Tết Táo quân - nét đẹp truyền thống người Việt

Từ xưa, theo truyền thuyết dân gian có hai vợ chồng nhà kia nghèo lắm, chẳng biết làm gì cho đủ ăn mà phải dẫn nhau hành khất. Sau phải bỏ nhau để đi kiếm ăn mỗi người một ngả. Do vận may, người vợ lấy được người chồng giàu có. Một hôm, vào đúng ngày 23 tháng Chạp, người đàn bà đang đốt vàng mã ngoài sân, thấy một người rách rưới vào ăn xin, nhận ra chính là người chồng cũ của mình nên động lòng thương liền đem cơm gạo, tiền bạc ra cứu giúp. Người chồng mới biết chuyện, nghi ngờ, ghen tuông vợ. Người vợ khó xử và cảm thấy bị xúc phạm, uất ức quá, liền lao vào đống lửa đang cháy đùng đùng mà tự tử. Người chồng cũ nặng tình, cảm thương quá cũng nhảy vào đống lửa mà chết theo. Thấy thế, người chồng mới thấy ân hận vì mình mà cả hai người chết oan thê thảm nên cũng đâm đầu vào đống lửa chết theo.

Ngọc Hoàng nhận thấy cả ba người đều có nghĩa tình, động lòng trắc ẩn, cảm mến nên phong cho họ làm “Vua Bếp”. Trong đó, có một ông làm Phó Công trông coi mọi người trong bếp núc, một ông là Thổ Địa trông coi hết việc trong nhà, một bà là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Từ đây, trong dân gian mới có tục thờ Táo Quân, có tích “hai ông một bà” và sau nữa có câu ca:

Thế gian một vợ một chồng

Không như Vua Bếp hai ông một bà.

Cũng bắt đầu từ đấy, trong bếp người ta có ba ông “Đầu Rau”, nặn bằng ba hòn đất nung, đặt chụm đầu vào giữa để bắc nồi, chảo đun nấu thức ăn. Người đời cảm phục trước tình sâu nghĩa nặng của họ nên thờ cúng, giữ gìn ngọn lửa cẩn thận. Ngọn lửa cháy mãi không thôi bởi là nơi ba người gặp nhau trong lửa, chung sống trong lửa, tồn tại vĩnh hằng trong lửa để sưởi ấm, soi sáng cho thế gian. Nhờ lửa mà mọi người được ăn chín, uống sôi, phát triển không ngừng và lửa có sức mạnh vô biên, mang lại nhiều điều kỳ diệu khác cho con người. Không phải ngẫu nhiên, nhân gian rất trân trọng Vua Bếp, coi như Thần nên có tục lệ phải kiêng đổ rác rưởi, bẩn thỉu vào bếp. Khi đun bếp, không được gõ que cời lửa vào các ông “Đầu Rau” và xưng hô kính trọng là ông Đầu Rau, không dám báng nhạo, xúc phạm. Đây có thể là do ảnh hưởng của phong tục thờ “Thần lửa” có từ cổ xưa của nhiều tộc người tiền sử.

Ở Trung Quốc, Táo Quân còn gọi là “Táo Thần”, “Táo Vương”… được xem là một trong bảy vị thần đất cần cúng lễ. Người Trung Quốc cho rằng, trước kia, mỗi tháng Vua Bếp lên trời một lần vào ngày tối trời (cuối tháng) để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình. Sau này, Vua Bếp chỉ lên trời duy nhất vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Đến ngày ấy người ta bày bàn thờ cạnh bếp cúng Vua Bếp các thứ như: Rượu, thịt, cá, cơm nếp… có cả nước và cỏ khô cho ngựa của Táo Quân ăn lấy sức chở Vua Bếp lên trời. Đây cũng là một chi tiết khác với quan niệm của người Việt Nam cho rằng: Vua Bếp cưỡi cá chép (cá chép hóa rồng) mà bay lên trời.

Ngoài ra, còn có nhiều quan niệm, chi tiết khác nhau về nguồn gốc Táo Quân. Có truyền thuyết cho rằng ngoài ông bà chủ chết còn có một đầy tớ trung thành cũng chết theo, được dân gian tượng trưng bằng hòn đá cuội, đặt vào giữa bếp đã hãm không cho ngọn lửa cháy quá nhanh, gọi là “Hòn Lộc”.

Dù có các tình tiết khác nhau nhưng khi vào Việt Nam, truyền thuyết Táo Quân cơ bản được Việt hóa, nhất là việc sắm lễ vật để dâng cúng Táo Quân. Thông thường, lễ vật gồm có hai chiếc mũ nam, một chiếc mũ nữ và ba con cá chép bằng vàng mã. Dân gian cho rằng cá chép là loại cá đẹp, khỏe có thể đưa Vua Bếp lên Thiên đình nhanh nhất. Ngoài ra, còn có quần áo và các vật dụng khác cho Táo Quân với quan niệm “dương sao âm vậy”. Riêng cá chép được thay thế bằng cá chép thực tươi sống có màu đỏ đẹp và khỏe mạnh. Cúng xong, người ta đem cá chép thả ra ao hồ, sông suối, phóng sinh cho chúng sống trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, điều này cũng còn tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình và từng địa phương, vùng miền có khác nhau. Ở miền Trung, bà con thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên cương đầy đủ. Ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ có mũ áo và đôi hia là đủ.

Dù đồ cúng vật chất ở ba miền có khác nhau song về tinh thần, tâm linh lại rất gần gũi với dân chúng. Ai cũng cảm thấy ông Táo là vị thần được Thượng đế phân công cai quản mỗi nhà. Bài vị thờ vắn tắt là “Định phúc Táo Quân”, nghĩa là: Thần định mọi hạnh phúc của gia đình. Người ta quan niệm ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày Táo Quân lên trời và sẽ ở đây một tuần để báo cáo mọi việc xảy ra trong gia đình mình cai quản. Tuy là những việc trong nhà, “bếp núc” nhưng cũng có rất nhiều điều cần phải bẩm báo như những công việc làm ăn, xây dựng học hành, sức khỏe, đi lại… Việc nào cũng nhiều, cũng cần cụ thể, nên dân gian thường có câu cửa miệng “Dài như sớ Táo Quân”, lại còn tổ chức nhiều trò vui “Táo Quân lên trời” vào dịp mừng Tết, mừng Xuân.

Gia đình nào cũng ý thức được sự trình báo quan trọng của Táo Quân, biết ơn Táo Quân đã che chở, mang lại bình an, hạnh phúc cho gia đình, có thể bỏ qua những lỗi lầm năm qua gia đình mình phạm phải. Cho nên việc cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp không gia đình nào dám bỏ qua xem nhẹ. Hơn nữa, bà con coi đây là cái lễ bắt đầu tuần Tết Nguyên đán. Thực tế cuộc sống cho thấy bắt đầu ngày 23 tháng Chạp, không khí Tết dâng tràn khắp phố phường, làng xóm. Người người tất bật như chạy đua với thời gian để mua sắm Tết. Nào là sửa sang bàn thờ, nào là dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, nào là chợ búa chuẩn bị cho nồi bánh chưng, nào là người ở xa hối hả về quê ăn Tết. Đâu đâu cũng ồn ào, náo nhiệt tràn đầy hương sắc, không khí Tết và quan trọng hơn, ai cũng muốn có mặt cùng gia đình sum họp, tổng kết công việc của cả một năm với những lo toan vất vả và thành công để rồi dự tiệc tiễn đưa ông Táo lên Thiên đình, tấu trình cho mình những điều tốt đẹp, cầu mong yên lành, hạnh phúc để bước vào một năm mới đầy niềm tin và hy vọng.

Những tâm niệm, những hành xử, những ước mong đó đã tạo nên ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo nên nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh người Việt. Ngày 23 tháng Chạp xem như một khúc nhạc dạo đầu vang ngân đầy hứng khởi của mỗi nhà đón chào những ngày Tết năm mới.

 

NGUYỄN THANH HOÀNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022

;