“Mưa vẫn mưa bay…”

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao/Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu…”. Giai điệu bài hát “Diễm xưa” của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn cứ réo rắt, khắc khoải trong nỗi nhớ của bạn tôi về một đêm mưa trên phố núi sương mờ…

 

Khắc khoải… mưa

Tôi không chủ đích viết về tình khúc “Diễm xưa”, cũng không viết về “cha đẻ” của nó; bởi đã có nhiều thế hệ người Việt Nam (cả người nước ngoài) biết đến tình khúc nổi tiếng cũng như người nhạc sĩ tài hoa này. Tôi chỉ chia sẻ sự “ám ảnh” của bạn tôi - một lữ thứ người Hà Nội lần đầu tiên đến Đà Lạt và cũng lần đầu tiên được tôi mời đến “Nhạc quán Diễm Xưa” (số 20 Khe Sanh, Phường 10, Đà Lạt) nghe lại giai điệu du dương, mượt mà của “Diễm xưa” trong không gian một đêm mưa Đà Lạt. Để sau khi trở về Thủ đô, bạn tôi cứ thấy khắc khoải hoài nỗi nhớ Đà Lạt và rất mong một ngày sẽ trở lại…

Không biết có phải “hữu duyên” không nhưng tôi và người bạn này có nhiều điểm trùng hợp về tính cách, thói quen, sở thích…Đặc biệt, cả hai đều thích cà phê, yêu nhạc Trịnh và yêu mưa Đà Lạt. Bởi yêu mưa Đà Lạt và cảnh quan yên bình, trầm lắng của thành phố ngàn hoa nên bạn tôi chọn mùa mưa Đà Lạt để tham quan, thưởng lãm.

Thường mấy ai thích mùa mưa. Mưa gây “phiền phức”, khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt, nhất là những công việc phải di chuyển hằng ngày ngoài đường; mưa làm người ta khó chịu vì ướt át, lạnh lùng, bất tiện… Song, đối với những kẻ mà người ta cho “không bình thường”, “không giống ai”, dị biệt - thường chỉ giới văn nghệ sĩ thì ngược lại: họ yêu mưa, thích lang thang, thích ngắm mưa… có lẽ cũng bằng “lăng kính”   khác biệt.

Bạn tôi lý giải: Mưa Đà Lạt rất khác mưa ở Sài Gòn, ở Huế, hay ở Hà Nội. Mưa Đà Lạt có “giai điệu”, có nỗi niềm, mưa đồng điệu với tâm hồn người, nhất là đối với những lữ thứ đa tình, những người giàu trí tưởng tượng và cảm xúc. Luyên thuyên một hồi, bạn kết luận : Mưa Đà Lạt là chất liệu của nghệ thuật, sản phẩm du lịch, đây chính là nét đặt trưng rất riêng và chỉ duy nhất có ở thành phố này.

Có lẽ vì sự ám ảnh của đêm mưa Đạt Lạt trong không gian “Nhạc quán Diễm xưa” gần 3 năm về trước, bạn tôi đã phone hẹn tuần sau sẽ trở lại Đà Lạt. Rõ ràng, mưa Đà Lạt đã trở thành nỗi nhớ, niềm thương, niềm khắc khoải, thôi thúc, gọi mời đối với những ai đã đến, vương vấn “thiên đường mưa” Đà Lạt.

 

Mùa mưa - Mùa lữ hành

Điều khác biệt, đặc trưng riêng và duy nhất có của thành phố Đà Lạt mà bạn tôi nói đó là sự khác biệt về mùa. Trong khi hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đang trong mùa nắng nóng, mùa hè oi bức, ngột ngạt… thì thành phố mờ sương này đang vào mùa mưa. Mưa Đà Lạt có người ví như tính nết của một cô gái đang yêu đỏng đảnh: sáng nắng - chiều mưa - đêm sương bảng lảng; lại có khi sáng mưa - chiều nắng - đêm rả rích giọt vắn, giọt dài như kêu than, hờn dỗi.  Ấy thế nhưng, điều khác biệt về mùa lại là cơ hội vàng để Đà Lạt trở thành nơi ưu tiên chọn lựa và tìm đến của đông đảo khách du lịch thập phương. Bởi vậy, đến nay mùa mưa Đà Lạt đã trở thành mùa lữ hành - mùa du lịch.

Sự khác biệt về mùa là yếu tố hoàn toàn tự nhiên. Song, có người đa cảm cho rằng, đây cũng chính là điều thi vị, rất đáng yêu. Đã có nhiều khách du lịch các tỉnh, thành bạn “ghen tỵ” cho rằng thiên nhiên dành quá nhiều ưu đãi cho Đà Lạt. Trước đây, thường sau Tết Nguyên đán là Đà Lạt bước vào mùa du lịch. Còn hiện nay, mùa mưa cũng là mùa dịch lịch Đà Lạt. Do đó, du lịch Đà Lạt dường như không có mùa.

Có văn nghệ sĩ cho rằng, trong một ngày Đà Lạt có đủ bốn mùa (xuân, hạ, thu đông) với những sắc diện dù không rõ nét nhưng có tính đặc trưng từng mùa. Còn đối với cư dân bản địa thì mỗi năm Đà Lạt chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa nắng hiện hữu gắn với các loài hoa đặc trưng trên phố núi. Ví như, khi hoa mai anh đào nở - mùa xuân; hoa phượng tím bâng khuâng - tháng Ba Tây Nguyên “Mùa con ong đi hút mật…” và khi hoa dã quỳ vàng chấp chới - mùa nắng về trên cao nguyên.

Có lẽ, du khách thập phương yêu Đà Lạt vì thành phố này có khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh quan thoáng đãng, nhiều hoa đẹp; con người Đà Lạt hiền hòa, dễ mến… Bây giờ, du khách yêu cả mưa Đà Lạt. Vì “không mưa không phải là Đà Lạt”.

Những tháng đầu mùa mưa năm nay, nhất là từ cuối tháng 5, phố xá, công viên, quảng trường, các khu, điểm tham quan của Đà Lạt… rộn ràng hẳn lên; hằng ngày chật kín người, xe cộ.

Khách du lịch đến Đà Lạt ngoài “trốn” nắng còn vì yêu Đà Lạt và yêu mùa mưa nơi đây. Rõ ràng, du lịch Đà Lạt không còn phân định mùa. Nói đúng hơn, khách du lịch có thể đến tham quan Đà Lạt bất cứ mùa nào trong năm. Và mưa rất tự nhiên trở thành sản phẩm đặc trưng riêng có của du lịch Đà Lạt.

“Giai điệu Mưa đêm Đà Lạt” và giai điệu của tình khúc bất hủ “Diễm xưa” đã “ám ảnh”, khắc khoải trong nỗi nhớ của bạn tôi và có lẽ, sẽ còn ám ảnh nhiều người khi đã đến, trải nghiệm Đà Lạt vào mùa mưa trên phố núi sương mờ này.

Rừng thông lãng đãng trong cơn mưa chiều - Ảnh: Thanh Dương Hồng

 

THANH DƯƠNG HỒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 540, tháng 7-2023

 

;