Khu tập thể cũ - một nét di sản văn hóa của Hà Nội

Các khu nhà tập thể (KTT) ở Hà Nội được hình thành và mở rộng từ khoảng năm 1960 - 1986, phản ánh phong cách kiến trúc đương thời, kỹ thuật xây dựng từ Liên Xô (cũ) và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Vào thời điểm đó, nó cung cấp chỗ ở cho khoảng 140.000 người, tháo gỡ sự thiếu hụt về nhà ở cho một tầng lớp cư dân tại Hà Nội. Trải qua vài thập kỷ, cư dân ở hơn 30 KTT lớn nhỏ nằm rải rác trong nội thành Hà Nội đã hình thành nên một lối sống riêng với nhiều sắc thái văn hóa độc đáo.

Khu Tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội - Ảnh: Đức Hùng

Sau năm 1954, Hà Nội có sự gia tăng dân số mạnh mẽ, nhiều nhà máy, khu công nghiệp được thành lập khiến cho nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cao. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu đó, Chính phủ và Ủy ban hành chính (nay là UBND) thành phố Hà Nội đã cho xây dựng một số KTT. Mô hình nhà ở này cho phép một số lượng lớn cư dân sinh sống mà không cần phải tích hợp vào mạng lưới đô thị hiện tại, bởi nó được vận hành theo một mô hình hoàn toàn khác, dựa trên nguyên tắc chia sẻ: sử dụng chung khu bếp, công trình phụ, cầu thang, hành lang… Đây là một kế hoạch tổ chức không gian mà nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã tiếp nhận và triển khai, phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội, địa chính trị bấy giờ của nước ta.

Có thể nói, từ năm 1960 - 1986 là giai đoạn nở rộ của các KTT ở Hà Nội. Đến nay có nhiều nghiên cứu tiếp cận sử học, nhân khẩu học, kinh tế học về giai đoạn này nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết trong việc coi không gian trong KTT là một đối tượng nghiên cứu quan trọng. Trong số nhiều công trình lớn về Hà Nội của các học giả nước ngoài, KTT cũng bị gạt ra ngoài đối tượng nghiên cứu. Philippe Papin với Lịch sử Hà Nội (1) tập trung vào sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội thông qua các giai đoạn lịch sử từ TK XI - TK XX. Papin vừa trình bày theo tiến trình lịch sử, lại vừa phát triển theo các vấn đề như thời kỳ hoàng kim của các triều đại phong kiến, thương nhân ở chốn thị thành, Thăng Long thất sủng, Hà Nội thời thuộc Pháp, Hà Nội dưới thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc kháng chiến chống Mỹ và Hà Nội ngày nay. Tuy nhiên, khi bàn về cuộc sống ở Hà Nội sau khi hòa bình lập lại (1954), tác giả chỉ tập trung vào đời sống tầng lớp trí thức và văn nghệ sĩ ở Thủ đô qua các phong trào văn hóa và sự kiện lịch sử. Sau khi thống nhất đất nước (1975), Papin chỉ ra sự khó khăn về việc làm và chỗ ở của một bộ phận người từ nông thôn ra Hà Nội tìm kiếm việc làm. Papin viết: “Mật độ trung bình của Hà Nội là 2.500 người/km2, nhưng trong khu vực nội thành mật độ này lên tới 17.000 người và đặc biệt là khu phố cổ mật độ chưa bao giờ dưới 40.000 người trên một km2. Khu phố Tây được thiết kế cho khoảng 100.000 - 150.000 dân, giờ đây có số dân gấp mười lần như vậy” (2). Khi mô tả về sự thiếu hụt nhà ở, tác giả chỉ nói tới việc Nhà nước phân chia lại một số biệt thự cho nhiều gia đình sinh sống, trong khi từ 1960 - 1990 có rất nhiều KTT được xây dựng và nhiều vấn đề xã hội diễn ra trong khu vực này lại chưa được đề cập tới.

Trong khi đó, William S. Logan đã dành một chương trong chuyên khảo Ha Noi: Biography of a city (3) để đề cập đến thay đổi trong nhà ở và quy hoạch thành phố sau năm 1954. Tại đây, Logan đã chỉ rõ các kế hoạch xây dựng KTT của nhà nước. KTT đầu tiên theo kiểu Xô Viết là ở phố Hàng Tre, rồi tiếp đó là một số tòa nhà thấp tầng được xây dựng từ 1955-1960 ở khu An Dương, Phúc Xá, Mai Hồng, Đại La. Đến đầu thập niên 1960, bắt đầu từ KTT Nguyễn Công Trứ phục vụ cho 4.200 người, rồi đến Kim Liên với diện tích khoảng 40ha đất, cung cấp ban đầu là 5 tòa nhà rồi phát triển lên 22 tòa nhà. Logan chỉ ra rằng với sự gia tăng mạnh về số lượng KTT mà Hà Nội không có các chuyên gia về nhà ở cao tầng nên đã dẫn đến những sai lầm về chất lượng cũng như quy hoạch. Hơn nữa, nhiều nơi xây dựng căn hộ cho một gia đình, nhưng cuối cùng lại chia cho hai gia đình đã làm suy giảm tính riêng tư và vệ sinh chung. Sự gia tăng mật độ cư trú tiếp tục diễn ra từ 1975 - 1994 với sự cấm vận của chính phủ Hoa Kỳ càng làm cho KTT trở nên chật chội hơn (4). Tuy nhiên, trong một chuyên khảo chung về lịch sử Hà Nội, Logan chưa thể chỉ ra cuộc sống bên trong của các KTT này diễn ra như thế nào và mối quan hệ giữa các cư dân duy trì ra sao.

Bên cạnh hướng tiếp cận lịch sử, nhiều học giả đã sử dụng tiếp cận quy hoạch đô thị để nghiên cứu về vị trí và vai trò của KTT trong thành phố. Bùi Phương Ngọc (5) chỉ ra mô hình cư trú mới này trong quy hoạch đô thị của Hà Nội. Từ năm 1958 - 1990, có hơn 30 KTT được xây dựng trên khoảng 450ha, chủ yếu nằm trên vành đai 1 và vành đai 2 của thành phố. Vận dụng lý thuyết về không gian cư trú đô thị của phương Tây, các kiến trúc sư Việt Nam đã áp dụng vào bối cảnh kinh tế - xã hội lúc bấy giờ và đưa ra một mô hình phù hợp nhất.

Từ năm 1954 - 1986, chính sách của Việt Nam có sự bao cấp nhà ở cho cán bộ, công nhân, nhân viên nhà nước. Kinh phí xây dựng nhà chủ yếu từ ngân sách nhà nước bên cạnh các nguồn viện trợ của Đông Âu, Liên Xô và Cuba. Nhà ở hầu như được cấp phát miễn phí khi tiền phí bắt buộc không quá 1% tiền lương của người được cấp. Nhà ở không được coi là tài sản cá nhân mà là tài sản xã hội. Sự phân phát được thực hiện dựa trên thứ tự ưu tiên tương đối giản đơn, chủ yếu là mức lương và vị trí công việc của người được cấp. Các căn hộ cũng được phân loại dựa vào diện tích và số lượng phòng. Học giả Bùi Phương Ngọc chia thời kỳ phát triển KTT thành ba giai đoạn độc lập: từ 1954 - 1960, những KTT ở khu Mai Động, có khoảng 1 - 2 tầng, mái ngói và xây bằng gạch; từ 1960 - 1974, những KTT ở khu vực Nhà máy dệt 8/3, Thọ Lão, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Trung Tự với 5 tầng, chung bếp và khu vệ sinh; từ 1975 - 1986, những tòa KTT mới cũng ở Trung Tự, được xây sau khi thống nhất đất nước, đời sống đã được cải thiện và không còn chung công trình phụ. Bùi Phương Ngọc tập trung vào ba vấn đề là tiêu chuẩn không gian sống; mật độ cư trú và việc sử dụng kết nối không gian công cộng. Thông qua trường hợp nghiên cứu tại KTT Nguyễn Công Trứ, tác giả đã chỉ ra những căn cứ hợp lý về quy hoạch vào thời điểm xây dựng KTT này và chỉ ra những mâu thuẫn nảy sinh giữa không gian công cộng - riêng tư, giữa không gian sinh sống - không gian xã hội, quy hoạch - tự phát. Tuy nhiên, nghiên cứu này thuộc chuyên ngành kiến trúc - quy hoạch nên những tư liệu về cuộc sống trong KTT Nguyễn Công Trứ chưa được khai thác triệt để. Nghiên cứu chưa có những cuộc phỏng vấn sâu với nhiều đối tượng, từ khác biệt thế hệ, độ tuổi, giới, nghề nghiệp. Vì thế, cuộc sống nội tại và những mạng lưới quan hệ xã hội trong một KTT vẫn chưa được làm rõ.

Tiếp cận từ góc nhìn văn hóa - xã hội được khá nhiều học giả nghiên cứu vấn đề này như: David Koh (2004), Narumi (2005), Katherine Gough và Hoai Anh Tran (2009)… Thông qua phân tích chính sách nhà ở tại Việt Nam, Koh chỉ ra những bất cập khiến cho người dân có thể khôn khéo tìm kiếm những phương cách cải tạo diện tích mà không bị xử lý hành chính. Khi bàn về vấn đề này, Koh nêu rõ được việc xây dựng trái phép diễn ra trong giai đoạn 1975 đến giữa thập niên 1980 ở một số KTT. Những khu cơi nới thường được sử dụng làm kho chứa đồ đạc, chăn nuôi, để xe, bếp hoặc công cụ sản xuất, cửa hàng… (6). Một cuộc điều tra vào năm 1983 ở khu Trung Tự - Kim Liên chỉ ra rằng 75-83% hộ gia đình sống ở tầng 1 và 50% hộ gia đình sống ở tầng trên của các KTT đã cơi nới hoặc phá bỏ một số bức tường nhà mà không được phép của cơ quan quản lý (7). Đến năm 1985, khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra nghị quyết bắt buộc chính quyền địa phương ở những nơi này xiết chặt kỷ cương thì việc cơi nới mới dần bị hạn chế (8). Nhìn chung, Koh nhận định rằng chính sách pháp luật về nhà ở không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người dân, và cán bộ ở cấp phường đã có những du di trong việc quản lý.

Narumi và cộng sự (9) nghiên cứu sự phân bố của các KTT ở Hà Nội và chỉ ra những đặc trưng của chúng với cảnh quan xung quanh. Qua khảo sát 13 KTT, các tác giả chỉ ra rằng nhiều KTT được xây dựng trên đất của những ngôi làng cũ và nay mang tên của ngôi làng đó ví dụ: KTT Kim Liên - làng Kim Liên, Giảng Võ - làng Giảng Võ, Quỳnh Lôi - làng Quỳnh Lôi, Hào Nam - làng Hào Nam… Bên cạnh những KTT được xây dựng mới từ 1960 - 1980, những công trình văn hóa cũ của làng vẫn tồn tại như ao, hồ, đền, đình, chùa. Tuy nhiên, nhiều nơi bị bỏ hoang và không nhận được sự quan tâm của người dân như lúc còn tồn tại những ngôi làng xung quanh chúng. So sánh các KTT với nhau, có sự khác biệt rõ ràng khi có những nơi không gian công cộng được duy trì như sân chơi, khu vực chung, còn nhiều KTT có tình trạng lấn chiếm không gian trái pháp luật. Trước mật độ dân số đông đúc như hiện nay, nghiên cứu của Narumi và cộng sự vào năm 2005 vẫn còn nguyên ý nghĩa và đặt ra yêu cầu nghiên cứu cơ chế tồn tại và duy trì sự cân bằng giữa không gian công và tư ở các KTT.

Trong một nỗ lực tìm kiếm giá trị văn hóa của các KTT cũ, Dương Tất Thành (10) đã phân tích lịch sử hình thành gắn với những giá trị của KTT Trung Tự trong mối tương quan với một số KTT khác như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ… Tác giả chỉ rõ vai trò của KTT nói chung trong giai đoạn sau năm 1954 - 1986, đồng thời khắc họa rõ nét các giai đoạn xây dựng KTT gắn với mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô đã tạo nên lối kiến trúc đặc trưng Đông Âu ở Hà Nội. Về mặt văn hóa, có thể nói KTT đã tạo nên một nếp sống đô thị kiểu mới được hình thành qua thời gian, dù vẫn có sự pha trộn lối sống nông thôn truyền thống (11). Lối sống này của cư dân trong KTT Trung Tự chủ yếu là cán bộ, công chức, giáo viên đã kết hợp với đặc tính của một xã hội bao cấp tạo nên những con người, một thế hệ đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Dương Tất Thành cho rằng, các KTT cũ đã góp phần xây dựng nên nếp sống văn hóa mới mang đậm văn hóa xã hội chủ nghĩa - lối sống tập thể, mình vì mọi người, mọi người vì mình, một lối sống đô thị hiện đại thoát dần ra khỏi lối sống làng xã truyền thống.

Qua những nghiên cứu trên, có thể khẳng định rằng KTT đã có một lịch sử tồn tại và phát triển gắn chặt với những chuyển biến của Hà Nội từ nửa sau TK XX. Các KTT mang những nét đặc trưng chỉ tồn tại ở Hà Nội, không giống những KTT ở Vinh, Hải Phòng, TP.HCM. Mỗi KTT ở Hà Nội lại có sự khác biệt do vị trí địa lý và đặc điểm của cư dân sống tại đó. Có những KTT được phân cho các cán bộ thuộc hàng trung - cao cấp của các cơ quan Trung ương và thành phố; có những KTT được phân cho công nhân nhà máy, xí nghiệp; có những KTT dành cho các nhà giáo, chuyên gia… Không ít những tòa nhà mà cư dân trong đó là những người cùng cơ quan, cùng ngành hay lĩnh vực. Có những KTT cách xa khu dân cư, cũng có KTT lại gần các khu buôn bán, chợ búa... Chính tính chất nghề nghiệp và xuất xứ của cư dân cùng phần nào với vị trí địa lý của KTT đã tạo ra những đặc trưng khiến bức tranh sinh hoạt, văn hóa bên trong của từng KTT.

Trái ngược với cái nhìn bên ngoài của những tòa nhà bê tông thô kệch và xù xì, cuộc sống của các cư dân trong KTT mang màu sắc sinh động, linh hoạt và thấm đượm tình người. Nếu như thế hệ bố mẹ, ông bà cùng chia sẻ với xóm giềng một lối sống trong quãng thời gian khó khăn trong thời kỳ chiến tranh và bao cấp thì những đứa trẻ trở nên thân thiết hơn khi chúng cùng lớn lên với những trò chơi, sinh hoạt chung trên những bãi cỏ, sân chơi giữa các tòa nhà, trong các lớp học gần nhà.

Thực tế, đã có những nghiên cứu đặt vấn đề coi KTT như một di sản kiến trúc của Hà Nội. Luận án tiến sĩ của học giả Đào Thị Như về Đô thị hóa và bảo tồn di sản kiến trúc đô thị ở Hà Nội: sự tham dự của cộng đồng? (12), là một nghiên cứu mới về đô thị Hà Nội theo xu hướng này. Tác giả cho rằng, Hà Nội sở hữu một quỹ di sản kiến trúc đồ sộ, phong phú về thể loại và có giá trị cao. Trong đó, KTT như một loại hình di sản kiến trúc đô thị gắn liền với lịch sử của thành phố. Luận án đã khảo sát tại một số cộng đồng ở Hà Nội để nhận diện các đặc trưng của di sản, giá trị của di sản, mối quan hệ tương hỗ giữa di sản - cộng đồng - bối cảnh phát triển đô thị. Đồng thời, luận án đưa ra đề xuất định hướng về mặt kiến trúc quy hoạch để bảo tồn di sản trong bối cảnh phát triển đô thị, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng để cân bằng giữa yêu cầu bảo tồn và nhu cầu phát triển của đô thị.

Sự tồn tại của các KTT đã và đang cung cấp chỗ ở cho hàng trăm nghìn hộ gia đình sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều KTT đã xuống cấp nghiêm trọng khiến cho đời sống của cư dân chịu nhiều ảnh hưởng. Nhiều hộ gia đình mong mỏi được di dời nhằm bảo đảm an toàn, nhiều người lại mong muốn ở lại để có sự ổn định về kinh tế. Nghiên cứu về KTT ở Hà Nội không chỉ nêu bật hiện trạng của KTT mà còn chỉ ra nhu cầu và xu hướng cư trú của các nhóm cư dân đa dạng đang sinh sống ở đây.

So với số lượng các nghiên cứu về biến đổi văn hóa nông thôn - đô thị thông qua các làng ven đô, những nghiên cứu về văn hóa và biến đổi văn hóa tại KTT còn rất hạn chế. Đến nay, nhiều nghiên cứu về KTT cả trong và ngoài nước mới chỉ dừng lại ở tiếp cận lịch sử - văn hóa và quy hoạch - kiến trúc. Do đó, những nghiên cứu dân tộc học/ nhân học văn hóa - xã hội về KTT ở Hà Nội là rất cần thiết để chỉ ra tính gắn kết cộng đồng trong KTT khác với không gian làng xã như thế nào và khác với không gian buôn bán ở khu phố cổ ra sao; sự hình thành và vận hành của mạng lưới xã hội trong KTT, tầm quan trọng của chúng như thế nào trong đời sống của những người trong KTT; mối quan hệ giữa Nhà nước - chính quyền - cư dân đã tồn tại và được điều chỉnh như thế nào qua các giai đoạn lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trong bối cảnh xã hội đang xuất hiện nhiều chung cư hiện đại, KTT được xem là một mô hình chung cư trong quá khứ. Những bài học về lối sống, văn hóa chung cư ở KTT xứng đáng là một đối tượng nghiên cứu nhằm góp phần phác họa lại bức tranh phát triển của văn hóa chung cư từ KTT đến chung cư cao cấp hiện đại ở Hà Nội. Trong không gian đô thị ngày nay, ban quản trị tại các tòa chung cư hiện đại có vai trò quan trọng trong việc định hình mô thức văn hóa của các khu cư trú. Nghiên cứu về KTT ở Hà Nội sẽ chỉ rõ sự khác biệt trong việc quản lý, vận hành các tòa nhà và đặt tiền đề cho sự so sánh với mô hình quản trị tại các chung cư hiện đại trung và cao cấp hiện nay (13).

_______________

1, 2. Philippe Papin, Histoire de Hanoi, Nxb Fayard, Pháp, 2001; Lịch sử Hà Nội, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2016.

3, 4. William S. Logan, Hanoi: Biography of a City, University of New South Wales Press, Sydney, 2000; Hà Nội: Tiểu sử một đô thị, Nxb Hà Nội, 2010.

5. Bùi Phương Ngọc, The Rehabilitation of the Socialist Collective Living Quarter in Hanoi: Case Study: Nguyen Cong Tru Quarter (Sự phục hồi của khu tập thể xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội: Nghiên cứu trường hợp tại khu vực Nguyễn Công Trứ), Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Bách khoa thành phố Milan, Italy, 2017.

6, 7, 8. David Koh, Illegal Construction in Hanoi and Hanoi’s Wards (Xây dựng trái phép ở Hà Nội và một số phường ở Hà Nội), Tạp chí châu Âu về nghiên cứu Đông Á, 3(2), tr. 337-369, 2004.

9. Narumi và cộng sự, Locations and Transformations of the Collective Housing Areas Built under the Socialism System in Hanoi, Annual Report of FY 2004 (Vị trí và sự biến đổi của các khu tập thể ở Hà Nội trong thời kỳ đầu xây dựng CNXH, báo cáo tài chính thường niên năm 2004), Hội Xúc tiến khoa học của Nhật Bản và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tr.75-83, 2005.

10, 11. Dương Tất Thành, Giá trị lịch sử - văn hóa của các KTT cũ ở Hà Nội: Nghiên cứu trường hợp KTT Trung Tự, Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn, tập 5, số 1, tr. 128-140, 2019.

12. Đào Thị Như, Đô thị hóa và bảo tồn disản kiến trúc đô thị ở Hà Nội:sự tham dự của cộng đồng?, Luận án Tiến sĩ Xã hội học, Trường Đại học Sorborne, Pháp, 2017.

13. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 602.08-2020.03.

 

Tác giả: Nguyễn Vũ Hoàng - Nguyễn Văn Huy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020

;