Phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa tại huyện Võ Nhai (Thái Nguyên)

Hang Phượng Hoàng được biết đến là di tích cách mạng của tỉnh Thái Nguyên thuộc vùng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Nguồn: vonhai.thainguyen.gov.vn

1. Tiềm năng phát triển du lịch tại huyện Võ Nhai

Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng có ý nghĩa đặc biệt. Đáng chú ý là di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm (xã Thần Sa) - nơi cư trú của người Việt cổ. Đây là một mái đá khổng lồ, chiều rộng chừng 60m, chiều cao 30m, nằm ở độ cao khoảng 30m so với mặt sông Thần Sa chảy ngang trước mặt. Hố khai quật của di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm cho thấy địa tầng có 4 tầng văn hóa khảo cổ. Những di vật đá đặc trưng của nền văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, Sơn Vi nằm ở tầng 1, tầng 2; ở tầng 3 thuần các công cụ đặc trưng của Ngườm. Và ở tầng văn hóa thứ 4 là hàng vạn công cụ đá. Những phát hiện khảo cổ học ở nơi đây đã giúp các nhà khảo cổ học xác định được: ở Việt Nam có một nền văn hóa khảo cổ đá cũ - văn hóa Thần Sa. Do có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học, vị trí đặc biệt trong việc tìm hiểu về lịch sử tiến hóa của con người nguyên thủy trên đất Việt Nam nói riêng và cả vùng Đông Nam Á lục địa nói chung, khu di tích khảo cổ học Thần Sa được Nhà nước xếp hạng quốc gia từ năm 1982.

Trong kháng chiến chống Pháp, Võ Nhai được biết tới là nơi ra đời của Trung đội Cứu Quốc quân II - một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam tại khu rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá). Ngay từ ngày đầu thành lập, các chiến sĩ của Trung đội Cứu Quốc quân II đã dũng cảm chiến đấu và lập nhiều chiến công hiển hách. Đó là trận đánh ở đèo Bắp - tiêu diệt tên Đức Phú phản động gian ác; trận đánh ở mỏ Nùng Lâu Hạ; trận đánh ở suối Bùn xã Tràng Xá; trận ở Lân Han; trận ở cây Đa La Hóa… Ngày 21-3-1945, Trung đội Cứu Quốc quân II cùng với đông đảo quần chúng nhân dân trong huyện đánh chiếm châu lỵ La Hiên, thành lập chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên ở Thái Nguyên.

Nhắc đến du lịch Võ Nhai, không thể không nhắc đến Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng (thuộc xã Phú Thượng), với điểm nhấn là hang Phượng Hoàng và hang suối Mỏ Gà. Hang Phượng Hoàng thuộc kiểu hang khô, nằm ở độ cao khoảng 500m so với mặt đất. Hang có chu vi 380m, dài 476m, chiều cao từ đỉnh hang xuống đáy là 70m, được chia thành ba tầng; tầng trên cùng là hang Dơi, tầng giữa là hang Sáng và tầng cuối là hang Tối. Du khách chinh phục hang Phượng Hoàng phải leo đoạn bậc thang lát đá dài khoảng 1.200 bậc. Tại khu vực hang Sáng, nhờ có 3 cửa hang nên nơi đây quanh năm ánh sáng chan hòa; du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn những nhũ đá sinh động. Khu vực giữa lòng hang có một nhũ đá cao, nhìn từ nhiều góc độ đều thấy giống một con chim phượng hoàng đang dang cánh trong tư thế bay bổng.

Hang Phượng Hoàng còn được biết đến là di tích cách mạng của tỉnh Thái Nguyên thuộc vùng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Chiến tích lẫy lừng ở di tích hang Phượng Hoàng được ghi lại là đã tiêu diệt một tiểu đoàn lính Pháp bằng bẫy đá, nỏ, giáo mác, súng kíp, lưỡi cày cùng chiến thuật đánh du kích ngày 27-11-1944. Dưới chân núi Phượng Hoàng có suối Mỏ Gà chảy ra từ hang núi. Hang suối Mỏ Gà là một hang nước, cửa hang rộng chừng 10m, cao từ 2-7m, trong lòng hang có rất nhiều nhũ đá đẹp; hang sâu chừng 200m. Du khách ngoài tham quan hang còn có thể tắm suối. Đơn vị khai thác khu du lịch Phượng Hoàng cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống bể bơi nước tự nhiên từ chính suối Mỏ Gà, giúp du khách thỏa thích trải nghiệm. Ngoài ra, Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng còn cung cấp dịch vụ nhà hàng phục vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú cộng đồng, quà lưu niệm...

Võ Nhai còn có thác Nặm Rứt xã Thần Sa, theo tiếng Tày có nghĩa là thác Mưa Rơi. Thác có địa hình cheo leo xen lẫn trong rừng cây xanh ngát; dòng thác trắng xóa đổ vào sông Thần Sa càng làm cho khung cảnh nơi đây thêm thơ mộng, hùng vĩ. Mỗi mùa, thác mang một vẻ đẹp khác nhau: mùa mưa, thác tạo thành dòng chảy trắng xóa đổ xuống dòng sông; mùa khô, dòng chảy chỉ đủ để ngấm qua những mảng rêu trên vách đá, rơi xuống dòng sông xanh tạo sự lấp lánh khắp mặt sông dưới ánh nắng vàng. Từ thác Nặm Rứt di chuyển thêm 5km sẽ đến khu di tích khảo cổ Thần Sa. Đây là địa điểm lý tưởng cho những người yêu thích sự kỳ bí của bộ môn khảo cổ.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có 5 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cảnh cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá về bản sắc văn hóa, lịch sử, các danh lam thắng cảnh cùng tiềm năng của huyện Võ Nhai đến mọi miền đất nước. Điều này góp phần cụ thể hóa Đề án Phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển du lịch huyện Võ Nhai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng và tạo không khí vui tươi phấn khởi, cổ vũ động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn cùng đoàn kết, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội của địa phương.

Huyện Võ Nhai còn là nơi sinh sống của các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Cao Lan, Sán Chí, Hoa, hiện vẫn bảo tồn, lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như tiếng nói, y phục, các làn điệu dân ca, dân vũ mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 14 làng nghề truyền thống, gồm 13 làng nghề chè và 1 làng nghề đậu phụ. Với tiềm năng này, Võ Nhai chú trọng phát triển loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, tham quan vườn cây ăn quả và quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm.

Võ Nhai được nhiều người biết đến bởi các loại cây ăn trái đặc sản đã thành thương hiệu như: na La Hiên; ổi, nhãn Phú Thượng; bưởi Tràng Xá... Hiện nay, trên địa bàn huyện có 20 tổ hợp tác, 54 hợp tác xã tập trung phát triển mô hình chuyên canh cây ăn quả và cây chè, đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Toàn huyện hiện có 1.280ha diện tích trồng chè, 1.564ha diện tích cây ăn quả. Giá trị sản xuất bình quân năm 2020 ước đạt 71 triệu đồng/ ha.

Có thể khẳng định tiềm năng du lịch ở Võ Nhai rất lớn, song, lại chưa được khai thác một cách hiệu quả, khách du lịch đến với huyện thường là khách lẻ, khách đoàn chưa nhiều, khách lưu trú không lâu và hầu như rất ít. Điều này phản ánh các sản phẩm du lịch cũng như các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách chưa cao. Để huyện khai thác được thế mạnh phát triển du lịch của mình đòi hỏi các cấp, ngành của tỉnh cần quan tâm, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông tại một số tuyến, điểm du lịch; quy hoạch, đầu tư, tôn tạo một số hạng mục và công trình phụ trợ tại các di tích, thắng cảnh; cũng như phát triển một số loại hình dịch vụ đi kèm nhằm đáp ứng nhu cầu du khách. Đặc biệt cần thu hút được đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch trên cả nước để tạo sự chuyên nghiệp và hấp dẫn du khách.

2. Thực trạng khai thác tiềm năng trong phát triển du lịch trên địa bàn huyện Võ Nhai

Để tạo đà cho du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch trải nghiệm ở Võ Nhai phát triển, Sở VHTTDL Thái Nguyên đang phối hợp với huyện Võ Nhai xây dựng công trình Bảo tồn bản truyền thống dân tộc Tày, tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng. Với mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị không gian văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xóm Mỏ Gà, giữ gìn các giá trị truyền thống của dân tộc Tày gắn với xây dựng gia đình văn hóa. Dự án này có tổng mức đầu tư trên 8,6 tỷ đồng. Xã Phú Thượng được đánh giá là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng những vườn cây ăn quả và điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng. Bởi vậy, việc thực hiện Dự án này mang đến sự cộng hưởng, tạo điểm nhấn riêng có và sức hấp dẫn du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Sau một thời gian triển khai Dự án, nhiều hộ đồng bào dân tộc Tày ở Phú Thượng đã đầu tư nâng cấp những ngôi nhà sàn truyền thống, mua sắm vật dụng để phục vụ khách du lịch. Hiện nay, xóm Mỏ Gà đã lựa chọn được 4 hộ đủ điều kiện triển khai mô hình lưu trú tại gia. Dự án đang tiếp tục hỗ trợ 6 hộ xây dựng mô hình lưu trú cộng đồng; thành lập được 1 đội văn nghệ thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ dân gian (hát then, đàn tính); một số hộ dân trong xóm còn lưu giữ được nghề đan lát truyền thống để phục vụ du khách trải nghiệm; thường xuyên chế biến các món ăn truyền thống như: khẩu si, bánh chưng đen, xôi ngũ sắc để phục vụ gia đình và du khách…

Với những tiềm năng, thế mạnh hiện có, rõ ràng, phát triển du lịch ở Võ Nhai đã có những bước chuyển động. Nhất là khi địa phương này đã xây dựng Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, chú trọng đến vấn đề xây dựng các tour trên địa bàn, thực hiện quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tích hợp vào Quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030, với 12 điểm du lịch cộng đồng, tổng diện tích quy hoạch khoảng 200ha.

Huyện Võ Nhai cũng đã hình thành được các khu, điểm du lịch và thu hút được nhiều lượt khách tham quan, năm 2022 huyện Võ Nhai có 115.590 lượt khách đến tham quan du lịch, nổi bật là Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng, điểm du lịch cộng đồng Mỏ Gà, xã Phú Thượng.

Xã Phú Thượng có nhiều hoạt động du lịch cộng đồng thu hút khách. Tại nhà văn hóa có khu vực trưng bày sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông sản. Du khách cũng có thể trải nghiệm văn hóa đồng bào Tày với các làn điệu dân ca, các trò chơi vận động hay hoạt động giã bánh dày... Xã Phú Thượng ngoài các hộ làm nghề nông truyền thống còn có các hộ kinh doanh homestay, thủ công đan lát... Từ Phú Thượng còn có thể kết nối, tham quan trải nghiệm khu du lịch suối Mỏ Mắm (Bắc Sơn - Lạng Sơn).

Có thể nói, với tiềm năng sẵn có, hiện nay huyện Võ Nhai đã chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm, tham quan vườn cây ăn quả và quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm như: quy trình làm và thưởng thức món đậu phụ tại làng nghề đậu phụ xã Bình Long; thu hoạch, sao chè và thưởng thức trà đạo tại làng nghề chè Tân Thành xã Tràng Xá; chăm sóc, thu hái các loại cây ăn quả; tham quan mô hình nuôi và thưởng thức ẩm thực chế biến cá tầm ở xóm Mỏ Gà...

Mặt khác, du khách đến Võ Nhai không chỉ tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh mà còn kết hợp thăm các nhà vườn, làng nghề hay lưu trú tại các homestay ở xóm Mỏ Gà (xã Phú Thượng). Đây là nơi sinh sống của 3 dân tộc Tày, Nùng, Kinh, trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 85%. Trong xóm có 13 hộ đồng bào dân tộc Tày hiện đang sinh sống trong những ngôi nhà sàn được bảo tồn nguyên vẹn nét kiến trúc truyền thống. Từ năm 2019, xóm Mỏ Gà được chính quyền địa phương đầu tư như là mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Ngay khi đặt chân đến xóm Mỏ Gà, du khách ghé thăm ngôi đình cùng tên được xây dựng năm 1920 theo lối kiến trúc đình làng truyền thống của vùng Bắc Bộ. Đình là nơi thờ Thành hoàng làng Cao Sơn Quý Minh đại vương. Tại đây, du khách được bà con dân tộc Tày, Nùng hướng dẫn cách giã và gói bánh giầy, bánh chưng đen hay bánh khẩu si. Ngoài ra, du khách còn được hòa mình vào các trò chơi dân gian thú vị như bịt mắt đập niêu, bắn nỏ, đi cầu tre...

Tiếp đó, du khách sẽ tới thăm cơ sở sản xuất mây tre đan truyền thống Dương Tươi, nơi gia đình nghệ nhân Dương Văn Ngọc đã có 4 thế hệ theo nghề của cha ông. Xóm Mỏ Gà là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên được xây dựng với hai giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 (2019-2022) có 4 hộ gia đình đang hoàn thiện và đi vào hoạt động, đón khách. Giai đoạn 2 (2022-2025) sẽ có thêm 10 hộ được trang bị để đón khách lưu trú. Trong thời gian tới, huyện Võ Nhai sẽ đưa thêm nhiều trải nghiệm hấp dẫn vào các chương trình tour để thu hút khách du lịch, qua đó thúc đẩy phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm đưa xã Phú Thượng trở thành một trong những điểm sáng về du lịch ở Thái Nguyên trong thời gian không xa.

Hiện tại, Khu du lịch hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà đã và đang được đầu tư có quy mô và bài bản bởi Công ty TNHH Một thành viên Hanh Hạnh với mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng gồm các dịch vụ như: nhà hàng, khu bể bơi, khu dịch vụ câu cá, nhà nghỉ lưu trú, dịch vụ massage vật lý trị liệu, khu karaoke, hội trường tổ chức sự kiện, khu bán hàng lưu niệm, sân tennis… dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nhưng mùa hè năm 2019, ngày cao điểm Khu du lịch phục vụ tới 5.000 lượt khách/ ngày.

Từ năm 2014 đến nay, huyện Võ Nhai thường xuyên tổ chức lễ hội văn hóa Võ Nhai nơi cội nguồn có quy mô lớn. Lễ hội nhằm quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, lịch sử, các danh lam thắng cảnh độc đáo của mảnh đất Võ Nhai đến du khách trên mọi miền đất nước, góp phần thúc đẩy tiềm năng du lịch của huyện nói riêng, của tỉnh Thái Nguyên nói chung.

Dù vậy, để phát triển mạnh du lịch, huyện vùng cao Võ Nhai vẫn còn rất nhiều việc phải làm khi người dân nơi đây chưa chủ động khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh hiện có để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, hiện nay các địa phương trong và ngoài huyện Võ Nhai chưa tạo sự liên kết để hỗ trợ nhau phát triển du lịch. Đó là chưa kể, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch ở Võ Nhai còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp; hoạt động quảng bá, maketing chưa được quan tâm đầu tư; các sản phẩm du lịch còn hạn chế; chưa có nhà hàng ẩm thực quy mô lớn thu hút du khách nghỉ chân, thưởng thức những món ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc…

Để du lịch ở Võ Nhai phát triển mạnh, cần có sự quan tâm hơn nữa của ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc đào tạo con người; xây dựng các tour du lịch; tạo sự liên kết giữa các địa phương trong khu vực. Đặc biệt là cần đẩy mạnh quảng bá du lịch Võ Nhai, để nhiều người biết đến vẻ đẹp, sức hấp dẫn riêng có của huyện vùng cao này.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của du lịch tại huyện Võ Nhai

Để có thể phát huy tiềm năng trong phát triển du lịch tại huyện Võ Nhai, cần một số giải pháp:

Thứ nhất, lồng ghép và gắn chặt các chỉ tiêu phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái với phong trào xây dựng văn hóa cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới để có sự bổ trợ cần thiết về cơ sở hạ tầng, các chính sách về vốn, tín dụng, giảm nghèo bền vững.

Thứ hai, quy hoạch không gian điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, trong đó, chú trọng việc bố trí, sắp xếp hài hòa vị trí các bãi đỗ xe, thùng chứa rác thải sao cho khoa học, phù hợp với bối cảnh văn hóa. Vấn đề xử lý rác thải cần có phương án chi tiết. Môi trường đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rác thải được phân loại trong quá trình thu gom, xử lý là một trong những tiêu chí quan trọng để du khách đánh giá mức độ thu hút của điểm du lịch.

Thứ ba, phải đảm bảo tính nguyên bản của văn hóa địa phương như: cảnh quan, đường sá, trồng cây ăn quả và rau màu, các nghề thủ công truyền thống… Mục đích lớn nhất là để du khách thực sự cảm nhận được sự nguyên sơ, được hòa mình vào thiên nhiên và tham dự một phần vào chính đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Để giải quyết được vấn đề này, cộng đồng phải chủ động với vị thế là chủ thể. Bên cạnh đó, cần sự tư vấn của các chuyên gia du lịch, văn hóa đối với chiến lược, chương trình phát triển, tránh tình trạng phát triển tự phát, phát triển nóng, phá hủy, làm biến dạng bản sắc văn hóa, môi trường.

Thứ tư, để người dân Võ Nhai thực sự phát huy được vị thế của chủ thể, cần chú trọng đến công tác đào tạo người lao động, giáo dục, tuyên truyền về sức mạnh của văn hóa truyền thống, hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… Chính quyền các cấp, các ban ngành cần thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cho người dân để họ có cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức, kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng hiệu quả; tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình du lịch cộng đồng; đào tạo phải đi kèm với kiểm tra, đánh giá, cung cấp chứng chỉ, bồi dưỡng thường xuyên.

Thứ năm, phải xây dựng, bổ sung hương ước thôn bản, trong đó gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới. Bước đầu có những quy ước về sự tương trợ, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hộ, cá nhân làm du lịch; sự đóng góp của các hộ làm du lịch với cộng đồng; thành lập và sử dụng quỹ du lịch cộng đồng; quy định hoạt động về thời gian, không gian; cơ chế xử lý khi các hộ, cá nhân vi phạm quy định, quy ước… để xây dựng một cộng đồng làm du lịch thực sự văn minh, tiến bộ, nhân văn.

Thứ sáu, người dân chưa có sự hỗ trợ, tư vấn cần thiết, kịp thời về mặt pháp lý, nguồn vốn, mô hình tổ chức… Mặc dù quỹ tín dụng, ngân hàng có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể vay vốn, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng nhưng số vốn được vay còn ít, chưa đủ để đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng thương hiệu, phát triển mảng truyền thông, quảng bá… Tất cả những khó khăn này cần được sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn và sự chung tay xã hội hóa từ những tổ chức, cá nhân có nhiều kinh nghiệm.

Tóm lại, trong thời gian tới, để du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại Võ Nhai khắc phục được những nhược điểm, phát huy được lợi thế và phát triển hiệu quả, bền vững, rất cần sự đồng thuận, chủ động, tích cực, dám nghĩ dám làm của chính người dân huyện Võ Nhai. Ngoài ra cần sự chung tay góp sức, hỗ trợ của các chuyên gia du lịch, văn hóa, kinh tế, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, khoa học, hiệu quả bằng các chương trình, đề án của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của xã hội để du lịch Võ Nhai ngày càng phát triển, mang lại đời sống ấm no cho vùng quê giàu truyền thống cách mạng này.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Mạnh Hùng, Văn hóa du lịch, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2017.

2. Nhiều tác giả, Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập, Nxb Đại học Quốc gia, TP.HCM, 2017.

3. Lê Anh Tuấn, Nguyễn Thị Mai Sinh (Đồng chủ biên), Giáo trình tổng quan du lịch, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2015.

4. UBND huyện Võ Nhai, Báo cáo tổng kết năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023, tháng 12-2022.

NGUYỄN ĐÌNH PHÚC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;