Bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (Thanh Hóa)

Đền Bà Triệu thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, thờ nữ tướng Triệu Thị Trinh - người có công đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô (Trung Quốc) vào giữa TK III. Đình được nhân dân làng Phú Điền xây dựng thô sơ bằng tranh tre, nứa ở sườn núi Gai năm 248. Sau chiến thắng giặc phương Bắc, Lý Nam Đế đã dừng chân ở đền Bà Triệu tạ ơn vong linh vị nữ tướng và cấp kinh phí xây dựng đền thờ này. Bài viết này làm rõ mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và vai trò của cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị của khu di tích đền Bà Triệu; nêu bài học kinh nghiệm; đề ra các giải pháp góp phần tăng cường sự phối hợp giữa Nhà nước và cộng đồng trong quản lý khu di tích đền Bà Triệu nói riêng, các di tích quốc gia đặc biệt tại tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Di tích đền Bà Triệu có vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng cư dân Thanh Hóa cũng như thu hút nhiều du khách đến viếng thăm trong các dịp lễ hội. Với những giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng đó, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã ra quyết định số 54/QĐ-BVH ngày 29-9-1979 công nhận quần thể tưởng niệm Bà Triệu là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Sau 17 năm, Bộ VHTTDL ra quyết định số 310/QĐ-BVHTT ngày 13-2-1996 công nhận di tích đình làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích đền Bà Triệu là di tích quốc gia đặc biệt.

1. Chức năng quản lý nhà nước của địa phương

Ban hành hệ thống luật pháp tạo điều kiện cho cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị của khu di tích

Thực hiện Luật Di sản văn hóa, và các văn bản có liên quan về di sản văn hóa, ngày 17-6-2013, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2050/2013/QĐ-UBND về quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngày 9-2-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định số 492-QĐ/UBND về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển Du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; trong đó nhấn mạnh di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt có vị trí quan trọng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Ngày 12-12-2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 207/KH-UBND về việc triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025. Các văn bản pháp lý trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa được ban hành là cơ sở để thực hiện công tác quản lý các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong đó có Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu.

Ngày 12-2-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 581/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa trên cơ sở tiền thân là Ban Quản lý Di tích danh thắng Thanh Hóa. Ngày 30-3-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 941/QĐ-UBND về việc sáp nhập Tổ Quản lý khu di tích Bà Triệu về Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa trực tiếp điều hành.

Tổ chức phối hợp các nguồn nhân lực trong quản lý di tích

Công tác phối hợp các nguồn lực trong quản lý khu di tích đền Bà Triệu đã được chú trọng từ rất sớm. Ngay từ năm 1971, tại địa điểm sơ tán, Ty Văn hóa - Thông tin (nay là sở VHTTDL) Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo Cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Bà Triệu cùng cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình nghiên cứu và khẳng định vai trò, công lao to lớn của Bà Triệu trong công cuộc dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Khi Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là sở VHTTDL) công nhận quần thể tưởng niệm đền Bà Triệu là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, di tích đền Bà Triệu được giao cho cụ từ cùng nhân dân làng Phú Điền trông coi duy trì hương khói. Do điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn nên vào ngày húy kị của Bà Triệu cũng chỉ tổ chức đơn giản, do nhân dân trong địa phương chịu trách nhiệm chính.

Ngày 13-2-1996, Bộ VHTT quyết định công nhận đình làng Phú Điền là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia thì Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở VHTTDL Thanh Hóa) giao cho UBND xã Triệu Lộc làm công tác bảo vệ, quản lý trực tiếp tại khu tưởng niệm di tích đền và lăng mộ Bà Triệu cũng như đình làng Phú Điền. Do cấp địa phương thiếu thốn về kinh phí, nguồn nhân lực nên công tác quản lý và phát huy giá trị khu di tích chưa đạt hiệu quả cao. Năm 2005, UBND huyện Hậu Lộc phối hợp với Sở VHTT tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa, thành lập Ban Quản lý di tích huyện Hậu Lộc, và Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc đã quyết định thành lập Tổ quản lý di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Bà Triệu gồm 8 đồng chí (1 tổ trưởng, 1 kế toán, cụ từ, 1 nhân viên hành chính, 2 thuyết minh viên và 2 nhân viên bảo vệ). Ngày 1-4-2017, Tổ di tích Bà Triệu được bàn giao về Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa (trực thuộc Sở VHTTDL) trực tiếp quản lý với số lượng cán bộ là 13 đồng chí theo Quyết định số 941/QĐ-UBND ngày 30-3-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Huy động các nguồn lực cho việc bảo vệ, tôn tạo di tích

Ngày 23-7-2003, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành thông báo số 2748/TB - UBND về việc lập quy hoạch và dự án đầu tư tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Bà Triệu, giao cho Sở VHTTDL chỉ đạo và là chủ đầu tư. Dự án được triển khai từ năm 2004 do văn phòng Tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lập. UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định số 247/QĐ-UBND ngày 27-1-2004 về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu tính khả thi dự án đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi quần thể di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Bà Triệu. Ngày 7-11-2012, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 3667/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triệu đến năm 2020, với mục tiêu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, cảnh quan, dịch vụ môi trường. Năm 2014, đền Bà Triệu được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về xét lập kế hoạch dự án xây dựng bổ sung một số công trình phụ: khu nhà khách, nhà làm việc của Tổ quản lý di tích, cải tạo khuôn viên trong khu di tích bằng nguồn vốn từ ngân sách của Trung ương, cấp tỉnh và kêu gọi xã hội hóa. Năm 2015, việc trùng tu, tôn tạo đền Bà Triệu, lập quy hoạch chi tiết quần thể di tích, dự án hạ tầng kỹ thuật và khuôn viên tượng đài được sử dụng ngân sách Nhà nước 21,76 tỷ đồng (đã chi 15 tỷ đồng). Kinh phí đầu tư (50% ngân sách Nhà nước, 50% xã hội hóa) cho tôn tạo Nhà đón tiếp, nhà làm việc của Tổ quản lý di tích (năm 2016) là 10 tỷ đồng; tôn tạo Đường rước kiệu từ Đình làng Phú Điền và Lăng mộ (năm 2017) là 1 tỷ đồng.

Từ các dự án quy hoạch, đầu tư, Khu di tích Bà Triệu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của địa phương cũng như trung ương, từ ngân sách nhà nước đến nguồn xã hội hóa từ nhân dân. Do vậy, Khu di tích đền Bà Triệu đã cơ bản được trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh khang trang với các hạng mục quan trọng.

2. Vai trò chủ động, tích cực của cộng đồng

Luật Di sản văn hóa khẳng định “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích không thể tách rời vai trò của cộng đồng và lợi ích từ giá trị di tích phải được chia sẻ với lợi ích, quyền lợi của cả cộng đồng. Chúng ta thấy rõ vai trò rất quan trọng của cộng đồng cư dân địa phương trong quá trình quản lý, bảo vệ và phát huy di tích song hành cùng với vai trò của các cá nhân, tổ chức quản lý trực tiếp di tích tại điểm, cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

Chủ động tham gia vào công tác quản lý di tích và thực hành lễ hội

Từ bao đời nay, nhân dân làng Phú Điền đã tham gia bảo quản, giữ gìn tổ chức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tuân theo phong tục cổ truyền (ngày lễ, Tết cổ truyền, ngày mất của nhân vật lịch sử), tại đền thờ và lăng mộ đều tổ chức dâng hương, đặc biệt là tổ chức lễ hội trong 3 ngày từ ngày 19 đến ngày 22-2 âm lịch với sự tham gia của hàng ngàn người dân trong vùng. Lễ hội đền Bà Triệu, trước Cách mạng tháng Tám 1945 được tổ chức hằng năm. Trong những năm gần đây được tổ chức 2 năm/lần, thường là năm chẵn. Những năm lẻ, tổ chức lễ dâng hương tế lễ, không rước kiệu. Từ năm 1979, sau khi được công nhận di tích quốc gia, đền Bà Triệu được giao cho cụ từ cùng nhân dân làng Phú Điền trông coi cùng nhân dân trong địa phương duy trì hương khói. Di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu tồn tại trong lịch sử trước đây chủ yếu do cộng đồng tự quản. Đặc biệt, ngày lễ hội tại đền Bà Triệu chính là minh chứng cho sự tham gia tích cực của cộng đồng, cũng như vai trò của cộng đồng trong việc trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc.

Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu - Ảnh: Thanh Nga

Lễ hội diễn ra hằng năm từ ngày 20 đến ngày 22-2 âm lịch theo quy trình đền - lăng - đình trong một không gian rộng lớn, bao chiếm toàn bộ khu di tích. Tại đền chính tổ chức chủ yếu các tế lễ như: rước kiệu, tế quan nữ.

Trước ngày diễn ra lễ hội, nhân dân làng Phú Điền cho quét dọn lau chùi ở khu vực đền thờ, khu Lăng mộ, mộ ba ông tướng họ Lý, đình Phú Điền, đền Đệ Tứ và treo cờ Hội (ngũ sắc) ở các điểm thờ này. Làng cử một người làm chủ tế, hai bồi tế, một đông xướng, một tây xướng và từ 10-12 chấp sự. Trong lễ hội, rước bóng được đánh giá là nét độc đáo nhất, đồng thời là một nghi thức quan trọng. Trên kiệu Vua Bà, người dân chuẩn bị một bát hương cùng với một hộp tư trang, một đĩa trầu cau têm đẹp. Nhân dân trong làng chọn 8 chàng trai có đủ sức khỏe, hình thức ưa nhìn để khênh kiệu. Các chàng trai đều mặc áo đỏ cộc tay, thắt lưng màu đỏ, chít khăn đỏ, quần trắng và đi chân đất. Người chủ tế đi dưới gầm kiệu. Tiếp ngay sau kiệu bà là kiệu phong loan, trên kiệu có áo chầu và những hộp đựng sắc phong. Kiệu song loan cũng có 8 người khiêng.

Trình tự: đi đầu là một hương án cùng 2 người vác lọng che hương án, trên kiệu có bát hương, trầu cau hoa quả. Sau hương án là phường bát âm cử nhạc lưu thủy, có trống, chiêng và 32 người thực hiện các nhiệm vụ vác gươm, vác bát bửu, dùi đồng. Đoàn người vác cờ hội, kiệu song loan cho đến những người đi cùng đoàn đều ăn mặc chỉnh tề, khăn nhiễu quần trắng, áo lương.

Hành trình: đi từ đền chính đến lăng. Khi đến lăng, kiệu được đặt trên giá đỡ và làm nghi thức khấn đức Bà với tấm lòng thành kính, ghi nhớ công ơn của Bà. Đoàn cử hành về đình làng Phú Điền (Triệu Lộc), kiệu, bát hương bóng Bà đặt giữa đình và tiếp tục tế lễ một ngày, một đêm. Các lễ tế gồm: tế yên vị, tế tam sanh. Sau cùng, đoàn rước tế theo lộ trình về đền chính để làm lễ.

 Đối với lễ hội Bà Triệu, trong phần hội không có trò diễn dân gian, chỉ có hội trận tại sân đình làng Phú Điền với cảnh “Ngô - Triệu giao quân”, mô tả lại trận đánh của nghĩa quân Bà Triệu với quân Ngô. Nhân dân xóm trên (phía Bắc), xóm dưới (phía Nam) lựa chọn hàng trăm trai tráng trong làng có độ tuổi từ 18 đến 45, chia thành quân Vua Bà và quân Ngô tham gia tập trận chơi trò “Ngô - Triệu giao quân”. Trai hai xóm được lựa chọn vào đúng vị trí để dàn thành thế trận. Mở đầu, mỗi bên cho một vài người ra khiêu khích, tìm cách dụ đối phương tiến về địa phận của mình. Đội ngũ mai phục trong xóm đổ xô ra tấn công, phe bên kia ào ạt tràn sang tiếp ứng. Nhân dân đứng hai bên đường reo hò, cổ vũ cho đội của mình. Theo lệ, xóm nào xông lên nhiều lần là quân chiến thắng và nghĩa quân ấy được xem là quân Bà Triệu. Cuộc tập trận diễn ra từ sáng đến trưa, rồi tất cả hòa vào nhau để đi rước kiệu Bà. Ngày hôm đó, cả làng đều ăn nguội (ăn thức ăn nấu sẵn từ hôm trước), để đến chiều mới nấu nướng linh đình. Các cụ giải thích rằng ra đánh trận là phải ăn lương khô, đến khi khải hoàn mới mở tiệc ăn mừng.

Trong những năm gần đây, để phù hợp với thời gian và nhịp sống mới, một số quy tắc rườm rà của tế lễ được chọn lọc, rút ngắn... Ngoài các hoạt động truyền thống vốn có, còn có thêm nhiều nội dung phong phú như: thi đấu vật, leo dây, thổi cơm thi, đánh cờ tướng, văn nghệ quần chúng, thi nấu ăn, thi đấu các môn thể thao (bóng chuyền, bóng đá)... Tuy nhiên, trong phần hội, trò chơi “Ngô - Triệu giao quân” đã bị bãi bỏ.

Tham gia vào việc tu sửa, tôn tạo di tích

Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa đòi hỏi có kinh phí cho hoạt động thu thập, nghiên cứu di sản; bảo vệ, tu sửa, tôn tạo v.v… Nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa từ ngân sách Nhà nước và hợp tác quốc tế thường rất hạn hẹp so với nhu cầu thực tế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo tồn văn hóa. Đóng góp của cộng đồng (xã hội hóa) chính là nguồn lực quan trọng để thực hiện công tác bảo tồn các di tích, ngược lại, khi khai thác, phát huy giá trị (đặc biệt khai thác hoạt động du lịch) cũng mang lại các nguồn thu đáng kể, góp phần phát triển đời sống cộng đồng.

Xét từ góc độ sáng tạo, các di tích phần lớn đều do cộng đồng góp công sức xây dựng nên. Trong lịch sử có những trường hợp di tích được triều đình, vua chúa, quan lại hoặc những người có tiềm lực kinh tế đầu tư tiền bạc, vật liệu để xây dựng như các lăng tẩm, đền đài... nhưng trong quá trình tạo dựng các di tích đó, cộng đồng vẫn đóng vai trò quan trọng bằng sức lao động của tập thể và sự sáng tạo của những nghệ nhân. Những mảng chạm khắc tinh xảo, những kiểu dáng độc đáo trong kiến trúc... do người dân tạo nên là những di sản văn hóa tiêu biểu mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Các di tích như đình, chùa, đền, miếu… đã chịu nhiều tác động của môi trường tự nhiên, chiến tranh tàn phá, nhưng vẫn tồn tại được là nhờ sự đóng góp của cộng đồng. Người dân đã huy động công sức, tiền của để trùng tu, tu bổ cho các di tích.

Di tích và cộng đồng có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo, hình thành và tồn tại các di tích. Trong lịch sử, cộng đồng tham gia bảo vệ, giữ gìn di tích, đặc biệt là các di tích gắn với tôn giáo - tín ngưỡng là hoạt động phổ biến tại các xóm làng, khu dân cư.

3. Giải pháp tăng cường mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và vai trò của cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu

Để phát huy tốt mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và vai trò của cộng đồng cần thực hiện tổng thể các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần xác định mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và vai trò cộng đồng phải bảo đảm sự hài hòa dựa trên cơ sở hệ thống luật pháp và được thể chế hóa. Nhà nước luôn đóng vai trò chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ, cộng đồng là những người thực hiện và triển khai các biện pháp bảo vệ với sự tham gia của đông đảo các thành viên. Vì vậy, cần có các chính sách tạo nên sự liên kết, đồng bộ, thống nhất giữa các cá nhân, cơ quan bảo vệ di tích, chính quyền địa phương trên tinh thần khoa học, nhân văn, khai thác phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy kết nối các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trong tỉnh Thanh Hóa Khu di tích đền Bà Triệu để xây dựng các tuyến, điểm du lịch, chuỗi hoạt động về nguồn xứ Thanh.

Thứ hai, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước, các bên tham gia và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các biện pháp, dự án bảo vệ di tích và phát huy giá trị của di tích. Ở Khu di tích đền Bà Triệu, cần tăng cường thu hút xã hội hóa trong công tác trùng tu, bảo tồn di tích. Trên thực tế, việc trùng tu, tôn tạo mới chỉ đảm bảo được khu đền chính, còn các di tích phụ cận vẫn đang trông đợi vào những nguồn kinh phí để tu sửa như: đền đệ Tứ, miếu Bàn Thề…

Thứ ba, Nhà nước tạo mọi điều kiện cho cộng đồng thực hành di sản và làm lợi từ di tích. Trong thực hành lễ hội ở Khu di tích đền Bà Triệu, trong một vài năm trở lại đây, trò chơi “Ngô Triệu giao quân” bị bãi bỏ, thay vào đó phần “hội” là các chương trình được dàn dựng sẵn do các nghệ sĩ chuyên nghiệp thể hiện. Theo người viết bài này, điều này có lẽ phần nào hạn chế sự tham gia của cộng đồng trong lễ hội. Lễ hội phải là sản phẩm từ sự sáng tạo của cộng đồng và được trao truyền trong cộng đồng. Do vậy, cần trả lễ hội về với đời sống cộng đồng như chính nó từng tồn tại.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Hiền, Quản lý nhà nước và vai trò cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2017.

2. Nguyễn Thị Hiền, Mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và vai trò cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể qua kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, Tạp chí Văn hóa học, 2018, số 1 (35), tr.53-65.

3. Lê Huy Trâm, Hoàng Anh Nhân, Lễ tục lễ hội truyền thống xứ Thanh, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.

4. Sở VHTTDL Thanh Hóa, Lý lịch Di tích lịch sử - văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Thanh Hóa, tháng 9-2014.

5. UBND huyện Hậu Lộc, Tờ trình số 75 UB của UBND xã Triệu Lộc ngày 24-8-1995 về việc xin hỗ trợ nguồn vốn tu sửa chống xuống cấp Đình làng Phú Điền thuộc cụm di tích lịch sử Bà Triệu.

6. Văn bản hợp nhất Luật di sản văn hóa, Công báo, 2013, số 463+464, ngày 8-8.

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Nga

Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020

;