Bàn về giải Oscar và phim truyện điện ảnh Việt Nam dự giải Oscar

Nhân dịp Oscar lần thứ 93, dự kiến trao giải vào ngày 25-4-2021 (với số lượng phim tranh giải hạng mục Phim xuất sắc nhiều nhất trong vòng 50 năm qua, kể từ năm 1971, ở tất cả các thể loại từ chính kịch, kinh dị, âm nhạc, hành động, khoa học viễn tưởng... ), có thể nhìn nhận về các vấn đề liên quan đến giải Oscar và phim truyện điện ảnh Việt Nam, nhất là về một số thủ pháp nghệ thuật.

1. Vài nét về tiêu chí giải thưởng Oscar và một số phim châu Á, phim Mỹ đoạt Oscar

Giải thưởng Viện Hàn lâm (Academy Awards), thường được biết đến với tên giải Oscar (tiếng Anh: Oscars) là giải thưởng điện ảnh hằng năm của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (Academy of Motion Picture Arts and Sciences, viết tắt là AMPAS, Hoa Kỳ) với 74 giải thưởng cho các diễn viên và kỹ thuật hình ảnh trong ngành Điện ảnh Hoa Kỳ. Kể từ năm 1929, giải Oscar được trao hằng năm tại thành phố Los Angeles để ghi nhận những thành tựu xuất sắc của điện ảnh trong năm của các đạo diễn, diễn viên, kịch bản và nhiều lĩnh vực khác qua cuộc bỏ phiếu kín của các thành viên Viện Hàn lâm (1).

Giải Oscar là cuộc cạnh tranh giữa các sản phẩm để đoạt những giải thưởng điện ảnh ở nhiều hạng mục do ban giám khảo AMPAS gồm các chuyên gia trong ngành trao tặng. Vì thế, những phim tham gia trong cuộc chạy đua này phải là các đại diện xuất sắc của mỗi nền văn hóa điện ảnh của mỗi quốc gia. Giống như nhiều liên hoan phim quốc tế, giải Oscar đã xác định rõ quan niệm của công chúng đối với những tiến bộ, thành tựu hằng năm trong lĩnh vực điện ảnh. Ngoài các công ty phát hành của Mỹ, giải Oscar cũng giới thiệu những bộ phim có thể hấp dẫn các công ty phát hành nước ngoài. Sở hữu một giải thưởng trong giải Oscar đem lại cho bộ phim những thuận lợi về kinh tế; để đến lượt mình, đạo diễn, nhà sản xuất cũng như các ngôi sao điện ảnh gây được tiếng tăm trên thế giới có thể nhận được đầu tư cho những phim tiếp theo. Đồng thời, nhiều bộ phim được trình chiếu nằm ngoài sự cạnh tranh, nghĩa là những bộ phim chiếu cho giới báo chí, công chúng thường thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất, nhà phát hành và các ông chủ rạp chiếu bóng.

Tại giải Oscar hằng năm, phim Mỹ thường xuyên giành được giải thưởng. Hơn nữa, “thậm chí Hollywood còn đề cao các đồng nghiệp của mình bằng việc sáng lập ra một hình thức giải thưởng của Viện Hàn lâm Điện ảnh năm 1948. Giành một giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài mở ra cơ hội thành công ở Mỹ, nơi các hãng phim và rạp chiếu bóng sẽ cùng chia sẻ lợi nhuận” (2). Để phù hợp với thực tiễn, ngày 8-9-2020, AMPAS đưa ra bộ tiêu chí mới (Academy Inclusion Standards - AIS) là bước khởi đầu trong chiến dịch Academy Aperture 2025 - thúc đẩy sự đa dạng giới tính, sắc tộc trong ngành công nghiệp điện ảnh. Theo đó, bốn tiêu chí chấm giải Phim xuất sắc, gồm: tiêu chí A dành cho diễn viên và nội dung phim; tiêu chí B đề cập đến nhà sản xuất, đạo diễn, giám sát kỹ xảo, âm thanh, ánh sáng và người làm tạo hình nhân vật như thợ trang điểm, tạo mẫu tóc; tiêu chí C dành cho thực tập sinh trong đoàn phim; tiêu chí D là về người phát hành. Để được tranh giải, tác phẩm phải đáp ứng hai trong bốn tiêu chí. Bộ tiêu chí sẽ có hiệu lực vào Oscar lần 96 (năm 2024), là điều kiện phụ đánh giá các đề cử giải năm 2022- 2023, riêng các tác phẩm tranh Oscar 2021 sẽ không bị ảnh hưởng. Cũng theo các tiêu chí mới, 30% diễn viên, tình tiết phim phải có hai trong bốn phân loại: phụ nữ, LGBTQ+, người từ nhiều sắc tộc và người khuyết tật. Ngoài ra, ít nhất một trong những diễn viên chính hoặc thứ chính phải là người châu Á, gốc Phi, Trung Đông hay thuộc các dân tộc thiểu số. Đội ngũ sản xuất phim cũng phải đáp ứng yêu cầu này (3). Bộ tiêu chí mới nói trên thể hiện nỗ lực của Ban tổ chức giải Oscar trong việc mở rộng tầm nhìn, nhìn nhận những tài năng chưa được khám phá, không áp đặt cách làm phim mà định nghĩa lại Phim xuất sắc là như thế nào. Với bốn tiêu chí, Oscar khẳng định giải thưởng này là công sức của một tập thể, không phải của riêng đạo diễn. Có định hướng mới trong xét giải, nhà đầu tư sẽ có lòng tin vào những tác phẩm độc lập, khai thác chủ đề gai góc, nhạy cảm. Một ý nghĩa, động lực khác của AIS là khuyến khích người làm phim tự tin thể hiện tiếng nói sáng tạo cá nhân, đồng thời phim nước ngoài có cơ hội tranh giải cao hơn, giải Oscar trở nên nhân văn hơn, tiếp cận với những vấn đề xã hội đang được công chúng quan tâm nhiều hơn và giúp Oscar thu hút khán giả bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ.

Đa số các phim Mỹ và nước ngoài dự giải Oscar ngoài các giá trị nội dung và nghệ thuật, thường toát lên chủ đề mang tính toàn cầu (là chủ đề trong nhiều bộ phim của nhiều quốc gia). Chẳng hạn, năm 1951, phim Rashomon (đạo diễn Akira Kurosawa, 1910-1998, Nhật Bản) được xem là bộ phim truyện điện ảnh nước ngoài đầu tiên của Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung giành Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc. Một phần do thể loại phim, đúng như Tadao Sato nhận định “Chừng nào phim về các trận đánh gươm, giáo vẫn hấp dẫn và chiếm lĩnh khán giả ngoại quốc, thì hiển nhiên chỉ có những phim “kịch lịch sử” của Kurosawa mới là những phim Nhật Bản đầu tiên chiếm lĩnh sự công nhận quốc tế rộng rãi” (4). Ngoài bước đột phá về nghệ thuật kể chuyện, Rashomon còn sở hữu chủ đề sâu sắc: phản ánh tính tương đối của sự thật; khẳng định người ta có thể nói sai sự thật vì mục đích cá nhân; gửi gắm thông điệp về bản chất con người, tính không hoàn thiện của con người hay không có người tốt hoàn toàn. Trong khi đó, năm 2000, phim Crouching Tiger, Hidden Dragon (Ngọa hổ tàng long, đạo diễn Lý An, điện ảnh Trung Hoa) được đề cử 10 giải Oscar và giành giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc. Phim này không chỉ đậm chất văn hóa và tinh thần dân tộc Trung Hoa ở chủ đề, nội dung và hình thức mà còn là một tác phẩm xuất sắc khi khai thác đề tài và thể loại sử thi - võ thuật - cổ trang; cho thấy hiệu quả thị giác rực rỡ của võ thuật Trung Hoa huyền bí cũng như việc đạo diễn Lý An đã thể hiện vẻ đẹp của các cảnh võ thuật khác hẳn so với nhiều bộ phim cùng thời; toát lên chủ đề ca ngợi con người chân thành, dũng cảm nhưng không thể chống lại được các định kiến xã hội và biểu dương tình yêu lớn nhất, trọn đời với cuộc sống tự do, phóng khoáng của những hiệp khách, rộng ra là người nghệ sĩ. Là phim đầu tiên của Hàn Quốc sau 100 năm (lấy từ mốc năm 1919 - mốc thời điểm được coi là khởi đầu của nền điện ảnh nước này), Parasite (Ký sinh trùng, đạo diễn Bong Joon Ho) đoạt nhiều giải Oscar năm 2019, ngoài những thủ pháp làm phim độc đáo, mới mẻ, giàu ngôn ngữ điện ảnh, đã đưa đến một góc nhìn chân thực, mới mẻ về sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc. Đồng thời, Ký sinh trùng toát lên chủ đề chính là sự khẳng định xung đột giai cấp và bất bình đẳng xã hội, phản ánh ranh giới nhập nhòa giữa những điều tốt và xấu trong xã hội và chỉ trích mạnh mẽ tư duy, lối sống của con người khi bị ảnh hưởng và tha hóa bởi đồng tiền.

Ngoài một số phim châu Á nói trên, có thể nói đến một số giá trị nghệ thuật và chủ đề được gửi gắm và sự khác biệt trong một số phim Mỹ đoạt giải Oscar. Năm 2009, nữ đạo diễn đầu tiên đoạt giải Oscar ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim The Hurt Locker (Chiến dịch sói sa mạc) Kathryn Bigelow được coi là nguồn cảm hứng về tinh thần làm việc. Phim được làm theo phong cách phim tài liệu, không chỉ ở cách quay, mà còn ở cách dàn dựng, cách kể chuyện, và đặc biệt là sự diễn xuất của các diễn viên xuất sắc và sự chân thật, gai góc của phản ánh hiện thực, với âm nhạc gây cảm xúc mạnh mẽ. Một trong những chủ đề của phim là ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của người Mỹ. Trong khi đồng thời, đối thủ Oscar của phim này là Avatar (Thế thân, đạo diễn J.Cameron) lại nổi bật bởi kỹ xảo hoành tráng và đẹp mắt, được xem như một bước đột phá, thậm chí như một cuộc cách mạng công nghệ điện ảnh, với thành công rực rỡ về doanh thu, nhưng bị đánh giá thấp hơn về giá trị nội dung và nghệ thuật, trong đó có chủ đề phim. Gần đây nhất, giải Oscar 2019 cho phim xuất sắc nhất Green Book (Cẩm nang xanh, Đạo diễn Peter Farrelly, Mỹ) lại sở hữu cốt truyện đơn giản, không có nhiều ẩn dụ nghệ thuật phức tạp hoặc đột phá trong thủ pháp nghệ thuật nhưng vẫn khiến người xem cảm thấy hấp dẫn nhờ đạo diễn biết cách tạo nên cảm xúc đa chiều. Nhất là chủ đề ca ngợi tình yêu, tình bạn, tình gia đình, giúp khán giả cảm thấy ấm lòng sau khi xem và thêm vững tin vào cuộc sống. Điều này tương tự như Oscar 1995 cho The Shawshank Redemption (Nhà tù Shawshank), với kịch bản xuất sắc chuyển thể từ tiểu thuyết của Stephen King và phong cách dàn dựng của đạo diễn Frank Darabont (với nhân vật Andy được coi là một người hùng, biểu tượng của niềm tin và hy vọng còn câu chuyện về xã hội thu nhỏ trong nhà tù Shawshank đã trở thành kinh điển trên màn ảnh rộng và chinh phục người yêu điện ảnh ở nhiều thế hệ), lay động sâu sắc người xem bằng chủ đề, thông điệp ý nghĩa về tình bạn, hy vọng và cách mà con người đối mặt với sự bất công trên thế giới.

2. Phim truyện điện ảnh Việt Nam và giải Oscar

Tính đến năm 2021, điện ảnh phim truyện Việt Nam đã có 15 bộ phim tham dự Oscar. Tuy nhiên, ngoài năm 1993 khi phim Mùi đu đủ xanh lọt vào vòng đề cử cuối cùng để tranh giải thì những bộ phim sau đó gửi đi đều không được đề cử. Có thể thống kê các phim truyện điện ảnh Việt Nam đã tham dự Giải Oscar: năm 1993, Mùi đu đủ xanh (đạo diễn Trần Anh Hùng); năm 1996, Bụi hồng (đạo diễn Hồ Quang Minh); năm 1999, Ba mùa (đạo diễn Tony Bùi); năm 2000, Mùa hè chiều thẳng đứng (đạo diễn Trần Anh Hùng); năm 2025, Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh); năm 2006, Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải); năm 2007, Áo lụa Hà Đông (đạo diễn Lưu Huỳnh); năm 2009, Đừng đốt (đạo diễn Đặng Nhật Minh); năm 2011, Khát vọng Thăng Long (đạo diễn Lưu Trọng Ninh); năm 2012, Mùi cỏ cháy (đạo diễn Nguyễn Hữu Mười); năm 2015, Trúng số (đạo diễn Dustin Nguyễn); năm 2016, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ); năm 2017, Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng); năm 2018, Hai Phượng (đạo diễn Lê Văn Kiệt); năm 2019, Cô ba Sài Gòn (đạo diễn Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn); năm 2020, Mắt biếc (đạo diễn Victor Vũ).

Cảnh trong phim Mắt biếc - ảnh: internet

Là phim truyện điện ảnh Việt Nam duy nhất được đề cử Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, Mùi đu đủ xanh từng được Roger Ebert (1942-2013, nhà phê bình nổi tiếng người Mỹ, chấm điểm tuyệt đối 4/4 sao cho phim) gọi là “một bộ phim điềm tĩnh và ngọt ngào, như đang nghe một bản nhạc êm dịu vậy”. Với việc tạo hình điện ảnh (trong đó có nghệ thuật quay phim) đạt mức xuất sắc, và phép ẩn dụ khéo léo qua hình tượng quả đu đủ xanh, chủ đề chính của Mùi đu đủ xanh là phản ánh thân phận của người đàn bà Việt Nam, về giá trị và mối quan hệ truyền thống giữa phụ nữ và đàn ông, khẳng định sức mạnh tâm linh phi thường mà người ta có thể bắt gặp ở các bà mẹ Việt Nam; đồng thời ca ngợi giá trị của ký ức, của tình yêu với nhiều cung bậc cũng như tụng ca vẻ đẹp thuần khiết của làng quê Việt Nam. Riêng Bụi hồng với hiện thực được phản ánh thông qua sự soi rọi dưới góc nhìn mang tính triết lý của nhà Phật (có nét tương đồng với Mê Thảo thời vang bóng, 2002, đạo diễn Việt Linh) đã toát lên chủ đề về sự tương phản sâu sắc giữa sự biến động và cái tĩnh tại, giữa hiện tại và quá khứ, giữa chia cắt và hàn gắn, giữa chạy trốn thực tại và ý nghĩa của sự tu đạo. Trong khi đó, Ba mùa đan cài giữa “truyền thống và hiện đại, chất thơ và sự bí ẩn, sự trần trụi và thơ mộng, cuộc sống đường phố khắc khổ và làn sóng Tây phương hóa” (5), do cách kể hấp dẫn, câu chuyện đơn giản về nhiều mảnh đời, góc khuất của đô thị Việt Nam những năm đầu đổi mới đã làm toát lên chủ đề về sự khẳng định ngoài các mùa của thời gian là mùa của hy vọng; ca ngợi sự sống luôn âm ỷ sinh sôi và gửi gắm thông điệp, ký ức, hình ảnh về quê hương trong tâm tưởng nhiều người. Với nhiều cách tân nghệ thuật, chứa đựng vẻ đẹp của nỗi buồn và giá trị bất biến của sự hoài cổ, Mùa hè chiều thẳng đứng phản ánh sự bội tín và khát vọng tình yêu đôi lứa, một nét đẹp riêng, sức sống mãnh liệt, thân phận người phụ nữ và sự mưu cầu hạnh phúc; chia sẻ những ký ức cũng như ấn tượng tuổi thơ của nhiều người xa xứ về Hà Nội. Chứa đựng vẻ đẹp của mỹ nhân sơn cước, Chuyện của Pao với thủ pháp của điện ảnh thơ, nhiều góc máy đẹp, với cuộc chơi của màu sắc và âm thanh, chủ nghĩa duy mỹ và hiện thực đậm tính đời, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc về cuộc đời thật của cô gái người Mông, toát lên chủ đề về sự lựa chọn riêng cho cuộc sống, về việc ai cũng có bí mật, cũng như những bí mật sẽ theo người ta trong suốt cuộc đời. Mang đến làn gió mới trong cách kể chuyện và dàn dựng của tác giả, Mùa len trâu ngầm bộc lộ về nền văn hóa nước đặc trưng khi con người sống và chết đều không tách rời khỏi nước, đều được nước bao bọc nuôi dưỡng; sở hữu chủ đề được coi là gai góc không chỉ trong điện ảnh mà còn trong xã hội về ly hương; gửi đi thông điệp về mùa thay đổi số phận khẳng định mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trời đất và cả trăn trở về hoài niệm, về sự vong thân. Với phong cách dàn dựng của một đạo diễn Việt kiều, Áo lụa Hà Đông lại sâu sắc trong phản ánh diễn biến ngầm ẩn xuyên suốt bộ phim đồng thời là vấn đề thời sự, chứa đựng những mâu thuẫn cốt lõi của xã hội đương thời, lại qua câu chuyện về chiếc áo dài Việt Nam và số phận một tình yêu, một gia đình trong thời chiến tranh loạn lạc; tôn vinh văn hóa Việt qua tà áo dài và những phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam thông qua nhân vật một người con xa xứ. Sở hữu đề tài khá tương đồng với phim trên, chạm được tới các yếu tố đẹp và hay, đắc địa trong thể loại hành trình - xuyên không với phong cách tài liệu, kỳ vọng là một bộ phim nội địa giới thiệu về một ngành nghề hay “đặc sản” nhất định của dân tộc, Cô ba Sài Gòn thông qua chủ nghĩa duy mỹ và hoài cổ đã toát lên thông điệp đề cao giá trị văn hóa dân tộc, những giá trị truyền thống của áo dài, cũng như khẳng định niềm đam mê sáng tạo là nguyên nhân chính tạo nên thành công trong nghệ thuật và cuộc sống. Chịu ảnh hưởng, tác động nhất định của các yêu cầu về phim đặt hàng, Khát vọng Thăng Long khai thác thể loại sử thi - cổ trang - võ thuật - hành động đã không có tham vọng phản ánh về hành trình dời đô, khi chỉ tập trung kể câu chuyện về cuộc đời của Lý Công Uẩn trước khi ông lên ngôi vua, qua đó gửi đi thông điệp về lòng nhân từ, sự vị tha, phẩm chất vì dân vì nước của một người xuất thân bị mẹ bỏ lại nơi cửa chùa mà xứng đáng trở thành minh quân. Đắc địa và là biên niên sử khi khai thác đề tài chiến tranh, Đừng đốt có những thủ pháp nghệ thuật phù hợp với phong cách làm phim đương đại, nhờ câu chuyện, công tác dàn dựng, thủ pháp dựng phim và hiệu quả đặc biệt, qua câu chuyện hấp dẫn, cảm động của cuốn nhật ký của một nữ liệt sĩ, được xây dựng từ những câu chữ thành hình ảnh đầy chất thơ về cuộc đời một nữ anh hùng; ca ngợi chủ nghĩa anh hùng và những phẩm chất của tuổi trẻ một thời; phản ánh khát vọng về hòa bình, củng cố nhận thức sâu sắc về sự hy sinh của thế hệ đi trước trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Cũng khai thác đề tài tương tự, Mùi cỏ cháy không cố gắng tái hiện toàn cảnh sự khốc liệt của cuộc chiến khi chỉ dõi theo “giá trị của tuổi trẻ” nơi bốn chàng trai dọc đường ra chiến trận; toát lên chủ đề khẳng định phẩm chất của người Việt Nam trong chiến tranh khi mô tả một cách sinh động sự hồn nhiên, trẻ thơ của những người lính trẻ trong đội ngũ; đồng thời phản ánh một cách chân thực và sâu sắc khát vọng sống của những người lính, cũng là khát vọng chung của cả dân tộc. Khai thác đề tài gia đình, Trúng số kể câu chuyện giản dị, nhẹ nhàng, hóm hỉnh về những con người miền quê sông nước, nhiều tình huống bi hài xảy ra làm xáo trộn cả một vùng khi việc một người vừa được mãn hạn tù đang loay hoay trong việc tái hòa nhập với cuộc sống bỗng trúng số độc đắc chẳng khác nào đại sự, toát lên chủ đề (khá tương đồng với Triệu phú khu ổ chuột của đạo diễn Danny Boyle, Oscar 2009): nếu ai đó có sự đam mê và quyết tâm kèm theo sự may mắn, sẽ thành công hay đạt được điều mong muốn. Là câu chuyện đẹp về hành trình thực hiện ước mơ, với chủ đề tôn vinh tình phụ tử, Cha cõng con khẳng định tình thương của người cha có thể không dễ bộc lộ như người mẹ, nhưng tận sâu trong trái tim, họ luôn dành cho con sự hy sinh âm thầm, là chỗ dựa vững vàng cùng con đi đến tận cùng của ước mơ. Tạo được sự mới mẻ trong khai thác thể loại, dàn dựng và thủ pháp dựng phim, Hai Phượng cho thấy một đột phá nghệ thuật đáng kể trong thể loại phim hành động - võ thuật Việt Nam, qua đó tôn vinh những giá trị tình cảm, tình thân gia đình; ca ngợi sự dung dị, chân chất của hồn quê Việt, con người Việt, đồng thời biểu dương hành trình tìm lại chính mình của một thiếu phụ trẻ, sự chuộc lỗi cho những gì đã gây ra trong quá khứ, việc dám đối mặt với chính nỗi sợ của mình và vượt qua nó. Là một ví dụ tiêu biểu của điện ảnh thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tạo nên những khung hình đẹp đẽ và giàu cảm xúc, dung dị khi kể câu chuyện về tuổi thơ nghèo khó của hai anh em ở một làng quê Việt thân thuộc và nên thơ, nơi chứng kiến những rung động đầu đời của cả hai, toát lên chủ đề về sự khẳng định giá trị của ký ức và ca ngợi tuổi thơ nhiều ngọt ngào lẫn day dứt mà mỗi người đều đã từng trải qua; gửi đi thông điệp về tình cảm gia đình, tình anh em yêu thương chân thành, cũng như những đố kỵ, ghen tuông và những nỗi đau trong trẻo trong quá trình trưởng thành. Duy trì chủ nghĩa duy mỹ trong tôn vinh vẻ đẹp trong trẻo của những miền quê Việt Nam (như nhiều phim Việt Nam dự Oscar trước đó), Mắt biếc với thể loại tâm lý - lãng mạn mang hơi hướng của phim ngôn tình, sở hữu cách thể hiện nhẹ nhàng, ít kịch tính, tạo nhiều cung bậc cảm xúc cũng như động lực ngầm cho khán giả; tiếp tục khẳng định giá trị của quá khứ và ký ức cũng như làm hồi tưởng những năm tháng ngày xưa đói khổ nhưng rất bình an và tình cảm…

Tuy nhiên, trong các bộ phim kể trên có thể nhận thấy những vấn đề khác nhau. Có phim từ khâu kịch bản đã chưa thuyết phục, ba yếu tố quan trọng như cốt truyện, nhân vật và cấu trúc còn chưa đạt sự đồng đều; khả năng diễn xuất, tạo hình tượng chưa tạo nên nhân vật có sức lan tỏa mạnh mẽ và sức sống lâu bền. Phim khác kể câu chuyện chưa thuyết phục bởi những tình tiết, đường dây chưa được xây dựng chặt chẽ, logic. Có phim thể loại lịch sử khó làm ở Việt Nam do có quá ít tư liệu, do đó người xem chấp nhận sự hư cấu trong phim, nhưng sự hư cấu do không theo quy ước thể loại nên chưa đủ để tạo nên câu chuyện hoàn chỉnh và có tính thuyết phục. Trong một số phim, các nhà làm phim chưa tiết chế cách kể, chi tiết nên dễ thấy phát sinh vấn đề trong kiểm soát liều lượng, khi sử dụng quá nhiều thủ pháp ẩn dụ, biểu tượng, nhất là khiến phim phải tải quá nhiều thông điệp. Có phim chưa đạt được sự hài hòa các giá trị nội dung và hình thức, trong khi phim khác lại chỉ đẹp về hình thức, còn diễn xuất và diễn biến câu chuyện chưa đủ chạm tới trái tim khán giả. Nhìn chung, các phim trên cho thấy đề tài làm phim dần thoát khỏi sự bị bó hẹp; thể loại phim được khai thác đa dạng, hiệu quả hơn tuy chủ yếu vẫn là phim hài, tâm lý - xã hội, tâm lý - lãng mạn, lịch sử hoặc hành động… Tuy vậy, có phim lại chưa tuân theo nguyên tắc mỹ học, quy tắc, niêm luật, tiêu chí thể loại - trong nhiều thể loại phim truyện điện ảnh vốn đã được điện ảnh thế giới khai thác đắc địa. Có phim đạt doanh thu cao nhưng lại ít có sự mới mẻ cũng như tính hàn lâm. Những bộ phim mang tính nghệ thuật, được giới chuyên môn đánh giá cao thì lại chưa vào được vòng đề cử của Oscar, tạo nên cách xem xét vấn đề về việc chưa phù hợp với tiêu chí nhiều mặt của giải thưởng này. Chưa kể có phim nghệ thuật nhưng chưa hội đủ tiêu chí của dạng thức phim này; còn phim khác đáp ứng xu hướng thị trường, thị hiếu khán giả nhưng không đảm bảo tính nghệ thuật của tác phẩm. Mặt khác, nhiều bộ phim về giá trị tổng thể chưa phải tác phẩm chỉn chu, với nhiều tình tiết vô lý, tình huống khiên cưỡng. Đó là chưa kể tiêu chí quan trọng khác, khi nhiều phim còn thiếu sự lay động mạnh mẽ đối với trái tim khán giả. Hơn nữa, bởi “làm phim chính là thể hiện những lựa chọn mang tính cá nhân” (dẫn theo nhà sản xuất phim, nhà văn người Mỹ Ethan Coen), nên một trong những vấn đề liên quan thuộc về yếu tố phong cách đạo diễn. Theo đó, nhiều phim truyện điện ảnh Việt Nam phụ thuộc vào phong cách đạo diễn ở “cách thức tận dụng kỹ thuật trong các hệ thống phim chung; những phần khác nhau của bộ phim gắn kết với nhau mạnh mẽ như thế nào trong hình thức tổng thể của nó; sự trù tính một phong cách tổng thể cho phim để phản ánh diễn tiến của câu chuyện; cách có thể tạo ra những liên kết giữa các tình huống, hoặc tạo ra một cảm nhận tinh tế về tiến trình tự sự và định hình ý nghĩa các cảnh quay” (6). Trong cách thức tận dụng kỹ thuật đó còn phải kể đến ba thủ pháp quan trọng là dàn cảnh (mise-en-scène), lấy cảnh quay (mise-en-shot) và dựng phim (montage) để tạo nên các tác phẩm đạt chất lượng cao nhất có thể. Và dù bộ tiêu chí mới nói trên của Oscar khẳng định “giải thưởng này là công sức của một tập thể” thì đạo diễn vẫn là linh hồn của bộ phim.

Đó là chưa kể trong số những bộ phim tham dự Oscar có những phim được xem là đạt được yếu tố thương mại và nghệ thuật ở mức thấy rõ như Mùa len trâu, Trúng số, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Hai Phượng... nhưng chủ đề phim vẫn chưa được xem là tiêu biểu, đại diện cho nhiều quốc gia. Nói cách khác, so với một số phim châu Á, hay một số giá trị nghệ thuật và chủ đề được gửi gắm trong một số phim Mỹ đoạt giải Oscar nói trên, ngoài giá trị nghệ thuật chưa mang tính đột phá, hay chưa có đóng góp xuất sắc vào sự phát triển điện ảnh thế giới; chủ đề trong các phim Việt Nam cũng rất đa dạng, nhưng trong chừng mực nào đó, những chủ đề mang tính tư tưởng có thể vẫn chưa là những chủ đề mang tính toàn cầu.

Những vấn đề chưa thành công nói trên phần nào cho thấy phim truyện điện ảnh Việt Nam đương đại vẫn chưa đủ tầm hay hội đủ điều kiện nhiều mặt, theo các tiêu chí nhất định để có thể cạnh tranh giải Oscar. Nói cách khác, Việt Nam chưa hội đủ những điều kiện cần và đủ để tạo nên một nền điện ảnh xuất sắc.

3. Một hành trình dài

Bộ phim Ký sinh trùng của đạo diễn Bong Joon Ho đoạt giải Oscar 2019 ở nhiều hạng mục quan trọng nhất, được xem như một kỳ tích. Nhưng điện ảnh Hàn Quốc có được sự công nhận quốc tế ấy khi đã trải qua hành trình gần 100 năm, thời gian rất dài với một nền điện ảnh dân tộc, qua nhiều thế hệ biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ thiết kế, nhạc sĩ, nhà sản xuất..., là kết quả của một nền điện ảnh quốc gia luôn duy trì được bản sắc và của ngành công nghiệp điện ảnh được xem là ngành văn hóa mũi nhọn và giàu sức cạnh tranh quốc tế.

 Hành trình giành Oscar của điện ảnh Việt Nam là một hành trình dài nhưng không phải bất khả kháng. Vấn đề không chỉ hướng đến Oscar mà còn là lộ trình để sớm bắt kịp với sự phát triển của điện ảnh thế giới thông qua việc duy trì được bản sắc của mình, khiến phim Việt Nam được biết đến ngày càng nhiều hơn, được đánh giá cao hơn và sẽ tiệm cận các giá trị mang tính toàn cầu. Với ý nghĩa ấy, việc sở hữu nguồn nhân lực tài năng, chuyên nghiệp, cống hiến nhiều hơn cho ngành công nghiệp nước nhà, nâng cấp chất lượng toàn diện cả nghệ thuật và công nghệ…, hướng tới một đẳng cấp quốc tế để được đánh giá cao khi tham gia giải thưởng điện ảnh quốc tế danh giá sẽ là nguồn động lực trong hành trình ấy của điện ảnh Việt Nam đương đại.

________________

1. vi.wikipedia.org

2. Kristin Thompson, David Bordwell, Lịch sử điện ảnh, tập 2, Nhã Nam - Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, tr.111.

3. Quỳnh Quyên, Tiêu chí chấm giải mới của Oscar gây tranh cãi, vnexpress.net, ngày truy cập 18-3-2021.

4. Tadao Sato (Đặng Minh Liên dịch), Điện ảnh Nhật Bản, Nxb Văn học - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 2015, tr.196.

5. Lê Hồng Lâm, 4 bộ phim nghệ thuật tiêu biểu nhất của các đạo diễn Việt kiều, zingnews.vn, ngày truy cập 20-3-2021.

6. David Bordwell, Kristin Thompson, Nghệ thuật điện ảnh, Nhã Nam - Nxb Thế giới, 2013, tr.471.

Tác giả: PGS, TS Vũ Ngọc Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

;