Giá trị di tích cấp quốc gia đặc biệt tỉnh Bến Tre

51 di tích cấp tỉnh, 16 di tích cấp quốc gia và 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, những con sốthống kê này cho thấy tỉnh Bến Tre có hệ thống di tích phong phú, đa dạng về loại hình, chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa vật thể, phi vật thể đồng thời phản ánh truyền thống văn hóa, những nét đặc trưng của vùng đất này. Trong đó, khi nói đến di tích quốc gia đặc biệt là nói đến sự hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật của địa phương nói riêng của cả nước nói chung qua các thời kỳ lịch sử, khẳng định rằng, các giá trị này cần được khai thác tác dụng phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Khái quát về di tích cấp quốc gia đặc biệt ở tỉnh Bến Tre

Hiện tại, Bến Tre có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt: Di tích Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu và Di tích Bến Tre Đồng Khởi.

 Di tích Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu có địa chỉ tại ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, xây dựng trong năm 1972. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990 và đến năm 2016, được Bộ VHTTDL công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Khu di tích có diện tích 14.187 m2, bao gồm nhà tiếp khách, nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ và khu mộ (1).

Di tích Đồng Khởi Bến Tre

Di tích Đồng Khởi Bến Tre được xây dựng trong năm 1999, tại địa điểm là nơi nổ tiếng súng đầu tiên mở màn cho phong trào Đồng Khởi lịch sử năm 1960. Trước năm 1975, địa điểm này thuộc làng Định Thủy, tổng Minh Đạt, quận Mỏ Cày; sau ngày 30-4-1975, địa điểm thuộc xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày và nay, thuộc huyện Mỏ Cày Nam. Di tích Đồng Khởi Bến Tre được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993 (theo Quyết định số 43-VH/QĐ ngày 7-1-1993) và đã được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt vào ngày 22-12- 2016 (2). Đường đi đến di tích rất thuận lợi về giao thông đường thủy và giao thông đường bộ. Di tích Đồng Khởi Bến Tre bao gồm các công trình: Nhà đón tiếp khách; Nhà Truyền thống Đồng Khởi; Bia chiến thắng và Đình Rắn.

Có thể khẳng định rằng trong tiến trình lịch sử, ở mỗi giai đoạn, người dân Bến Tre đều có sự sáng tạo nên những thang bậc giá trị văn hóa mới, sức mạnh tinh thần mới, đáp ứng yêu cầu mới của lịch sử. Cùng với những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, việc chuyển tải các giá trị của di tích cấp quốc gia đặc biệt vào sản phẩm du lịch để phục vụ cho việc phát triển du lịch là cách thức hữu hiệu, vừa đa dạng hóa vừa đặc thù hóa sản phẩm du lịch cho địa phương.

Giá trị của hai di tích cấp quốc gia đặc biệt

Giá trị lịch sử

Cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre đã ghi vào lịch sử của cách mạng miền Nam một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, một trong những đóng góp của Đảng bộ nhân dân Bến Tre vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong TK XX. Ngọn lửa tiêu biểu mở đầu cho cuộc Đồng Khởi từ 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, ngày 17-1-1960, đã nhanh chóng bùng lên khắp huyện Mỏ Cày và toàn tỉnh. Sau 12 ngày đêm càn quét, buộc địch phải rút quân, cam chịu thất bại trước sức mạnh của Đồng Khởi, ta bảo toàn lực lượng một cách an toàn. Đến cuối năm 1960, hệ thống kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn tại tỉnh Bến Tre tan nát.

Thắng lợi của cuộc Đồng Khởi là một mốc son chói lọi, là bản anh hùng ca bất hủ của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng Khởi Bến Tre, sự nổi dậy của lực lượng chính trị là chính, kết hợp với lực lượng vũ trang đầu tiên nhỏ bé và cơ sở binh vận, nó hoàn toàn khác với một cuộc đấu tranh vũ trang đơn thuần.

Đồng Khởi ở Bến Tre là một trong rất nhiều sự kiện lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để lại một dấu ấn mà thời gian có trôi qua bao lâu đi nữa, sự kiện lịch sử đó vẫn in đậm trong lòng bao thế hệ. Phong trào đã tạo nên một tiếng vang mạnh mẽ, một bước chuyển mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hình ảnh các mẹ, các dì, các chị trực tiếp tham gia đấu tranh chính trị trở thành một biểu trưng độc đáo của quê hương xứ dừa. Chính niềm tin đó tiếp tục được phát huy trong “Đồng Khởi mới” và phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đã huy động một nguồn lực lớn trong nhân dân, sẵn sàng góp công, góp của xây dựng làng xóm, quê hương. Ý nghĩa bài học sức mạnh từ lòng dân chưa bao giờ lỗi thời. Khổng Tử từng quan niệm rằng “dân tín” quan trọng hơn “thực túc, binh cường”. Bác Hồ từng khẳng định “dân là gốc”. Lòng dân, với niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng và thành trì vững chắc bảo vệ thành quả cách mạng, không kẻ thù nào có thể xuyên tạc, chống phá, làm lay chuyển được.

Ngày nay, trong tình hình chung nước ta và thế giới có nhiều biến động phức tạp, hơn lúc nào hết, chúng ta phải luôn biết quý trọng và quan tâm củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân thông qua giá trị lịch sử của di tích Đồng Khởi Bến Tre.

Giá trị kinh tế

Vai trò của việc khai thác du lịch tại các di tích quốc gia đặc biệt ngày càng rõ nét, góp phần tạo nguồn thu cho ngành Du lịch tỉnh nhà, đóng góp vào nền kinh tế cả nước.

Tại hai di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Bến Tre, riêng năm 2018, đã đón tiếp được 687 đoàn khách trong và ngoài tỉnh với tổng số lượng là 86.682 lượt khách. Năm 2019, các di tích đón tiếp 835 đoàn với tổng số lượng khách tăng lên là 91.278 lượt (3). Khách du lịch đến tham quan di tích quốc gia đặc biệt sẽ đi theo chương trình du lịch trên cơ sở liên kết các tuyến điểm du lịch trong toàn tỉnh. Do đó, khi lượng khách du lịch về tham quan các di tích quốc gia đặc biệt tăng cũng có nghĩa lượng khách đến các điểm du lịch sinh thái và các cơ sở lưu trú, sử dụng dịch vụ cũng tăng theo, góp phần phát triển kinh tế cho ngành Du lịch nói riêng và kinh tế Bến Tre nói chung.

Với truyền thống năm xưa, một lần nữa trong xây dựng hòa bình, truyền thống của quân và dân Bến Tre không lùi bước khó khăn, không nản chí trước thách thức. Quân và dân luôn suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo và đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp để khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ phát triển về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt, đã ra đời cao trào Đồng Khởi thì giờ đây chính là “Đồng Khởi mới”, “Đồng Khởi - khởi nghiệp” trên tất cả các lĩnh vực, đưa ra các giải pháp thiết thực mang tính đột phá, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và phát triển bền vững. Với sức mạnh Đồng Khởi, quân và dân Bến Tre nhất định sẽ xây dựng thành công quê hương xứ dừa ngày càng giàu đẹp và văn minh.

Giá trị xã hội

Khai thác du lịch trên cơ sở các di tích quốc gia đặc biệt sẽ giúp nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử, cơ sở vật chất và cảnh quan di tích. Cùng với đó, việc bảo tồn các giá trị của di tích sẽ là cơ sở để chúng ta có thể tự hào giới thiệu với du khách trong và ngoài tỉnh về vùng đất, văn hóa và con người Bến Tre - nơi mà cuộc Đồng Khởi năm 1960, đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam.

Khai thác du lịch gắn với các di tích quốc gia đặc biệt sẽ góp phần làm tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương. Đặc biệt, góp phần để cộng đồng được hưởng lợi từ việc phát triển cơ cở hạ tầng, dịch vụ như giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông, dịch vụ ăn uống, cơ sở lưu trú..; tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng, đồng thời, góp phần làm thay đổi cơ cấu, nâng cao trình độ lao động tại khu vực có di tích. Từ đó, hạn chế được việc di cư của cộng đồng từ khu vực nông thôn ra thành thị, giúp ổn định xã hội, đảm bảo cho phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, trên cơ sở khai thác du lịch tại các di tích quốc gia đặc biệt sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển giao lưu văn hóa và giao lưu kinh tế giữa các tỉnh hay khu vực. Với những thuận lợi như vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động du lịch trên cơ sở các di tích quốc gia đặc biệt sẽ có vai trò rất quan trọng trong phát triển bền vững ở Bến Tre trong giai đoạn hiện nay.

Việc khai thác du lịch tại các di tích quốc gia đặc biệt giúp gìn giữ và lưu truyền các giá trị văn hóa của dân tộc. Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu mang một giá trị văn hóa đặc biệt đối với người dân Bến Tre và miền Nam nói chung. Nơi đây chứa đựng tư tưởng, nhân cách, đạo đức của một nhà giáo, thầy thuốc, nhà thơ yêu nước tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ vào nửa cuối TK XIX, mà bao trùm lên tất cả là tấm lòng yêu nước thương dân, xót xa trước cảnh lầm than, cơ cực của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Việc khai thác du lịch tại đây sẽ góp phần bảo tồn loại hình nói thơ Lục Vân Tiên (4), một nét văn hóa rất riêng của tỉnh Bến Tre.

Nguyễn Đình Chiểu, một nhà tri thức đáng kính, là một hiện tượng văn hóa của Việt Nam trong nửa cuối TK XIX. Mặc dù bị mù, lại sống trong cảnh nghèo khó nhưng ông giữ gìn khí tiết của nhà Nho, thể hiện qua việc kiên quyết không hợp tác và không nhận lợi ích từ tay giặc. Ông đã vượt lên hoàn cảnh, kiên định dùng ngòi bút của mình để chở đạotrừ gian. Mặt khác, trên văn đàn dân tộc, ông cũng đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị về văn học và tư tưởng, như: Lục Vân Tiên, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Dương Từ - Hà Mậu

Hơn một phần tư thế kỷ, sống trên đất Bến Tre, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho nhân dân ở đây một ảnh hưởng to lớn và một di sản văn hóa, tinh thần vô cùng quý báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng. Thơ văn của ông đã thấm sâu vào tâm hồn của nhiều thế hệ con người Bến Tre, từ đó biến thành một sức mạnh tinh thần giúp họ có thể chiến thắng được mọi gian nguy, thử thách cam go và khốc liệt nhất.

Di tích Đồng Khởi Bến Tre là nơi ghi dấu tinh thần quật cường, ý chí kiên định và tinh thần đoàn kết quân và dân. Chính từ phong trào này, xuất hiện một vị anh hùng được cả nước và thế giới biết đến và xem như là nữ tướng duy nhất Việt Nam bấy giờ: bà Nguyễn Thị Định. Thế nên di tích càng được trân quý.

Nhận thức rõ giá trị cốt lõi của di tích, từ lâu, Đảng, Nhà nước và tỉnh Bến Tre đã có những chủ trương, chính sách, đầu tư nguồn lực để bảo tồn di tích Đồng Khởi. Hệ thống chính trị ở cơ sở và cộng đồng dân cư thực sự thay đổi nhận thức, cùng chung tay bảo tồn di tích một cách bền vững. Không chỉ bảo tồn, khôi phục, di tích Đồng Khởi còn được khai thác, phát huy giá trị, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Giá trị giáo dục

Di tích Đồng Khởi Bến Tre là nơi không chỉ lưu giữ giá trị lịch sử tiêu biểu của quê hương Đồng Khởi mà còn giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Nơi đây minh chứng cho tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tin tưởng vào lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để tạo bước chuyển mạnh mẽ từ tư tưởng đến hành động cách mạng, làm nên phong trào vang đội khắp miền Nam. Chính ý nghĩa lịch sử của khu di tích có giá trị giáo dục đối với đời sống văn hóa cộng đồng và cần phải được tiếp tục giáo dục để thấm sâu vào lòng người dân, cần được giới thiệu sâu rộng đến bạn bè quốc tế về tinh thần bất khuất, sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta. Đồng thời, khi thấy được tinh thần anh dũng, bất khuất của các thế hệ ông, cha đi trước vùng lên, chống lại kẻ thù, giành độc lập dân tộc về tay nhân dân, thế hệ trẻ hôm nay sẽ tự ý thức và sống tốt hơn, xứng đáng với những gì mà thế hệ trước đã hy sinh để lại cho thế hệ hôm nay có được cuộc sống trong hòa bình, độc lập, tươi đẹp.

Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu là nơi để các em học sinh, sinh viên và đông đảo người dân đến nghiên cứu, học tập, tham quan vào dịp hè, dịp lễ. Các hình ảnh, hiện vật, câu chuyện, sự kiện ghi lại tại di tích đã giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân hôm nay và mai sau về tinh thần yêu nước nồng nàn, sự đấu tranh kiên cường, bất khuất, quả cảm, lòng tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam cũng như sự hy sinh của các bậc tiền nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước. Qua đó, giúp cho du khách có thể tiếp cận và hiểu văn hóa, con người, các giá trị tinh thần của Bến Tre nói riêng và của cả miền Nam nói chung một cách nhanh nhất, đơn giản nhất.

Hằng năm, tỉnh Bến Tre đều tổ chức lễ hội Truyền thống văn hóa 1-7. Lễ hội là dịp để ôn lại truyền thống yêu nước của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, học tập về thân thế, sự nghiệp, những giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức của nhà giáo, người thầy thuốc và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa của địa phương.

Những di tích mang yếu tố lịch sử, văn hóa có vai trò quan trọng trong việc giáo dục tri thức, lịch sử, tìm về cội nguồn dân tộc, đem lại những cảm xúc thẩm mỹ cho công chúng, nhất là giới trẻ. Đồng thời, giá trị của những di tích này sẽ khơi nguồn sáng tạo, thắp lên niềm tin, tự hào dân tộc. Vì vậy, việc phát triển hoạt động du lịch gắn với các di tích quốc gia đặc biệt là nhiệm vụ cần thiết, thường xuyên và lâu dài không chỉ thuộc trách nhiệm ngành chuyên môn, mà cũng là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa tại từng địa phương.

Thay lời kết

Có thể nói, các di tích quốc gia đặc biệt tại tỉnh Bến Tre đều mang trong mình giá trị vật thể, phi vật thể khá phong phú, đa dạng, là tài sản vô giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng; là nơi kết tụ, phản ánh những nét độc đáo làm nên bản sắc văn hóa ngàn đời của cha ông ta. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của thời đại, các di tích vẫn còn hiện hữu, là những minh chứng sinh động về truyền thống lịch sử, trình độ văn minh cũng như nét đẹp trong sáng tạo văn hóa, sự phong phú tâm hồn của người dân xứ dừa Bến Tre. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, trước những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, mặt trái của toàn cầu hóa, việc phát triển du lịch trên cơ sở các di tích quốc gia đặc biệt, nhằm hướng con người tìm lại giá trị riêng có của các di tích cùng những giá trị nhân văn truyền thống, sẽ giúp cân bằng xã hội, tạo cơ sở niềm tin vững bền về khát vọng sáng tạo, cống hiến. Những di tích quốc gia đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc giáo dục tri thức lịch sử, tìm về cội nguồn dân tộc, đem lại những cảm xúc thẩm mỹ cho công chúng, nhất là giới trẻ. Đồng thời, giá trị của di tích sẽ khơi nguồn sáng tạo, thắp lên niềm tin, tự hào dân tộc. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các di tích này là nhiệm vụ cần thiết, thường xuyên và lâu dài không chỉ thuộc trách nhiệm ngành chuyên môn, mà cũng là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa tại từng địa phương.

Chú thích:
1. Theo hồ sơ xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu.
2. Theo hồ sơ xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre.
3. Nguồn: Báo cáo năm 2018 và 2019 của Ban Quản lý Di tích tỉnh Bến Tre.
4 . Nói thơ Lục Vân Tiên “...là một cách diễn xướng rất đặc trưng truyện thơ Lục Vân Tiên, dài 2.082 câu...”, đưa nội dung truyện thơ dễ dàng đến với quảng đại quần chúng miền Nam trong bối cảnh đa số dân số đều không có điều kiện học và đọc. Tham khảo thêm: Nguyễn Hữu Hiệp, Nói thơ: một sản phẩm văn nghệ dân gian độc đáo của Nam Bộ, nguồn: www.vanchuongviet.org.
_________________
Tài liệu tham khảo:
1. Lâm Nhân, Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến ở Việt Nam trong phát triển du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2017.
2. Thạch Phương - Đoàn Tứ (chủ biên), Địa chí Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.
3. Nguyễn Đình Thanh, Di sản văn hóa: Bảo tồn và phát triển, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2008.
4. Nhiều tác giả, Di tích lịch sử - văn hóa Bến Tre, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2009.
5. UBND tỉnh Bến Tre, Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bến Tre đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, 2012.

Tác giả: Nguyễn Thị Như Ngọc

Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020

 

;