Nét đẹp trong phong tục, tập quán văn hóa của đồng bào dân tộc Mông huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa sống chủ yếu ở vùng núi cao. Họ có lối sống giản dị, mộc mạc nhưng vẫn bảo lưu được nhiều phong tục, tập quán văn hóa truyền thống độc đáo.

 

Các tập tục cần biết khi đến bản làng người Mông

“Nhập gia tùy tục” hay “Phép vua thua lệ làng” là những câu thành ngữ đã được đúc kết từ lâu và phải luôn ghi nhớ khi đến các bản làng, của đồng bào người Mông. Trên đường vào bản làng nếu nhìn thấy có một chùm lá xanh treo trên cây cột cao hoặc đan phên mắt cáo, buộc vào đó những xương hàm lợn, trâu bò,... đó là lúc trong làng đang tổ chức lễ cúng thần linh, xua đuổi tà ma. Quanh bản làng có một khu rừng cấm rất linh thiêng, thờ thế lực siêu nhiên, đây là khu rừng chung của cả làng, không ai được tự ý chặt phá, trai gái không được phép đến nơi đó tâm tình.

Đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông cũng rất phong phú, được thể hiện qua các phong tục tập quán, quan niệm về trời đất con người và vạn vật. Người Mông cúng tổ tiên vào nhiều dịp khác nhau nhưng quan trọng nhất là trong lễ mừng năm mới, cưới xin, tang ma, đặt tên,… Việc thờ cúng tổ tiên là để tỏ lòng biết ơn đối với những người đã khuất, cầu mong phù hộ cho sức khỏe và công việc làm ăn của gia đình. Do đó, gian giữa ngôi nhà của người Mông là để thờ cúng, người lạ không được ngồi ở đây. Người Mông tiếp khách ở bàn thấp đặt ngay giữa nhà thuộc gian giữa, gần nơi thờ tổ tiên. Dãy ghế đặt phía đầu bàn, nơi ngồi quay lưng về phía ban thờ chỉ dành cho khách quý hoặc gia chủ. Hằng ngày, vị trí này chỉ dành cho bố, bố mất thì để trống, khi có khách quý và trưởng họ nhiều tuổi sẽ được mời ngồi. Đồng bào kiêng không huýt sáo ở trong nhà, vì đó là tín hiệu gọi ma tà, bão giông về bản làng. Trước khi ăn, gia chủ tiến hành các nghi lễ mời tổ tiên, chúc tụng những điều tốt lành. Người Mông rất quý bát cơm và chén rượu. Cơm ngon và rượu chỉ dành tiếp khách quý, khi có người đang gắp, không nên đưa đũa vượt lên trên tay hay chui luồn qua tay người khác, không nên rót rượu hoặc gắp thức ăn trước, người Mông quan niệm rót rượu một lần là rót cho ma, nếu không muốn uống nữa thì dùng một tay che miệng chén, tay kia nâng cổ chai rượu lên và có đôi lời từ chối tuyệt đối không úp chén xuống mâm, không được tự ý cầm đầu gà, chân gà để xem hoặc ăn vì gia chủ còn xem bói và chỉ để người được kính trọng ăn.

Người Mông huyện Quan Sơn có tín ngưỡng dân gian vô cùng phong phú và đặc sắc. Ngoài thờ cúng tổ tiên, trong phạm vi ngôi nhà người Mông còn thờ cả một hệ thống các thần bảo hộ như: thần rừng, thần cột nhà, thần cửa, thần bếp… Bếp lửa vừa là nơi nấu nướng, vừa là nơi tiếp khách của đồng bào dân tộc, đồng thời cũng là nơi thiêng liêng thờ vua bếp, thần lửa. Do đó có nhiều kiêng kỵ liên quan đến bếp lửa, khi đưa củi vào bếp, không đưa ngọn vào trước, vì quan niệm sợ, con gái gia chủ sau này sẽ sinh ngược, không quay lưng và giẫm chân vào bếp.

Lúc đi ngủ cần phải lưu ý chỗ ngủ theo sự chỉ dẫn của gia chủ. Người Mông kiêng không mắc màn màu trắng trong nhà, không nằm để chân về phía bàn thờ và đắp chăn ngược... Không nên xoa tay lên đầu trẻ em người Mông vì theo quan niệm của họ đỉnh đầu là nơi trú ngụ của hồn vía. Nếu người lạ sờ vào, hồn sẽ hoảng sợ bỏ trốn, làm cho trẻ hay bị ốm đau.

Phong tục tập quán và tín ngưỡng dân gian phong phú

Một vòng đời của người Mông, từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt về với tổ tiên đều trải qua rất nhiều nghi lễ độc đáo: lễ đặt tên, lễ cưới, tang ma... Trong đó, lễ tang và lễ đặt tên con là những nghi lễ có ý nghĩa quan trọng. Lễ đặt tên khá đơn giản, đứa trẻ sau khi sinh ra được 3 ngày sẽ được gia đình và dòng họ tổ chức lễ gọi hồn và đặt tên. Lễ tang với nhiều nghi lễ khá phức tạp thể hiện đạo lý, sự tri ân giữa người sống với người đã khuất. Trước đây, người Mông thường đưa thi thể người chết lên treo ở gian giữa nhà, hay còn được gọi là đưa lên ngựa “nỉnh đăng” để thồ linh hồn người chết về với tổ tiên. Ngày nay, phần lớn các dòng họ đã đưa thi thể người chết vào áo quan. Sau khi làm lễ nhập quan, họ hàng anh em, con cháu đến làm lễ phúng viếng.

Theo truyền thống, đồng bào dân tộc Mông rất coi trọng dòng họ. Người Mông quan niệm, người cùng dòng họ là những người anh em có cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết trong nhà nhau, luôn giúp đỡ, cưu mang nhau. Từ đó, hình thành lễ cúng dòng họ. Mỗi dòng họ đều có sự ràng buộc chặt chẽ với nhau. Dòng họ có trưởng họ, là người có uy tín, nắm vững và thông thạo nghi lễ trong đám cưới, đám tang, thờ cúng,... của dòng họ mình.

Với quan điểm “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, những phong tục, tập quán hay, ý nghĩa, tốt đẹp cần được duy trì, phát huy và ngược lại những hủ tục không phù hợp với nếp sống văn minh cần phải loại bỏ. Để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện, các cấp ủy chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho người dân ý thức được và hiểu rõ những giá trị văn hóa mà các thế hệ của dân tộc mình đã sáng tạo ra. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng trong các bản người Mông, để các giá trị văn hóa truyền thống luôn được duy trì và phát triển trong chính đời sống của họ. Khuyến khích các đội văn nghệ của các bản người Mông duy trì hoạt động hiệu quả, sử dụng tiếng Mông và trang phục truyền thống trong các tiết mục biểu diễn, nhằm kích thích lòng tự hào dân tộc và cũng là biện pháp bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào.

Những năm qua, cùng với công tác tuyên truyền, huyện Quan Sơn đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa tổ chức mở các lớp tập huấn, các buổi chiếu phim lưu động, những cuộc liên hoan, hội thi,... Qua đó, giúp người dân được tiếp cận những nét văn hóa mới, tiến bộ; thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tự giác xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, giúp cho cán bộ văn hóa cơ sở, già làng, trưởng bản tiếp tục phát huy tốt vị trí, vai trò của mình và luôn gương mẫu trong công tác tuyên truyền... Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc như các lễ hội tín ngưỡng dân gian, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ... đã và đang được bảo tồn và phát triển. Nhận thức của phần lớn người dân đã được nâng lên, đặc biệt đã ý thức được mặt trái của các hủ tục, dần thay đổi nếp sống, cách nghĩ, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào dân tộc Mông.

 

LÊ HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 543, tháng 8-2023

 

;