Tam Nông - đánh thức đồng hoang

 

Đảng bộ và nhân dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đang rất phấn khởi sống trong không khí rộn ràng của những ngày kỷ niệm 40 năm tái lập huyện Tam Nông (tháng 8/1983 - 8/2023). Từ một vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt, đất đai bị nhiễm phèn nặng, cỏ năng mọc dày đặc, um tùm,… đến nay, Tam Nông đã phát triển vươn lên trở thành một huyện trù phú, sung túc và đang băng băng về đích huyện đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2024. Vậy là cánh đồng hoang hóa năm xưa đến nay đã được đánh thức!

Huyện Tam Nông nằm giữa ruột Đồng Tháp Mười nổi tiếng phì nhiêu của châu thổ đồng bằng Nam Bộ. Vùng đất hoang hóa này trước đây rất khó sinh sống. Bởi, đất bị nhiễm phèn nặng, cỏ năn mọc dày đặc, những ngày mưa bão - lũ lụt thì vô cùng khủng khiếp; giông lốc, sấm sét nổi lên ầm ầm.

Kể từ công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười, đào kênh, làm thủy lợi nội đồng để tháo chua, rửa phèn, làm bờ bao, cống bọng để ngăn lũ, nhờ đó sản xuất ở vùng quê Tam Nông đã có nhiều thay đổi, đất đai được cải thiện dần lên và các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ được triển khai và ứng dụng. Đồng hoang đã được đánh thức! Đất không phụ lòng người, cây lúa 2 - 3 vụ/năm đã bén rễ và phát triển tốt.

Ông Võ Hoàng Vũ, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, rồi Bí thư Huyện ủy Tam Nông từ những ngày đầu tái lập huyện) cho biết: Những ngày đầu, bao khó khăn đè nặng lên vai Đảng bộ. Cơ sở vật chất  hầu như không có gì, các cơ quan lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện, các ban nghành đoàn thể phải ở tạm trường học để làm việc, cơ sở hạ tầng còn ít, vấn đề đưa nước ngọt vào đồng ruộng và giao thông thủy là dựa vào các sông rạch và kênh đào. Giao thông có đường bộ duy nhất chỉ có đoạn đường tỉnh lộ 30 chạy qua huyện.  Các công trình văn hóa, xã hội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hệ thống trường học, trạm xá bị xuống cấp nghiêm trọng... Ông Võ Hoàng Vũ nhớ lại: “Khi tái lập, tài sản của huyện Tam Nông chỉ có 4 triệu 800 ngàn đồng, 50 tấn sắt và 10 tấn đinh. Toàn huyện có 7 con số không là: không chợ, không đường, không điện, không trường cấp 3, không thông tin liên lạc, không nước ngọt… Người dân muốn đủ ăn phải tốn hao nhiều sức lực, trí tuệ và vốn liếng... không thì trắng tay như chơi”

Xác định nguyên nhân của sự yếu kém, nghèo khó là do sản xuất nông nghiệp còn canh tác theo tập quán lâu đời, lạc hậu, hệ thống giao thông - thủy lợi chưa đủ sức phục vụ sản xuất… Từ đó, Đảng bộ huyện đã mạnh dạn đề ra những giải pháp để phát triển. Bước đột phá đầu tiên là xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Sau trận tiến quân vào khai phá Đồng Tháp Mười, đào kênh - xẻ rạch, làm thủy lợi nội đồng để tháo chua - rửa phèn, làm bờ bao - cống bọng để ngăn lũ... sản xuất ở vùng quê Tam Nông đã có nhiều thay đổi, đất đai được cải thiện dần lên và các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ được triển khai và ứng dụng đạt kết quả khả quan. Nổi bật, Huyện ủy Tam Nông đã coi cải tạo trong nông nghiệp là một trong những công tác trọng tâm trong năm, củng cố phát triển tập đoàn sản xuất trong toàn huyện. Đến cuối năm 1985, Tam Nông đã hoàn thành cơ bản công tác cải tạo nông nghiệp, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đồng hoang được đánh thức!

 

Nếu như năm 1983, toàn huyện chỉ có khoảng 54.000 dân, với hơn 10 cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ, diện tích gieo trồng lúa chỉ trên 15.090 ha, sản lượng lương thực 32.000 tấn, bình quân lương thực đầu người chỉ đạt 623 kg lúa/năm thì đến năm 2023, dân số đã tăng lên cả trăm ngàn người, với hàng ngàn cơ sở sản xuất - kinh doanh, thương mại - dịch vụ tập trung tại các chợ: An Long, Phú Thành A, Phú Hiệp, Phú Cường, thị trấn Tràm Chim; diện tích gieo trồng tăng lên 69.614 ha. Trong đó, lúa 3 vụ khoảng 12.000 ha, tổng sản lượng ước đạt 445.305 tấn/năm. Hạ tầng sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư xây dựng, hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng, láng nhựa phẳng phiu. Trục chính nội đồng được bê tông hóa, tỷ lệ Trạm bơm điện phục vụ sản xuất đạt 98%; trong đó, gần 5.000ha có hệ thống bơm tưới tiết kiệm giảm giá thành từ 30-40%. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đi dúng theo Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, giảm giá thành, an toàn, hướng hữu cơ và ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng thiết bị bay không người lái, máy sạ cụm, trạm giám sát sâu rầy thông minh… Toàn huyện Tam Nông hiện có 32 Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp đã chuyển đổi hoạt động HTX theo Luật HTX năm 2012. Hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước được nâng lên, các HTX chủ động điều hành sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm đầu ra theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng lợi nhuận cho thành viên. Toàn huyện có 59 Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và 12 Hội quán, với 499 thành viên. Hoạt động các Hội quán đã góp phần kết nối cộng đồng, chia sẻ cùng nhau phát triển để dần thay đổi quy mô sản xuất lớn, tạo vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường. Huyện Tam Nông được tỉnh đánh giá, xếp hạng 23 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên... Ông Trần Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông bày tỏ: “Nếu như năm 1983, huyện Tam Nông có khoảng 9.000 hộ dân, gần 50.000 nhân khẩu, trên 90% dân số có cuộc sống vô cùng khó khăn do điều kiện kinh tế chưa phát triển… thì đến năm 2023, huyện Tam Nông chỉ còn 799 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,82% số hộ toàn huyện. Lực lượng lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực kinh tế của huyện chiếm tỷ lệ 73,67%. Tỷ lệ lao động làm việc trên lĩnh vực nông nghiệp chiếm 49,19%, với 31,233 người, công nghiệp - xây dựng chiếm 22,56 %, với 14,327 người và thương mại - dịch vụ chiếm 28,25 %, với 17.936 người. Bình quân hằng năm, huyện cung ứng giới thiệu việc làm trong và ngoài nước hơn 3.000 người lao động (trong đó tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài hơn 150 lao động/ năm), đạt tỷ lệ bình quân trên 150%/ năm. Đến nay, toàn huyện có khoảng 53,14% lao động được đào tạo nghề; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm, thu nhập ổn định đạt 97,24%. Đặc biệt, toàn huyện hiện có xã Phú Cường đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, 9 xã đạt chuẩn NTM, còn xã Phú Thành B đang phấn đấu trong năm nay sẽ đạt chuẩn xã NTM. Huyện cũng sẽ phấn đấu xây dựng đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2024. Toàn huyện hiện có 3 điểm Homestay; 1 Showroom trưng bày sản phẩm; 1 điểm dừng chân Nguyễn Văn Cảnh - chuyên bán tranh ảnh vỏ cây Tràm phục vụ khách tham quan trải nghiệm; 1 điểm tham quan du lịch nông nghiệp trải nghiệm ViệtMekong Farmstay; 1 điểm tham quam vườn sinh thái Hoàng Hảo (kết hợp du lịch trải nghiệm và nuôi ngọc trai nước ngọt), 7 khách sạn, 1 nhà nghỉ, trên 25 nhà trọ để phục vụ khách lưu trú du lịch. Thị trấn Tràm Chim - trung tâm huyện lỵ Tam Nông đang xây dựng hướng tới là "Hạt ngọc sinh quyển - Thành phố nổi của vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Ông Huỳnh Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Nông cho biết: “Có được thành tựu đáng tự hào như ngày nay là do công sức và trí tuệ của toàn Đảng bộ và nhân dân huyện Tam Nông phấn đấu trong 40 năm qua. Từ một vài trăm đảng viên lúc ban đầu mới tái lập huyện, đến nay, toàn Đảng bộ huyện đã có trên 3.369 đảng viên, chiếm 3,36% dân số. Sau 40 năm, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tam Nông đã trải qua XII kỳ đại hội lãnh đạo nhân dân vượt qua những chông gai, thử thách để xây dựng một huyện Tam Nông trù phú, sung túc như ngày nay”.

Giờ đây, bộ mặt nông thôn Tam Nông đã thay đổi khởi sắc. Đồng bưng hoang vắng năm xưa, nay đã trở thành cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những làng quê, cụm - tuyến dân cư trù phú chan hòa ánh điện, vườn cây trái sum suê trĩu cành, diện tích rừng tràm được mở rộng xanh tươi ngút ngàn, đàn cá - tôm nuôi bơi lội tung tăng trong ao, hầm, lòng, bè… Các cơ sở khám chữa bệnh đã được xây dựng khang trang, với trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ y bác sĩ lành nghề chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân. Hệ thống trường học, chợ, nước sạch được xây dựng đều khắp. Những tuyến đường được mở rộng, nâng cấp lót đá, trải nhựa bằng phẳng. Dọc hai bên đường, ẩn hiện bên những ngôi nhà sàn vách ván là những ngôi biệt thự, nhà tường cao tầng mới xây thật khang trang, đẹp mắt biểu hiện cho sự khá giả - sung túc của một vùng quê huyện Tam Nông sau 40 năm tái lập.

Bên cạnh ngôi nhà là những vườn cây ăn trái, rẫy trồng kiệu, khoai, ao nuôi cá, đồng sen, hầm nuôi ếch, vuông nuôi tôm, hồ nuôi lươn, làng nghề làm khô, làm kiệu... Phía sau nhà là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay rất sinh động. Đây là những điểm tham quan và nghỉ ngơi khá lý tưởng đối với những người dân thành thị khi có dịp về vùng nông thôn... Đặc biệt, các Hợp tác xã, Hội quán, các cơ sở khởi nghiệp đang sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả. Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản Hoàng Long; Công ty TNHH MTV Ba Tre đang hoạt động tốt trên địa bàn xã Phú Cường; Công ty TNHH Hùng Cá đang hoàn chỉnh quy hoạch đầu tư dự án du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn nguồn cá đồng Khu vực Hồ Rừng; “Tượng đài Thông tin Vô tuyến điện Nam Bộ” tại Gò Mười Tải đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Vườn quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới, một mô hình sinh thái Đồng Tháp Mười thu nhỏ đang lưu giữ nhiều động, thực vật bản địa quý hiếm, thu hút nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu khoa học và du ngoạn mỗi năm… Một kiểu mẫu nông thôn mới thắm đượm tình làng nghĩa xóm đang được kiến thiết và phát triển trên đất Tam Nông. Người dân khắp nơi tìm về Tam Nông để định cư làm ăn, lập nghiệp rất nhiều.

Tam Nông hoang hóa, nhiễm phèn xưa kia giờ đã trở thành vùng đất trù phú, tốt tươi khi mảnh đất này được “đánh thức”. Sau 40 năm tái lập huyện Tam Nông đang là một nơi đáng sống, đúng với câu: “đất lành chim đậu!”.

 

TRẦN TRỌNG TRUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 543, tháng 8-2023

 

;