Phương thức hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh: Cục Hợp tác quốc tế cung cấp

Phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay đòi hỏi Việt Nam phải đặc biệt giữ gìn các giá trị văn hóa, bởi đó là sức mạnh quyết định thái độ, hành động của chúng ta để không bị hòa tan vì áp lực của các nền văn hóa ngoại sinh. “Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán dài hơi và hiệu quả, trong đó đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam” (1). Giá trị văn hóa chính là yếu tố cốt lõi của phát triển bền vững. Lựa chọn phương thức hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả trên phương diện lý luận và thực tiễn.

Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; xây dựng hình ảnh văn hóa quốc gia và truyền bá văn hóa Việt Nam; xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đối ngoạiChiến lược ngoại giao văn hóa trong tình hình mới; tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quốc tế; nâng cao hiệu quả của báo chí truyền thông, nhất là báo chí đối ngoại... là phương thức hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước trong bối cảnh hiện nay.

1. Giá trị văn hóa Việt Nam

Việt Nam có một nền văn hóa rất độc đáo, giàu giá trị. “Chính nhờ có một nền văn hóa thấm đẫm bản sắc dân tộc làm bệ đỡ, dân tộc ta đã vượt qua được mọi thử thách cam go, không ngừng tiến lên theo dòng chảy của lịch sử” (2). Nhận thức sâu sắc về vai trò và sức mạnh của văn hóa, Đảng ta chủ trương “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” (3). Đảng ta coi việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc là nhiệm vụ cấp bách để xây dựng hình ảnh văn hóa Việt Nam, quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đó là “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý; cần cù sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống” (4) như nội dung Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII.

Đây là định hướng quan trọng để toàn Đảng, toàn dân ta xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, khi chúng ta chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng một xã hội “mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân” (5). Việt Nam có các giá trị văn hóa cốt lõi, trong đó có một số giá trị văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trong lịch sử mà hiện nay cần khẳng định, quan trọng nhất là tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc. Giá trị này đã được thể hiện qua sự yêu quý và bảo vệ đất nước, cống hiến cho Tổ quốc trong suốt lịch sử Việt Nam. Dân tộc Việt Nam luôn tự hào về lịch sử và văn hóa của mình. Truyền thống gia đình cũng là giá trị cần nuôi dưỡng, vì gia đình là tế bào sống của xã hội Việt Nam, giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và gìn giữ các giá trị truyền thống. Các giá trị khác như tình đoàn kết và sự giúp đỡ lẫn nhau, sự đa dạng và bao dung của tôn giáo, tín ngưỡng... đã xuất hiện trong nhiều khía cạnh của xã hội Việt Nam, từ gia đình đến cộng đồng. Tất cả giá trị trên đóng góp vào sự đa dạng và sự giàu có văn hóa của Việt Nam. Chúng thể hiện bản sắc và nhân cách của dân tộc, đồng thời góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết và phát triển.

Nhưng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các giá trị văn hóa truyền thống ít nhiều bị biến đổi, có thể do sự tác động của bối cảnh xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và quá trình toàn cầu hóa đã mang lại sự tiếp xúc và tác động từ các nền văn hóa khác, gây ra sự biến đổi trong giá trị văn hóa. Xã hội và điều kiện sống thay đổi theo thời gian cũng đóng góp vào sự biến đổi về giá trị văn hóa. Các yếu tố như quá trình đô thị hóa, di cư, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa... đều có tác động đến cách sống, niềm tin và giá trị văn hóa cộng đồng. Mất cân bằng giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại cũng là tác nhân, hội nhập và phát triển cũng khiến giá trị truyền thống và giá trị hiện đại có thể mâu thuẫn, sự đấu tranh giữa bảo tồn giá trị truyền thống và thích nghi với giá trị hiện đại góp phần biến đổi giá trị văn hóa dân tộc. Tác động của truyền thông cũng là nguyên nhân vì nó tạo ra sự tiếp cận dễ dàng với các nền văn hóa khác và sự truyền tải thông tin nhanh chóng, làm thay đổi quan điểm và ảnh hưởng đến giá trị văn hóa. Sự đa dạng và sự mở rộng của xã hội, sự giao thoa và tương tác giữa các nhóm dân tộc, tầng lớp xã hội có nền văn hóa khác nhau tạo ra biến đổi giá trị văn hóa. Một số giá trị truyền thống có thể không còn phù hợp hoặc không được ưu tiên trong môi trường hiện đại, nhưng duy trì và bảo tồn giá trị truyền thống rất quan trọng để gìn giữ bản sắc văn hóa, để nhận thức về lịch sử, nguồn gốc và nhân cách của dân tộc.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa để phát triển văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế là kết quả đóng góp rất thiết thực và cụ thể của đội ngũ các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động văn hóa, của các tổ chức nghiên cứu khoa học và hoạt động văn hóa, khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ là “quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước” (6). Quá trình xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam lâu dài và khó khăn, khởi nguồn từ Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII năm 1998, tiếp tục được triển khai qua các kỳ Đại hội Đảng. Văn kiện Đại hội lần thứ IX (2001) và Văn kiện Đại hội X (2006). Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011) ghi rõ: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (7). Chúng ta đã triển khai sâu rộng việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ /TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đại hội Đảng lần thứ XII (2016) nhấn mạnh: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (8). Đại hội Đảng lần thứ XIII năm 2021 tiếp tục nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” (9), khi Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế và phát triển đất nước ổn định, bền vững.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào tháng 11-2021 là một sự kiện rất quan trọng trong đời sống văn hóa Việt Nam. Hội nghị đã tổng kết những thành tựu và những hạn chế cần khắc phục trên lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong thời gian qua, nhất là qua hơn 3 năm đổi mới và đề ra những định hướng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Các nhà khoa học đã có nhiều ý kiến khác nhau về nội hàm giá trị và hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Hệ giá trị văn hóa Việt Nam gồm dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền như ý kiến của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Thiện và Từ Thị Loan đề nghị; hay là dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học như Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI xác định? Nhà khoa học Trần Ngọc Thêm đề xuất 10 giá trị đưa vào “hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm”, trong 10 giá trị đó, có 2 giá trị xã hội là dân chủ và pháp quyền, còn 8 giá trị khác thuộc giá trị cá nhân (yêu nước và nhân ái, trung thực và bản lĩnh, trách nhiệm và hợp tác, tính khoa học và sáng tạo) hay như ý kiến của nhà khoa học Đinh Xuân Dũng đề nghị các cặp giá trị văn hóa quốc gia và dân tộc là độc lập - giàu mạnh, dân chủ - pháp quyền, bình đẳng và hạnh phúc. Có thể thấy thực tế là “khoảng hơn 20 năm qua, việc nỗ lực đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam đã được tiến hành công phu, song đến nay chưa đạt tới sự đồng thuận, đang tiếp tục mở ra các hướng đúc kết và xây dựng mới. Tất cả các kết quả nghiên cứu đang ở dạng đề xuất, gợi mở với nhiều phương án khác nhau” (10). Đây là những cố gắng rất đáng ghi nhận của các nhà khoa học, nhưng chúng ta vẫn cần tiếp tục nghiên cứu sâu về các giá trị văn hóa Việt Nam và quảng bá các giá trị đó thông qua hình ảnh văn hóa ra thế giới.

2. Sức mạnh mềm của văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển bền vững hiện nay

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng ta nhấn mạnh nhiệm vụ: “Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển” (11). Một nội dung quan trọng trong định hướng xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta đề ra là “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới” (12). Thuật ngữ sức mạnh mềm và nhiệm vụ phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, điều này cho thấy nhận thức sâu sắc của Đảng ta về sức mạnh của văn hóa, khẳng định các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội nguồn sức mạnh dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực to lớn của đất nước ta trong quá trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế hiện nay.

Sức mạnh mềm của văn hóa chính là hình ảnh văn hóa quốc gia, là hệ giá trị văn hóa; là nền tảng tư tưởng chính trị; là mô hình nhà nước và chính sách văn hóa quốc gia. Đối với Việt Nam, sức mạnh mềm của văn hóa nằm chính ở các giá trị tiêu biểu của văn hóa, ở hình ảnh văn hóa quốc gia được xây dựng, hợp tác và quảng bá ra thế giới thông qua các hoạt động của văn hóa đối ngoại, thông qua các di sản và biểu tượng văn hóa Việt Nam, thông qua các hoạt động giao lưu tiếp biến văn hóa. Nhờ sức mạnh mềm của văn hóa mà Việt Nam có được vị thế như Đảng ta nhận định: “Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam” (13).

Nhờ sức mạnh mềm của văn hóa mà “các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hội nhập quốc tế và ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển có những bước tiến quan trọng về chủ trương, chính sách cũng như triển khai trên thực tiễn, cùng với quốc phòng và an ninh đã củng cố môi trường hoà bình, ổn định, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế... Mạng lưới các mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện tiếp tục được củng cố và mở rộng; quan hệ với các nước từng bước đi vào chiều sâu, đan xen lợi ích được tăng cường; thúc đẩy ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các hoạt động ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân được triển khai tích cực trong điều kiện tăng cường hội nhập quốc tế... Tích cực phát huy vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc, APEC, ASEAN và các diễn đàn, cơ chế liên quan, như được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối” (14).

Phát huy sức mạnh mềm để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam là vấn đề cấp thiết, để hợp tác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam, để “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần và ý chí quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (15) như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh. Sức mạnh mềm của Việt Nam thể hiện ở sức mạnh của nền văn hóa, của truyền thống lịch sử hào hùng, của lập trường tính chính nghĩa, của khát vọng độc lập, hòa bình, tự do, của truyền thống nhân nghĩa, hòa hiếu, của ứng xử tinh tế, linh hoạt và mềm dẻo. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn” (16), văn hóa chính là nguồn lực nội sinh, con người là nguồn lực quan trọng nhất. Đảng ta chủ trương “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” (17), xây dựng hệ giá trị văn hóa quốc gia, đẩy mạnh hợp tác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam nhằm hướng tới “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” (18). Để gia tăng sức mạnh mềm của văn hóa, Đảng chủ trương “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất” (19) để hợp tác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

3. Phương thức hợp tác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới

Ngày 12-11-2021, Chính phủ đã Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg. Trong 5 quan điểm của Chiến lược, có quan điểm: Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Để thực hiện được nhiệm vụ hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, chúng ta phải chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa. Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam. Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam. Xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại để hỗ trợ quảng bá văn hóa, các loại hình nghệ thuật đặc sắc của quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài. Xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Xây dựng chiến lược ngoại giao văn hóa, chủ động tham gia các diễn đàn, tổ chức quốc tế về văn hóa, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa quốc tế. Hình thành đội ngũ tham tán văn hóa, tùy viên văn hóa tại các cơ quan đại diện ngoại giao và hệ thống Trung tâm Văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Tạo điều kiện thuận lợi để các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài giới thiệu tiềm năng đất nước, văn hóa, con người với công chúng Việt Nam. Phương thức hợp tác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam là phương pháp, hình thức tiến hành các hoạt động hợp tác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam của các cá nhân, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quan trọng này. Theo đó:

3.1. Các chủ thể lãnh đạo, quản lý văn hóa đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ công tác trong lĩnh vực văn hóa và toàn dân về tầm quan trọng của vấn đề hợp tác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Bởi vì “hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng, là một trong những nguồn lực nhân văn vĩ đại của quốc gia - dân tộc, là nguồn lực nội sinh đặc biệt... Chúng càng được khai thác, càng được khơi dậy, thì càng phát triển, phồn thịnh, càng bùng dậy mạnh mẽ” (20). Chúng ta huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng trong các hoạt động hợp tác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam, bảo vệ các giá trị văn hóa, bảo vệ bản sắc văn hóaViệt Nam. Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong triển khai chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam, hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm, hình ảnh văn hóa Việt Nam; hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh Việt Nam; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về văn hóa, các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa... đều là phương thức hợp tác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Đó là “những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc, kết nhợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại...” (21).

3.2. Hợp tác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam thông qua các hoạt động văn hóa đối ngoại, hoạt động ngoại giao văn hóa, giao lưu tiếp biến văn hóa. Văn hóa đối ngoại “là toàn bộ những giá trị mà con người tạo ra được biểu hiện và thẩm thấu trong hoạt động đối ngoại. Những giá trị đó được biểu hiện ở tri thức và kinh nghiệm về quan hệ đối ngoại, đồng thời cũng được biểu hiện ở những kết quả của hoạt động đối ngoại mà các chủ thể tham gia hoạt động đối ngoại tạo ra” (22). Nội dung của văn hóa đối ngoại biểu hiện trước hết ở chính sách đối ngoại, ở nhận thức và hành vi của các chủ thể tham gia hoạt động đối ngoại, ở kết quả mà hoạt động của họ tạo ra. Nội dung văn hóa đối ngoại còn được thể hiện qua các hoạt động giao lưu tiếp biến văn hóa, hợp tác quốc tế, qua đó các tinh hoa văn hóa được thẩm thấu và bổ sung cho nhau, từ đó hình ảnh văn hóa quốc gia được quảng bá. Trong quá trình hội nhập quốc tế, văn hóa phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để Việt Nam chủ động mở rộng hợp tác và hội nhập bình đẳng trên trường quốc tế. “Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán dài hơi và hiệu quả, trong đó đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam” (23). Vì thế Việt Nam phải “tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế... Mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước” (24).

Quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam cần sự hợp tác và giao lưu với cộng đồng quốc tế. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tham gia vào các sự kiện văn hóa quốc tế, trao đổi nghệ thuật, công tác đại diện và hợp tác văn hóa với các quốc gia khác. Tổ chức các hội thảo và buổi thuyết trình với sự tham gia của các chuyên gia văn hóa, nhà nghiên cứu và diễn giả để phân tích và thảo luận về văn hóa Việt Nam, tạo ra một diễn đàn để trao đổi ý kiến và chia sẻ kiến thức về văn hóa Việt Nam. Tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi, tham quan và tiếp xúc với người nước ngoài, như du lịch, chương trình hợp tác kinh tế và văn hóa. Tạo cơ hội để người nước ngoài hiểu và có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam thông qua tiếp xúc trực tiếp với người dân và các di sản văn hóa của đất nước. Các phương thức này giúp xây dựng và lan tỏa hình ảnh văn hóa Việt Nam một cách đa dạng và rộng rãi, tăng cường sự hiểu biết và tương tác văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Các hoạt động ngoại giao văn hóa tiếp tục quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, triết lý, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO ghi danh.

Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30-11-2021 đã xác định: “Ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, được triển khai đồng bộ trên các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Mọi cơ chế, chính sách của ngoại giao văn hóa phải phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả tiềm năng của toàn xã hội và của các tầng lớp nhân dân, bao gồm đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Gắn kết Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 với việc triển khai các chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại, văn hóa, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, khoa học, giáo dục... Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và các văn bản được thông qua phù hợp với định hướng, chủ trương đường lối đối ngoại, chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước. Ngoại giao văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, trong đó ngoại giao chính trị là chủ công, ngoại giao kinh tế là đột phá, ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần tạo nên bản sắc của ngoại giao Việt Nam” (25). Đây là phương thức hợp tác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam cần được đẩy mạnh, bởi hiện nay Việt Nam vẫn chú ý thủ pháp văn hóa ngoại giao cây tre của mình, sử dụng “thuật ngữ sức mạnh mềm cùng các phương thức gọi là ngoại giao văn hóa, ngoại giao công chúng được phối hợp chặt chẽ với hoạt động truyền thông, truyền thông đại chúng bài bản, toàn diện” (26) và hiệu quả. Như vậy, “để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước giai đoạn 2021-2030, hướng tới các mục tiêu chiến lược vào năm 2030 và 2045, một nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải nâng cao hiệu quả hoạt động ngoại giao văn hóa trên cơ sở phát huy cao độ thế mạnh văn hóa của Việt Nam - một nguồn sức mạnh nội sinh vô tận và một ưu thế to lớn của đất nước, dân tộc ta” (27).

3.3. Hợp tác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam thông qua hoạt động của báo chí truyền thông, nhất là báo chí đối ngoại là phương thức hiệu quả. Truyền thông có vai trò rất to lớn trong việc hình thành và tạo ra nhận thức của công chúng về thế giới xung quanh, giúp chúng ta tìm hiểu về các sự kiện, con người mà ta không thể tiếp xúc trực tiếp mà chỉ tiếp xúc với các hình ảnh thông qua báo chí, được hình thành trong nhận thức của chúng ta. Truyền thông tạo nên một bức tranh đáng tin cậy của thế giới bên ngoài tầm với của chúng ta bằng chuỗi hình ảnh và thông tin. Vì thế, trong hợp tác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam, rất cần đến sự đóng góp của báo chí, truyền thông. Phương thức này bao gồm việc sử dụng các phương tiện truyền thông, trang web, mạng xã hội, triển lãm, festival và các sự kiện văn hóa để giới thiệu giá trị văn hóa Việt Nam đến công chúng quốc tế. Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, radio, báo chí, tạp chí và các trang web để quảng bá và giới thiệu văn hóa Việt Nam. Tổ chức các chương trình, talkshow và phỏng vấn để truyền tải thông tin về văn hóa, lịch sử, di sản và các hoạt động văn hóa hiện đại của đất nước. Đây là cách hiệu quả để tạo sự quan tâm và hiểu biết về giá trị văn hóa Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh văn hóa Việt Nam. Như vậy, báo chí đối ngoại là bộ phận quan trọng đặc biệt của văn hóa quốc gia, thể hiện sức mạnh nội sinh của dân tộc, có vai trò tích cực trong việc nâng cao vị thế của đất nước, xây dựng hình ảnh văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam.

4. Kết luận

Việt Nam hội nhập quốc tế là nhằm mục tiêu “củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững… quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới” (28). Đây là điểm nhấn quan trọng trong tư duy, sự phát triển nhận thức của Đảng về sức mạnh nội sinh của dân tộc và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới, là khát vọng chính đáng, vì lợi ích của toàn dân, vì khát vọng đó mà nhân dân Việt Nam đã hy sinh bao xương máu, để bây giờ đất nước ta mới “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (29). Văn kiện Đại hội Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế...

Tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước” (30).

 _____________________

1, 2, 10, 23. Kỷ yếu Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hà Nội, 11-2021.

3, 13, 14, 19, 29. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.330, 318-322, 59-60, 325, 322.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.56.

5. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.8-9.

6, 9, 11, 12, 15, 17, 18, 24, 30. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.136, 143, 99, 145, 46, 202, 115-116, 49-50, 49-50.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.223.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.126-127.

16. Nguyễn Hồng Vinh, Văn hóa còn thì dân tộc còn, nhandan.vn, 3-2-2023.

20. Nhiều tác giả, Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị giá đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.29-30.

21. Lê Mậu Lâm, Ngô Vương Anh, Nguyễn Băng Nhi, Đường lối văn hóa của Đảng trong chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.11-12.

22. Trần Thị Kim Cúc, Văn hóa Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.57.

25. Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, số 2013/QĐ-TTg ngày 30-11-2021.

26. Lê Thanh Bình, Truyền thông phát triển xã hội, văn hóa, ngoại giao văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.112.

27. Lê Hải Bình, Trần Quốc Khánh, Ngoại giao văn hóa Việt Nam - một thập kỷ hội nhập quốc tế và một số vấn đề đặt ra, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.10.

28. Nguyễn Duy Bắc, Phát triển văn hóa và con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh phát triển đất nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.90.

PGS, TS ĐINH CÔNG TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

 _____________________

Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9-2023).

;