Bảo tàng Quảng Nam phát huy giá trị bảo vật quốc gia

Với một không gian trưng bày hợp lý cùng những tư liệu, hình ảnh, hiện vật gốc, tiêu biểu về văn hóa và con người Quảng Nam trong suốt chiều dài lịch sử, cùng ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quảng bá, phục dựng nhiều phiên bản bảo vật quốc gia... Bảo tàng Quảng Nam đã trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch bền vững.

 

Bảo tàng đã làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày với khoảng hơn 3 nghìn tư liệu hình ảnh, hiện vật gốc tiêu biểu có giá trị về vùng đất và con người Quảng Nam. Nơi đây có nhiều cổ vật thuộc loại kiệt tác của nền văn hóa Chăm - pa rực rỡ như: pho tượng Tu sĩ Chăm Phú Hưng (Tượng thần Shiva), đầu tượng thần Shiva và Ekamukhalinga (Linga có một đầu thần Siva),... được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia... Bảo tàng Quảng Nam đã tiến hành làm phiên bản từ tháng 12/2020 và trưng bày tại tầng 3, trong phần của không gian "Văn hóa Đại Việt". Đồng thời, để tăng cường các hoạt động, các chương trình trải nghiệm, giáo dục di sản văn hóa theo cách tiếp cận mới nhằm tăng thêm sự hấp dẫn đối với công chúng, trong đó học sinh, sinh viên, những nhà yêu cổ vật, nghiên cứu văn hóa được xem là một trong những đối tượng chính, Bảo tàng cũng không ngừng làm mới các hoạt động của mình.

Mỗi bảo vật quốc gia hiện đang được trưng bày là một trong những tác phẩm được biết đến trong nền nghệ thuật Chăm - pa do tiền nhân để lại, là kết tinh trong đó là câu chuyện về lịch sử, văn hóa có từ hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, ẩn chứa thông điệp từ quá khứ, những câu chuyện thú vị. Pho tượng Tu sĩ Chăm - pa Phú Hưng (Tượng thần Shiva) có nguồn gốc từ tháp Chăm Phú Hưng (huyện Tam Kỳ cũ), có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ IX – X thể hiện dưới dạng một tu sĩ được đặc tả sống động. Đây là tác phẩm nghệ thuật độc bản đạt đến đỉnh cao nghệ thuật tạo hình của dân tộc Chăm. Tượng có cấu trúc bằng đá, được tạo tác dưới dạng tượng tròn, trong tư thế ngồi trên một bệ hình vuông khá lớn và dựa toàn bộ cơ thể vào tấm tựa phía sau. Đầu tượng Tu sĩ Chăm - pa Phú Hưng đội Kirita-mukuta hình chóp nón cụt, nhưng để lộ rõ phần chân tóc với vầng trán rộng, tai dài, đôi mắt lớn và đuôi mắt dài, mí lộ rõ nằm dưới hàng chân mày rậm hình vòng cung, mũi thẳng, cánh mũi nở, miệng rộng, đôi môi dày thanh nhã với hàng ria mép rậm, cằm thể hiện bộ râu dài, thẳng, chóp nhọn, đặc tả từng sợi râu li ti, quanh cổ trang sức chuỗi hạt. Tượng ở tư thế ngồi thiền, với thân hình khá to lớn, chân phải gác lên chân trái, lòng bàn chân để ngửa, lộ rõ các ngón chân, đồng thời hai bàn tay đặt lên hai đầu gối và cầm hai vật biểu trưng là tràng hạt ở tay phải và một đồ châu báu hình hoa cúc ở tay trái, thể hiện sự độc đáo tinh tế trên mọi phương diện cả về mỹ thuật, kỹ thuật trang trí và nghệ thuật tạo hình. Cổ vật này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2018.

Đầu tượng thần Shiva, một cổ vật được tìm thấy vào ngày 23/7/1997 ở thôn Phú Long, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ IV được người Chăm suy tôn là "thần của các vị thần", được đánh giá là rất quý hiếm, đã được Nhà nước công nhận Bảo vật quốc gia vào tháng 1/2015. Tượng cao 24cm, đầu tóc Shiva được kết thành nhiều lọn nhỏ, cuộn thành một búi tóc với 3 chuỗi tóc tết nằm ngang, siết chặt, chóp tóc tách thành 4 múi lật về phía sau. Hai mắt thần Shiva hình khuy áo, giữa trán thần Shiva có con mắt thứ ba, cả ba con mắt đều thể hiện con ngươi và đồng tử rõ ràng, hai hàng lông mày mỏng, giao nhau ở giữa trán. Mũi thẳng và cao, cánh mũi hẹp, hàng ria mép rậm, hơi vểnh lên ở đầu mút. Miệng thần mỉm cười, đôi môi mỏng. Hai tai có xâu lỗ thành một đường rãnh, có lẽ để đeo một khuyên tai lớn như trên các pho tượng Chăm thường thấy. Trong văn hóa Chăm - pa ngày xưa, đầu tượng Shiva là một bộ phận bị tách rời từ những linga-kosa của Chăm - pa được thờ trong các tháp Chăm. Vào những dịp lễ trọng đại, người Chăm sẽ mở kosa để tiến hành nghi lễ tẩy rửa Linga. Nghi thức này bắt nguồn từ các nghi lễ của phái Saivite, một hệ phái của Ấn Độ giáo tôn thờ thần Shiva, vị thần Hủy diệt và Tái tạo.

Ekamukhalinga phát hiện tại góc Đông Bắc của tháp Mỹ Sơn E1 trong quần thể Khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) vào tháng 11/2012, được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá là kiệt tác độc bản của nền điêu khắc Chăm - pa vào đầu thế kỷ thứ VIII.  Ekamukhalinga (Linga có một đầu thần Shiva) cao 126 cm, gồm 3 đoạn bằng nhau. Trong đó, đoạn dưới có đế vuông (Brahmabhaga), đoạn giữa có đế hình bát giác (Visnubhaga), đoạn trên hình trụ hơi vồng lên ở chóp (Rudrabhaga). Đầu tượng thần Shiva được tạc liền khối với Linga có chiều cao 23 cm, chiều rộng 13,5 cm, búi tóc cao 5,5 cm. Ekamukhalinga là một trong những cổ vật quý hiếm của nghệ thuật Chăm - pa, cũng là cổ vật độc đáo nhất từ trước đến nay của Di sản Mỹ Sơn, đã được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 1/2015.

 

Với mục đích giới thiệu văn hóa Chăm - pa đến người xem thông qua hoạt động bảo tàng, từ khi đưa phiên bản của ba bảo vật quốc gia vào giới thiệu tại không gian trưng bày, đã tạo ra sự khác biệt nổi trội so với các khu vực khác tại phòng trưng bày. Bảo tàng Quảng Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện để không gian này hiệu quả, hấp dẫn hơn đến người xem thông qua hoạt động nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng và Ngày Di sản hằng năm, mang đến cho du khách một trải nghiệm mới. Đồng thời qua đó, liên kết phát triển du lịch, tạo cho khách tham quan tại Bảo tàng được tiếp cận các hiện vật, bảo vật quốc gia theo một cách thức mới, cũng là một trong những giá trị cốt lõi của vùng đất Quảng Nam, làm cầu nối giữa văn hóa truyền thống với hiện tại, cũng như tạo dấu ấn mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ với du khách khi đến đây tham quan. Mặc khác, tạo điều kiện cho du khách được chiêm ngưỡng, chụp ảnh, phục vụ nhu cầu chiêm ngưỡng của người dân, những người yêu mến cổ vật với các phiên bản bảo vật quốc gia xứng tầm với danh hiệu được công nhận. Thông qua những phiên bản bảo vật quốc gia vừa để Bảo tàng Quảng Nam lưu giữ, bảo quản, gìn giữ vừa phát huy được giá trị về mặt lịch sử - khoa học. Đây là lợi thế để Bảo tàng Quảng Nam, khai thác giáo dục truyền thống, đồng thời quảng bá hình ảnh, phù hợp với nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử địa phương, cũng như tôn vinh các giá trị của từng bảo vật quốc gia.

Trong gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, cũng như nhiều điểm đến khác, Bảo tàng Quảng Nam luôn cố gắng đổi mới về ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, trưng bày, mang lại trải nghiệm mới mẻ để thu hút du khách. Hiệu quả của việc này được chứng minh từ năm 2021 đến 3 tháng đầu năm 2023 này khi số lượng du khách đến bảo tàng sau dịch COVID-19 đang tăng dần, đạt khoảng 6.259 lượt, đây là những tín hiệu vui cho những người làm công tác văn hóa của tỉnh và Bảo tàng Quảng Nam.  

Theo ông Phan Ngọc Bích - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Quảng Nam: Với một không gian trưng bày hợp lý, việc trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật gốc tiêu biểu đến những phiên bản bảo vật quốc gia của Bảo tàng Quảng Nam cũng cần phải có một chiến lược tổng thể, đồng thời không quên truyền thông về các bảo vật quốc gia qua các ấn phẩm, tờ gấp đến công chúng, du khách nhằm phát huy, nâng cao giá trị các bảo vật quốc gia thực sự có một cách xứng tầm trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng. Mỗi bảo vật gắn với câu chuyện mang tính kết nối, sẽ tạo nên câu chuyện thú vị về văn hóa, con người Quảng Nam, được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm, tạo nền tảng vững chắc cũng như tiềm năng để phát triển du lịch Quảng Nam thông qua hoạt bảo tàng.

Cũng theo ông Bích, trong thời gian tới, Bảo tàng Quảng Nam sẽ tiếp tục làm phiên bản bảo vật quốc gia có xuất xứ quê hương, tạo thành bộ sưu tập, góp phần xây dựng Bảo tàng Quảng Nam thành địa chỉ văn hóa thân thiện, mến khách với bạn bè quốc tế và đẩy mạnh thúc đẩy, phát triển du lịch thu hút, du khách đến với vùng đất, con người Quảng Nam.

 

SƠN GIA PHÚC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023

 

;