Đạo diễn NSƯT Trịnh Quang Tùng và những khoảnh khắc đồng hành cùng phim tài liệu

Đạo diễn NSUT Trịnh Quang Tùng sinh năm 1975 tại Thanh Hóa. Anh thành danh ở cương vị quay phim và đạo diễn. Nhiều phim do anh đạo diễn và đồng đạo diễn nhận các giải thưởng cao như Bông sen vàng, Bông sen bạc, Cánh diều vàng, Cánh diều bạc, các giải thưởng quốc tế… Năm 2019, đạo diễn Trịnh Quang Tùng được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Hiện anh đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc phụ trách Hãng phim tài liệu và Khoa học Trung ương.

Từ một nhân viên kỹ thuật ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho tới vị trí quay phim phụ, quay phim chính rồi trở thành đạo diễn, Phó Giám đốc phụ trách Hãng phim - đó quả là một hành trình đầy nỗ lực và cũng tràn đầy cảm hứng của NSUT Trịnh Quang Tùng. Mãi mãi, Trịnh Quang Tùng biết ơn những khoảnh khắc như duyên phận mà cuộc sống đưa đến cho anh, để anh có được thành công ngày hôm nay. 

Một trong những khoảnh khắc như duyên phận ấy gắn với thời điểm năm 1999, anh tham gia trong đoàn làm phim “Vì cuộc sống bình yên”, bộ phim tài liệu đề tài hậu chiến, khắc họa hậu quả, sức tàn phá ghê gớm của bom mìn đối với con người. “Tôi đã đi vào bãi mìn, rất hồn nhiên nghĩ rằng không có vấn đề gì cả, tức là mình đam mê quá, mình ham hình quá, cho nên mình quay rất tốt những cảnh trong bãi mìn. Khi rút ra khỏi bối cảnh đó mới thấy sợ, thấy nguy hiểm. Trong phim có những hình ảnh vô cùng ám ảnh. Những người lớn, những em bé bị mất đi một phần thân thể khi giẫm phải mìn, vướng phải bom bi. Nhiều vụ tai nạn do cưa bom mìn mà bay cả thân xác, nhiều gia đình mất đi người thân, hoàn cảnh rất buồn thương. Dù chỉ đóng góp một số cảnh quay, nhưng tác phẩm đó đánh dấu bước đầu tiên tôi đến với điện ảnh, như là nhân duyên cuộc đời”.

Đạo diễn NSƯT Trịnh Quang Tùng (thứ 2 từ phải sang) tác nghiệp tại hiện trường

 Ngay từ lần đầu tiên tham gia quay phim, Trịnh Quang Tùng đã cảm thấy mối gắn kết giữa anh với phim tài liệu. Tác nghiệp ở hiện trường thường vất vả, thậm chí nguy hiểm, nhưng khi những hình ảnh đời sống được tái hiện qua từng giây hình, cảm giác thật hạnh phúc - niềm hạnh phúc có thể cầm, có thể nắm, có thể ngân vang mãi trong tâm hồn. Niềm hạnh phúc ấy dẫn dắt anh, thúc đẩy anh, nhân lên trong anh khao khát được ghi lại hiện thực và sáng tạo trước hiện thực. Và một mảnh hiện thực đời sống đã được Trịnh Quang Tùng tái hiện thành công qua Quán trà câm - tác phẩm tốt nghiệp chuyên ngành quay phim của anh ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng nhắc lại khoảnh khắc đầu tiên vừa đóng vai trò quay phim và đạo diễn, Trịnh Quang Tùng vẫn còn nhớ như in. Gần ba tháng trời anh lân la, vạ vật ở quán trà mà những người khiếm thính hay lui tới. Mãi rồi mới làm quen, học được cách giao tiếp với họ, được họ dẫn về nhà chơi, rủ đi uống trà uống bia. Khi anh bắt đầu quay thì giữa anh và họ không còn bất kỳ một khoảng cách nào. Chính cái không khoảng cách đó đã tạo nên thành công của bộ phim. Cả năm giảng viên trong hội đồng chấm thi tốt nghiệp của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm đó đều cho anh điểm 10 tuyệt đối. 

“Với người làm phim tài liệu, bao giờ họ cũng đau đáu về những câu chuyện, những vấn đề trước mắt họ. Khi không có chính kiến, khi không còn mối bận tâm trăn trở với đời sống xã hội thì chắc chắn lúc đó mình không còn làm nghề được nữa. Thường trực trong tôi luôn phải quan sát, tìm hiểu xem vấn đề này như thế nào, có tác động đến ai, khi mình đề cập thì nó có mang lại điều gì không, bộ phim này có được xã hội đón nhận, quan tâm thật sự hay không?”. Những suy nghĩ ấy luôn ở trong Trịnh Quang Tùng, động viên anh tìm tòi và sáng tạo. Ngay từ phim tài liệu đầu tay Khi không thể vượt qua chính mình (đồng đạo diễn với Bùi Thị Phương Thảo), Trịnh Quang Tùng đã chọn một đề tài khó tiếp cận, đó là những người bị khủng hoảng tâm lý, mắc bệnh tâm thần. Quá trình thực hiện từng cảnh quay cũng chính là quá trình anh cảm thấy đã tự vượt qua chính mình, đưa được tiếng nói của những người bé nhỏ cùng những thông điệp nóng của đời sống hiện đại vào tác phẩm. Khi không thể vượt qua chính mình đoạt Cánh diều bạc năm 2009. Từ đây mở đường cho anh chinh phục một loạt giải thưởng qua các kì Liên hoan phim Việt Nam và giải Cánh diều của Hội điện ảnh Việt Nam, với các tác phẩm ở cả hai dòng phim tài liệu và phim khoa học như: Chuyện dài ở bệnh viện, Lang thang như đám mây trời, Bướm - côn trùng cánh vảy, Lũ miền núi … 

Một cảnh trong phim tài liệu khoa học Lũ miền núi do NSƯT Trịnh Quang Tùng làm đạo diễn

Bên cạnh mảng đề tài về những số phận đời thường, NSƯT Trịnh Quang Tùng còn tham gia thực hiện nhiều tác phẩm tài liệu về những nhà lãnh đạo, những nhà văn hóa, nhà khoa học nổi tiếng. Mỗi nhân vật lại đòi hỏi cách tiếp cận riêng, một cấu tứ riêng. Với anh, được tiếp xúc với những nhân vật - nhân cách văn hóa ấy là một may mắn. Có những nhân vật đang còn sống, có những nhân vật họ đã mất rồi. Khi khai thác những nhân vật này, việc tìm hiểu về họ rất cần thiết, với các nguồn tư liệu phong phú, nhiều chiều. Bên cạnh sự khẳng định, tôn vinh thành tựu cống hiến của nhân vật, người làm phim còn phải tìm ra điều đặc biệt, riêng biệt, khám phá được những thông điệp mới. Có như vậy tác phẩm mới hấp dẫn, mới được khán giả đón nhận. Thời điểm làm phim về nhà văn hóa Hữu Ngọc, khi gặp ông, ông nói với anh đầy thân mật: “Tùng ơi, đã có 12 phim làm về tôi rồi, kể cả trong nước và nước ngoài, thế thì bây giờ Tùng làm cái gì?”. Câu hỏi thật sự khó. Phải khai thác những gì, tìm khía cạnh nào, câu chuyện nào, cách kể ra sao? Việc làm mới con người, làm mới tác phẩm bao giờ cũng là thách thức cho các nhà làm phim. Trịnh Quang Tùng nghĩ đến hình tượng những đám mây di chuyển khắp nơi và buột ra “Lang thang như đám mây trời”. Những hành trình vừa mang tính vật lý vừa mang ý nghĩa tinh thần của nhà văn hóa Hữu Ngọc đã tạo cho anh nguồn cảm hứng, xây dựng, khai triển tứ cho bộ phim. Ông đã lang thang trên cõi đời, bám rễ sâu vào văn hóa Việt để rồi lại lang thang qua bao vùng đất khác, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, tạo cho mình một thương hiệu rất riêng. Đó là một con người đi tìm hiểu văn hóa, nghiên cứu văn hóa và quảng bá văn hóa, là một nhịp cầu nối đất nước ta với nhiều nước trên thế giới. Sự lang thang đó là một phẩm chất văn hóa ở ông, có tính lan tỏa, truyền cảm hứng sâu sắc. 

*

Là một đạo diễn trưởng thành từ quay phim, gặt hái được nhiều thành công với phim tài liệu và phim khoa học, nhưng nếu hỏi Trịnh Quang Tùng là anh đã đoạt được bao nhiêu giải thưởng, đã tham gia vào bao nhiêu tác phẩm, hẳn anh sẽ không thể trả lời ngay. Cảm giác về sự vất vả sau mỗi hành trình cũng qua đi rất nhanh, chỉ còn lại niềm hạnh phúc khi đã vượt qua giới hạn của bản thân, được gặp gỡ được tái hiện cuộc đời của nhiều trí thức và chính trị gia nổi tiếng, được đồng cảm sẻ chia với những số phận đời thường, được bày tỏ những thông điệp cuộc sống… Từng khung hình qua máy quay phim luôn hấp dẫn anh, thúc giục anh trải nghiệm và khám phá. 

Nhìn lại hành trình hơn hai mươi năm gắn bó với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Trịnh Quang Tùng tự thấy mình là người may mắn khi sớm được tiếp xúc, được sự dìu dắt tận tình từ các đạo diễn, biên kịch nổi tiếng của Hãng phim. Song tất nhiên, yếu tố quyết định nhất vẫn nằm ở nỗ lực cá nhân, nỗ lực ấy được xây dựng trên nền tảng của đam mê và sự dấn thân cùng nghề nghiệp. Anh bộc bạch: “Sinh ra bằng cái nghề phim tài liệu khoa học thì sau này, mãi mãi chỉ có trong trái tim mình là phim tài liệu khoa học thôi, với một tâm nguyện góp phần tạo nên những thay đổi nào đó để mảng phim này có hướng tiếp cận mới hơn, có những cách làm mới hơn, với những bộ phim chất lượng hơn, để khẳng định và giữ được uy tín nghề nghiệp của một đơn vị hàng đầu về phim tài liệu khoa học ở nước ta”. 

Đi cùng với thành công luôn là áp lực. Hiện nay, ở vị trí Phó giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, đạo diễn NSUT Trịnh Quang Tùng có nhiều băn khoăn trăn trở, những đam mê cá nhân phải nhường chỗ cho trách nhiệm và nghĩa vụ với tập thể. Song, có lẽ trong anh vẫn thường trực niềm khao khát về một ngày nào đó được lang thang trên những nẻo đường, được lấp đầy lồng ngực những âm thanh và hương vị dịu dàng đắng ngọt của đời thường. Và khi niềm khao khát ấy còn vẫy gọi thì sẽ còn sáng tạo!

ANH THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 556, tháng 12-2023

;