Chuyện săn cá mập ở Vàm Nao

 

Thuở ban sơ, loài cá mập nước ngọt từng vẫy vùng và “cát cứ” khu vực sông Vàm Nao, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Ngày nay, những câu chuyện kỳ bí về loài “thủy quái” này vẫn được lưu truyền trong dân gian.

Chuyện kể rằng, sông Vàm Nao nối liền sông Tiền và sông Hậu (như hình chữ H), nơi từng chứng kiến biết bao thảm kịch thuở trước. Thời khẩn hoang, khúc sông Vàm Nao, cá mập “ngự trị” vô số. Lưu dân đào kênh Vĩnh Tế trốn chạy về quê muốn qua sông Vàm Nao phải tập hợp lại lại thành số đông. Sau đó, mỗi người ôm một cây chuối lội ngang một lượt để tránh cá mập ăn thịt”.

Qua phà Năng Gù, chúng tôi tìm về các lão “ngư phủ” một thời săn cá “khủng” ở Vàm Nao để nghe họ kể những câu chuyện “huyền bí” từng chạm trán với loài cá mập nước ngọt.

Theo những “ngư phủ” ở đây, con sông Vàm Nao - nơi giao thoa nguồn nước sông Tiền và Sông Hậu, có chiều dài gần 7km, độ sâu từ 15 - 20m. Hằng năm, cứ vào mùa lũ, ghe xuồng lưu thông khó khăn. Dưới sông sâu lúc nào cũng có những loài cá dữ trú ẩn. Ông Chín Bé, 85 tuổi, ngụ thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân là “ngư phủ” chuyên sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Vàm Nao, nay đã bỏ nghề nhớ lại: “Hồi còn nhỏ nghe cha tui kể lại, sông Vàm Nao cá mập nhiều lắm. Đêm xuống, nhất là vào những ngày trăng sáng, cá mập lội thành đàn, săn mồi trên sông. Nếu ai lội ngang vào thời điểm này sẽ bị loài cá dữ ăn thịt. Muốn bắt được cá mập, bà con phải dùng lưới bủa ngang sông nhưng cũng bị cá mập cắn rách lưới hoài”.

Ngày nay, tại khúc sông Vàm Nao, ngư dân thả lưới cá bông lau, thi thoảng dính cá mập con (loại từ 4 - 7kg/con). Chị Trần Thị Hương, con ruột ông Chín Bé, là người nối nghiệp cha mình. Hằng đêm, chị Hương cùng chồng là anh Nguyễn Văn Mển lênh đênh trên chiếc ghe tam bản để thả lưới cá bông lau, cá cóc, cá kết, mè vinh… Chị Hương cho hay, mấy năm trước chị bủa tay lưới cá bông lau có chiều dài 400m, chiều sâu 14m tại khúc sông Vàm Nao. Khi đến ngã ba sông (đoạn gần phà Thuận Giang) dính lưới 2 con cá mập nước ngọt, nặng 4kg/con. Theo nhiều người có kinh nghiệm, loài cá mập này có nguồn gốc từ miệt dưới. Do quá trình di cư từ dòng nước mặn đến đoạn giáp mí nước ngọt, cá mập thích nghi dần trong môi trường nước ngọt.

Chúng tôi gặp chú Nguyễn Ngọc Võ, 65 tuổi, ngụ thị trấn Phú Mỹ trên sông Vàm Nao, chú khoe rằng, đã trên 25 năm theo nghề hạ bạc của cha mình. Những năm trước, có lần chú Võ giăng lưới trên sông Vàm Nao dính được 1 con cá mập nước ngọt nặng 3kg. Mấy năm gần đây, khúc sông này bị ngư dân khai thác quá nên chỉ còn một số loài cá trú ngụ. Chú Võ cho biết thêm, sản lượng cá lớn trên sông Vàm Nao bị cạn kiệt dần do nạn khai thác bằng xung điện. Nhiều ngư dân đã bỏ nghề lên bờ tìm việc khác để mưu sinh.

Xuôi dòng Vàm Nao, chúng tôi trở về đoạn ngã ba sông Chắc Cà Đao thuộc sông Hậu, huyện Châu Thành. Còn nhớ đầu năm 2018, tại khúc sông này, một ngư dân đã giăng lưới dính con cá mập dài 1,2m, cân nặng 29kg. Chị Vân, một tiểu thương chuyên thu mua cá ngon ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành kể lại: người bắt dính con cá mập là ông Nguyễn Văn Lành 54 tuổi, ở Chợ Mới. Đêm hôm đó, khoảng 21 giờ chị Vân nghe điện thoại từ người đánh bắt cá kêu bán cá mập. Chị Vân cùng chồng xuống tận mé sông rọi đèn thấy con cá mập buộc vào be ghe vẫn còn quẫy đuôi. “Cha sanh mẹ đẻ mới thấy con cá mập nước ngọt to như vậy. Từ trước tới nay, tui chỉ mua cá bông lau, cá hô, cá cóc loại lớn, chứ chưa từng mua cá lạ như vậy” - chị Vân nhớ lại.

Nhiều người cao tuổi sinh sống ở Vàm Nao kể rằng, thuở trước khúc sông Vàm Nao được thiên nhiên ban tặng nhiều loài “thủy quái” nước ngọt. Lưu dân đến đây đều lo sợ. Do đó, dân gian có câu: “Chèo ghe sợ sấu táp chưn, xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma” hay “Tới đây xứ sở lạ lùng, con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”. Từ đó có thể khẳng định, chuyện săn cá mập của ngư dân Vàm Nao là có thật. Ngày nay, trong quá trình khai thác thủy sản, bà con bắt được cá mập nhỏ (còn gọi là cá mập lắc) tại sông Vàm Nao.

 

TRẦN TRỌNG TRIẾT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 537, tháng 6-2023

 

;