Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này - Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa. 70 năm đã trôi qua, có nhiều hội thảo đã được tổ chức, nhiều công trình của các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu để trả lời câu hỏi vì sao Việt Nam lại thắng được thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Điện Biên Phủ. Nhiều luận giả dưới các góc nhìn, quan điểm khác nhau đã được đưa ra. Song, câu trả lời thấu đáo, toàn diện và có sức thuyết phục nhất đó là: Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, được thể hiện sinh động trên những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định rõ bản lĩnh của Đảng, Hồ Chủ tịch và nhân dân Việt Nam trước kẻ thù

Để quyết chiến với Việt Nam tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp được sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ đã tập trung, cố gắng tăng cường phòng thủ, đưa đến đây nhiều vũ khí mới. Tổng số binh lực địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc cao nhất là 16.200 tên, bố trí trong 49 cứ điểm chia làm 3 phân khu: Bắc, Nam, trung tâm để yểm trợ lẫn nhau. Toàn bộ tổ chức phòng ngự của kẻ thù đều nằm trong công sự và giao thông hào chìm dưới mặt đất, dưới sự chi viện của hệ thống phòng không, không quân. Với cách bố trí như vậy, “Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương” (1). Sau khi phân tích tình hình, nhất là đánh giá tình hình địch, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh” (2). Trước sức mạnh của địch, trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và cả các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã đặt ra câu hỏi, liệu Việt Nam có thắng được thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Điện Biên Phủ? Bằng bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm dày dặn trong lãnh đạo chiến tranh cách mạng, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược quyết định giữa ta và địch sẽ thuộc về ta, vì vậy “phải kiên quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này” (3).

Việc khắc phục những khó khăn mà ta gặp phải trong trận quyết chiến cũng khẳng định bản lĩnh của Đảng, Hồ Chủ tịch và Nhân dân. Đảng nhận định: Cùng với những thuận lợi là cơ bản, trong quá trình chuẩn bị và thực hành tác chiến ở Điện Biên Phủ, chúng ta cũng phải đối mặt và giải quyết những khó khăn, thách thức rất lớn; theo nhận định, trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay, không kém Nà Sản và đường sá còn xa hơn. Mặc dù khó khăn là rất lớn, song, Đảng vẫn khẳng định: “quân đội và nhân dân ta hiện nay có đủ điều kiện tiêu diệt toàn bộ quân địch” (4).

Sau này, khi đánh giá về những khó khăn và bản lĩnh của Việt Nam ở Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định “…trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề cung cấp đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật; khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày từng giờ, không kém tình hình chiến đấu… quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục khó khăn này” (5).

Việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, sang “đánh chắc thắng” là minh chứng rõ nét, khẳng định bản lĩnh của Đảng và Hồ Chủ tịch ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Vào thời điểm then chốt, việc tỉnh táo, cẩn trọng để đưa ra quyết định chính xác, làm thay đổi cục diện cuộc chiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy: “Đây là một quyết định khó khăn nhất trong những quyết định về phương châm tác chiến ở Điện Biên Phủ trong Đông - Xuân 1953-1954” (6). Việc thay đổi phương châm tác chiến trong điều kiện quân và dân ta đã cơ bản hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, nhất là trong điều kiện rất khó khăn, gian khổ, hy sinh ta mới di chuyển được một số lượng lớn pháo binh vào trận địa để chuẩn bị nổ súng, nếu thay đổi phương châm ta lại phải lui quân, kéo pháo ra để tổ chức chuẩn bị chiến đấu lại từ đầu. Trong khi đó, do địa hình và điều kiện tác chiến ở Điện Biên Phủ, việc kéo pháo ra còn “khó khăn, gian khổ” hơn gấp nhiều lần so với kéo pháo vào trận địa. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ điều này và đã chỉ thị cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho bộ đội và nhấn mạnh cần “tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc” (7), chỉ có như vậy, chúng ta mới giành được thắng lợi, bớt được thương vong, thiệt hại về người và vũ khí trang bị.

Thứ hai, chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng

Đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ. Lịch sử đã chứng minh, chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện tập trung nhất, đậm nét nhất đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp hội nghị bàn về nhiệm vụ quân sự Đông - Xuân 1953-1954. Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị xác định chủ trương tác chiến trong Đông - Xuân 1953-1954, trên thực tế, chính “Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9-1953, mở đường đi tới những thắng lợi lịch sử trong Đông - Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ” (8).

Đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch tiêu diệt quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Từ chọn nơi sơ hở của địch mà đánh đến quyết định nhằm vào chỗ mạnh nhất của địch để tiêu diệt là chủ trương rất kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo và kịp thời, là quyết tâm rất lớn của Bộ Chính trị; trong thời điểm này, “ta có tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mới phá được tổ chức phòng ngự cao nhất của địch, mới phá được kế hoạch Nava, phá âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của chúng” (9). Theo đó, hình thức tác chiến của trận quyết chiến chiến lược giữa ta và địch tại Điện Biên Phủ được Đảng xác định là một trận đánh vững chắc, quy mô rất lớn; bởi vì “Đứng về ý nghĩa quyết chiến chiến lược mà nói cũng như đứng về quy mô và hình thức của chiến dịch, cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã đánh dấu một biến chuyển mới, một sự phát triển mới trong sự lãnh đạo đấu tranh vũ trang của Đảng ta cũng như trong quá trình lớn mạnh của quân đội ta” (10).

Cuối tháng 1-1954, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta đã sẵn sàng ở vị trí tập kết, bố trí xong trận địa và sẵn sàng nổ súng tiến công tiêu diệt địch theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Do tính chất quan trọng của chiến dịch đối với cả cuộc kháng chiến; vì vậy, qua phân tích, đánh giá tình hình, nhất là khi địch đã tăng cường một số lượng lớn lực lượng, vũ khí, trang thiết bị và thế bố trí ở Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị chỉ thị cho Đảng ủy Mặt trận phải kiểm tra lại tình hình, cân nhắc mọi mặt, đảm bảo “đánh chắc, tiến chắc”.

Đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, đỉnh cao là trận quyết chiến lịch sử Điện Biên Phủ đã góp phần khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự sáng tạo của Đảng. Qua đó, thống nhất tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; huy động được sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc; kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; thôi thúc ý chí và khát vọng độc lập của cả dân tộc Việt Nam để đánh bại cố gắng cuối cùng và cao nhất của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Thứ ba, chiến thắng Điện Biên Phủ đã thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngay trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Bất kỳ đàn ông đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Tinh thần đoàn kết toàn dân tộc là cội nguồn sức mạnh, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để Đảng và Nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tinh thần nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, nên “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này” (11).

Quyết tâm chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh bại âm mưu và hành động của địch ở Điện Biên Phủ đã biến thành ý chí và hành động cụ thể của quân và dân Việt Nam. Với khẩu hiệu tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dồn sức người, sức của cho chiến dịch. Các chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong và nhân dân địa phương đã nêu cao tinh thần quyết tâm, anh dũng phá bom nổ chậm, mở đường thắng lợi để bộ đội nhanh chóng kéo pháo vào trận địa. Trên 26 vạn dân công miền ngược, miền xuôi, cả vùng tự do và vùng tạm bị chiếm, đã phục vụ tiền tuyến trên 14 triệu ngày công. Công tác vận chuyển, tiếp tế cũng góp phần quyết định vào thắng lợi trên chiến trường: “Gần 30.000 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ được huy động, vận chuyển 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ riêng số vật phẩm đã vận chuyển ra mặt trận là hơn 20 vạn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,2 tấn đường, 577 tấn thịt và 655 tấn thức ăn khô. Riêng đồng bào các dân tộc Tây Bắc tiếp tế cho bộ đội 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700-800 tấn rau xanh và góp 1.296.078 ngày công vào vận chuyển, sửa chữa cầu đường, xây kho, lán” (12).

Như vậy, với sức mạnh đoàn kết, Đảng đã huy động, tập hợp và phát huy sức mạnh của cả dân tộc. Tất cả các thành phần, lực lượng, mọi ngành, mọi cấp, mọi người dân Việt Nam yêu nước đều tham gia vào quá trình chuẩn bị và tiến hành tác chiến. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản và rất quan trọng góp phần vào thắng lợi lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thứ tư, chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định sức mạnh to lớn của nền văn hóa Việt Nam

Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa giữ nước, văn hóa chiến thắng kẻ thù ở những trận quyết chiến chiến lược. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ tiếp tục tô thắm và khẳng định sức mạnh to lớn của nền văn hóa giữ nước Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn phải chống quân xâm lược với thế lực ngoại bang hùng mạnh, nhưng dù quân địch có sức mạnh đến bao nhiêu, cuối cùng cũng bị thất bại. Mỗi khi đất nước bị ngoại bang xâm lược, cả dân tộc Việt Nam lại cùng nhau ra trận, cùng đánh kẻ thù chung, bởi “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (13). Truyền thống giữ nước được hun đúc, giữ gìn và phát triển theo chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam được “hội tụ” và “kết tinh” trở thành văn hóa giữ nước trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là cội nguồn sức mạnh để dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh bại kẻ thù ở Điện Biên Phủ - nỗ lực lớn nhất, cố gắng chiến tranh cao nhất của Pháp và Mỹ (14).

Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, thắng lợi của Việt Nam tại Điện Biên Phủ viết tiếp bản hùng ca thắng lợi của những trận quyết chiến, chiến lược. Câu trả lời xác đáng cho câu hỏi vì sao, sức mạnh nào để Việt Nam - một dân tộc đất không rộng, người không đông, lại liên tục phải oằn mình trước ách áp bức, bóc lột, chiến tranh của kẻ thù lại có thể giành thắng lợi trong trận quyết chiến lược với hai đế quốc hùng mạnh. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ tiếp tục khẳng định sức mạnh từ tầng sâu văn hóa Việt Nam.

Trong Đông Dương hấp hối, Henri Nava - người từng là Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương, là tổng công trình sư của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vốn được mệnh danh là “một pháo đài bất khả xâm phạm, một tập hợp những gì mạnh nhất, kiên cố nhất chưa từng có ở Đông Dương” đã giải thích lý do vì sao người Pháp lại thất bại tại Đông Dương: Sức mạnh to lớn của Việt Minh nằm trong sức mạnh huyền thoại của dòng giống người Việt, lòng yêu nước… đó chính là sức mạnh được tạo nên từ nền văn hóa “khi chiến tranh không thể tránh được, thì phải huy động tất cả sức mạnh của quốc gia, chính phủ Việt Minh đưa cuộc chiến vào tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội và quân sự - tạo ra một động lực hết sức mạnh mẽ” (15). Khi nghiên cứu về nguyên nhân thất bại của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương (1945-1954), nhất là thất bại tại Điện Biên Phủ, nhiều học giả nước ngoài đều có chung một nhận định: Thực dân Pháp không thua Chính phủ Hồ Chí Minh về kinh tế, hay về quân sự mà thất bại bởi văn hóa Việt Nam, văn hóa giữ nước làm cho mỗi người dân Việt Nam “có một sức mạnh” mà tại thời điểm đó chúng ta không thể lý giải nổi.

Thứ năm, chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng sinh động về sức sáng tạo trong tổ chức cuộc kháng chiến

Chiến tranh là cuộc đọ sức toàn diện giữa các bên tham chiến, ai có lực lượng hậu bị lớn hơn, ai tổ chức tốt hơn người đó giành chiến thắng. Để có được sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi, Bộ Chính trị, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã làm tốt công tác tổ chức chiến đấu cho chiến dịch lớn nhất cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Sự sáng tạo trong tổ chức chiến đấu được thể hiện toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là lực lượng vũ trang và đấu tranh quân sự - yếu tố có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của chiến tranh.

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã chủ động chuẩn bị: Tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ trong suốt 9 năm kháng chiến, nhất là từ năm 1953, với một khối lượng công việc “khổng lồ” trên tất cả các lĩnh vực. Về quân sự, chúng ta đã xác định phương châm tác chiến; xây dựng kế hoạch tác chiến; phát triển lực lượng; rèn luyện kỹ, chiến thuật cho các lực lượng vũ trang qua thực tiễn chiến đấu… Về kinh tế, phát động quần chúng tiến hành giảm tô, cải cách ruộng đất, đẩy mạnh tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, bồi dưỡng sức dân phục vụ tiền tuyến. Về chính trị, tiến hành chỉnh Đảng, chỉnh quân để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nâng cao tinh thần, ý chí chiến đấu của cán bộ chiến sĩ quân đội. Về hậu cần và vận tải, tháng 6-1953, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị cho cấp ủy các địa phương mở chiến dịch cầu đường. Tháng 7-1953, Bộ Chính trị quyết định thành lập ủy Ban chi viện cho tiền tuyến để huy động tối đa sức người của hậu phương vào chuẩn bị Đông - Xuân đánh lớn. Về ngoại giao, Đảng và Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh cuộc tiến công ngoại giao vào cuối tháng 11-1953 để chia lửa với mặt trận quân sự, chính trị; tranh thủ sự giúp đỡ vật chất, tinh thần của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới; bóc trần, lên án tính chất phi nghĩa, phản động của cuộc chiến tranh Việt Nam do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đang tiến hành.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất trí thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng - Tổng Tư lệnh quân đội được chỉ định trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch; tổ chức cho các đơn vị chủ lực mở các đòn tiến công chiến lược ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Campuchia; Tây Nguyên và Thượng Lào… buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó; quyết định thay đổi phương án tác chiến sang đánh chắc, tiến chắc; xác định cách đánh: Từng bước, tập trung binh hỏa lực tạo ra ưu thế lớn để tiêu diệt từng trung tâm đề kháng của địch… tổ chức xây dựng hệ thống giao thông hào, hệ thống trận địa tấn công và bao vây... Sau khi hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, ngày 13-3-1954, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn…” (16), với 3 đợt tiến công được tổ chức bài bản, linh hoạt, mưu trí, sáng tạo, cùng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, ngày 7-5-1954, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực chiến tranh cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm nên một Điện Biên lịch sử.

Bằng bản lĩnh, sức mạnh của mình, Việt Nam đã giành thắng lợi trong cuộc đụng đầu lịch sử với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, giải phóng miền Bắc, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ ở Việt Nam còn “là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới” (17), vì nó mở đầu cho sự sụp đổ của chế độ thực dân kiểu cũ, cổ vũ tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa trên thế giới.

70 năm đã qua, nhưng bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam trong thắng lợi của Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Cách mạng Việt Nam trên con đường phát triển để sánh vai với các cường quốc năm châu, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Phát huy những thành tựu, vượt qua thách thức tiếp tục tạo ra nhiều Điện Biên Phủ trong công cuộc đổi mới đòi hỏi Đảng phải có bản lĩnh vững vàng; tiếp tục bổ sung, phát triển đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo; phát huy hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kế thừa và nâng tầm các giá trị văn hóa của dân tộc, tận dụng tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực trong quá trình hội nhập quốc tế để phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

_________________

1, 8, 9, 12, 14. Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr.177, 169, 172, 452, 166.

2, 6. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I, quyển 2 (1945-1954), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.439, 455.

3, 4, 7, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.88, 88, 88, 88.

5. Võ Nguyên Giáp, Chiến tranh giải phóng và Chiến tranh giữ nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.158-159.

10. Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.46.

13. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.38.

15. Henri Navarre, Đông Dương hấp hối, Bản dịch tiếng Việt, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.55.

16. Tố Hữu, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, tháng 5-1954.

17. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.271.

TS NGUYỄN VĂN TRƯỜNG - Ths NGUYỄN MẠNH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

;