Charles Crevost - Ân nhân của nền thủ công mỹ nghệ Việt

Trong lịch sử phát triển nền mỹ thuật và nghệ thuật ứng dụng Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, ngoài những tên tuổi lớn như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty, Évariste Jonchère, Alix Aymé, Joyeux, Besson, Balik, Nam Sơn, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường, Trịnh Hữu Ngọc, Phạm Hậu… thì không thể không nhắc tới Charles Crevost - người từng được mệnh danh là “Người cha của nền thủ công mỹ nghệ An Nam”

Charles Crevost (1858-1938), nguyên Chánh Thanh tra Nha Thương mại Đông Dương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Maurice Long đã qua đời tại Hà Nội vào ngày mùng 1/1/1938 sau hơn 53 năm sống và làm việc ở Đông Dương. Cuộc đời ông gần như dâng trọn cho xứ sở vùng nhiệt đới này. Sau khi không đỗ vào Trường Hải quân, nơi cha ông là giáo sư, Crevost gia nhập lực lượng bộ binh thuộc địa ở tuổi 18, rồi sau đó thuyên chuyển sang một đơn vị tài chính thuộc hải quân. Với tư cách này, ông đến Đông Dương lần đầu tiên vào năm 1884 và rồi định cư vĩnh viễn ở xứ sở này vào ngày 1 tháng 1 năm 1900, khi Toàn quyền Paul Doumer, bị ấn tượng bởi tính chính xác trong quan điểm về một số vấn đề kinh tế, cũng như bầu nhiệt huyến của Crevost, đã điều động ông về Cục Nông Lâm và Thương mại Đông Dương. Nhờ khả năng ngôn ngữ đặc biệt, có thể sử dụng tiếng Việt thuần thục, ông nhanh chóng quen biết nhiều học giả bản địa và thâm nhập sâu rộng vào đời sống xã hội Đông Dương. 

Sau khi tham gia tổ chức cuộc Đấu xảo Hà Nội năm 1902 với nhiều đóng góp quan trọng, ông đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng Nông nghiệp và Thương mại thuộc khu đấu xảo ngay từ năm 1903 (về sau bảo tàng được đổi tên là Bảo tàng Maurice Long - tên một cựu Toàn quyền Đông Dương). Kể từ đó, cuộc sống của Crevost gắn liền với sự tồn tại của bảo tàng này. Là người say mê nghiên cứu và có trí nhớ khác thường, Crevost đã mở rộng phạm vi công việc của mình vượt ra xa khuôn khổ nhiệm vụ được giao phó trong tư cách là người phụ trách Bảo tàng Maurice Long. Là một trong số những người có nhiều tài liệu nhất về các sản phẩm tự nhiên của xứ Đông Dương, ông không bao giờ ngần ngại truyền bá kiến ​​​​thức và khai sáng cho những người tìm đến ông để được tư vấn, giúp đỡ, nhất là trong lĩnh vực phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp bản địa.

Không ảnh chụp năm 1938 cho thấy toàn cảnh khu vực đấu xảo Hà Nội có Bảo tàng Maurice Long nằm ở trung tâm cùng với Trường Mỹ thuật Đông Dương nằm kề bên

Những nghiên cứu về cây trồng, thảo dược, hải sản, lương thực v.v… được ông công bố trên nhiều chuyên san khoa học, đặc biệt là pho Danh mục sản phẩm Đông Dương (Catalogues des produits de l’Indochine) đồ sộ được thực hiện liên tục trong hơn 20 năm và đã nhận được giải thưởng của Viện Hàn lâm khoa học Pháp. Đây là những tài liệu có giá trị lớn, không chỉ hữu ích với người nông dân Việt Nam mà cả với những người Pháp muốn tìm hiểu về sản vật bản địa. Cho dù những pho sách đồ sộ này chưa phản ánh hết tầm vóc của tác giả, song cũng đủ để ông xứng đáng được xếp vào hàng những nhà nghiên cứu uyên bác nhất về Đông Dương. Hơn thế, ông là người yêu đất nước và con người An Nam hiếm thấy. Ông thường tâm sự rằng ông muốn cống hiến hết mình để đem lại cho dân nghèo nơi đây một cuộc sống đỡ lam lũ, vất vả. Với niềm tin chưa bao giờ lung lay, với lòng nhiệt thành chưa bao giờ vơi cạn, ngay cả ở độ tuổi mà nhiều người khác đã muốn nghỉ ngơi từ lâu, thì Crevost vẫn tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, nhằm tạo công ăn việc làm cho những người dân nghèo hoặc kẻ yếu thế ở Đông Dương. Trên hết, ông đã nỗ lực trong gần 40 năm để phát triển các nghề thủ công bản địa, và do đó, mang đến cho nhiều cộng đồng cư dân đông đúc nơi đô thị và những thôn làng ngày càng thiếu đất cấy cày những phương tiện để cải thiện cuộc sống. Đi sâu tìm hiểu đời sống của người dân, ông biết rằng chỉ trồng lúa thôi là chưa đủ, mà cần phải bổ sung thêm một số hoa màu khác vào vụ mùa chính. Và để người nông dân có điều kiện vật chất tốt hơn, thì mỗi người đều cần có một nghề thủ công, cho dù khiêm tốn đến đâu, cũng có thể cho phép họ tận dụng sức lao động trong những khi nông nhàn, hay như chúng ta thường nói, vào lúc “tháng ba, ngày tám”. 

Một lớp dạy dệt thảm cho phụ nữ tại Bảo tàng Maurice Long trước 1945

Với trí tuệ mẫn tiệp, uyên bác cùng đức tính thẳng thắn, khiêm tốn, vị sứ đồ của nghề thủ công, Crevost là một trong những người có công lớn trong việc cách mạng hóa một số ngành nghề bản địa. “Người cha của nền thủ công mỹ nghệ An Nam” luôn nghĩ đến việc làm lợi cho quần chúng lao động, làm giàu cho các gia đình nghèo khó. Luôn đam mê và kiên định, ông đã thổi luồng sinh khí mới vào các ngành tiểu thủ công mỹ nghệ, cải tiến cho phù hợp với thời đại, mở rộng sản xuất và thị trường chưa từng có. Quả thật hầu hết các nghề tiểu thủ công nghiệp gia đình ở miền Bắc Việt Nam đều mang dấu ấn của Crevost, và dù ít hay nhiều, sự hồi sinh và trở nên thịnh vượng của những nghề này đều có sự giúp đỡ của ông. Không dừng lại trong việc làm sống lại các nghề truyền thống và/hoặc các làng nghề, ông còn là người có công lớn nhất và góp phần mang vào Việt Nam khá nhiều kỹ nghệ mới, chẳng hạn như nghề làm bàn chải, làm thảm xơ dừa, đan mũ nan, kết giỏ mây, thêu ren, v.v… Nghề làm thảm rất phát triển và có lúc từng đứng đầu các ngành kỹ nghệ ở Việt Nam hổi đầu thế kỷ XX. Nghề dệt gấm đã có lúc cạnh tranh được với gấm Tầu, được người Pháp ở Đông Dương cũng như ở chính quốc đánh giá cao, điều này đã được khẳng định trong cuộc Đấu xảo Paris năm 1937. Nghề đan rổ, làm bàn chải, nghệ thuật ren, thêu thùa, làm mũ, sản xuất ghế mây, tái chế tóc làm khăn lau và mạng che mặt, đồ khảm, gia công khuy bằng trai, đồ kim khí, nghề dệt lụa, dệt kim, kéo sợi, chưng cất dầu long não, chế phẩm từ lạc và đậu nành, phân loại lúa gạo, kỹ nghệ mì ống, làm miến, sơn mài, sản xuất đồ da, nhang, đồ gỗ, đồ đồng nghệ thuật, các mặt hàng mỹ nghệ từ ngà voi, đồi mồi, xương, sừng … và còn nhiều sản phẩm khác ông từng lưu tâm cải tiến, cách tân khó có thể liệt kê hết trong một bài viết.

Một xưởng làm đồ khảm ở tỉnh Hà Đông (cũ) - Ảnh tư liệu

Với Trường Mỹ thuật Đông Dương - người “hàng xóm” chỉ cách Bảo tàng Maurice Long một con phố - Charles đã kiên trì và nhiệt tình phối hợp cùng hiệu trưởng Victor Tardieu biến không gian giáo dục của nhà trường và khu đấu xảo thương mại thành một hệ sinh thái sáng tạo vô cùng hiệu quả: tổ chức các triển lãm mỹ thuật và sản phẩm thủ công mỹ nghệ; quảng bá và thương mại hóa các sản phẩm thông qua các kỳ đấu xảo, hội chợ; tổ chức các lớp học và bổ túc kiến thức thẩm mỹ hiện đại cho nghệ nhân/thợ thủ công, v.v … Bên cạnh đó, Crevost cũng giúp Trường Mỹ thuật tuyển dụng được các nghệ nhân lành nghề làm trợ giảng tại các xưởng thực hành, đặc biệt là xưởng sơn mài.Charles Crevost Crevost đã cống hiến hết lòng cho người lao động Việt Nam và tình yêu của mình với nước Pháp. Ký ức về ông sẽ sống mãi với những người thợ thủ công và nghệ nhân của nhiều làng nghề Bắc Bộ. Lòng nhân ái của ông đã và sẽ luôn lay động biết bao trái tim những nghệ nhân bình dị Việt Nam, và tên tuổi ông xứng đáng được ghi nhận như một biểu tượng về sự hiệp thông chân thành và hiệu quả giữa hai dân tộc Pháp - Việt.

HÀM PHONG (tổng hợp)

Nguồn: Tạp chí VHNT số 562, tháng 2-2024

 

;