Văn hóa đồng chiêm - nhìn từ các nông, ngư cụ và phương tiện đi lại truyền thống ở huyện Bình Lục (Hà Nam)

Hội thảo khoa học "Văn hóa đồng chiêm Bình Lục - Truyền thống và hiện đại"

 

Lịch sử phát triển địa chất lãnh thổ huyện Bình Lục gắn liền với lịch sử phát triển địa chất tỉnh Hà Nam, vùng Ninh Bình và vùng đồng bằng sụt võng Hà Nội. Bên cạnh các đồi phiến đá sa thạch, đá kết ở khu vực Quế Sơn - dấu vết của những đỉnh thuộc hệ thống núi đã bị sụt võng, do con người can thiệp bằng cách đắp đê ngăn lũ để sản xuất nông nghiệp đã tạo ra hệ thống sông đào và kênh mương dày đặc. Đất đai ở đây trở thành dạng đồng bằng tích tụ trũng xen đồi sót - một loại đồng chiêm trũng điển hình “sống ngâm da, chết ngâm xương”, được gọi là “rốn nước” của đồng bằng Bắc Bộ. Đồng ruộng trước đây thường chỉ cấy một vụ nên có câu ca dao:                              

“Bình Lục đồng trắng nước trong

Lúa gạo thì ít, rêu rong thì nhiều”

Điều kiện tự nhiên với hệ thống sông ngòi dày đặc, chia cắt huyện thành các ô trũng. Phía Bắc huyện là sông Châu bao bọc, phía Nam là sông Ninh uốn mềm như dải lụa, địa giới phân cách tự nhiên giữa hai tỉnh Hà Nam - Nam Định. Ngoài ra, trên địa bàn còn có nhiều nhánh sông nhỏ như: sông Sắt, sông Bình Điền, sông Vĩnh Tứ kết nối liên hoàn... giúp cho giao thông đi lại bằng đường thủy rất thuận lợi. Từ thế kỉ XI, XII, các vua Lý thường qua lại những dòng sông này đến hành cung Ứng Phong (ở gần ga Cầu Họ ngày nay) để khuyến nông (xem dân cày, cấy) hoặc về thăm chùa Chương Sơn trên núi Ngô Xá. Thời Trần, những dòng sông này cũng là huyết mạch chủ yếu. Từ kinh thành Thăng Long theo sông Hồng, thuyền của vua tôi, quân đội nhà Trần qua cửa Mang Giang vào sông Châu xuôi xuống căn cứ địa Thiên Trường, tới đây lại có dòng Ninh Giang và sông Bình Điền, Vĩnh Tứ nối liền căn cứ địa Thiên Trường với căn cứ địa Trường Yên.

Xã hội nông nghiệp in khá rõ trên các trống đồng ở Bình Lục như cảnh giã gạo chày tay trên trống đồng Ngọc Lũ. Cuộc sống sông nước, môi trường châu thổ lắm sông ngòi hiện lên với những loài chim chuyên sống ở vùng đầm lầy, các đoàn thuyền trên tay trống.

Trong sản xuất nông nghiệp, người dân Bình Lục đi từ kỹ thuật canh tác theo nước triều lên xuống đến việc định ra được lịch thời vụ, trong đó chủ yếu là cấy lúa chiêm với các biện pháp thâm canh, thủy lợi, tập hợp cơ cấu giống cây trồng, chọn các giống thích nghi với thổ nhưỡng. Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân Bình Lục ở một số xã còn làm thêm nghề thủ công trong những ngày nông nhàn mà hầu hết các nghề đều liên quan đến nông nghiệp như: dệt vải kéo sợi, đan lưới, đan võng, đan lát tre nứa…vv.  

Ở Bình Lục, các nông, ngư cụ được hình thành từ xa xưa, không ngừng được cải tiến cho phù hợp với điều kiện văn hóa, xã hội, điều kiện sản xuất của từng thời kỳ. Từ việc trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, tự vệ, từ nhà ra sân, từ trên cạn đến dưới nước, thậm chí trong các hoạt động văn nghệ, ma chay, cưới hỏi, mừng thọ, chúc Tết... đều thấy sự hiện diện của nông, ngư cụ. Điều đó đã tạo nên một nét đặc thù, độc đáo.

Nông cụ cho sản xuất nông nghiệp rất đa dạng, phong phú: cuốc, xẻng, mai, thuổng; đòn xóc, đòn gánh, quang gánh; cày, bừa; cối xay thóc, cối xay bột, cối giã gạo; néo đập lúa, trục lăn, cối đá lỗ; thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia, xảo, rổ… Tùy từng thời điểm trong năm mà nông cụ được dùng ít hay nhiều. Ví dụ: với nông cụ và nghề trồng trọt thì vào đầu vụ sẽ thấy cái cày, bừa, cuốc, thuổng để bửa đất, san lấp. Giữa vụ thấy cái gàu sòng hay xe đạp nước dẫn thủy nhập điền chống hạn. Cuối vụ là cái liềm, lưỡi hái, câu liêm cho gặt lúa, thu hái hoa quả, rau màu. Khi cần chuyên chở sẽ xuất hiện xe bò, ba gác, cút kít. Khi sàng sảy sẽ gặp nong, nia, thúng, mẹt...

Nghề nông nên con trâu, cái cày, cái bừa, quang gánh, liềm… là vật dụng gắn bó với đời sống sản xuất lúa nước của người dân Hà Nam nói chung, Bình Lục nói riêng. Với đặc điểm của huyện có nhiều sông ngòi, lại là đồng chiêm trũng điển hình  nên cái đăng, cái đó, cái vó, cái chài… gắn bó với đời sống đánh bắt tôm cá từ lâu của người dân Bình Lục. Nó là công cụ, là phương tiện đánh bắt, là “cần câu cơm” của không ít gia đình. Ngày nay, nó vẫn là công cụ, là phương tiện đánh bắt thủ công có hiệu quả và không thể thiếu trong đời sống vùng đồng chiêm trũng này.

Trồng dưa lưới trong nhà kính tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam

 

Bình Lục có nhiều loại thủy sản nước ngọt đáp ứng nhu cầu thực phẩm không những của địa phương mà còn cho các huyện, thị trong tỉnh, đặc biệt là ở hai điểm trung tâm chính trị - kinh tế: thành phố Phủ Lý và thành phố Nam Định. Nguồn thủy sản đa dạng nên ẩm thực Bình Lục được biết đến với những món đồng quê giản dị mà thấm đẫm tình đất, tình người như: mắm tép, tương, cá nướng, cá kho. Ngư cụ được người dân Bình Lục sử dụng để khai thác, đánh bắt các loại thủy sản chủ yếu bằng phương pháp thủ công cổ truyền gồm: đó, lờ, te, câu, đăng, vó, dậm, nơm, chài, lưới, giỏ... Nhiều loại ngư cụ được sáng chế, sử dụng từ xa xưa còn truyền lại đến ngày nay.

Ở Bình Lục, ai nấy đều quen thân với nông, ngư cụ từ nhỏ. Năm, sáu tuổi đã biết nổi lửa nấu cơm; bảy, tám tuổi cầm nơm úp cá, mò cua; chín tuổi ra đồng gặt lúa, đặt trúm bẫy lươn; mười tuổi nhong nhong trên xe bò, xe cải tiến hoặc thuyền nan, thuyền thúng chở lúa, ngô, khoai, sắn, thủy sản về nhà... Với người Bình Lục, nông, ngư cụ vừa là công cụ sản xuất vừa là tài sản, của cải nên sau mỗi buổi lao động đều rửa sạch, treo cao hoặc đặt ngay ngắn ở nơi quy định chứ không vứt bừa bãi. Đặc biệt, thời điểm chuẩn bị vào vụ mới, người Bình Lục thường mang nông, ngư cụ ra đánh rửa sáng choang cho thêm sắc bén, linh hoạt. Với họ, cái gì cũng quý, cũng cần thiết vì thế mặc dù mỗi nhà có thể có đủ trăm thứ đồ lặt vặt, nhưng họ vẫn luôn sắp xếp chúng gọn gàng, những thứ ít dùng thì cất đi, chứ không loại bỏ, nhiều thứ tưởng chừng không còn nữa thì đến một thời điểm nào lại xuất hiện. Ở làng quê thường nặng về trao đổi, song, không mấy ai trao đổi nông, ngư cụ của mình lấy của người khác vì họ đã dùng quen tay và cũng bởi chúng đã in hằn trong họ những kỷ niệm của bản thân và gia đình không dễ xa rời. Do đó, mỗi người gắn bó và trân trọng gần như cả ngày không lìa xa công cụ, Người đi đâu vật theo đấy, dù là ra thăm ruộng hay đi chợ, vào nhà người thân hỏi han sức khỏe, chúc mừng, nghỉ ngơi, ăn uống..., khi ngủ mới treo chúng trên tường, đặt trong hộc, để ở đầu giường, dưới gậm tủ. Nhiều người lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn yêu cầu được chôn nông, ngư cụ bên mình. Lúc nào cũng thấy người ta vui vẻ, tay xách nách mang nông, ngư cụ về nhà, hồ hởi vì  đã có một ngày lao động hiệu quả.

Người dân Bình Lục biết tự chế, biết sử dụng công cụ thủ công một cách sáng tạo để đánh bắt các loại thủy sản phục vụ đời sống hằng ngày. Các công cụ tự chế hầu hết từ các vật liệu sẵn có mà tiện dụng như tre, nứa ở thôn làng. “Cái khó ló cái khôn”, các công cụ này luôn được cải tiến cho thích ứng với lứa tuổi, hoàn cảnh, điều kiện sông nước ao hồ rộng, hẹp, nông sâu. Có nhiều người vì vậy đã trở thành thợ chế tác nông, ngư cụ. Các phiên chợ quê đều có khu chuyên bán nông, ngư cụ mới và sửa chữa đồ cũ. Dân quê khi rảnh rang cũng ngồi đan lát, đục đẽo chế tạo dụng cụ mới.

Xưa kia, gắn liền với cuộc sống sản xuất và sinh hoạt của người dân Bình Lục, hình ảnh những chiếc thuyền nan ngày đêm lênh đênh trên mặt nước đã trở nên rất đỗi thân thuộc với cư dân vùng đồng chiêm trũng này. “Sáu tháng đi chân, sáu tháng đi tay”, mùa mưa đến, phương tiện đi lại, chở thóc, lúa phục vụ nông nghiệp của người dân Bình Lục xưa chủ yếu là những chiếc thuyền nan. Trẻ con nơi đây cũng được người lớn dạy cách sử dụng thuyền nan để sớm thích nghi với điều kiện sống. Bởi vậy, người Bình Lục quen sông nước, thạo dùng thuyền, giỏi chài lưới, nắm rõ quy luật sông nước.

Thuyền là phương tiện chủ yếu, một thời tấp nập trên bên dưới thuyền, vì thế, từ không gian con thuyền lan tỏa không gian văn hóa trên dòng sông, kết nối người dân Bình Lục với các miền quê khác. Điển hình nhất là hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng - địa danh nằm trên lưu vực sông Châu, nơi tiếp giáp ba xã thuộc ba huyện, thị trong tỉnh: xã Bình Nghĩa (huyện Bình Lục), xã Văn Lý (huyện Lý Nhân) và xã Tiên Phong (thị xã Duy Tiên).

Có thể nói, một số nông, ngư cụ và phương tiện đi lại truyền thống của người Bình Lục thể hiện tính học hỏi và sáng tạo. Đó là cách sống chung với mùa nước nổi, cách trị thủy của người xưa, cách ứng phó với nạn chuột đồng, sâu bệnh, để giữ gìn môi trường sinh thái luôn “sạch”, phong phú, đa dạng và thân thiện giữa con người với môi trường. Bởi vậy, nông, ngư cụ vừa là sản phẩm vật chất, vừa là sản phẩm tinh thần của người dân Bình Lục. Nó thể hiện tình yêu cuộc sống, yêu lao động của người dân nơi đây mà chúng ta phải trân trọng và gìn giữ. Đó không phải là lịch sử văn hóa riêng của một vùng đất, đó là mảnh ghép quan trọng nơi miền quê chiêm trũng để cùng dân tộc Việt viết trọn một hành trình lịch sử vĩ đại.

Việc người dân Bình Lục thích nghi với điều kiện vùng chiêm trũng, đoàn kết yêu thương, lá lành đùm lá rách, sống giản dị, trung hậu, cần cù và biết chắt chiu thành quả do bàn tay lao động của mình làm ra cũng là một nét tích cực của truyền thống Việt Nam, ổn định cuộc sống gia đình, chung sức chung lòng xây dựng quê hương làng xóm, ổn định cuộc sống làng xã. Lối sống tiết kiệm làm cho mọi người quý trọng sức lao động, hình thành ý thức và tinh thần trách nhiệm cao của các thế hệ, thế hệ đi trước luôn vun vén, lo toan, gây dựng cho thế hệ sau. Lối sống đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, vì cộng đồng, đề cao chữ tâm, chữ tín, lòng hiếu nghĩa là truyền thống cực kỳ quý báu của người dân Bình Lục. Một sự tin nhau đối xử với nhau vì tình chứ không phải vì vật chất tiền bạc giữa những người cùng thôn làng, còn trong gia đình thì “giọt máu đào hơn ao nước lã”, bố mẹ lo toan cho con cái và con cái báo hiếu với bố mẹ, ông bà, anh em hòa thuận theo tinh thần “chị ngã em nâng” đã giúp người dân nơi đây khắc phục mọi khó khăn, chung sức để xây dựng làng xóm  ngày càng trù phú, văn minh. Những người dân Bình Lục hồn hậu nhờ tình yêu đối với thiên nhiên, con người và các thành quả lao động, đã liên tục sáng tạo, sử dụng và bảo tồn nông, ngư cụ để chúng trường tồn theo năm tháng và là di sản quý giá minh chứng cho tài năng, trí tuệ của ông cha, nhắc nhở mọi người nhớ tới quê hương, cội nguồn.

Giờ đây, Bình Lục đã đổi thay khá toàn diện, từ mở đường, xây dựng các công trình phúc lợi đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt nhất là phong trào xây dựng Nông thôn mới. Nhiều nhà máy nước sạch mọc lên dọc bờ sông Châu đã “xóa sổ” nguồn nước sinh hoạt chua phèn một thời. Bình Lục đã cơ bản xóa đường đất, đá, thay vào đó là cả ngàn ki lô mét đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa. Gần 100 nghìn m2 đất, trên 110 tỷ đồng người dân đã tự nguyện hiến để làm đường. Có những Cựu chiến binh còn góp cả trăm triệu đồng để những con đường mau chóng hình thành. Từ một huyện đói nghèo xưa, nay đã xóa được hộ đói, hộ nghèo còn dưới 10%, Bình Lục sẽ trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nhất là cuộc vận động dồn điền đổi thửa sẽ tạo tiền đề cho Bình Lục đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Những vùng chuyên canh như: Sản xuất lúa lai, hoa công nghệ cao... các làng nghề truyền thống: Dũa cưa An Đổ, sừng Đô Hai, Rượu Vọc... ngày càng mở rộng. Sắp tới, hàng loạt công trình tiếp tục mọc lên sẽ thực sự đưa Bình Lục trở thành một điểm sáng giữa mảnh đất đồng chiêm.

 

LÊ ANH TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 537, tháng 6-2023

 

;