Già làng Cơ Tu 4 giỏi

Đó là già làng Bh’riu Pố (72 tuổi, trú tại thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). Già Pố được biết đến với biệt danh mà người dân phong tặng là: “Già làng 4 giỏi” bởi ông giỏi nghề trồng ba kích, giỏi sản xuất kinh doanh, giỏi điêu khắc và giỏi vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ông Đặng Thương, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang trao giải Nhất cho nghệ nhân cao tuổi Bh’riu Pố ( H. Tây Giang) với tác phẩm “Mẹ rừng”

 

Giỏi nghề trồng ba kích và xây dựng trang trại

Trao đổi với chúng tôi, ông Bh’riu Pố cho biết, ông tốt nghiệp khoa Sinh vật (Trường Đại học Thái Nguyên), lại ham sưu tầm các bài thuốc từ sách báo nên ông nắm rất rõ về những vị thuốc dân gian truyền thống. Hơn 40 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Bh’riu Pố trở về làng với nghề dạy học. Được biết, ông là người Cơ Tu đỗ đại học đầu tiên cũng như kinh qua nhiều năm làm thầy nên ở ông có kiến thức rất sâu rộng.

Sau những ngày đứng lớp, ông lại ngược núi để tìm loại cây “thuốc giấu” của đồng bào miền núi vốn đã thất truyền. Và cũng chính ông, sau này mới biết là cây ba kích. Ngày đó, khi cái nghèo, cái đói vẫn còn đeo đẳng với bà con Cơ Tu, ông đã suy nghĩ làm thế nào để phát triển đời sống kinh tế cho bà con mình trên dãy Trường Sơn. Ông dùng số tiền tiết kiệm bấy lâu tìm mua cuốn sách: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam do Giáo sư Đỗ Tất Lợi biên soạn về nghiên cứu và ông cất công đi tìm hiểu cách trồng cây ba kích.

Giỏi sản xuất kinh doanh

Dần theo thời gian, nhờ sự giúp đỡ của Tiến sĩ Ngô Trại (Viện Giống cây trồng Quốc gia), ông đã trở thành người đầu tiên ở Quảng Nam làm giàu từ cây ba kích. Hiện gia đình ông có trang trại dược liệu rộng gần 3ha dưới chân núi Adương với hơn 5.000 cây ba kích, cho thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 350 triệu đồng. Cách đây vài năm, ông từng đại diện tỉnh Quảng Nam tham dự Hội nghị Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc.

Già Bh’riu Pố cho hay, ông đã thành công từ cây ba kích nên quay lại giúp đỡ bà con dân làng về cách trồng, chăm sóc cây dược liệu này. Ba kích rất dễ trồng nhưng mình phải làm trước, phải thoát nghèo trước thì bà con mới nghe theo. Sau này, ngoài cây ba kích, gia đình ông còn mở rộng diện tích vườn đồi để xây dựng mô hình kinh tế trang trại, kết hợp trồng thêm nhiều loại cây ăn quả như bưởi, quýt, cam, cây tr’đin, tavak… Đồng thời, cải tạo khe suối làm ao nuôi cá với diện tích 1.500m2, chăn nuôi bồ câu, bò và các loại gia cầm khác.

Giỏi điêu khắc tượng gỗ Cơ Tu

Ngoài biệt danh “Vua ba kích”, ông Bh’riu Pố còn được người ta nhắc đến là nghệ nhân số 1 trên dãy Trường Sơn bởi ông là người Cơ Tu đầu tiên có bằng đại học, đã từng làm thầy giáo, lại thêm có giọng hát hay cùng đôi bàn tay vàng nên đã  truyền dạy nói lý - hát lý, điêu khắc, cho đến tham gia dựng Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng), phục hồi họa tiết trụ X’nur (cây nêu) truyền thống... và được cư dân phong là “Nghệ nhân điêu khắc tượng gỗ Cơ Tu”.

Còn nhớ, năm 2017, ông được đề cử làm người thiết kế và chỉ huy đội nghệ nhân phục dựng cây nêu truyền thống của đồng bào Cơ Tu nhân sự kiện Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI. Với trách nhiệm của người đứng đầu, ông đã nghiên cứu rất kỹ từng chi tiết, “hoa văn họa tiết” nhằm  bảo đảm nguyên bản nhất theo sự “thẩm định” của các già làng. Đến nay, già Bh’riu Pố đã có hơn 200 tác phẩm điêu khắc mang âm hưởng đời sống tâm linh của đồng bào Cơ Tu, bao gồm các tượng, phù điêu, cột lễ…

Năm 2019, UBND huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) phối hợp với Khu du lịch sinh thái Suối Hoa (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) tổ chức bế mạc Hội trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ Tu. Nghệ nhân Bhriu Pố cho hay, điêu khắc của người Cơ Tu có từ lâu đời. Ở các Gươl làng hay trong từng mái nhà của đồng bào đều được trang trí bằng điêu khắc đủ loại về con người, loài vật hay những sinh hoạt cộng đồng, lễ hội... Những bức tượng và những tấm tranh điêu khắc gỗ đã làm cho Gươl trở thành một biểu tượng, là niềm tự hào của người Cơ Tu - nơi thể hiện những tinh túy của nghệ thuật điêu khắc, hội họa trong kết cấu xây dựng nhà cửa. Ngoài những phong tục tập quán, văn hóa, lễ hội và những nghi thức bản địa độc đáo, riêng biệt tồn tại từ xưa đến nay, người Cơ Tu còn có một loại hình nghệ thuật đặc sắc thể hiện về cuộc sống xung quanh cũng như khát vọng lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của dân tộc mình, đó là nghệ thuật điêu khắc gỗ… Lần này, nghệ nhân Bhriu Pố đoạt giải Nhất với tác phẩm “Mẹ rừng”.

Nói về tác phẩm “Mẹ rừng”, ông Bh’riu Pố chia sẻ, người Cơ Tu thường sinh sống dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ, huyền thoại. Từ xa xưa, rừng gắn bó mật thiết với họ, chở che, nuôi sống họ. Rừng như là vị thần thiêng liêng của làng, của cộng đồng dân tộc. Người Cơ Tu không xem rừng là thứ tài nguyên để chiếm lĩnh, khai thác, mua, bán mà  xem rừng như người thân yêu ruột thịt của mình. Đối với người Cơ Tu, có thể hiểu, trên danh nghĩa, rừng là của chung, bảo vệ rừng vì cái chung, cho cả cộng đồng dân tộc. Trong lao động sản xuất, người Cơ Tu xem rừng như là nguồn sữa mẹ, mang đến ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Tác phẩm “Mẹ rừng” thể hiện hình ảnh một bà mẹ có gương mặt đăm chiêu, khắc khoải đang khoác lên người một tấm áo màu xanh của rừng. Khi rừng không bị tàn phá, hai bầu sữa của mẹ rừng nuôi dân làng sinh sống ấm no, hạnh phúc. Chẳng may, rừng bị tàn phá, một trong hai bầu sữa của mẹ rừng bị “xẹp”, không còn đủ sữa để nuôi sống dân làng nữa. Tác phẩm “Mẹ rừng” do tôi sáng tác dựa theo ý tưởng đó nhằm gióng lên hồi chuông “bảo vệ rừng”.

 

Già làng Bh’riu Pố giới thiệu tác phẩm “Mẹ rừng” do ông sáng tác
 

Giỏi vận động dân làng

Là người “tuổi cao gương sáng”, già làng Bh’riu Pố tích cực vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kêu gọi người dân làm tốt bổn phận, nghĩa vụ công dân của mình; giữ gìn tốt an ninh biên giới, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu như biểu diễn trống chiêng, các điệu dân ca - dân vũ đặc sắc, các nghề đan đát, dệt thổ cẩm truyền thống cùng các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào mình. Ông cùng các nghệ nhân, già làng và người dân trên địa bàn huyện Tây Giang phục dựng thành công nhà sàn truyền thống, nhà dài và Gươl cộng đồng, phục dựng cây nêu Cơ Tu nguyên bản tại “Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu” của huyện Tây Giang.

Đặc biệt, những năm qua, đại dịch COVID -19 tràn về gây bao cảnh đau thương, chết chóc cho người dân từ khu vực thành phố đến nông thôn, miền núi. Già làng Bh’riu Pố với lòng hăng say và sự hiểu biết của mình đã cùng các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chỉnh về phòng và chống dịch COVID-19 có hiệu quả.

Già làng Bh’riu Pố cho biết, thời gian qua, hằng ngày ông theo dõi các kênh truyền thanh, truyền hình của Nhà nước cũng như nghe các đài phát thanh của huyện và xã nhà nhằm cập nhật tình hình dịch bệnh đồng thời tiếp nhận các thông tin, kiến thức mới mẻ để truyền đạt lại bằng tiếng Cơ Tu cho bà con nghe và hiểu. Ông yêu cầu bà con không tụ tập đông người, không đưa tin thất thiệt lên các mạng xã hội; mang khẩu trang đúng cách khi đi ra đường, nếu không cần thiết thì không nên ra đường, nghiêm chỉnh chấp hành khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế… Ngoài ra, ông lấy điện thoại, Zalo làm phương tiện để vận động người dân không mê tín dị đoan, thực hiện ăn chín uống sôi, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm để tăng sức đề kháng cho cơ thể, vệ sinh môi trường, nhà, vườn để bản làng "sáng- xanh -sạch - đẹp".

 

LÊ VĂN KỲ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021

 

;