dân lập, chủ yếu là ở phía Nam, nói đúng hơn là ở TP.HCM, một địa phương luôn được xem là năng động nhất nước. Có địa điểm đào tạo tại thành phố năng động như vậy, với thị trường điện ảnh được xem là lớn nhất nước, với nguồn tuyển dồi dào do nhu cầu xã hội và khả năng sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội về việc làm đúng ngành nghề đào tạo, các cơ sở đào tạo này thường được biết đến với truyền thống “năng động trong môi trường năng động” cũng như sự hiếu học, đam mê nghệ thuật và nghề nghiệp điện ảnh của nhiều thế hệ sinh viên, người học.

Dù cơ chế, cung cách quản lý, vận hành và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh có thể khác nhau, nhưng do cùng thực hiện mục tiêu đào tạo chung của nhà nước, nên sản phẩm đào tạo của các trường góp phần đáng kể, dù ở nhiều mức độ khác nhau, vào sự nghiệp đào tạo nói chung. Nhìn chung, mỗi cơ sở đào tạo, không phân biệt công lập hay dân lập, đều có thế mạnh, hạn chế, thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức riêng để phát huy và khắc phục. Trong sự đa dạng của các hệ đào tạo, bên cạnh chính quy, các chương trình đào tạo vừa làm, vừa học, liên thông, ngắn hạn, du học tại chỗ… đang ngày càng có nhu cầu cao. Tương tự như vậy là hệ cao học với hai chuyên ngành Nghệ thuật Điện ảnh - Truyền hình hoặc Lý luận, Lịch sử và phê bình điện ảnh - truyền hình.

Mặt khác, với khuynh hướng thiên về đào tạo ứng dụng, hiện không chỉ đối với các hệ đào tạo ngắn hạn (như xu hướng, phương thức chung trong đào tạo của nhiều nước có nền điện ảnh phát triển trên thế giới), nhu cầu về đổi mới chương trình, giáo trình để phù hợp, tương thích và nhất là nhu cầu về trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho đào tạo… đã và đang trở thành những nhu cầu cấp thiết đối với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh ở phía Nam.

Nhà trường, cơ sở đào tạo điện ảnh, là nơi nhận biết được những tiềm năng nghệ thuật của người học và có phương pháp khai thác, bồi dưỡng để tiềm năng ấy phát triển. Liên quan đến vấn đề này, phải kể đến phương thức tuyển sinh, phương pháp giảng dạy, mục tiêu giảng dạy - truyền nghề, môi trường, điều kiện hỗ trợ đào tạo...

Trên thực tế, nhiều cơ sở đào tạo điện ảnh phía Nam bằng việc thông qua hoạt động giảng dạy, đã chuyển giao cho học viên một hệ thống kiến thức cơ bản, nhưng cơ bản không có nghĩa là đủ. Ngoài ra, đào tạo nhân lực điện ảnh là đào tạo nghệ thuật đặc thù, đào tạo tài năng, nên không thể đào tạo theo hình thức đại trà, phổ cập, càng không thể đào tạo theo phong trào.

Đối với đào tạo tài năng nghệ thuật điện ảnh càng cần sự đồng bộ, cân đối về ngành nghề, phù hợp về nhiều phương diện, điều kiện, yếu tố khách quan và chủ quan: chính sách vĩ mô, hệ thống cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thương hiệu, năng khiếu - nhu cầu của người học, nguồn tuyển, cơ hội việc làm, cơ chế dung nạp tài năng, hội nhập quốc tế…

Trường hợp bộ phim Parasite ( sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon Ho đoạt giải Oscar năm 2020 ở nhiều hạng mục quan trọng như một ví dụ cho thấy sự thành công của nền điện ảnh Hàn Quốc có được qua hành trình phát triển của nhiều thế hệ, ngành nghề điện ảnh như biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ thiết kế, lý luận phê bình, nhạc sĩ, nhà sản xuất… Từ đó, có thể nhận định, một nền điện ảnh khó có thể phát triển nếu không có sự cân đối, đồng bộ trong đào tạo hoặc thiếu đi sự hợp tác, cộng hưởng từ tất cả các ngành nghề, từ chính các cơ sở đào tạo của loại hình nghệ thuật tổng hợp này.

Cũng do điện ảnh là ngành nghệ thuật tổng hợp, là sự tổng hòa của nghệ thuật, công nghệ và kinh tế nên một tác phẩm điện ảnh là kết quả, sự kết hợp của nhiều ngành nghề, công đoạn, thành phần sáng tạo khác nhau, trong khi ở nhiều cơ sở đào tạo, việc đào tạo chưa tạo được những êkíp giỏi theo cơ chế liên tài. Trên thực tế, điện ảnh Việt Nam đã có những đạo diễn, quay phim, biên kịch giỏi nhưng họ chưa có sự gắn kết; cùng với đó là việc đào tạo còn mất cân bằng, chưa đồng đều ở các ngành nghề.

Hiện đã có sự khắc phục nhưng sự mất cân đối trong đào tạo các ngành nghề điện ảnh thể hiện trước hết ở nhu cầu của người học. Dù các ngành nghề điện ảnh không ít nhưng trong thi đầu vào, đa số thí sinh vẫn muốn học các chuyên ngành diễn viên, đạo diễn. Do đào tạo theo nhu cầu xã hội và xu hướng chọn ngành nghề của người học, nên ngoài các trường công lập, đại đa số các cơ sở đào tạo dân lập chủ yếu là đào tạo các chuyên ngành Diễn viên, Đạo diễn, ngoài ra là Quay phim. Điều đó góp phần dẫn đến thực trạng, đã và đang trở thành khuynh hướng, xu thế trong đầu vào đào tạo với các chuyên ngành là sự mất cân đối, vừa thừa vừa thiếu. Điều này xuất phát từ nhu cầu xã hội, người học (khách quan) và nhiều cơ sở đào tạo (chủ quan) trong đào tạo điện ảnh.

Cũng có thể nhận định, vấn đề lớn nhất cản trở cơ hội phát triển bền vững của nền điện ảnh Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực chưa đủ mạnh và thiếu nền tảng đào tạo hiện đại, bài bản, cập nhật với hội nhập quốc tế. Nhưng vấn đề quan ngại không kém, là nhiều cơ sở đào tạo điện ảnh tại Việt Nam hiện chưa hội đủ điều kiện cần và đủ để tạo ra nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh với thế giới. Điều đó cũng cho thấy, nhiều cơ sở đào tạo chưa có sự đồng bộ, tiên tiến, hiện đại trong hệ thống giáo trình; nhiều giáo trình chưa được thay đổi, cập nhật; nhất là phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho việc đào tạo mang nhiều tính ứng dụng đa ngành nghề còn thiếu nhiều so với nhu cầu đào tạo công nghệ điện ảnh hiện đại.

Trong xu hướng chọn lựa ngành học trong nước, có một thực tế, nhiều thí sinh đăng ký thi tuyển vào các trường đào tạo điện ảnh chủ yếu lựa chọn khoa đạo diễn hay diễn viên. Riêng người đi học nước ngoài thì đa số muốn học làm đạo diễn, ít có ai muốn theo học ngành nghề khác; và Nhà nước khi xây dựng, phê duyệt chỉ tiêu lại chủ yếu căn cứ theo đề xuất của bộ chủ quản, thông qua các cơ sở đào tạo. Trong khi đó, đạo diễn dù là “linh hồn của bộ phim” hoặc “phim tác giả, đạo diễn là tác giả” nhưng với loại hình nghệ thuật điện ảnh, không phải chỉ có đạo diễn là giải quyết được tất cả các vấn đề nghệ thuật và kỹ thuật. Có đạo diễn giỏi nhưng kịch bản, quay phim, diễn xuất, hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo… không đạt yêu cầu thì sẽ ảnh hưởng nhiều mặt tới chất lượng chung của tác phẩm. Nói cách khác, để tạo ra một bộ phim chất lượng cần có chất lượng đồng bộ, tương ứng, toàn diện ở tất cả các khâu.

Thực tế trên còn liên quan tới việc cử đi học ở nước ngoài, hằng năm, số lượng sinh viên ngành Điện ảnh đều được cử đi đào tạo tại Liên bang Nga, Mỹ, Úc, Anh… theo đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030. Tuy nhiên, bên cạnh việc lựa chọn đúng tài năng, việc đưa đi đào tạo khi sắp xếp, cân đối chỉ tiêu, các ngành được ưu tiên vẫn là đạo diễn, quay phim, diễn viên… Trong đó, các ngành khác cũng quan trọng không kém là Biên kịch, Thiết kế mỹ thuật, Nhà sản xuất phim... hầu như không có. Chưa kể, đối với những ngành quan trọng hàng đầu khác, trong đó Biên kịch có năm thí sinh dự thi còn ít hơn cả chỉ tiêu tuyển sinh.

Số lượng sinh viên ngành Điện ảnh được Nhà nước cử đi học từ ngân sách chưa nhiều, mỗi năm trên 10 người, trong khi đã có nhiều học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông yêu thích điện ảnh và đi học nước ngoài theo những con đường khác nhau. Dù vậy, ngành học chủ yếu của những học sinh này vẫn là đạo diễn. Nhu cầu có thật này càng cho thấy sự cần thiết trong việc khắc phục thực trạng mất cân bằng trong đào tạo giữa những ngành nghề trong lĩnh vực điện ảnh, không chỉ từ nhu cầu của người học.

Vài nét thực trạng tại các cơ sở đào tạo nhân lực điện ảnh phía Nam

Hiện nay, ngoài hai cơ sở đại học công lập (trực thuộc Bộ VHTTDL) đào tạo các chuyên ngành điện ảnh là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM còn có gần 10 cơ sở đại học, cao đẳng khác đào tạo một số chuyên ngành điện ảnh, như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Văn Lang, Trường Cao đẳng Truyền hình Hà Nội, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TP.HCM, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch Sài Gòn.

Trong đó, các Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc 2 Đại học quốc gia Hà Nội và TP.HCM, ở bộ môn Nghệ thuật học (Khoa Văn học) có đào tạo chuyên ngành Lý luận, Lịch sử và phê bình điện ảnh - truyền hình và chủ yếu ở hệ cao học, hoặc bộ môn Quản lý chuyên ngành (Khoa Văn hóa học), chủ yếu ở hệ nghiên cứu sinh. Riêng các cơ sở đào tạo dân lập có đào tạo các chuyên ngành điện ảnh hoàn toàn thuộc phía Nam, trong đó chủ yếu tại TP.HCM. Trong số đó, một trong các trường đại học đào tạo đa ngành, sau khi được phép mở mã ngành, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tuyển sinh ba chuyên ngành Điện ảnh - Truyền hình (Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình, Đạo diễn điện ảnh - truyền hình và Quay phim) từ năm học 2019-2020. Còn theo đề án tuyển sinh đại học chính quy cho năm 2021-2022, Trường Đại học Văn Lang dự kiến tuyển sinh 7.000 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy với 50 ngành, nhất là đào tạo 2 chuyên ngành Điện ảnh - Truyền hình (Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình và Đạo diễn điện ảnh - truyền hình). Với mục tiêu chiến lược trở thành trường đại học đa ngành, có vị thế trong hệ thống các trường đại học ứng dụng của Việt Nam và trong khu vực, trường đã mở rộng các ngành đào tạo, trong đó chú trọng nhóm ngành xã hội nhân văn và nghệ thuật để dần tạo lập không gian văn hóa nghệ thuật đa dạng và chất lượng cho hệ thống đại học của trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực tài năng, chuyên nghiệp, được đào tạo khoa học và bài bản cho lĩnh vực sân khấu, điện ảnh như đạo diễn, diễn viên, biên kịch… Trường Đại học Văn Lang đã thành lập khoa Nghệ thuật, Sân khấu và Điện ảnh vào tháng 6-2020, được phép mở mã ngành và đào tạo từ năm học 2020-2021. Theo đó, hai chuyên ngành đào tạo Điện ảnh - Truyền hình nói trên thuộc khoa này. Trường Đại học Tôn Đức Thắng đào tạo nhiều chuyên ngành (40 chuyên ngành chương trình tiêu chuẩn, 17 chuyên ngành chương trình chất lượng cao, 7 chuyên ngành chương trình học 2 năm đầu tại Nha Trang, 4 chuyên ngành chương trình học 2 năm đầu tại Bảo Lộc, 12 chương trình học bằng tiếng Anh). Ngoài 4 chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật (công nghiệp, đồ họa, thời trang và nội thất), điều đáng nói là trường không đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật, và cũng không đào tạo các chuyên ngành điện ảnh. Tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM, ngoài các chuyên ngành Thanh nhạc, Nhiếp ảnh và 3 chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật (thời trang, công nghiệp, hội họa), có đào tạo chuyên ngành Diễn viên kịch, điện ảnh và Đạo diễn Sân khấu. Trong khi đó, thuộc hệ thống các trường cao đẳng đa ngành, Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn đào tạo các hệ cao đẳng và trung cấp (được liên thông lên cao đẳng, đại học từ 1-1,5 năm tại trường); trong 38 chuyên ngành thuộc 14 khoa, khoa Nghệ thuật của trường này đào tạo 3 chuyên ngành là Đạo diễn Sân khấu, Diễn viên kịch, điện ảnh và Quay phim. Để có cơ sở so sánh, hiện Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội có 9 khoa; 6 phòng chức năng và 4 đơn vị trực thuộc trường. Dự kiến đến năm 2030, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội có gần 2.000 sinh viên. Trường đào tạo hệ đại học chính quy với 11 ngành (gồm 26 chuyên ngành), ngoài ngành Diễn viên kịch - điện ảnh, ngành Biên kịch điện ảnh - truyền hình có 2 chuyên ngành (Biên kịch điện ảnh và Biên tập truyền hình), ngành Đạo diễn Điện ảnh - Truyền hình và Quay phim (mỗi ngành đều có 2 chuyên ngành dành cho Điện ảnh và Truyền hình), ngành Thiết kế Mỹ thuật Sân khấu - Điện ảnh có 4 chuyên ngành. Trong khi đó, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM có 6 khoa; 4 phòng chức năng và 3 đơn vị trực thuộc trường. Trường tuyển sinh hằng năm trung bình khoảng 300 sinh viên hệ đại học, chủ yếu cho các chuyên ngành như Diễn viên kịch, điện ảnh, Đạo diễn Sân khấu, Đạo diễn điện ảnh - truyền hình và Quay phim.

Tại cơ sở đào tạo trên, trong cơ cấu và chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành hằng năm, số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào các chuyên ngành Diễn viên, Đạo diễn vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo (thậm chí số lượng hồ sơ ngành Diễn viên có năm đạt trên 1.300, ngành Đạo diễn trên 1.000; trong khi có ngành khác chưa đến 100).

Xét trong tương quan với các trường dân lập, hay với cơ sở công lập là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM không đào tạo nhiều chuyên ngành, và vì thế cũng không có đông giảng viên và sinh viên. Tuy nhiên, xét theo nhu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo điện ảnh - truyền hình, trường còn thiếu nhiều, ảnh hưởng đáng kể tới chương trình và quá trình đào tạo mang tính ứng dụng cao.

Nhìn chung, việc đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh tại các cơ sở đào tạo phía Nam có một số đặc điểm:

Những đặc điểm, sự tác động, ảnh hưởng của lịch sử, hội nhập quốc tế

Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo trước đây với nhiều thế hệ đa phần được đào tạo tại Liên Xô cũ và các nước XHCN, Mỹ, các nước Tây Âu… hiện còn các bộ phận tiếp tục sự nghiệp đào tạo, quản lý đào tạo. Đội ngũ giảng viên các thế hệ sau được đào tạo tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia… đa phần còn trẻ, có thế mạnh là cập nhật, tiếp thu, bổ sung chương trình đào tạo mới, tiên tiến, mang tính hội nhập quốc tế cao; khó khăn trong việc cân đối giữa giảng viên có kinh nghiệm, tác phẩm, thương hiệu, nghiệp vụ sư phạm với giảng viên có danh hiệu (NSND, NSƯT).

Việc đầu tư cho các cơ sở đào tạo công lập chưa xứng tầm với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa phù hợp, theo kịp với hội nhập quốc tế về đào tạo; phương tiện, trang thiết bị còn thiếu nhiều so với nhu cầu đào tạo công nghệ điện ảnh hiện đại; việc gửi nhân sự đi đào tạo ở nước ngoài chưa tương thích với nhu cầu phát triển của nền điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc, với chương trình đào tạo tiên tiến, với công nghệ đào tạo hiện đại.

Các cơ sở đào tạo công lập, có thương hiệu và quá trình đào tạo

Ưu điểm: Đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên, nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà hoạt động điện ảnh; Chương trình đào tạo tài năng theo đề án của Chính phủ tạo điều kiện nhiều mặt cho đào tạo tài năng điện ảnh; có thương hiệu và có quá trình, thâm niên đào tạo, có kinh nghiệm đào tạo các chuyên ngành theo định hướng của Nhà nước, theo nhu cầu phát triển nền điện ảnh dân tộc; hướng tới đào tạo đầy đủ các ngành, chuyên ngành và theo nhu cầu xã hội; đảm bảo sự ổn định trong nguồn tuyển và ngày càng chuyên nghiệp hóa trong tuyển sinh; đội ngũ giảng viên ổn định, kết hợp khá tốt giữa giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, cân đối khá hiệu quả giữa giảng viên có kinh nghiệm, tác phẩm, thương hiệu, nghiệp vụ sư phạm với giảng viên có danh hiệu (NSND, NSƯT); đội ngũ giảng viên được ưu đãi  do chính sách của Nhà nước đối với đào tạo nghệ thuật đặc thù; cơ sở đào tạo, phương tiện, trang thiết bị ngày càng được đầu tư, bổ sung; nguồn tuyển tương đối ổn định so với các cơ sở mới mở mã ngành.

Hạn chế: Chương trình đào tạo tài năng theo đề án của Chính phủ mới triển khai, đang dần hoàn thiện; nhiều giáo trình còn chưa được thay đổi, cập nhật; phương tiện, trang thiết bị còn thiếu nhiều so với nhu cầu đào tạo công nghệ điện ảnh hiện đại; đầu vào không nhiều sinh viên có năng khiếu, tài năng; đầu ra, cơ hội việc làm của sinh viên còn khó khăn; việc đào tạo ở nước ngoài chưa mở rộng về số lượng, cơ hội cho người học; khó khăn trong việc nâng cao học phí; khó khăn trong nguồn tuyển hệ cao học, nghiên cứu sinh…

Các cơ sở đào tạo dân lập

Ưu điểm: Một số cơ sở đào tạo có định hướng, mục tiêu, chiến lược đào tạo rõ ràng, dài hơi; có tiềm lực tài chính, có sự đầu tư chiều sâu về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, phương tiện, trang thiết bị; có giáo trình, chương trình, học liệu phục vụ đào tạo mang tính ứng dụng cao; có chính sách thu hút và chế độ ưu đãi đối với giảng viên; bước đầu có sức hút và hướng đến sự ổn định về nguồn tuyển đầu vào.

Hạn chế: Khó khăn trong nguồn tuyển; do thiếu thương hiệu nên thiếu sức hấp dẫn trong tuyển sinh; đội ngũ giảng viên thiếu ổn định, chưa kết hợp giữa giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, chưa cân đối giữa giảng viên có kinh nghiệm, tác phẩm, thương hiệu, nghiệp vụ sư phạm với giảng viên có danh hiệu (NSND, NSƯT); nhiều khoa chuyên môn chưa thể chuyên sâu do sự kết hợp đào tạo điện ảnh với đào tạo các nghệ thuật khác; tại một số cơ sở đào tạo, việc đào tạo điện ảnh còn mang hình thức đại trà, tận dụng nguồn tuyển; học phí còn cao so với mặt bằng chung (có nơi cao gấp 5-6 lần so với cơ sở đào tạo công lập).

Một số giải pháp và kiến nghị, đề xuất

Đồng bộ, cân đối, khắc phục khủng hoảng thừa và thiếu trong cơ cấu ngành nghề điện ảnh: Đổi mới trong xây dựng, phê duyệt chỉ tiêu về cơ cấu ngành nghề đào tạo điện ảnh hằng năm, trong nước và nước ngoài; có chính sách ưu tiên phù hợp các chuyên ngành ít có nhu cầu xã hội; có giải pháp hiệu quả tăng cường nguồn tuyển đầu vào để cân đối các chuyên ngành đào tạo.

Xây dựng, bổ sung, nâng cấp đội ngũ giảng viên đối với cơ sở đào tạo cả công lập và dân lập: Đối với đội ngũ “máy cái” này tại các trường có đào tạo điện ảnh, cần đặt ra các mục tiêu chính, trong đó trước hết là xây dựng một đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu đủ về số lượng và ngày càng nâng cao về chất lượng, phù hợp đặc thù và có tính chuyên nghiệp cao. Cần xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu đầu ngành có khả năng định hướng phát triển chuyên ngành, có năng lực sư phạm nghệ thuật giỏi và chủ trì các dự án, đề tài nghiên cứu của ngành, nhà nước và các đối tác trong và ngoài nước. Mặt khác, cần xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo giảng viên song song với việc tạo cơ chế kích thích nhu cầu tự đào tạo của giảng viên; tận dụng tối đa cơ hội đào tạo tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài, sử dụng cơ chế kết hợp giữa khuyến khích đi đôi với bắt buộc; xây dựng kế hoạch phát triển bằng cấp, học hàm cụ thể đối với từng cán bộ, giảng viên.

Đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo: Hình thành bộ phận chuyên trách xây dựng và phát triển chương trình đào tạo với chức năng điều chỉnh, bổ sung các chương trình hiện hành đồng thời thiết kế các chương trình và môn học mới căn cứ vào khảo sát nhu cầu của sự phát triển, tiếp cận sự phát triển các chuyên ngành của các nước và điều kiện nguồn lực của các trường đào tạo điện ảnh trong từng thời kỳ; phối hợp với các cơ sở trong nước và quốc tế trong xây dựng chương trình đào tạo. Tiến hành rà soát tổng thể, thường xuyên, nội dung chương trình nhằm đảm bảo mục tiêu đào tạo và đáp ứng nhu cầu, đúng định hướng; tận dụng các cơ hội hợp tác quốc tế trong phát triển chương trình đào tạo và học liệu; sử dụng từng phần hoặc tổng thể chương trình đào tạo của các nước tiên tiến; xây dựng hệ thống giáo trình giảng dạy và chương trình thực hành nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo ngành nghề điện ảnh đa dạng, chất lượng. Mặt khác, cần xây dựng hệ thống chương trình đào tạo phù hợp với đòi hỏi của sự phát triển điện ảnh theo tiêu chí: mở, cập nhật, linh hoạt; hệ thống giáo trình hiện đại, phù hợp với thực tế Việt Nam và tiếp cận với chuẩn quốc tế; gắn yêu cầu giải quyết các vấn đề của thực tế chuyên ngành với yêu cầu nghiên cứu trong chương trình đào tạo.

Thay đổi chiến lược đầu tư đối với cơ sở đào tạo công lập: Đầu tư kinh phí mạnh mẽ để Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM hoàn thiện đầy đủ việc biên soạn giáo trình của tất cả các môn học trong các chương trình đào tạo hiện nay; tạo điều kiện để trường có thể thu hút, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ số lượng và chất lượng, hội đủ điều kiện và tiêu chuẩn, có tâm, có tầm và có tài; tăng thêm kinh phí cho công tác đối ngoại và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về đào tạo. Cấp thiết đầu tư hoàn thiện dự án trang thiết bị học liệu điện ảnh, nhất là cấp thiết đầu tư phương tiện, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo, làm phim với công nghệ điện ảnh hiện đại tại trường; tạo điều kiện để phát triển cơ sở vật chất đặc thù của cơ sở đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh. Mặt khác, cần đầu tư toàn diện cho cơ sở đào tạo công lập xứng tầm với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp, theo kịp với hội nhập quốc tế về đào tạo.

Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo: Căn cứ vào khả năng, nhu cầu của chính các cơ sở đào tạo khi cùng hướng tới một mục đích chung và cao nhất là sự phát triển của điện ảnh dân tộc. Điều đó được thể hiện qua nhiều yếu tố của liên kết, hợp tác; có thể triển khai bằng nhiều hình thức, cách làm. Trước hết là việc trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm, đội ngũ giảng viên, hệ thống giáo trình, thiết bị đào tạo, nguồn tuyển, hợp tác quốc tế về đào tạo.

Việc đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh một cách đồng bộ, cân đối, đạt chất lượng cao; phát huy tiềm năng, tiềm lực của các cơ sở đào tạo cả công lập và dân lập; khắc phục việc thừa và thiếu trong cơ cấu chuyên ngành…, có thể giúp đào tạo nguồn nhân lực tài năng, chuyên nghiệp, cống hiến nhiều hơn cho ngành công nghiệp nước nhà, nâng cấp chất lượng toàn diện cả nghệ thuật và công nghệ.

Trên đây là năm trong nhiều giải pháp thiết thực và khả thi, nhằm góp phần giúp các cơ sở đào tạo điện ảnh phía Nam tạo ra sự đổi mới, đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh. Trong đó, chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả của nhà nước, sự đồng tâm vào cuộc của các cơ sở đào tạo khác nhau (không phân biệt công lập hay dân lập) cũng là nguồn động lực cho nhiều người, trong đó có thày và trò các cơ sở đào tạo điện ảnh, trong hành trình thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chung là đào tạo nguồn nhân lực để phát triển nền điện ảnh dân tộc và điện ảnh Việt Nam đương đại.

Tác giả: PGS, TS Vũ Ngọc Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

;