NSNA Thái Bana với những khung hình độc đáo

Thái Bana là một trong những Nghệ sĩ Nhiếp ảnh trẻ (NSNA) được đánh giá cao hiện nay. Chàng trai sinh năm 1990 không chỉ khẳng định bản thân với những ý tưởng sáng tác khác biệt, mà còn để lại ấn tượng đẹp trong tôi là sự nhiệt tình, thân thiện và dễ mến. Câu chuyện mà NSNA Thái Bana chia sẻ với tôi là các chuyến hành trình săn lùng cái đẹp và cả những dự định đang thực hiện trong tương lai.

NSNA Nguyễn Ngọc Thái, nghệ danh Thái Bana

Thái Bana tên thật là Nguyễn Ngọc Thái, quê gốc Thái Bình nhưng anh được sinh ra và lớn lên tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. Hơn 20 tuổi, Thái đã bắt đầu làm quen và sử dụng máy ảnh trong việc chụp dịch vụ ảnh cưới. Năm 2015, Thái Bana “chạm ngõ” với nghệ thuật nhiếp ảnh. Được học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm từ các đàn anh đi trước, đặc biệt dưới sự dìu dắt, chỉ bảo về chuyên môn của nghệ sĩ Trần Bảo Hoà, tình yêu với nhiếp ảnh đã “thấm dần” vào Thái Bana và anh đã quyết định theo đuổi môn nghệ thuật ánh sáng. Cũng trong năm này, Thái Bana trở thành hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Kon Tum.

Hai năm theo đuổi và thử sức với các thể loại ảnh nghệ thuật, năm 2017 Thái Bana định hình hướng sáng tác cho bản thân và anh đã đi sâu tìm hiểu về ảnh chân dung truyền thần, đó là thể loại chưa được phổ biến nhiều ở Việt Nam. Năm 2018 là một năm gặt hái thành công của Thái Bana khi các tác phẩm của anh liên tục đoạt giải trong các cuộc thi trong nước và quốc tế: tác phẩm Đôi mắt Bana giành Huy chương Đồng Khu vực miền Trung Tây Nguyên và giải Khuyến khích cấp quốc gia năm 2018, Giải Đặc biệt cuộc thi Di sản Việt Nam năm 2018; Tác phẩm Mất rừng giành Huy chương Bạc cuộc thi ảnh quốc tế ISF World Cup năm 2018... Với “bội thu” giải thưởng, năm này, Thái Bana là thành viên trẻ nhất (thế hệ 9X) đứng trong hàng ngũ hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 2020, trở thành hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế. 

Từ khi bước vào “cuộc chơi” môn nghệ thuật ánh sáng, Thái Bana đã dành trọn vẹn tình yêu và sự đam mê cho nhiếp ảnh. Bởi “Ở đó tôi được thỏa sức sáng tạo, thể hiện bản thân, mang những ý tưởng, câu chuyện, thông điệp vào tác phẩm. Và một điều quan trọng nữa đối với tôi là được quen biết, học hỏi các NSNA trên khắp mọi miền Tổ quốc” - anh chia sẻ. 

Lựa chọn thể loại Chân dung để đi sâu khai thác, nên sự đầu tư cho mảng đề tài này được NSNA Thái Bana chú trọng hơn cả, rất nhiều nhân vật, câu chuyện đã được khắc họa qua ống kính của anh. Hơn 300 bức chân dung với sự đa dạng về nhân vật và biểu đạt cảm xúc, qua những góc chụp của NSNA Thái Bana người xem không chỉ được thưởng thức cái đẹp mà còn hiểu thêm về cuộc sống của họ ở các vùng miền trên khắp đất nước. Đó là hình ảnh: Cậu bé dân tộc Bana với đôi mắt to tròn màu nâu, nụ cười tươi sáng có nét tương đồng với chiếc mặt nạ gỗ mang bản sắc Tây Nguyên trong Đôi mắt Bana; hay hai anh em dân tộc Chăm ở Ninh Thuận với chiếc khăn trắng quấn đầu. Đối với người đàn ông, chiếc khăn biểu hiện cho sự uy nghiêm trong gia đình, đồng thời còn là lễ phục quan trọng được sử dụng trong những ngày lễ quan trọng của dân tộc này; hay chân dung Chị em gái người dân tộc Chăm với gen trội là đôi mắt màu xanh dương, đặc biệt cô em gái sở hữu đôi mắt - một xanh, một đen đã trở thành nhân vật điển hình ở Việt Nam; trong tác phẩm Thân thiện là hình ảnh ông già và con khỉ với sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, cùng những nét tương đồng của hai nhân vật vùng đất núi rừng Tây Nguyên; và Nụ cười tỏa nắng của người thợ khai thác than tại Quảng Ninh, dù công việc nhọc nhằn, vất vả nhưng vẫn không thể thiếu những khoảnh khắc vui vẻ trong cuộc sống…

Thái Bana chụp nhiều tác phẩm chân dung. Anh tâm sự: “Chụp ảnh chân dung, để có được tác phẩm tốt là khó, mà thể loại chân dung truyền thần là khó nhất. Vì lối ảnh này có rất ít góc máy thể hiện và không sử dụng nhiều bối cảnh để tạo ra câu chuyện. Câu chuyện trong ảnh gần như dựa vào cảm xúc nhân vật. Và khó nhất vẫn là cách truyền tải câu chuyện đến người xem. Tôi chụp nhiều, nhưng để ưng ý thì chỉ có khoảng 50 bức ảnh có những nét riêng và tạo được ấn tượng”.

Tác phẩm Nụ cười Mông

Bên cạnh những bức chân dung mang nhiều dấu ấn, Thái Bana cũng để lại trong lòng người xem với các tác phẩm mang hơi thở cuộc sống đời thường. Để có được những khung hình ưng ý, Thái Bana cũng phải đi nhiều nơi như Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang… để kiếm tìm và sáng tác. Cũng như các nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác, những người làm nhiếp ảnh cũng phải mất rất nhiều công sức, vượt qua những thách thức, khó khăn mới có được sản phẩm của mình. Anh chia sẻ, “Trong chuyến đến với Thác K50 ở huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai năm 2017, tôi cùng đoàn nghệ sĩ đã phải cõng 20kg máy chụp, băng qua 5km đường rừng mới tới nơi, ở đó có rất nhiều rắn xanh và vắt. Tôi và các nghệ sĩ chụp suốt đêm đến 1h sáng, sau khi xong việc, nhìn xuống chân thì thấy đầy máu vì bị vắt cắn; hay trong năm 2020, tôi cùng con trai trong một chuyến đi chụp tác phẩm Chiều Thu ở Kon Tum, để chụp được đàn bò, tôi phải nhờ một cô bé dân tộc ra lùa, sau đó trông xe để tôi chụp. Chụp xong, cũng là lúc người dân vùng đó vừa giải tán trong một cuộc liên hoan, rất nhiều người đã say vì uống nhiều rượu. Họ nhìn thấy cô bé dân tộc bên cạnh xe ô tô và cho rằng tôi có hành vi không tốt. Những người đàn ông đã cầm dao trèo lên xe. Sau khi nghe giải thích và thấy có cả trẻ em trên xe, tôi mới được họ thả cho đi. Thật may mắn vì chuyến đi đó có con đi cùng, nếu họ giữ lại, tôi không thể kịp về ăn Tết…”. 

Là người con vùng đất đại ngàn nên Thái Bana được hòa mình trong dòng chảy văn hóa của Tây Nguyên. Cùng với đó, anh cũng được chứng kiến những nét bản sắc văn hóa nơi đây dần bị mai một và mất đi. Vì thế, trong anh luôn có sự thôi thúc, mong muốn giữ gìn những nét đặc sắc đó. Nên mảng đề tài về văn hoá dân tộc, phong cảnh, kiến trúc cũng được anh đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, anh đang bắt tay vào dự án ghi lại những hình ảnh, cuộc sống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Để làm điều đó, Thái Bana đã tìm đến các lễ hội của người dân tộc thiểu số để chụp và tìm hiểu. Có những lễ hội hiện nay không còn được tổ chức thì anh bỏ tiền túi, cùng dân làng phục dựng lại nhằm có những bức ảnh chân thực nhất… Hay như kiến trúc nhà Rông ngày nay cũng đã có sự thay đổi nhiều, có những cột gỗ giờ bị thay thế bằng cột bê tông, chính vì thế “Tôi phải tranh thủ chụp, lưu giữ lại, với mong muốn đó là tư liệu để những người đi sau có thể tìm hiểu và nghiên cứu. Trong mảng đề tài này, tôi vẫn sẽ cố gắng tạo ra nét riêng biệt theo lối ảnh Lowkey”.

Tìm cho mình một phong cách và lối đi riêng biệt trong sáng tác, nên các tác phẩm của Thái Bana không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao mà còn được người xem yêu thích. Các bức ảnh của anh luôn có lượng tương tác rất cao. Vì thế, ngoài vai trò là một nhiếp ảnh gia, Thái Bana còn có nhiều lời mời trong công việc “đứng lớp”, truyền đạt kinh nghiệm. Con đường phía trước của anh là thực hiện bộ sưu tập 54 dân tộc Việt Nam và đó cũng là một chặng đường dài với nhiều thách thức. Hy vọng trong thời gian không xa, những người yêu nhiếp ảnh không chỉ được chiêm ngưỡng sự đa dạng về sắc màu văn hóa của các dân tộc, mà còn được thưởng lãm tay nghề với sự độc đáo mang dấu ấn riêng của Thái Bana.

BÌNH AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 508, tháng 8-2022

;