Cần giữ gìn nét đẹp văn hóa Tết Trung thu cho thiếu nhi

Với thiếu nhi Việt Nam, Tết Trung thu là một ký ức đẹp đẽ bởi các em được đón nhận những món quà tuổi thơ hấp dẫn và được vui chơi thỏa thích với những trò chơi lành mạnh vừa bổ ích, vừa lý thú, có tác động đến thể chất và góp phần bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tình cảm cao đẹp. Tết Trung thu là nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam, song, trải qua sự biến đổi của thời gian, Tết Trung thu đang bị mai một và mất dần những nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có. Bởi vậy, giữ gìn vẻ đẹp Tết Trung thu là vấn đề cần được quan tâm thực hiện nhằm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp tục chăm lo, bồi dưỡng cho thế hệ tương lai của đất nước.

Trẻ em thích thú khám phá đồ chơi truyền thống

 

Nguồn gốc Tết Trung thu

Tết Trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Từ thời nhà Tần ở Trung Quốc đã có tục làm lễ tế thần mặt trăng vào giữa mùa thu, nhưng đến thời nhà Đường, Tết Trung mới trở thành ngày Tết của mọi nhà. Có rất nhiều truyền thuyết về Tết Trung thu, trong đó có truyền thuyết về giấc mơ đầy lãng mạn, tuyệt đẹp của vua Đường Minh Hoàng (712-756): Vào một đêm rằm tháng Tám, trăng thanh gió mát, vì say cảnh đẹp đất trời, vua Đường dạo chơi ngoài thành mãi tới khuya, bỗng có một ông già tóc trắng như tuyết chống trượng đến bên nhà vua cung kính nói: “Bệ hạ có muốn lên cung trăng không?”. Nhà vua trả lời “Có ạ!”. Vị thượng tiên giáng thế tung trượng lên trời, trượng hóa thành chiếc cầu vồng bảy sắc. Tiên ông đưa nhà vua lên cầu đi vút và chẳng bao lâu nhà vua đã tới cung trăng. Khung cảnh nơi đây thật đẹp và kỳ thú: có những nàng tiên kiều diễm duyên dáng lướt qua trên những cây hoa đang nở xen lẫn những thảm cỏ thơm hương, mượt mà như nhung. Trên cửa ra vào cung trăng nạm 3 chữ vàng “Cung Quảng Hàn”. Ngoài sân, tiên nữ xiêm y lộng lẫy múa hát khúc nghê thường quyến rũ. Lúc trở về hạ giới, nhà vua càng thêm nỗi nhớ nhung, nuối tiếc cảnh trí trên cung trăng, đặt ra Tết Trung thu, cho xây Nguyệt vọng đài (Đài trông trăng) và phỏng theo điệu vũ nhạc trong mơ để soạn ra Nghê thường vũ y. Cùng từ đời nhà Đường, đã xuất hiện nghề làm bánh ông trăng, một loại bánh bằng bột pha đường nặn hình mặt trăng rồi được nướng lên để vào dịp Tết Trung thu, mọi người bày ra để thưởng thức.

Về tục lệ lễ rước đèn cả đêm Trung thu, tư liệu dân gian giải thích: Đời nhà Tống (960-1269) có con các chép vàng tu luyện thành tinh thường hóa thành người để lừa phụ nữ. Bao Công bày cho mọi người treo đàn cá trước cửa nhà vào đêm Trung thu để trừ giải. Từ đó vào dịp Trung thu đến là mọi người, mọi nhà làm ra thêm đủ thứ đèn để treo trong nhà và cho trẻ em xách tung tăng vui chơi cùng Trung thu. Đèn được thắp lên khi trăng đang lên cao, trẻ em phá cỗ và ăn bánh, ngắm trăng.

Tết Trung thu vào Việt Nam: theo các nhà nghiên cứu Tết Trung thu đã du nhập vào nước ta từ thời nhà Lý và nhanh chóng đi vào đời sống của người Việt, được người Việt đón nhận. Tết Trung thu xưa được diễn ra vào ngày rằm tháng Tám âm lịch, theo truyền thuyết đêm rằm tháng Tám là đêm thu đẹp nhất trong năm vì có trăng thật to tròn, lại sáng sủa và thanh đẹp. Vào thời điểm này, người dân vùng nông thôn đã thu hoạch xong mùa vụ, có điều kiện nông nhàn, thảnh thơi để tổ chức và tham gia các hoạt động vui chơi, lễ hội. Đây cũng là dịp người dân tạ ơn trời đất sau khi thu được một vụ mùa bội thu. Tiết trời lúc này vào giữa mùa thu nên thời tiết rất đẹp lại mát mẻ, rất phù hợp cho các hoạt động vui chơi trong Tết Trung thu.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, năm 1946, nhân dịp Tết Trung thu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho thiếu nhi, nhi đồng cả nước. Chính từ thời điểm này, Tết Trung thu mới thực sự trở thành Tết của thiếu nhi, hằng năm được tổ chức vui chơi tưng bừng, rất có ý nghĩa cho tuổi thơ cả nước.

Tết Trung thu xưa

Mỗi dịp Tết Trung thu ngày trước là một ký ức rất đẹp của mỗi người, Tết Trung thu là ngày Tết của trẻ em, còn được gọi là “Tết trông trăng”. Mặc dù Trung Thu là Tết của thiếu nhi nhưng cũng là ngày vui tụ họp đoàn viên của cả gia đình gia đình. Mọi người cùng nhau phá cỗ, cùng được ngắm trăng đẹp đêm rằm. Tết Trung thu ngày trước là những hoài niệm rất đẹp của mỗi người. Ngay từ đầu tháng Tám, vào dịp Tết Trung thu, không khí chuẩn bị Tết Trung thu ở mỗi làng quê, ngõ phố tấp nập, thật hấp dẫn, náo nức vui vẻ như những ngày hội, có sức cuốn hút người lớn, trẻ em trong phố, ngoài làng. Tết Trung thu đã được người lớn chuẩn bị, sửa soạn để có những cỗ đèn muôn mầu sắc, mâm bánh Trung thu, với những trò chơi, đồ chơi của trẻ em rất phong phú, đa dạng. Quà Trung thu chủ yếu là các sản vật nông nghiệp sẵn có của quê hương vừa rất dễ mua, dễ kiếm, lại dễ làm. Đó là các loại hoa quả cây nhà lá vườn, các loại trái cây như quả hồng, quả na, quả ổi, quả chuối, quả bưởi, và những tấm mía, củ khoai lang… Các loại kẹo quê có kẹo vừng, kẹo bột, ông oản làm bằng bột gạo nếp gói giấy màu xanh, đỏ, tím, vàng… rực rỡ; bánh nướng, bánh dẻo được làm bằng bột có pha màu, được nặn theo hình thù ông trăng, hình các con giống như con cá, con chim, con gà... tất cả đều do bàn tay khéo léo, đảm đang của người mẹ trong nhà vốn đã có nghề biết làm bánh, nay nhân dịp Tết trung thu các mẹ làm bánh vừa phục vụ Tết Trung thu cho các con, lại truyền giữ được nghề cho con gái.

Đồ chơi và trò chơi Trung thu trước đây vốn đã được rất quan tâm chú trọng, cũng có khi còn được coi trọng hơn đồ ăn uống vì đồ chơi có ý nghĩa, tác dụng giáo dục nhân văn sâu sắc. Trò chơi của các em rất dung dị, đời thường nhưng rất vui khỏe: đó là các trò chơi đá cầu, nhảy dây, trồng nụ trồng hoa, chọi gà, chi vi chi vít, thả đỉa ba ba, nu na nu nống, bịt mắt bắt dê, ú tim trốn tìm, thả diều, đánh đu, đánh khăng, kéo co, rồng rắn lên mây, đánh trận giả... Những trò chơi này đơn giản không cầu kỳ tốn kém, không đòi hỏi kỹ thuật nhưng dễ chơi lại có tác dụng rèn luyện cho trẻ em khỏe mạnh, nhanh tay, nhanh mắt, đồng thời làm tôn thêm vẻ đẹp tinh thần của thiếu nhi.

Đồ chơi Trung thu làm bằng sản phẩm thủ công từ các làng nghề, chất liệu đơn giản thường được làm bằng giấy bồi màu, keo dán nhưng lại đẹp, hấp dẫn và bắt mắt. Đồ chơi được coi là phương tiện để giáo dục đức, trí, thể mỹ cho trẻ em. Chính vì vậy, trong từng sản phẩm đồ chơi đều đảm bảo những yếu tố thẩm mỹ và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho trẻ thơ. Trong các loại đồ chơi thường có ông Tiến sĩ giấy (còn được gọi là ông Nghè tháng Tám), những chiếc mặt nạ có hình ảnh chị Hằng, chú Cuội và các loại đèn: đèn cá, đèn thỏ, đèn kéo quân… do hoa tay của người bố nhân dịp Tết Trung thu làm ra để truyền lại nghề cho con trai. Tất cả công sức của người lớn không ngoài kỳ vọng “con hơn cha là nhà có phúc”, sao cho con cháu mình trở thành Tiến sĩ, sao cho vượt vũ môn cá chép hóa rồng, sao cho lên cung trăng bẻ quế… để bõ “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Nhà có học thức nhất thiết phải có ông Tiến sĩ, nhà giàu khá giả thì có cái đèn kéo quân, nhà thường bậc trung thì có cái đèn con cá chép, đèn con thỏ…, nhà nào cũng có đồ chơi Trung thu.

Từ những năm trước đây, đồ chơi Tết Trung thu ngày trước đã được cố nhà văn Tô Hoài mô tả thật sinh động, hấp dẫn và rất đời thường: “Trước nhất là cái trống, không phải trống cái, trống đình mà cái trống chỉ nhỉnh hơn cái đấu, cái thưng. Mặt trống mới, ngửi còn mùi khét thú vị, lại có miếng da làm quai xách, tang trống bôi phẩm vàng như nghệ. Cái dùi trống vót lấy chỉ to hơn chiếc đũa. Hầu như nhà nào cũng có trống mua từ phiên chợ trước, Tiếng trống gõ tong tong khắp xóm, rộn rã vui tai suốt ngày đến tận tối.. Rồi con sư tử không phải là con sư tử to như cái xáo đai, cái thúng đai. Mà đây là cái đầu sư tử giấy bồi, chụp lến đầu như úp cái rổ. Ấy vậy mà cũng lấp lánh trang kim, hai mắt lồi long lanh với bộ râu trắng không biết bằng rễ cây gì. Ông Tiến sĩ mẹ mua về chỉ bằng cái khay con con, nhưng cũng áo thụng giấy vàng, đai bụng, mặt gõ trắng phếch, đội mũ cánh chuồn và có đuôi nheo cắm đàng trước, lọng che sau lưng.. Trên chợ bán nhiều đèn lắm: đèn ông sao, đèn củ ấu, đèn trống, đèn mõ ông sư, đèn con thỏ. Mỗi nhà có một mâm cỗ trên bàn hay mâm chõng, khi trăng lên đến ngọn và ánh trăng rằm sáng trắng bạch thì phá cỗ, vừa nhai mía lại ăn bánh, vừa gà gà mât ngủ, ngoài kia tiếng trống, tiếng hò reo…”.

Hoạt động vui chơi trong Tết Trung thu ngày trước đã trở thành những hoài niệm không dễ quên của mỗi con người, bởi chính chúng ta đã từng được tận hưởng những ngày Tết trung thu mang đậm nét truyền thống văn hóa Việt Nam từ ngày ấy cho đến tận hôm nay. Tết Trung thu ngày xưa, ở mỗi làng quê thường tổ chức múa lân với tiếng trống chiêng huyên náo tưng bừng sôi động trong các đường làng, ngõ xóm, người lớn còn tổ chức hát Trống quân, các trai thanh, gái lịch kết thành bè hát ghẹo đối đáp giáo duyên cùng nhau.

Đêm Trung thu, thiếu nhi được tập hợp thành đội trống ếch, đội múa sư tử, đội sư tử với tiếng trống ếch rộn ràng, có cả rước đèn ông sao, đèn kéo quân… đi dọc đường làng, đến từng ngõ xóm, sau đó đoàn trống ếch, múa lân trở về sân kho Hợp tác xã để các em tiếp tục “phá cỗ, trông trăng” từ những mâm cỗ được bày sẵn trên những chiếc chiếu ở sân kho. Trông trăng, phá cỗ xong các em lại được hòa mình vui chơi thỏa thích với những trò chơi dân gian mang tính tập thể vừa hấp dẫn, vừa vui khỏe lại lành mạnh và bổ ích như các trò chơi: bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, đánh trận giả, hát đồng dao… làm tôn thêm vẻ đẹp tinh thần, tính thượng võ khỏe mạnh của các em thiếu nhi.

 

Một số nét biến đổi trong Tết Trung thu ngày nay

Tết Trung thu là một sự kiện mang ý nghĩa thiêng liêng và đậm nét văn hóa. Những giá trị văn hóa của Tết Trung thu xưa vẫn được nhân dân ta duy trì, gìn giữ và ngày một phát huy trong cuộc sống hiện đại hôm nay, nhưng trải qua sự biến đổi của thời gian, nên Tết Trung thu đang dần dần có sự biến đổi cả về phương thức tổ chức hoạt động và cả những món quà dành cho tuổi thơ cũng có sự biến đổi.

Theo dòng chảy của thời gian, trong Tết Trung thu ngày nay, những món quà Trung thu truyền thống ngày xưa không còn nhiều, trò chơi, đồ chơi dân gian truyền thống đang ngày càng ít đi, các trò chơi tập thể mang tính cộng đồng có ý nghĩa giáo dục tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái đang có nguy cơ mất dần rất hiếm gặp. Cũng không còn những chiếc đèn cù, đèn ông sao, đèn kéo quân giản dị làm bắng giấy màu, thanh tre vót thành nan để đan xếp thành hình mà thay vào đó trẻ em ngày nay thường được bố mẹ mua cho những chiếc lồng, có cả đèn lồng ngoại nhập với đa dạng sắc màu, đủ kiểu, có các chức năng phát sáng, phát nhạc, phát màu sắc...Trung thu ngày xưa, các em thường hay được bố mẹ mua cho những chiếc mặt nạ giản dị với những hình ảnh gần gũi, hóm hỉnh và dễ thương nhưng ngày nay, dường như những chiếc mặt nạ ấy đã dần trở nên mai một, mất dần không còn, thay vào đó là các sản phẩm du nhập từ nước ngoài với đủ các hình thù, kỳ dị, khác lạ trông như vật dụng, nhân vật hóa trang trong ngày lễ hội Halloween của nước ngoài đang du nhập vào nước ta.

Ngày nay, trẻ em lại còn đang được tiếp xúc với những trò chơi, đồ chơi hiện đại của kỷ nguyên số điện tử, thông qua tin học và các phương tiện truyền thông hiện đại. Đồ chơi truyền thống ngày xưa cũng biến mất, trên thị trường đang xuất hiện đồ chơi phục vụ các trò chơi mang tính bạo lực, kinh dị, tính thẩm mỹ và tính giáo dục trẻ em trong các loại đồ chơi, trò chơi này rất kém như: xe, pháo, súng gươm, người máy, hình siêu nhiên kinh dị… Bên cạnh đó là sách báo, văn hóa phẩm, các trò chơi ảo trên Internet gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến không khí vui chơi, giải trí và thời gian học tập, tu dưỡng đạo đức của thiếu nhi. Không loại trừ xu hướng lạm dụng các món quà Trung thu để người lớn làm quà biếu tặng vì những mục đích khác không phải phục vụ nhu cầu, sở thích của trẻ thơ ngày nay. Tết Trung thu ngày nay cũng thiếu vắng hẳn những trò chơi tập thể vui vẻ, trẻ em thường được bố mẹ đưa tới các trung tâm thương mại, điểm bán hàng vừa vui chơi vừa mua sắm kích cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và đi chơi phố.

Quà bánh Trung thu cũng được làm với chất liệu mới, có chất lượng hơn nhưng giá thành lại cao. Bánh Trung thu ngày nay không chỉ bó hẹp chỉ là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo hấp dẫn hương vị truyền thống ngày xưa mà xu hướng ẩm thực trong đời sống xã hội hiện đại và kinh tế thị trường chi phối mạnh nên trên thị trường đã cho ra đời rất nhiều loại bánh với các loại nhân bánh thập cẩm, mẫu mã đa dạng phong phú, đặc biệt nặng về hình thức vỏ hộp, bao bì. Chất liệu làm bánh cũng được pha trộn thêm nhiều hương vị đa dạng như hương vị như chocolate, tiramisu, cà phê, matcha, trứng muối… Ngày nay, mâm cỗ Trung Thu được con người chuẩn bị cầu kỳ và công phu hơn với nhiều loại hoa quả, bánh kẹo ngoại nhập nhưng những sản phẩm truyền thống có giá trị trước đây ngày càng ít đi và mai một dần dần biến mất khỏi mâm cỗ vốn có truyền thống từ lâu đời của người Việt.

Các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em hiện nay còn ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, có nơi có chỗ chỉ có nhà, sân, chưa có đủ phương tiện, dụng cụ, thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện thể chất, giáo dục đạo đức cho các em. Một số khu vui chơi đã được đầu tư các phương tiện hiện đại, giá vé cao, nặng về ý nghĩa thương mại có lợi nhuận về kinh tế, chủ yếu quảng bá thương hiệu, giới thiệu kích cầu tiêu thụ sản phẩm nên mặc dù thu hút các em đến tham dự nhưng lại chưa thỏa mãn chức năng vui chơi giải trí của các em.

Nguyên nhân biến đổi Tết Trung thu:

Sự phát triển của xã hội hiện đại cùng với sự chi phối của yếu tố kinh tế thương mại, đã tác động làm thay đổi cả phương thức tổ chức và các sản phẩm phục vụ Tết Trung thu tiếp biến theo xu thế thị trường hóa.

Con người trong xã hội hiện đại hiện nay thường có mức sống vật chất khá giả, cao hơn so với trước đây nhưng nhịp sống căng thẳng do áp lực trong công việc và sự mưu sinh đã lấn át làm lu mờ lối sống, phong tục truyền thống trong đó Tết Trung thu cũng không nằm ngoài ngoại lệ bị chi phối.

Việc tổ chức Tết Trung thu và giữ gìn nét văn hóa truyền thống trong Tết Trung thu chưa được quan tâm, chú trọng.

 

Để giữ gìn vẻ đẹp Tết Trung thu

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Tết Trung thu là một lễ thức nông nghiệp lâu đời, là Tết truyền thống có ý nghĩa đối với tuổi thơ của cả nước, mặc dù vậy, Tết Trung Thu ngày nay đang có nhiều thay đổi cả về hình thức lẫn nội dung. Để Tết Trung thu ngày càng phát huy được vẻ đẹp truyền thống trong xã hội hiện đại, cần chú trọng thực hiện một số nội dung:

Một là, tuyên truyền để các em hiểu được ý nghĩa của ngày Tết Trung thu, các em thấy được sự đầu tư quan tâm chăm sóc của gia đình và xã hội đối với thiếu nhi, từ đó có ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, có thái độ học tập đúng đắn để trở thành người có ích cho xã hội.

Hai là, tổ chức Tết Trung thu cho các em đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu vật chất và tinh thần để các em vừa vui chơi vừa hưởng thụ. Thông qua đó để thiếu nhi biết phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tiếp nhận bản sắc văn hóa dân tộc và sáng tạo ra những giá trị mới. Cần phải tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh cho các em.

Ba là, đồ chơi và trò chơi có tác động đến tình cảm nhân cách của trẻ em, cần phải chú trọng khôi phục những trò chơi truyền thống, sản xuất những đồ chơi truyền thống có ý nghĩa giáo dục, không vì thương mại hóa và nguồn lợi kinh tế mà sản xuất các sản phẩm văn hóa, đồ chơi cho trẻ em thiếu tính thẩm mỹ và không còn ý nghĩa giáo dục. Các cơ sở sản xuất phải đặc biệt chú trọng khai thác các đồ chơi, trò chơi dân gian truyền thống, cải tiến mẫu mã, chủng loại, màu sắc bắt mắt cho phù hợp với nhu cầu của xã hội và tâm lý tuổi thơ. Tăng cường công tác tiếp thị, nâng cao chất lượng đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm nhất là trong các dịp ngày lễ, ngày Tết và Tết Trung thu. Việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm đồ chơi phải đặc biệt chú trọng chất lượng, đảm bảo sự an toàn khi vui chơi, đặc biệt mỗi sản phẩm phải mang tính giáo dục thẩm mỹ, phát huy tính sáng tạo, thông minh của trẻ thơ.

Bốn là, cần phát huy các trò chơi tập thể có ý nghĩa giáo dục để nâng cao tính cộng đồng cho trẻ thơ. Chú trọng giữ gìn những nét đẹp văn hóa trong Tết Trung thu truyền thống xưa kia. Cần coi trọng Tết Trung thu của tuổi thơ là Tết của thế hệ tương lai, của mơ ước và hoài bão. Gia đình và xã hội cần quan tâm chăm sóc tổ chức Tết Trung thu cho các em thật vui tươi, lành mạnh, lịch sự, thanh tao, trí tuệ để mỗi Tết Trung thu là một ký ức đẹp trong hành trang không thể quên khi lớn lên của tuổi thơ.

 

TS TRẦN THỊ TUYẾT MAI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

 

 

 

;