Trong những năm gần đây, phim điện ảnh chiếu rạp Việt Nam đang ngày một hoàn thiện, được đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh lẫn nội dung, có sự tham gia đông đảo của lực lượng xã hội hóa điện ảnh và nhân lực điện ảnh trẻ. Và năm 2020 không phải là ngoại lệ, nhưng khác biệt và chịu sự ảnh hưởng lớn nhất là sáng tạo điện ảnh của một năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Gần 20 phim truyện điện ảnh và phim tài liệu chiếu rạp trong năm 2020, ít nhiều cũng có những sáng tạo nghệ thuật, góp phần giúp nhiều tác phẩm tiếp cận được khán giả.
Với cái nền chung đó, nhiều đạo diễn trẻ áp dụng chủ yếu các thể loại của phim giải trí, thương mại, đáp ứng thị trường, thậm chí thị trường có tính nhất thời. Có thể thấy thể loại được áp dụng chủ yếu là hài hay sự kết hợp với hài như hài - tâm lý (Gái già lắm chiêu 3, Tiệc trăng máu, Nắng 3: Lời hứa của cha), gia đình - hài (30 chưa phải Tết), kinh dị - hài (Đôi mắt âm dương), hài - hành động (Sắc đẹp dối trá, Chị Mười Ba 2: Ba ngày sinh tử), hài - tình cảm (Tôi là não cá vàng)…
Từ thực tế trên cho thấy, thể loại hài cũng có một loạt các chủ đề, nhân vật, cấu trúc tự sự và kỹ thuật máy quay tương đồng, yếu tố liên kết các bộ phim lại với nhau. Vì thế, trong một số phim yếu tố thể loại trở nên đắc địa, hiệu quả là được/do/buộc/cần kết hợp và là hệ quả của nhiều phương diện nghệ thuật khác.
Trong xu hướng chung đó, có một số thể loại phim khác được khai thác và kết hợp với hỗn dung, lưỡng dung thể loại như hành động, giật gân, tâm lý, lãng mạn, tình cảm… với sự đậm đặc các yếu tố hồi hộp, kịch tính, tâm lý, tình cảm như hành động - giật gân (Ròm), tình cảm - giật gân (Song song), tâm lý - giật gân (Bằng chứng vô hình, Trái tim quái vật), tình cảm - lãng mạn (Sài Gòn trong cơn mưa), tâm lý - tình cảm (Chồng người ta)…
Khác với nhiều phim cùng thể loại, Ròm là phim giật gân nhưng không có sự cân bằng tình tiết và chuyện kể giữa cảnh sát và tội phạm như thông lệ, bởi không có tội phạm cũng như nhân vật cảnh sát trong phim. Phim giật gân hiển nhiên nhằm mục đích khiến khán giả giật mình, sốc và hoảng sợ, nhưng Ròm chọn thể loại giật gân như là phương tiện, khi hướng đến việc tạo sự kịch tính, hồi hộp, nhiều hơn là mục đích, bởi phim không nhằm tạo ra sự ghê khiếp. Điều này khiến liên hệ tới so sánh “phim kinh dị nhằm mục đích khiến ta ghê khiếp cũng như sợ hãi nhưng phim giật gân không cần sự ghê khiếp” (1).
Nếu Đôi mắt âm dương cũng cho thấy sự khai thác thể loại kinh dị - hài với các yếu tố kịch tính, hấp dẫn và bất ngờ, thì có thể nói, nhiều thế mạnh thể loại kinh dị (trong đó có yếu tố tâm linh) từng được khai thác trong Khi yêu đừng quay đầu lại, Lời nguyền huyết ngải… trước đó cũng đã được áp dụng, tạo hiệu quả nhất định trong bộ phim này.
Với đa số phim khai thác thể loại hài là chính kết hợp với các thể loại khác, nhưng nếu khai thác phim hài ở tiểu loại hài nhảm (vốn được Châu Tinh Trì khai thác thành công) thì nhiều phim kể trên nằm giữa phim tiểu loại hài nhảm và phim hài thảm họa, do không áp dụng đúng và đủ quy tắc thể loại. Chẳng hạn, các tình huống hài hước trong Tôi là não cá vàng có được do lối dàn dựng rập khuôn, chưa kể nhiều phân đoạn bị kéo dài lê thê để các nhân vật thi nhau tấu hài trên màn ảnh. Hoặc Trái tim quái vật được dàn dựng khi khai thác thể loại kinh dị - trinh thám nhưng diễn biến phim lại chủ yếu đi theo quy tắc của thể loại tình cảm, bởi xuyên suốt câu chuyện từ đầu đến cuối, người xem thấy nổi bật lên chuyện tình của cặp đôi trẻ nhiều hơn là các chi tiết phá án tạo sự kịch tính, hồi hộp và gay cấn…
Không chỉ toát lên ý nghĩa, gửi gắm thông điệp, chủ đề phim truyện điện ảnh chính “là những tư tưởng lớn và nhỏ giúp giải thích những hành động và những sự kiện trong phim” (2). Là sản phẩm của nhiều tác giả trẻ, nhưng có thể ghi nhận nhiều chủ đề, thông điệp được chuyển tải có ý nghĩa nhất định, thậm chí khá nhuần nhuyễn qua không ít bộ phim.
Chẳng hạn, nếu trong 30 chưa phải Tết, nhà làm phim đã gửi gắm được thông điệp về mối quan hệ nhân - quả, phụ - tử và bằng hữu - người đời; khi bộ phim dàn dựng nhiều tình tiết về sự có vay sẽ có trả, đồng thời tô đậm các mối quan hệ đã bị lãng quên, cơ hội nhận ra ai, những điều ý nghĩa và được xem là quan trọng trong cuộc đời của các nhân vật… thì trong Nắng 3: Lời hứa của cha, các đạo diễn cũng chuyển tải được một số thông điệp nhân văn và có giá trị về tình yêu, gia đình và cả sự bao dung.
Nếu nhà làm phim của Sài Gòn trong cơn mưa thông qua việc xoay quanh một câu hỏi khó, với nhiều tình tiết cài cắm xuyên suốt bộ phim, đã đi tìm và gửi gắm lời đáp cho câu hỏi của nhiều người, đó là người giàu có hay người hạnh phúc mới được xem là thành công; hơn nữa thông qua những trải nghiệm, tình huống của tác phẩm, nhà làm phim còn muốn biểu dương sự theo đuổi đam mê, tình yêu, khát vọng của những người trẻ tuổi tại một thành phố được xem là năng động nhất đất nước và đây cũng là một chủ đề khá mới mẻ của Sài Gòn trong cơn mưa, thì thông qua bộ phim Chồng người ta, nhà làm phim muốn gửi gắm một ẩn ý, đó là mọi người cần và có thể hiểu, chia sẻ, đồng cảm nhiều hơn về nỗi lòng, tâm tư cũng như suy nghĩ của người phụ nữ khi rơi vào tình cảnh bế tắc trong hôn nhân.
Có thể nói, câu chuyện và cách kể chuyện trong nhiều phim cũng cho thấy những đóng góp đáng kể về mặt nghệ thuật ở một số khía cạnh, yếu tố nhất định. Nhiều phim phản ánh đề tài khá đa dạng với những câu chuyện ít nhiều có sự phong phú, mới mẻ.
Trong Tiệc trăng máu, cách kể chuyện thấu triệt cung cấp cho khán giả nhiều thông tin tự sự, do cách kể chuyện chuyển từ nhân vật này sang nhân vật khác, nhờ đó thông tin tự sự được đem đến cho khán giả từ nhiều nguồn khác nhau. Cách kể chuyện này “thường được được sử dụng trong các phim mêlô, nhằm tạo ra sự mất cân đối về thông tin giữa khán giả và nhân vật”(3).
Nếu Tiệc trăng máu tiếp tục câu chuyện về bí mật, thị phi, scandal trong showbiz (như đã từng có trong Scandal: Bí mật thảm đỏ) khi bộ phim diễn ra trong bối cảnh một buổi họp mặt của nhóm bạn thân, một thành viên bất ngờ đề xuất trò chơi chia sẻ điện thoại nhằm tăng tinh thần “đoàn kết”; từ đó, những góc khuất của từng người dần hé lộ và khiến cho mối quan hệ vốn khăng khít của họ bắt đầu lay chuyển… thì Sắc đẹp dối trá lại xoay quanh câu chuyện cuộc đời của một anh chàng cascadeur nhưng lại mang trong mình khát khao trở thành phụ nữ; một ngày nọ, ước mơ ấy bỗng phải trở thành hiện thực ngay lập tức khi anh tình cờ chứng kiến một vụ giết người và buộc phải thay đổi nhân dạng để lẩn trốn; sau cuộc phẫu thuật chuyển giới, cha của anh đột ngột lâm bệnh nặng và kể từ đó, rất nhiều tình huống bi hài cùng những gian truân và nguy hiểm không ngừng xảy đến với anh chàng đã được chuyển giới.
Nếu Ròm chọn bối cảnh một khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại Sài Gòn, để kể về cuộc sống của những người dân lao động nơi đây với các nhân vật đều chơi số đề hy vọng kiếm được một khoản tiền lớn để đổi đời; còn Ròm là cậu bé làm “cò đề” để kiếm sống qua ngày, chuyên tư vấn cho người dân những con số may mắn để họ có cơ may trúng đề… thì câu chuyện của Đôi mắt âm dương bắt đầu khi nữ nhân vật tỉnh dậy sau một tai nạn giao thông dẫn đến mất trí nhớ, được chồng đưa về nhà và tái hòa nhập cuộc sống; tuy nhiên, cô bắt đầu nhìn thấy hồn ma một cô gái với đôi mắt chảy máu cứ lởn vởn xuất hiện xung quanh, từ đây, phim cho thấy không chỉ là bí mật về một nhân vật nữ ca sĩ phòng trà nổi tiếng mà còn là câu chuyện về một tính cách khác của nữ nhân vật chính ngày trước khi xảy ra tai nạn.
Nếu câu chuyện trong Nắng 3: Lời hứa của cha kể về chuyện mọi thứ trở nên đảo lộn khi hai mẹ con nhà kia vô tình gặp phải bác sĩ, người có khả năng là cha mà đứa bé bấy lâu đang tìm kiếm; tiếp đó là hành trình chinh phục người cha bất đắc dĩ của hai mẹ con không hề suôn sẻ khi gặp phải chướng ngại đáng gờm là người yêu hiện tại của bác sĩ và số phận nghiệt ngã còn trêu đùa và thử thách tình cha con hơn nữa khi đặt đứa bé vào những tình huống hiểm nghèo… thì Bằng chứng vô hình kể về Thu - một cô gái mù, sau khi bị thương trong một tai nạn ô tô, đã đến trình báo cảnh sát về vụ việc mà cô tin rằng đã trở thành án mạng; cùng lúc đó, một nam nhân chứng khác bất ngờ xuất hiện với lời khai mâu thuẫn với cô về hiện trường vụ án; trong khi cảnh sát còn đang xác minh xem thông tin của ai là sự thật, tên sát nhân đã âm thầm theo dõi cả hai người để tìm cách thủ tiêu nhân chứng.
Nếu câu chuyện của Sài Gòn trong cơn mưa xoay quanh tình yêu của một chàng nhạc sĩ mộng mơ, ngoại hình điển trai nhưng tính tình ngờ nghệch vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm cơ hội và một cô gái trải đời, lanh lẹ, tính tình thực dụng, gặp nhau trong đêm mưa tại nơi không phải quê hương mình, trót yêu và trao cho nhau những cảm xúc khó quên… thì Trái tim quái vật là một câu chuyện đậm chất kinh dị, trinh thám, kể về một người mẹ đơn thân với khao khát được sống và làm ăn lương thiện nhưng không may vướng vào vòng xoáy tội ác. Bị tình nghi là kẻ giết người tại khu chung cư của mình, người mẹ này bị dồn đến bước đường cùng và phải ôm con trai bỏ trốn; câu chuyện càng trở nên phức tạp hơn khi hàng loạt vụ án mạng khác bị phát hiện. Nhà làm phim muốn đi đến tận cùng tội ác, và câu trả lời cho câu hỏi liệu điều gì đang ẩn giấu đằng sau và ai mới là người mang “Trái tim quái vật”.
Nếu phim Chồng người ta khai thác câu chuyện tình yêu đầy thù hận xoay quanh ba nhân vật chính, khi một người tưởng quá khứ đã chôn vùi và xây đắp hạnh phúc gia đình lại bất ngờ xuất hiện người nắm giữ bí mật động trời của mình… thì Song song là bộ phim đặt trong bối cảnh hai cơn bão lớn của năm 1999 và 2020, kể câu chuyện về một người phụ nữ phải tìm cách sửa chữa sai lầm của mình khi vô tình thay đổi quá khứ, khiến cuộc sống hiện tại bị đảo lộn.
Và nếu Chị Mười Ba 2: Ba ngày sinh tử kể về những số phận trong kiếp giang hồ, với chuyện sau khi lật đổ ông trùm, đồng thời đập tan âm mưu thâm độc của các nhân vật cộm cán thì người ta đã có thể yên ổn làm ăn; nhưng trong cuộc đời, mọi điều đều có thể xảy ra, những kẻ thù mới lại tiếp tục xuất hiện, khiến cho cuộc sống của người ta càng thêm rúng động và thêm khó lường... thì Tôi là não cá vàng xoay quanh cuộc sống của một nhà thiết kế thời trang xinh đẹp nhưng mắc căn bệnh Alzheimer, khiến người yêu từ hôn và với cô, mỗi ngày đều là một ngày mới vì những ký ức ngày cũ dường như tan biến; tiếp đó, một chàng nhiếp ảnh gia hành tung bí ẩn lại theo đuổi và tỏ tình với cô… khiến câu chuyện tạo ra bước ngoặt mới.
Trong một số phim, việc xây dựng hệ thống nhân vật, nghệ thuật dàn dựng, quay phim và dựng phim… là kết quả của những sáng tạo đáng kể. Ở các phim như Tiệc trăng máu, Ròm…, hệ thống nhân vật góp phần tăng tính hấp dẫn cho tác phẩm. Trong đó, các nhân vật chính đã có nhu cầu và mục tiêu rõ ràng, cụ thể, hơn nữa họ muốn làm hoặc cần hoàn thành điều gì đó ở cuối phim và lý do họ muốn làm cũng rõ ràng, hiển nhiên và có thể nhìn thấy được. Hệ thống nhân vật trong các phim này và một số phim khác đã tạo nên kịch tính và “chính là lực đẩy, tạo ra những điểm mấu chốt trong câu chuyện và buộc chúng lại với nhau. Động cơ là điều tạo nên kịch tính: nhân vật rơi vào xung đột và tại sao nhân vật đó lại tìm đến xung đột” (4), trong đó cặp nhân vật trẻ trong Ròm là ví dụ điển hình.
Cùng với nghệ thuật dàn dựng, nhiều cảnh quay và dựng phim đã tạo nên nét đặc sắc, khác biệt cho Ròm, nhất là những cảnh rượt đuổi của hai nhân vật chính trẻ tuổi được dựng nhanh với nhiều cú cắt cảnh gọn và những cảnh quay ngắn. Chính việc nhà làm phim sử dụng những cú cắt cảnh nhanh ở nhiều cảnh rượt đuổi, va chạm, đụng độ trên đường phố, đặc biệt trong các ngõ hẻm rất hẹp, ngoằn ngoèo còn cảnh trong nhà lại dùng đến những cú cắt cảnh chậm và cú máy dài đã tạo nên nhịp điệu, tiết tấu của một phim hành động điển hình (kiểu như Taken, John Wich… hay Bẫy rồng, Dòng máu anh hùng, Hai Phượng), khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn ảnh.
Khi thi triển một phim remake, phiên bản từng được khán giả nước ngoài ưa thích, bên cạnh việc dàn dựng những tình tiết tạo kịch tính, trong Tiệc trăng máu, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã cho lồng ghép những tình huống cùng với các câu thoại hài hước, chi tiết vui nhộn. Phim này cho thấy những đóng góp về dàn dựng theo phiên bản Việt hóa và sự chuyên nghiệp của nghệ thuật diễn xuất.
Điều tương tự về hiệu quả thị giác thấy rõ trong nghệ thuật dàn dựng cấp tiến và hiện đại so với điện ảnh trong nước, có thể thấy trong Ròm, bởi với thể loại hành động, giật gân, với những yếu tố hồi hộp, kịch tính như một thủ pháp đặc trưng của nghệ thuật dàn dựng (xuất phát từ sự đam mê khó cưỡng nơi đạo diễn và đến lượt mình, đã tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng đối với khán giả, như một hiệu ứng đương nhiên), Ròm đóng góp một cách kể hiện đại, khai thác tối đa sức mạnh của dựng phim..., những điều được xem là thế mạnh của nhiều đạo diễn giỏi của phim truyện điện ảnh đương đại trên thế giới.
Trong khi đó, nếu 30 chưa phải Tết trình diễn một cách dàn dựng liên hoàn và dựng phim hồi tưởng, khi kết hợp câu chuyện và cấu trúc “vòng lặp thời gian” để nhấn mạnh chủ đề về yếu tố nhân - quả cũng như việc đừng vội vàng khi mọi chuyện chưa ngã ngũ… thì Chồng người ta lại khai thác khá hiệu quả yếu tố thể loại phim tâm lý - tình cảm kết hợp hành động khi có những yếu tố cao trào, bước ngoặt bất ngờ trong dàn dựng.
Với Sài Gòn trong cơn mưa ngoài công tác dàn dựng, cũng phải kể đến đóng góp về mặt tạo hình của phim này với nhiều khuôn hình như những bức tranh lụa lãng mạn, bay bổng.
Về nhân lực làm phim, trừ Nguyễn Quang Dũng (Tiệc trăng máu), Đồng Đăng Giao (Nắng 3: Lời hứa của cha),… đa phần các phim truyện điện ảnh 2020 là phim đầu tay của nhiều đạo diễn. Có thể kể như Trần Thanh Huy (Ròm), Bảo Nhân, Namcito (Gái già lắm chiêu 3), Nguyễn Hữu Tiến (Chồng người ta), Quang Huy (30 chưa phải Tết), Nhất Trung (Đôi mắt âm dương), Kay Nguyễn (Sắc đẹp dối trá), Lê Minh Hoàng (Sài Gòn trong cơn mưa), Trịnh Đình Lê Minh (Bằng chứng vô hình), Tạ Nguyên Hiệp (Trái tim quái vật), Nguyễn Hữu Hoàng (Song song), Võ Thanh Hòa (Chị Mười Ba 2: Ba ngày sinh tử), Lê Hướng Nam (Tôi là não cá vàng)…
Ngoài số ít phim sở hữu các đóng góp nghệ thuật, nhưng vì đầu tay, nên nhiều phim cũng khó tránh khỏi một số hạn chế, điều có thể dễ gặp ở những nhà làm phim trẻ. Chẳng hạn, với sự thiếu cân đối về bố cục và các vấn đề khác của Nắng 3: Lời hứa của cha, thì nhận định “ghi điểm nhiều nhất ở sự hài hước nhưng vẫn chưa khắc phục được điểm yếu trong khâu kịch bản. Nửa đầu phim có nhịp độ nhanh với những màn chuyển cảnh liên tục, khiến mối quan hệ giữa các nhân vật bị rời rạc khi còn chưa được xây dựng vững chắc. Nửa sau tác phẩm lại lê thê khi hàng loạt tình huống bị kéo dài không cần thiết, chỉ nhằm câu nước mắt khán giả” (5) là có cơ sở.
Trong một số phim, nhà làm phim lại đưa vào tác phẩm quá nhiều thứ để rồi không câu chuyện nào đưa được cảm xúc người xem lên cao. Trong đó, có những cách dàn dựng khiến câu chuyện chỉ diễn ra một cách xuôi chiều, nhân vật xuất hiện không đủ để thể hiện tính cách, số phận.
Chẳng hạn, câu chuyện Sài Gòn trong cơn mưa làm nhớ đến bộ phim nổi tiếng La La Land khi cùng kể về những người trẻ đầy khát vọng lập nghiệp ở một thành phố sôi động và đều lấy âm nhạc là chủ đạo trong cách chuyển tải cảm xúc, nhưng phần âm nhạc của Sài Gòn trong cơn mưa rất khó so được với phim của Hollywood. Chưa kể, phim này còn khá giống với Cơn mưa tình đầu (tác phẩm Thái Lan là bản remake từ phim Hàn Quốc The Classic). Về chủ đề phim, vì muốn chuyển tải nhiều thông điệp trong một bộ phim điện ảnh thời lượng có hạn nên chủ đề của phim này cũng chưa toát lên trọn vẹn điều nhà làm phim muốn gửi gắm.
Trong khi đó, nhà làm phim Tôi là não cá vàng có thể muốn tạo một phiên bản mới của 50 First Dates (2004, Mỹ, với danh hài Adam Sandle trong vai bác sĩ thú y và Drew Barrymore trong vai bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ, xoay quanh chuyện tình bi hài của một cô gái mắc chứng mau quên), nhưng nếu muốn khai thác tiếng cười từ chứng đãng trí của nữ nhân vật thì trong phim này, bệnh tình của cô gây ra nhiều sự khó chịu hơn là tạo nên sự đáng yêu nào đó, vì cô không gặp quá nhiều khó khăn trong cuộc sống và vẫn vô tư ngay cả khi công việc, tình cảm bị ảnh hưởng, thậm chí dù biết mình bị bệnh, cô vẫn tỏ ra đanh đá, khó chịu khi bị người khác góp ý.
Cách kể và câu chuyện mối tình tay ba, với số phận nhân vật chính và những tình tiết, cao trào, bước ngoặt của tình yêu và thù hận trong Chồng người ta không có gì mới, và chưa thể thấy sự sâu sắc, nhiêu khê, trắc trở, bạo liệt… như trong Lấy chồng người ta (đạo diễn Lưu Huỳnh, 2012) trước đó.
Trong nhiều phim, do sự thiếu đầy đặn của số phận, thiếu sự phức tạp, đa chiều trong nội tâm của nhân vật chính, nói cách khác là “thiếu đất diễn”… nên nhiều diễn viên đã không phát huy hết năng lực, cảm xúc thăng hoa trong nghệ thuật diễn xuất, dù đã từng có các vai diễn thể hiện xuất sắc nhân vật mà mình thủ vai, thậm chí được xem là tạo nên các dấu ấn sáng tạo, cột mốc diễn xuất trong các phim trước. Chẳng hạn, trong Bằng chứng vô hình, khi đóng vai cô gái mù tên Thu, Phương Anh Đào đã không có “đất dụng võ” như trong Chàng vợ của em (đạo diễn Charlie Nguyễn, 2018). Tương tự là với trường hợp Khánh Hiền (được nhắc nhớ nhiều với vai cô gái quê trong Tôi thấy hoa vàng trong cỏ xanh, 2015) với vai Huyền, nữ thiết kế trẻ bị suy giảm trí nhớ do bệnh Alzheimer trong Tôi là não cá vàng. Đó là chưa kể câu chuyện diễn xuất trong Chồng người ta, Trái tim quái vật, Song song…
Không chỉ vậy, trong một số tác phẩm cũng có vấn đề thuộc về diễn xuất, chẳng hạn trong Sài Gòn trong cơn mưa, có thể thấy giọng nói của nhiều diễn viên khá khó nghe, nhiều nhân vật có biểu cảm gương mặt đôi khi thiếu sinh động, thậm chí đơn điệu.
Ngoài phim truyện điện ảnh, phim tài liệu chiếu rạp cũng là một nét mới của điện ảnh năm 2020, với sự mới mẻ, sức hấp dẫn, trong đó hấp dẫn từ sự tò mò, muốn khám phá về bản thân chủ thể sáng tạo.
Phim tài liệu Sky Tour mô tả câu chuyện “người thật, việc thật”, nói cách khác, tour diễn ca nhạc đầu tiên của một nghệ sĩ được dựng thành phim tài liệu. Nếu trong làng nhạc thế giới, việc làm phim tài liệu về show diễn của ca sĩ là hoạt động khá quen thuộc thì lần đầu tiên tại Việt Nam, một nghệ sĩ phát hành bộ phim tài liệu âm nhạc về tour diễn của mình trên màn ảnh rộng. Phim Sky Tour ít nhiều đã đem đến cho khán giả những khoảnh khắc đẹp đẽ, đáng ghi nhận về một sự kiện âm nhạc, nhất là nhạc trẻ, được xem là đình đám nhất năm 2019. Tuy nhiên, sức hấp dẫn, hiệu quả nghệ thuật của phim, với số đông người yêu nhạc trẻ, có được một phần nhờ những thước phim tư liệu phản ánh về mối quan hệ “âm nhạc, Sơn Tùng M-TP, người hâm mộ, cảnh hậu trường Sky Tour” và cũng chỉ dừng lại ở đó.
Nhưng đáng ghi nhận hơn nữa không thể không kể đến Màu cỏ úa của nữ đạo diễn Lan Nguyên, khi nhạc sĩ Trần Tiến đã thực sự trở thành “thỏi nam châm” của phim tài liệu xét từ nhiều khía cạnh. Trong đó, điều đáng nói nhất chính là việc bộ phim này đã mang tới cho người xem những niềm xúc động lớn lao và cả những cảm xúc nhiều cung bậc, đa chiều. Phim cũng cho thấy hiệu ứng nghệ thuật, sự khác biệt lớn và cả sở trường, sở đoản của cách làm phim không có chuyện, không dựng kịch bản trước… như cách làm truyền thống; và khuynh hướng sáng tạo, sự lên ngôi của phim tài liệu chân dung.
Điện ảnh phim truyện và tài liệu Việt Nam năm 2020 chứng kiến việc tham gia làm phim của nhiều đạo diễn trẻ với các phim đầu tay, vì thế trong đa số phim, thể nghiệm là nét chủ đạo, và không có nhiều thủ pháp nghệ thuật vốn thường được biết đến là kết quả của các nhà làm phim có thâm niên cũng như đã khẳng định được tên tuổi.
Nhưng nếu thấy những ảnh hưởng của COVID-19 với nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng thì có thể sau dịch bệnh, nhiều khuynh hướng sáng tạo như năm 2020 sẽ được tiếp tục trong những vấn đề, sáng tạo, hiệu quả, chất lượng nghệ thuật, không chỉ là phim thị trường… của những nhân sự làm phim khác, tươi mới, không chỉ đa phần là phim đầu tay, và đổi mới nhiều hơn, tạo nên những bước ngoặt về phương diện nội dung và nghệ thuật.
_______________
1. David Bordwell, Kristin Thompson, Nghệ thuật điện ảnh, Nxb Giáo dục, 2008, tr.151.
2. Timothy Corrigan, Hướng dẫn viết về phim, Nhã Nam - Nxb Tri thức, 2011, tr.90.
3. Warren Buckland, Nghiên cứu phim, Nhã Nam - Nxb Tri thức, 2011, tr.179.
4. Ray Frensham, Tự học viết kịch bản phim, Nhã Nam - Nxb Tri thức, 2011, tr.179.
5. Hạ Tuyết, Nắng 3: Lời hứa của cha: Hài hước nhưng chưa thuyết phục, zingnews.vn
Tác giả: Vũ Ngọc Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021