Canh chua cơm mẻ cá lăng non

 

Về thăm nhà sau một năm đi làm xa, mẹ bảo: "Nằm võng nghỉ ngơi đi, lát mẹ làm món canh chua cá lăng non cho con ăn". Ôi, cái món mà ngay từ lúc nhỏ tôi đã thích. Mẹ thật là tâm lý. Nhưng phải nói là may mắn khi tôi về đúng mùa cá lăng.

Cá lăng theo những dòng sông đục ngầu phù sa bơi vào các kênh, rạch, mương (ghềnh, thác) đẻ trứng và sinh trưởng. Tầm tháng 11 là mùa của chúng. Cá lăng trưởng thành to, đắt tiền, thường được các nhà hàng lùng thu mua nên rất hiếm. Trong khi cá lăng non thì được bán nhan nhản ngoài chợ quê. Đó là những chú cá có kích cỡ bằng hai, ba ngón tay người. Dù không ngon bằng cá to nhưng cũng không kém phần hấp dẫn, nhất là nấu canh chua.

Canh chua cá lăng non mẹ nấu không cầu kỳ và nhiều nguyên liệu nhưng chất lượng thì tuyệt vời. Đơn giản thôi, chỉ là rau muống tím, ngò gai, rau om, quế, ớt và gia vị. Tất cả đều được mẹ trồng sau nhà nên không phải lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm. Sở dĩ mẹ chọn rau muống tím vì nó có độ dai, giòn hơn những loại rau muống khác và khi hoàn thành thì nước canh chua có màu tím rất hấp dẫn.

Tất cả nguyên vật liệu mẹ đã chuẩn bị từ trước nên việc nấu nướng chẳng có gì khó khăn. Mẹ bắc nồi nước lên bếp. Nước sôi, mẹ cho cá lăng non vào nồi. Khi cá chín tới, mẹ vớt cá (cá non rất mau chín) để rau muống vào “thế chỗ”. Thời gian chờ đợi rau muống chín, mẹ lấy rau nêm gồm ngò, quế om, xắt nhuyễn cho vào tô cùng với đường, bột nêm, nước mắm, muối, mỗi thứ một ít. Trộn hỗn hợp ấy lên cho đều. Đồng thời, mẹ dùng rây lược cơm mẻ lấy nước (bỏ xác) trực tiếp trong nồi. Rau chín, cho tô hỗn hợp vào nồi cùng với cá lăng rồi tắt bếp.

Trong tiết trời se lạnh, cả nhà dùng canh chua nóng thật thú vị. Nước canh có vị chua nồng của cơm mẻ, kết hợp với vị thịt béo ngọt của cá lăng và sự dai giòn của rau muống khiến cho nồi canh mau cạn đáy. Gắp một miếng thịt cá lăng chấm với nước mắm ớt trong, béo ngon không thể tả. Hình ảnh dung dị của làng quê qua bức tranh ẩm thực ấy, khiến cho tôi bổi hổi bồi hồi không nỡ ly hương.

 

NGUYỄN HOÀNG DUY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023

 

;