Có một NSND đặc biệt

NSND Lê Ngọc Cường trong ký ức tôi là một người có rất ít điểm trùng với cái gọi là tính nghệ sĩ như sự lãng đãng, mau quên, bốc đồng… Nhỏ nhắn, gầy gò, chất giọng địa phương rất đậm cùng cách nói “khác người”, có phần cực đoan, dễ khiến người ta phải nhìn kỹ người phát ngôn nhưng ông cũng là người yêu ghét phân minh và đặc biệt trân trọng người thực tài, người làm nghề giỏi. Chỉ những ấn tượng đó thôi, đã khiến nhiều nhà báo cảm tình với ông, luôn “làm phiền” ông bởi sau đó là những ý kiến thẳng thắn, dám nói, dám chịu trách nhiệm, những điều làm nên những bài viết ấn tượng trong nghề báo.

Cuộc đời ông gắn bó với nghệ thuật múa ở nhiều cương vị khác nhau, thậm chí khi đã ngồi vào “ghế nóng” là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn trong suốt thời gian dài cả một thập niên, nhưng dường như chức quyền đó không hề ảnh hưởng nhiều tới tư chất của ông. Mạnh dạn, nhiều lúc thẳng tưng khi ở vào cương vị cần phải cho ý kiến. Tôi có ấn tượng khá sâu với ông. Đó là ở một cuộc nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của một người làm nghiên cứu, ông đã đọc hàng trang trích dẫn từ bản nghiên cứu khoa học kia với chất giọng hài hước vì sự vô nghĩa, viết cho đầy trang. Nhà nghiên cứu kia ngượng ngùng thanh minh, đó là những trang “viết lót”, lập tức làm bùng lên tính “chiến đấu” của NSND Lê Ngọc Cường. Ông thẳng thắn chỉ trích một cách hóm hỉnh rằng, làm khoa học mà viết những trang vô bổ đó, thì chỉ có nghĩa là anh đang cố tình đánh lừa, đang bán hàng giả!!! Từng dự nhiều cuộc nghiệm thu, đánh giá đề tài khoa học, nhưng chưa ở đâu, chưa có ai gây ấn tượng với tôi như ông bởi sự nói thẳng, nói thật, không ngại va chạm, mất lòng người khác tới mức… không tưởng ấy.

Ấy vậy nhưng, trong đời thường, ông đem lại cảm giác giản dị, thẳng thắn, gần gũi, thân thiết với đồng sự, đồng nghiệp và cấp dưới, bởi ở ông, căn cơ của người nông dân vẫn có phần đậm đà - điều mà ông không hề dấu diếm bất kỳ ai. Không màu mè, không tự đánh bóng, ông vẫn kể một cách hào sảng về bước đầu chạm ngõ nghệ thuật múa. Những năm giữa thế kỷ XX đầy khó khăn, nghèo đói, nhất là ở mảnh đất Thanh Hóa không được sự ưu đãi của tự nhiên, tin cậu bé Ngọc Cường lúc đó vừa 13 tuổi đã trúng tuyển vào Trường Múa Việt Nam quả là chấn động làng quê nghèo. Vì gia đình ông nghèo, bố lại mất sớm, bỗng được ra Hà Nội học, được Nhà nước nuôi… khiến cả làng đều mừng cho ông và tự hào vì làng có người tài. Vượt qua dễ dàng các bài kiểm tra năng khiếu cảm thụ, tiết tấu âm nhạc, cùng sự mềm dẻo, sức bật, hình thể… ông đặt những bước chân đầu tiên lên con đường nghệ thuật mà cả cuộc đời ông cống hiến sau này.

Chăm chỉ học hỏi, thấm hút mọi kiến thức cần thiết, tỉ mỉ, tự lập, có cách nghĩ riêng nên khi vẫn còn là sinh viên năm cuối, Lê Ngọc Cường đã được thầy giáo mời làm trợ giảng rồi “tuần tự như tiến” ông trở thành nhà giáo, chuyên gia của ngành, lãnh đạo khoa… được Nhà nước vinh danh là Nhà giáo Ưu tú với thành tích đào tạo được nhiều thế hệ học trò thành danh. Chất nghệ sĩ không mâu thuẫn với sự chuẩn mực của một nhà giáo bởi bản chất, tính cách chỉn chu, tích cực mà vẫn không vội vàng. Trong những năm tháng “rèn người”, ông vẫn tiếp tục là một biên đạo năng động với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, được trình diễn trên sân khấu chuyên nghiệp, được các đơn vị lựa chọn dàn dựng để tham gia các cuộc thi, liên hoan ca múa nhạc toàn quốc. Niềm đam mê sáng tạo chưa từng vơi cạn, lại yêu thích và chuyên sâu về múa dân gian dân tộc nên những tác phẩm của NSND Lê Ngọc Cường đậm chất riêng, dưới góc nhìn, cách cảm thụ nghệ thuật của bản thân. Tác phẩm múa Hứng dừa ra đời từ những năm 80 của thế kỷ trước, khai thác từ bức tranh dân gian, trào dâng cảm xúc về vẻ đẹp lứa đôi, dung dị, đời thường như một biểu tượng về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc lứa đôi khá phồn thực đã được người làm nghề đánh giá rất cao. PGS, TS, NSND Ứng Duy Thịnh đã viết: “Tác phẩm vừa ra đời, ngay lập tức đã có đời sống trên sân khấu. Hứng dừa là một thành công của tác giả biên đạo. Tôi nhớ, trong những năm tháng đó tôi đã từng cảm phục tác giả biên đạo về tác phẩm này” (trang 436, cuốn Nghệ thuật múa Việt Nam - từ một góc nhìn). Được người cùng nghề cảm phục, yêu mến tác phẩm của mình quả là không dễ, nhất là khi tác giả biên đạo khi đó vẫn còn rất trẻ tuổi. Những chất liệu dân gian là con đường kiếm tìm cảm hứng rất lớn đối với NSND Lê Ngọc Cường. Ông dành nhiều thời gian cho những chuyến đi dã ngoại đến nhiều vùng miền của đất nước để tìm hiểu, hấp thu và từ những thu hoạch, chiêm nghiệm đó, ông phát hiện ra những đề tài múa hay, hấp dẫn đưa vào những sáng tác mới của mình. Trong những cuộc trò chuyện, ông vẫn kể về những chuyến đi đã gợi mở cho mình những đề tài rất thú vị. Đến với Tây Nguyên huyền bí nhưng ông lại thấy được góc độ lạ khi quan sát những hình nộm dùng để đuổi chim chóc muông thú khỏi phá rẫy rất ngộ nghĩnh, giúp ông nảy ra ý tưởng cho tác phẩm múa Những chàng trai vui tính. Hay lên Tây Bắc, những chiếc ô sặc sỡ sắc màu của các cô gái Mông, liên tưởng tới hình ảnh những chiếc ô ở đồng bằng, thành phố hay làm quán giải khát đã khiến ông đầy cảm hứng viết Đường về bảnMột chiều xóm núi. Trong những tác phẩm đó, chiếc ô không đơn thuần là ô che nữa mà khi thì là tán cây, khi là bầu trời, khi là vầng trăng để đôi trai gái tự tình… Ông nhớ khá rõ những cảm xúc đã khiến mình thăng hoa trong sáng tạo những tác phẩm như Vãn cảnh chùa, Xuân về trên bản Mèo, Tiếng đàn bên suối, Rừng vọng… Những tác phẩm của ông giàu chất dân gian dân tộc, chứa đựng những xúc cảm tự nhiên, không “đánh đố” người xem mà giản dị trong kết cấu, giúp các nghệ sĩ xử lý sân khấu một cách dung dị mà vẫn rất đẹp về tuyến tính, về động tác… Có lẽ đó cũng là lý do khiến các đơn vị lựa chọn dàn dựng, biểu diễn và đưa đi tham gia các cuộc thi, các kỳ liên hoan, thậm chí có cuộc liên hoan có tới 18 tác phẩm của ông được dàn dựng biểu diễn. Có người đã thống kê, NSND Lê Ngọc Cường xác lập “kỷ lục Huy chương” trong lĩnh vực múa khi có tới 37 lần ông đoạt Huy chương Vàng, 48 lần đoạt Huy chương Bạc và 28 Giải thưởng của các Hội Văn học Nghệ thuật với các tác phẩm múa độc lập. Gia tài nghệ thuật của ông rất đồ sộ với hàng 100 tác phẩm múa đủ thể loại kịch múa, thơ múa, múa dân gian đã được các đơn vị chuyên nghiệp dàn dựng, biểu diễn. Và đặc biệt là, những tác phẩm này vẫn tiếp tục có đời sống sân khấu riêng, liên tục được nhiều thế hệ nghệ sĩ luyện tập, biểu diễn.

Tiết mục múa Giã cốm đêm trăng do NSND Lê Ngọc Cường biên đạo

NSND Lê Ngọc Cường ngoài tư cách là một biên đạo tài ba, một người thầy tâm huyết, chỉn chu, nghiêm túc… thì ông được biết tới nhiều hơn với vai trò là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. “Làm quan” mà vẫn giữ được chất nghệ sĩ, vẫn không để những nhiệm vụ, chức trách có tính hành chính “nuốt trọn” thời gian làm nghề. Có tới hàng trăm đêm ông tới xem các vở diễn của nhiều bộ môn sân khấu để nhận xét, duyệt vở trước khi đưa ra quyết định cho tác phẩm được công diễn. Không thể hiểu biết sâu tất cả các bộ môn nghệ thuật, nhưng ông luôn có cách riêng để góp ý với giới tinh anh trong nghề. Bởi họ đều là những nghệ sĩ nổi tiếng nên ông lấy cái sự thẳng thắn, thiện chí, chân thành để góp ý với anh chị em với tư cách nghệ sĩ, tư cách bạn nghề - cái tư cách khiến ông có thể trao đổi thẳng thắn sòng phẳng hơn. Ngồi “ghế nóng”, ông vẫn giữ được sự chỉn chu, bình tĩnh cùng những hiểu biết, góc nhìn rạch ròi, đôi khi có phần cực đoan của mình để thực hiện nhiệm vụ và thu lượm thêm những kiến thức cần thiết. Đó là sự am hiểu sâu rộng hơn về sân khấu, có thể làm biên đạo cho các phần múa ở những vở diễn sân khấu đủ thể loại tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, thậm chí cả kịch nói, múa rối… Đó còn là những tư liệu về múa thu lượm được khi đi nhiều nơi, nhiều vùng miền để rồi tiếp tục con đường sáng tạo của người nghệ sĩ, để tiếp tục làm giàu thêm cho chính mình, cho thế hệ đi sau có thể tiếp thu.

Nghỉ quản lý, thoát khỏi những công việc hành chính, ông trở về với tư cách một nghệ sĩ, tác giả biên đạo… và niềm hạnh phúc của ông chính là vẫn tiếp tục được cống hiến với nghề, được anh chị em trong nghề nhớ tới với tư cách một nghệ sĩ hơn là một Cục trưởng đã về hưu. Niềm hạnh phúc đó, quả không dễ mấy người có được vì sâu thẳm trong ông là ngọn lửa nghề hừng hực cháy hết mình cho nghệ thuật múa, loại hình nghệ thuật ông cống hiến cả cuộc đời.

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 508, tháng 8-2022

;