Điện ảnh thời sự, tài liệu được xem như là ký ức của dân tộc, với năng lực ghi chép một cách chân thực hiện thực lịch sử. Thành tựu lớn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam chính là sự đóng góp của những bộ phim tài liệu về chiến tranh và các tác phẩm đi sâu vào số phận con người trong chiến tranh. Nhiều bộ phim tài liệu đã ghi lại những thời khắc chiến tranh hết sức chân thực, lịch sử đã được ghi lại qua những hình ảnh động, nhiều thước phim tư liệu quý giá đến ngày nay. Để có được những thước phim này, nhiều nghệ sĩ của điện ảnh tài liệu đã ra trận như những người lính, có người đã hy sinh anh dũng nơi chiến trường.
Bác Hồ và các nghệ sĩ điện ảnh. Ảnh: Tư liệu
Vừa là nghệ sĩ, vừa là chiến sĩ
Thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của điện ảnh tài liệu chính là Lớp quay phim đầu tiên (1956-1957) với 34 học viên, do các chuyên gia Trung Quốc, Tiệp Khắc, CHDC Đức giảng dạy cùng sự trợ lý của hai nhà quay phim Khương Mễ và Nguyễn Thế Đoàn. Giai đoạn 1954-1965 nhiều tên tuổi của điện ảnh tài liệu đã được khẳng định như đạo diễn Bùi Đình Hạc, Ba Kỳ… các quay phim kiêm đạo diễn: Mai Lộc, Quang Huy, Nguyễn Hồng Nghi, Khương Mễ, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Đắc, Nguyễn Thụ, Như Ái, Ngọc Quỳnh, Ma Văn Cường, Phan Trọng Quỳ, Tô Cương, Thanh Trước, Khánh Dư, Nguyễn Đăng Bảy, Trần Quý Lục, Phạm Thự… các nhà quay phim: Phan Nghiêm, Hoàng Thái, Tâm Hiền, Thu Vân, An Sơn, Lý Cương, Nguyễn Giá… Biên kịch: Nguyễn Trí Việt, Quang Thị, Vũ Trọng…. cùng rất nhiều những người âm thầm lặng lẽ đứng sau máy quay như các bộ phận thu thanh, ánh sáng… Sự thành công của các tác phẩm còn mang dấu ấn của đội ngũ tham gia tiền kỳ, hậu kỳ, các chuyên viên in tráng phim, luôn cải tiến máy móc thô sơ để đảm bảo in tráng tốt hàng vạn mét phim tư liệu quý giá, những chuyên viên dựng phim hòa âm cho phim góp phần vào từng công đoạn.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là giai đoạn phát triển rực rỡ, oanh liệt nhất của phim tài liệu với một đội ngũ sáng tác hùng hậu, tài năng và nhiệt huyết. Trước khi bùng nổ chiến tranh ở miền Bắc, các khóa biên kịch, đạo diễn, quay phim đầu tiên theo hệ chính quy của trường Điện ảnh Việt Nam đã cung cấp cho Xưởng phim Thời sự Tài liệu trung ương nhiều nghệ sĩ có chuyên môn vững vàng. Đây là đội ngũ kế cận ngay sau lớp đàn anh đầu tiên của ngành phim tài liệu. Gia nhập vào Xưởng phim Thời sự Tài liệu trung ương, họ đã bước ngay vào thử thách trong khói lửa chiến tranh và nhanh chóng trở thành lực lượng nòng cốt, gặt hái nhiều thành tựu với các tác phẩm xuất sắc.
Năm 1965, Trường Điện ảnh mở khóa đặc biệt “Khóa chống Mỹ cứu nước” gồm bốn lớp: biên kịch, đạo diễn, quay phim, chủ nhiệm với mục đích bổ sung đội ngũ phóng viên mặt trận làm phim thời sự, phóng sự cho các chiến trường. 28 nghệ sĩ đã tốt nghiệp khóa học này và sau này đều có những cống hiến cho điện ảnh Việt Nam: Thanh An, Đào Trọng Khánh, Trần Văn Thủy, Lâm Quang Ngọc, Nguyễn Sĩ Chung, Trần Duy Hinh, Xuân Sơn…Năm 1967, khóa ba của Trường Điện ảnh Việt Nam - khóa học “Điện ảnh chống Mỹ cứu nước” (1965-1967) đã đào tạo được một đội ngũ phóng viên chiến trường khí thế và giỏi nghề. Các nghệ sĩ đã lập tức hòa mình vào một nền điện ảnh tài liệu đang rất khởi sắc, nhanh chóng tỏa ra mọi nẻo đường, đắm mình vào thực tiễn sôi động để làm ra nhiều bộ phim thời sự tài liệu cập nhật hơi thở của cuộc sống, chiến đấu. Đội ngũ này tỏa khắp các mặt trận ác liệt ở miền Bắc và hàng năm một lực lượng khá đông vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Các nghệ sĩ đều đi vào chiến trường với tâm thế của người chiến sĩ, mỗi thước phim quay được đều thấm mồ hôi và cả máu của họ cùng đồng đội.
Nghệ sĩ Thu Vân, NSND Phan Trọng Quỳ, diễn viên Mỹ Jane Fonda và NSND Trà Giang trong lần gặp gỡ ở Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
Những thước phim thấm đẫm máu xương
Rất nhiều năm sau chiến tranh, mỗi khi nhắc lại những bộ phim đã từng làm, NSND Ngọc Quỳnh đều rưng rưng xúc động, nhớ đến ba người đồng nghiệp đã hy sinh. Ông từng bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn trước thềm LHP Việt Nam lần thứ 16 năm 2009: “ Tôi hay làm phim chiến tranh, mỗi lần nhận phim là một lần ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Đây thực sự là một thử thách đối với tinh thần quả cảm của người nghệ sĩ. Không những trách nhiệm của người nghệ sĩ phải có tác phẩm chiếu cho quần chúng góp phần động viên nhân dân trong chiến tranh mà với tư cách công dân, họ cũng phải góp phần chiến đấu. Đi chiến trường không ai nghĩ đến ngày quay trở về…”.
Bộ phim tài liệu Đầu sóng ngọn gió do đạo diễn Ngọc Quỳnh và quay phim Kiều Thẩm thực hiện vào năm 1967, sau 9 tháng lặn lội sống dưới bom đạn cùng người dân trên đảo thời điểm bom đạn Mỹ dội khốc liệt lên miền Bắc và đặc biệt là các vùng ven biển, hải đảo. Nhưng nhiệm vụ nặng nề và nguy hiểm nhất của ông và đồng đội chính là khi làm phim Lũy thép Vĩnh Linh. Mũi nhọn thử thách ác liệt nhất khi đó là tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh và cũng là địa bàn hoạt động quan trọng nhất của điện ảnh tài liệu. Đạo diễn Ngọc Quỳnh dẫn đoàn làm phim gồm 8 người đi làm phim Lũy thép Vĩnh Linh, tất cả đều là những người tình nguyện. Chuyến công tác này đặc biệt nguy hiểm nên trước khi khởi hành, Xưởng bố trí ghi lại hình từng người. Sau 15 ngày đêm gian khổ, đoàn làm phim vào đến nơi và tập trung quay ngay những nơi ác liệt nhất. Quá trình làm bộ phim này mang những nét điển hình của việc làm phim tài liệu trong chiến tranh. Sau khi quay được gần 5.000m phim, một phần của đoàn phim gồm Đỗ Ngọc Khuê, Nguyễn Ngọc Hồi, Đinh Văn Nhạ có nhiệm vụ đem phim ra Hà Nội. Đến địa phận Dốc Sả của Quảng Bình, ô tô trúng bom, cả ba đều hy sinh, xe và phim cháy hết. Nhận được tin, các nhà quay phim Ma Cường, Phạm Đình Thăng, Đinh Thông đi bộ bốn ngày đêm để tìm đồng đội, chỉ còn thấy một ngôi mộ chôn chung. Họ ngậm ngùi quay trở lại chiến trường để quay lại từ đầu bộ phim Lũy thép Vĩnh Linh và chất liệu nóng hổi của cuộc chiến vô cùng ác liệt cùng xúc cảm của các nghệ sĩ đã trở thành những nhân tố quyết định thành công của bộ phim này. Có lẽ hiếm có một đoàn làm phim nào phải chịu thương vong lớn đến thế nhưng vẫn giữ vững ý chí kiên cường chiến đấu và tạo nên những hình ảnh lịch sử. Sau này mỗi khi có dịp nhắc đến bộ phim này, đạo diễn NSND Ngọc Quỳnh đều xúc động bày tỏ đây là bộ phim ra đời trong những kỷ niệm đau thương của cuộc đời ông, thành công của bộ phim mang máu xương của các đồng chí đồng đội thân yêu.
Trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm khói lửa ở Hà Nội cuối năm 1972, các nghệ sĩ của điện ảnh tài liệu cũng góp nhiều bộ phim, trong đó đặc biệt là bộ phim Tội ác tột cùng, trừng trị đích đáng (biên kịch Ma Văn Cường, đạo diễn Phan Trọng Quỳ, quay phim Ma Văn Cường, Thu Vân và tập thể). Trong bộ phim này có hình ảnh ghi lại một khoảnh khắc đầy bi tráng, có một không hai trong cuộc chiến thường được trích dẫn trong nhiều bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam do chính đạo diễn - nhà quay phim Phan Trọng Quỳ là tác giả. Đó là hình ảnh máy bay B52 cháy rực như một quầng lửa rơi trên bầu trời Hà Nội được quay ở một cự ly rất gần với một góc độ độc đáo. Câu chuyện về khoảnh khắc quay được những hình ảnh này vẫn còn được các con của ông kể lại. Đó là khi thấy máy bay địch bị pháo phòng không của quân và dân Hà Nội bắn và rơi trên bầu trời Hà Nội, Phan Trọng Quỳ đã bất chấp nguy hiểm, đứng trên sân thượng của ngôi nhà cao tầng trong ngõ 72 Hoàng Hoa Thám để quay được những hình ảnh lịch sử có sức biểu cảm mãnh liệt về cuộc chiến tranh Việt Nam, ghi dấu ấn khoảnh khắc thăng hoa mà người nghệ sĩ Phan Trọng Quỳ đã để lại cho hậu thế.
Các nghệ sĩ của điện ảnh tài liệu luôn có mặt ở tất cả những điểm nóng ác liệt nhất trên chiên trường. Ảnh: Tư liệu
30 nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã hy sinh thân mình để ghi lại những hình ảnh chiến đấu hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng Tổ quốc. Trong đó phải nhắc đến bộ phim Vài hình ảnh mùa xuân 1968. Để có những thước phim về cảnh kéo cờ ở cột cờ Phú Văn Lâu (Huế), nhà quay phim Đặng Xuân Hải (nay là NSND, ông từng là Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) đã bị thương. Nhưng nhiều đồng nghiệp của ông như Dương Phước An, Đồng Cam, Phước Thạnh, Châu Quang, Trần Cần Kiệm, Nguyễn Như Sỹ… đã hy sinh để làm nên tác phẩm điện ảnh này.
Để có được những hình ảnh tư liệu quý giá trong các bộ phim tài liệu Mỹ không chừa, Mỹ còn chết; Một ngày Hà Nội, nhà quay phim Nguyễn Kôn đã dũng cảm đứng trên nóc nhà của một ngôi trường gần Khu công nghiệp Cao Xà Lá quay hình ảnh Mỹ ném bom xuống khu vực cao điểm, một trong những mục tiêu hủy diệt của quân địch này. Sau khi quay xong những cảnh ở đây thì trên đầu nhà quay phim Nguyễn Kôn bị găm đầy bom bi và ông đã anh dũng hy sinh.
Vào chiến dịch mùa khô 1972, toàn bộ lực lượng quay phim, nhiếp ảnh Xưởng phim Quân Giải phóng Miền được tung ra khắp mặt trận B2. Trong khi đang làm nhiệm vụ, nhà quay phim Phan Văn Cam bị hai vết thương xuyên qua lồng ngực, máu trào ra nhưng vẫn dặn dò: “Cầm máy, quay phim tiếp…” rồi nhắm mắt. Đồng đội an táng ông tạm ở hố bom để tiếp tục theo bộ đội vào căn cứ địch và quay tiếp được hơn 20 mét phim. Ngày hôm sau, nhà quay phim Phan Văn Cam được đồng đội đưa về nơi quy tập liệt sĩ.
Nhà quay phim, liệt sĩ Nguyễn Kôn. Ảnh: Tư liệu
Với vị trí xung kích trên mặt trận chiến đấu, trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, phim tài liệu luôn giữ vai trò trọng yếu. Những thước phim nóng hổi hơi thở chiến sự, phản ánh không khí chiên sđấu nơi chiến trường đã trở thành nguồn động viên lớn lao cho quân và dân ta trong suốt cuộc kháng chiến. Với chất liệu cuộc sống vô cùng sinh động, các nghệ sĩ đã dùng máy quay như vũ khí chiến đấu để phản ánh chân thực và đa diện cuộc sống. Họ đã cho ra đời hàng loạt những bộ phim tài liệu có giá trị được tạo nên bởi lòng dũng cảm, trí thông minh sáng tạo của các chiến sĩ điện ảnh có mặt trên tuyến lửa trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Nhiều nhà điện ảnh đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) trong cuốn 50 năm ngành Văn hóa thông tin Việt Nam, tính đến năm 1971, ngành Điện ảnh đã có 155 liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Hiện ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương vẫn còn lưu lại hình ảnh và tư liệu về những nhà làm phim đã ngã xuống nơi chiến trường, đó là các liệt sĩ Nguyễn Giá (quay phim), Nguyễn Sinh San, (lái xe), Đỗ Ngọc Khuê (chủ nhiệm phim), Nguyễn Ngọc Hồi (ánh sáng), Đinh Văn Nhạ (lái xe), Lê Viết Ất (quay phim), Đinh Quang Ba (quay phim), Nguyễn Tố Đinh (quay phim)… Tất cả họ đã đóng góp vào chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, mang lại hòa bình và thống nhất đất nước.
Đạo diễn, NSND Phan Trọng Quỳ. Ảnh: Tư liệu
DIÊN VỸ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 604, tháng 4-2025