Cây đu và trò chơi đu cổ truyền làng Vũ Xá

Theo các cụ già làng Vũ Xá (phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), trò chơi đu ngày Tết của làng đã có từ lâu đời. Bắt đầu từ những ngày giáp Tết (khoảng 27, 28 tháng Chạp), làng đã rậm rịch trồng, mắc cây đu. Địa điểm trồng cây đu xưa kia tại sân điếm làng.

Nguyên liệu làm cây đu là tre. Làng chọn những cây tre đực làm cột đu. Cây tre được chọn phải thẳng, dài, thon thả. Số lượng cột đu là 6 hoặc 8, song thường là 6 cột, chia đều cho 2 bên nhóm, mỗi bên nhóm 3 cột. Ở mỗi bên nhóm, 3 cây tre đực được trồng xuống đất, đứng thế chân vạc, bên trên néo ba đầu lại với nhau. Sau đó, người ta còn néo hai nhóm cột đu lại, cũng bằng một cây tre (gọi là thanh ngang) để khi đu quay lực dồn vào giữa, vì thế cột đeo không bị choãi ra hai bên, không bị đổ.

Trên thanh ngang, người ta mắc 3 nấc ròng rọc: Nấc thứ nhất gồm 5 thanh tre mắc trực tiếp với thanh ngang, chỗ tiếp xúc được bọc lót bằng rơm để đảm bảo độ dai, bền khi cọ xát. Nấc thứ hai gồm 4 thanh tre mắc trực tiếp vào nấc thứ nhất. Nấc thứ ba gồm 3 thanh tre nối tiếp vào nấc hai. Chính nhờ có 3 nấc ròng rọc bằng tre này mà dây đu có độ chùng, lên bổng xuống trầm, tạo chế mềm, dẻo.

Nối với nấc ròng rọc thứ ba là dây đu (cần đu). Người ta bọc đất rồi đem nướng hai cây tre bánh tẻ, sau đó vặn chéo vào nấc ròng rọc thứ ba, rồi quấn xuống thành dây đu. Cuối cùng, nối với dây đu là mõ đu (chỗ người đu đứng). Mõ đu được làm bằng tre hoặc gỗ, nhưng bằng tre là tốt nhất. Tất cả các mối liên kết trên cây đu đều được chốt bằng đinh tre.

Trò chơi đu làng Vũ Xá, như đã nói, bắt đầu từ những ngày giáp Tết, kéo tới ra Giêng, khi làng vào cày, cấy vụ chiêm mới dỡ đu. Nói như người Vũ Xá, thiếu cây đu, làng thiếu Tết. Chơi đu đông nhất đúng vào thời cao điểm của Tết, suốt đêm Ba mươi, ngày mồng Một, mồng Hai và mồng Ba. Làng cử ra những bô lão nhiều kinh nghiệm nhất để chỉ đạo, xem xét kiểm tra việc trồng, mắc cây đu, làm trọng tài chấm giải. Những nam thanh, nữ tú khỏe mạnh thuở xưa, nay đã lên lão làng. Nhắc đến cây đu và hội chơi đu của làng, các cụ, các bà như trẻ lại.

Theo các cụ già làng Vũ Xá, chơi đu, đánh đơn (một người đu), đánh kép (đu đôi) đều được cả. Hầu như trò chơi đu chỉ dành cho những người trẻ tuổi - những nam thanh, nữ tú, bởi đòi hỏi phải có sức khỏe, lòng dũng cảm và nhất là niềm cảm hứng, say mê khi chao liệng. Đẹp nhất, hứng khởi nhất là đu đôi trai gái.

Khi vào đu, đôi trai cùng chung níu dây đu, hướng mặt vào nhau. Nếu trai lấy chân đẩy đu thì gái nhún chân, và ngược lại. Đu chuyển động, làm hoán vị, lúc gái/trai và ngược lại lúc trai/gái, như âm dương hoán vị, như trời đất giao hòa. Thích chí, đôi trai gái càng đẩy, càng nhún, đu càng dao động mạnh, càng lên cao. Theo người làngVũ Xá, điểm đu lên cao nhất là lúc 3 nấc ròng rọc trùng nhau, dây đu ngang bằng với thanh ngang. Đồng hành với lên cao, xuống thấp trong không gian mùa xuân là hơi thở của đất trời, của con người (điển hình là đôi trai gái).

Ở làng Vũ Xá xưa kia, khi lên đu, nam thanh thì vận quần trắng, áo the, đội khăn xếp, khăn lượt (trai nào con nhà giàu thì đội khăn nhiễu), đi guốc mộc; nữ thì ăn vận ngũ sắc: yếm đào, quần thâm, váy thâm, áo dài mớ bảy mớ ba, thắt lưng bao tượng màu xanh, đỏ, vàng hoặc màu hoa lý. Xem như vậy mới thấy, cây đu và người chơi đu Vũ Xá đã hiển hiện ý nguyện dân gian cầu phồn thực trong đất trời mùa xuân, thật đa sắc, đa cảm, đa tình như Hồ Xuân Hương miêu tả:

“Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới

Đôi hàng chân ngọc duỗi song song”

Hội chơi đu làng Vũ Xá có sức hấp dẫn kỳ lạ, làm say mê cả người xem. Đây là dịp mà dân làng hòa mình vào trời đất, mùa xuân, vào vũ trụ để cầu may, để trai gái làng khoe tài sắc. Đây cũng là một hoạt động thể thao đậm đà bản sắc dân tộc, có tác dụng tích cực đối với đời sống văn hóa đương đại.

Các cụ già làng Vũ Xá còn kể lại: Ngày xưa, làng treo 3 vuông nhiễu điều trên cành đa, làm phần thưởng cho đôi trai gái nào giật được. Ấy vậy mà có năm, cả vụ Tết tấm nhiễu điều vẫn phấp phới bay.

Cây đu và trò chơi đu ở làng Vũ Xá không chỉ để vui chơi, rèn luyện sức khỏe mà còn biểu hiện tín ngưỡng phồn thực - cầu mong sự sinh sôi, phát triển của dân làng.

 

HOÀNG OANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022

 

;