Đạo diễn, NSND Phan Trọng Quỳ - Người nghệ sĩ - chiến sĩ

Cả cuộc đời cống hiến cho điện ảnh trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất, luôn có mặt ở những điểm nóng nhất của cuộc chiến, hòa bình lập lại trên cả hai miền đất nước vừa được 6 năm, đạo diễn Phan Trọng Quỳ đã vĩnh viễn đi xa. Nhưng những thước phim còn vương mùi khói súng mà ông cùng các đồng nghiệp của mình đã phải mạo hiểm đánh cược cả mạng sống để lưu giữ cho hậu thế thì còn mãi. Mỗi bộ phim là một chiến công thầm lặng mà những người nghệ sĩ - chiến sĩ như ông để lại cho nghệ thuật, cho cuộc đời. Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân (NSND) mà ông được truy tặng như là một nghĩa cử của đất nước, của nhân dân tri ân người con anh dũng, người nghệ sĩ một đời đam mê với chiếc máy quay.

NSND Phan Trọng Quỳ (người đứng thứ ba từ phải sang) cùng các đồng nghiệp vinh dự được chụp ảnh với Bác Hồ

"Người làm phim thời sự hay nhất"

Khi tìm hiểu tư liệu để viết về NSND Phan Trọng Quỳ, có một ý nghĩ luôn thường trực trong tôi: “Thì ra chết không phải là hết!” khi tôi được đọc những dòng hồi ức chứa chan tình cảm mà những người ở lại dành cho ông. Đó là những bạn đồng nghiệp từng đồng cam cộng khổ đi làm phim cùng ông trong khói lửa chiến tranh, là nhà báo từng quen biết ông “trong những lúc vào sinh ra tử”, là người bạn ở lại hậu phương chứng kiến những gian nan chia cắt làm tư bởi đạn bom của gia đình ông ngày ấy mà ấn tượng họ không thể quên về ông là một người chiến sĩ can trường, gan dạ, quả cảm nhưng cũng mang trong mình những tố chất của một nghệ sĩ rất hóm hỉnh, tình cảm và dễ xúc động.

 Cũng nhờ đọc những tư liệu này mà tôi nhận ra, hình ảnh ghi lại một khoảnh khắc đầy bi tráng, có một không hai trong cuộc chiến thường được trích dẫn trong nhiều bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam do chính ông là tác giả. Đó là hình ảnh máy bay B52 cháy rực như một quầng lửa rơi trên bầu trời Hà Nội được quay ở một cự ly rất gần với một góc độ độc đáo. Nhà văn Vũ Bão trong một ký sự tưởng nhớ về bạn mình đã kể lại: “Chính tôi khi nhìn lên màn hình thấy quầng lửa ở lưng chừng trời cứ như đang lao vào chỗ tôi ngồi, nước mắt tôi đọng lên mi lúc nào không biết. Muốn gửi lại đời những khuôn hình dữ dội và xúc động, nghệ sĩ đã quên cả thân mình, chỉ còn nghĩ đến nghệ thuật”.

Quầng lửa sáng chói này đã in dấu trong ký ức của các đồng nghiệp và nhiều thế hệ khán giả VN như là một hình ảnh có sức biểu cảm mãnh liệt về cuộc chiến tranh VN và cũng là một khoảnh khắc thăng hoa mà người nghệ sĩ Phan Trọng Quỳ đã để lại cho hậu thế. Nhà báo Hữu Thọ - nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân trong một bài viết về NSND Phan Trọng Quỳ - người được ông cho là “người đồng nghiệp can trường và nhanh nhạy” của mình đánh giá, chỉ với hình ảnh này, ông cho rằng “tác phẩm của Quỳ không chỉ giá trị ở những bộ phim giải vàng, giải bạc mà còn ở những thước phim thời sự thực ra còn có giá trị hơn các giải vàng, giải bạc”.

Và có lẽ bởi vậy mà đạo diễn, NSƯT Lại Văn Sinh khi còn là Giám đốc Hãng phim TL&KH TƯ đã quả quyết rằng, đạo diễn Phan Trọng Quỳ chính là “người làm phim thời sự hay nhất” ở VN. Nhìn lại gia sản mấy chục bộ phim với 8 giải Bông sen vàng, Bông sen bạc tại các kỳ LHP VN và một giải Quay phim xuất sắc, một bằng khen đặc biệt cho “tập thể quay phim Phan Trọng Quỳ và đồng nghiệp” mà ông nhận được trong suốt hơn 30 làm nghề, có thể thấy ông luôn có mặt để đưa tin tại những điểm “nóng” nhất với những tin tức thời sự nhất ngay từ khi mới chập chững vào nghề, đi phụ quay phim cho các đàn anh lão luyện để rồi trưởng thành từ đó.

Nhắc đến sự nghiệp của NSND Phan Trọng Quỳ không thể không nhắc tới những thước phim tư liệu quý giá về Bác Hồ mà ông là một trong số ít những nghệ sĩ hiếm hoi luôn được quay phim về Bác và tháp tùng Người trong những chuyến công du trong và ngoài nước. Ông cũng luôn là nghệ sĩ điện ảnh có mặt sớm nhất ở những vùng chiến sự ác liệt nhất nơi Quảng Bình, Vĩnh Linh thời giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, vào Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa 1972, ở lại bám trụ Hà Nội trong những ngày bom B52 rải thảm, là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt tại Sài Gòn ngày giải phóng… Chính những bộ phim thời sự tài liệu quý giá mà ông đã bất chấp hiểm nguy để có được này đã góp phần mang lại cho ông danh xưng mà thế hệ hậu sinh dành tặng: “Người làm phim thời sự hay nhất”.

Và "Người cha... đãng trí nhất"

Nếu trong cuộc đời, muốn có được thành công trong sự nghiệp cần phải đánh đổi một điều gì đó, thì NSND Phan Trọng Quỳ đã chấp nhận quên đi hạnh phúc riêng tư với gia đình nhỏ bé của mình để chỉ tôn thờ một mục đích tối thượng: nghề nghiệp.

 Bà Trịnh Thị Nhân - người bạn đời của ông nhớ về chồng mình như là một người đàn ông cương trực, thẳng thắn nhưng cũng rất nóng tính ở trong gia đình, một người hết lòng với bạn bè và là một người nghệ sĩ đam mê nghề nghiệp. Bà kể lại, thuở còn con gái bà theo nghề điện ảnh với sự dìu dắt của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Bà quen biết ông khi ông đang là phụ quay phim, năm ấy ông đã 38 tuổi, còn bà chỉ mới 23, đương thì xuân sắc. Hỏi bà khi lấy ông không ngại ông lớn tuổi hơn mình rất nhiều sao, bà chỉ cười: “Khi ấy chỉ nghĩ, ông ấy là đảng viên thì chắc là người tốt”. Rồi đám cưới của ông bà được tổ chức trong một hôn lễ tập thể theo lối đời sống mới vào ngày 8/2/1955. Bắt đầu từ đó, cô gái Hà Nội gốc trở thành một người vợ, người mẹ điển hình trong thời chiến ở Việt Nam, khi phải “hy sinh tất cả” để làm một người phụ nữ đứng đằng sau thành công của chồng mình, một tay nuôi dạy con cái nên người. 

NSND Phan Trọng Quỳ luôn có mặt ở những "điểm nóng" của cuộc chiến

Ba lần sinh, chồng hầu như không có mặt bên cạnh. Vừa đi làm, vừa nuôi con một mình, lại thêm cuộc sống thiếu thốn thời chiến, bà Nhân bảo rằng vì “chịu đựng quen rồi” nên không thấy vất vả. Chỉ nơm nớp lo sợ mỗi khi chồng đi vào chiến trường mà không một lần viết thư về cho vợ và thương con mỗi khi phải đưa chúng đi sơ tán hết nơi này tới nơi khác trong suốt những năm thơ trẻ. Hơn 20 năm cuộc sống vợ chồng, hai ông bà không hề có một tấm ảnh chụp chung, chỉ có duy nhất một bức hình chụp bên cả đại gia đình. Sự giản dị đến quên cả bản thân mình của ông khiến cho cả cuộc đời ông chỉ còn lưu lại khoảng 20 tấm ảnh, hầu hết là ảnh trên chiến trường. Ông đi vắng liên miên, mỗi khi trở về, việc đầu tiên là hô cả nhà cùng xoay trần ra lau thật cẩn thận chiếc máy quay Konvas 9kg và bình ắc quy mà ông coi như “bảo bối”.

Ký ức về người cha của ba cô con gái luôn là những giây phút ấy, khi cha vừa trở về sau một chuyến công tác dài, các con cùng ríu rít bên cha để lau chiếc máy quay mà không hề biết cha mình vừa trải qua những phút giây “ngàn cân treo sợi tóc”. Cha về, không mấy khi hỏi vợ con ở nhà ra sao, cũng không hề kể về hành trình “vào sinh ra tử” của mình. Vợ và các con chỉ biết rằng cha đã sợ nước nhưng cũng rất gan dạ ra sao, thoát chết trong gang tấc thế nào và trải qua những phút giây xúc động đến bật khóc khi phải chôn cất đồng nghiệp của mình, có những giây phút thăng hoa xuất thần trong nghề nghiệp… qua lời kể của các đồng nghiệp của cha. Những câu chuyện cảm động này cùng các bài báo, vài tấm ảnh hiếm hoi luôn được người vợ và các cô con gái nâng niu như những báu vật.

 Một “ví dụ điển hình” nhất luôn được các con kể lại mỗi khi nhắc tới cha mình, đó là chuyện ông không bao giờ biết con mình đi sơ tán ở đâu và mỗi khi có ai đường đột hỏi, nhiều khi ông không nhớ nổi con gái đang học lớp mấy. Nhưng nếu hỏi ông về bất cứ một cảnh nào ở trong những thước phim ông đã quay, ông đều nhớ vanh vách. Sự “đãng trí” này cũng với lời ước “được khỏe lại như người cháu để cầm máy quay phim” khi ông đang nằm trên giường bệnh luôn làm dâng lên trong mắt người vợ và ba cô con gái của ông những giọt lệ nhớ thương người chồng, người cha đã hy sinh hạnh phúc riêng tư vì đam mê nghề nghiệp của mình. NSND Phan Trọng Quỳ được trao Giải thưởng Nhà nước với cụm tác phẩm mà ông là đạo diễn hoặc quay phim: Phim Như đón cả 14 triệu đồng bào miền Nam anh hùng, phim Một ngày trực chiến, Phim Hà Nội lập công mừng thọ Bác Hồ, phim Hồ chứa nước Mẫu Sơn, bộ phim tư liệu Bác Hồ đi thăm các nước XHCN.

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 508, tháng 8-2022

;