Đến với Măng Đen, chúng tôi ngay lập tức cảm thấy như được trở về với những gì nguyên sơ, hoang dã mà thuần khiết nhất, đúng với những đặc ân mà thiên nhiên đã ban tặng cho loài người. Chẳng thế mà có người ví von Măng Đen như bông hoa rừng vừa hé nở, vừa tươi mới vừa đầy sự hấp dẫn, quyến rũ.
Ấn tượng mà Măng Đen mang lại khiến nhiều người liên tưởng đến một “Đà Lạt thứ hai” bởi những cánh rừng thông trập trùng, những hồ nước trong xanh nên thơ, đặc biệt khí hậu nơi đây chẳng khác châu Âu là mấy, vừa mát lành vừa dễ chịu. Không nói quá khi Măng Đen được coi là “con cưng” của mảnh đất Kon Tum, bởi nơi đây hội tụ đủ mọi yếu tố để trở thành mảnh đất du lịch tiềm năng bậc nhất Tây Nguyên đại ngàn. Trong đó có hình thức du lịch sinh thái và phát triển dược liệu đã được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ.
Thác Pa Sỹ hùng vĩ
Măng Đen là một thị trấn thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 60km, nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển. Măng Đen có vị trí rất đặc biệt, nằm giữa 2 ngọn đèo lớn là đèo Măng Đen (tỉnh Kon Tum) và đèo Viôlắk (tỉnh Quảng Ngãi). Vùng này có khí hậu ôn đới nên quanh năm mát mẻ, nhiệt độ chỉ giao động trung bình từ 16-22 độ C.
Thế mạnh du lịch sinh thái ít nơi nào có được
Vài năm gần đây, Măng Đen mới được du khách chú ý đến, bởi nhắc đến Tây Nguyên, người ta thường nhớ ngay đến Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà Măng Đen còn giữ lại được nhiều nét hoang sơ, nguyên thủy, kích thích du khách tìm đến khám phá, trải nghiệm và tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ. Trong bối cảnh đô thị hóa như hiện nay, giá trị nguyên sơ, hoang dã là thế mạnh không chỉ của Kon Tum, của Tây Nguyên nói riêng mà còn là “của hiếm” của cả nước và thế giới. Được rừng nguyên sinh bao bọc và có độ che phủ hơn 80% diện tích tự nhiên, nên ở đây có khá nhiều hệ động - thực vật sinh sống. Với thời tiết ôn hòa, nên có thể đi du lịch Măng Đen bất cứ thời điểm nào trong năm. Nhưng lý tưởng nhất nên đi vào tháng 4, 5 hoặc từ tháng 10 đến tháng 12.
Sáng sớm trên Hồ Đăk Ke
Tại hội thảo quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và đô thị Kon Plông đến năm 2030, ông Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Kiến trúc và quản lý đô thị Việt Nam đã nhận định rằng: “Măng Đen phải tìm được cái gì rất riêng cho mình để tránh khỏi bước sai lầm mà các đô thị du lịch nghỉ dưỡng khác của Việt Nam đang vấp phải. Cái này chúng ta nên quay lại một mô hình rất xa xưa, tức là: Nói đến đặc thù của một vùng thì cái mà không thể đầu tư được đó là nhiệt độ, khí hậu, đó là cảnh quan khu vực rừng nguyên sinh. Cái đó là cái riêng của Măng Đen, mà cái đó là đặc thù nhất, phải giữ lại bằng được, không thể mua được nhiệt độ, đầu tư bao nhiêu tiền, hàng nghìn, hàng tỷ USD cũng không thể nào có được nhiệt độ và khí hậu tuyệt vời như Măng Đen” (1).
Vẻ đẹp nguyên sơ, hoang dã của Măng Đen
Đến với Măng Đen, tôi như bị “đứng hình” trước vẻ hùng vĩ của thác Pa Sỹ, nhưng cũng có thể thư giãn, thả lỏng toàn bộ giác quan trước sự lãng mạn, thơ mộng của hồ Đắk Ke. Hoặc có thể “đổ gục” trước vẻ đẹp lộng lẫy với làn nước trong xanh, chảy lững thững giữa những tán cây xanh rì của dải thông dài mướt mắt. Măng Đen là thế, vẫn cứ hấp dẫn những ai dù đặt chân đến nơi đây lần đầu hay nhiều lần trước đó. Trong tiết trời se lạnh, những làn sương sớm còn vương cùng với mùi nhựa thông thoang thoảng… rất thích hợp để nghỉ dưỡng, hồi phục sức khỏe cũng như cho những ai muốn "chạy trốn" khỏi phố thị ồn ào để gác lại những bộn bề, lo toan, cần nạp năng lượng cho hành trình tiếp theo của cuộc sống thường nhật.
Nhiều gia đình chọn Măng Đen là điểm du xuân đầu năm bởi mùa mai anh đào đang nở rộ
Đặc biệt, thời gian sau Tết nguyên đán như hiện nay, là thời điểm đẹp nhất trong năm khi du khách đến với Măng Đen, bởi nơi đây đang được phủ kín bởi một màu hồng rực rỡ rất bắt mắt của hoa mai anh đào. Nhất là hồ Đambri. Đây cũng là điểm du lịch được nhiều du khách lựa chọn khi đến Măng Đen dịp này. Những vườn hoa nhiều sắc màu, rừng thông xanh mướt trập trùng, cánh hoa mai anh đào bay bay trong gió se lạnh tạo nên một khung cảnh đẹp tựa "cõi tiên cảnh", vừa lãng mạn, vừa trữ tình, không khỏi khiến tâm hồn ai đó như được xoa dịu, vỗ về. Và Khi ánh hoàng hôn buông dần xuống, nơi đây lại khoác lên mình vẻ đẹp mơ hồ, huyền bí với ánh chiều rực rỡ in xuống mặt hồ phẳng lặng. Khí hậu mát mẻ tạo cảm giác thư thái và dễ chịu. Được đạp xe hoặc đi xe ngựa ngắm cảnh trên những con đường uốn lượn quanh hồ ĐamBri ở thị trấn Măng Đen lúc này thì còn gì tuyệt vời hơn.
Măng Đen còn biết cách níu chân du khách bởi những món ăn đặc sản, mà phải ăn tại đây mới thấy được hết cái vị ngon ngọt của chúng. Có thể là do cách chế biến, cũng có thể là do không khí ở Măng Đen khiến ai cũng cảm thấy muốn thưởng thức nhiều hơn ẩm thực của địa phương này. Chúng tôi may mắn có người bạn người Kon Tum học cùng hồi đại học, kinh doanh dịch vụ cho thuê homestay ở Măng Đen, nên khi biết có bạn vào du lịch đã thết đãi món gà nướng nổi tiếng tại quán "Gà nướng cơm lam cô Sinh" với vị thịt ngọt và mềm kết hợp với vị hạt dổi thơm nức. Đây được xem là món ăn nhất định phải thử nếu bạn có dịp đến với Măng Đen.
Phát triển dược liệu thành cây trồng mũi nhọn, sản phẩm quà tặng du lịch
Cùng với việc phát triển du lịch sinh thái, phát triển dược liệu thành cây trồng mũi nhọn giúp người dân thoát nghèo cũng được chính quyền huyện Kon Plong đặc biệt quan tâm. Hiện nay, huyện Kon Plông chú trọng khai thác, bảo tồn các loại dược liệu sẵn có trong tự nhiên như: chè dây, giảo cổ lam, tiêu rừng, sơn tra, chuối rừng, ngũ vị tử, các loại nấm, sâm quý hiếm… và đã thực hiện khoanh vùng, bảo tồn một số loại cây như: chuối rừng, sim rừng, sơn tra, cũng như đang triển khai khoanh vùng bảo tồn các loại cây như: chè dây, cốt toái bổ, ngũ vị tử, lan kim tuyến…
Người dân thu hoạch lá sả Java - Ảnh: Quang Định
Ông Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết: “Để có nguồn giống phát triển diện tích cây dược liệu, hiện nay trên địa bàn huyện có một số đơn vị gieo ươm giống để cung ứng giống cây dược liệu cho các doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn. Trong đó, Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao ươm 420.000 cây đương quy, sâm dây, xạ đen; Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Nam bộ Cơ sở III ươm 120.000 cây sâm dây, đương quy, giảo cổ lam; Trang trại Hà Văn Đại ươm 450.500 cây sâm dây, đương quy, sâm Ngọc Linh...” (2).
Công ty PyLoHerb quyết tâm đầu tư và phát triển vùng dược liệu công nghệ cao tại vùng rừng Ngọc Linh và Măng Đen, đem những sản phẩm dược liệu công nghệ cao để phục vụ người dân Việt Nam
Ngoài ra, để người dân yên tâm chăm sóc và đẩy mạnh việc trồng cây dược liệu thành nghề trồng trọt mũi nhọn, UBND huyện Kon Plông đã kêu gọi một số doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn, liên kết một số doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Hiện, có một số sản phẩm đã được liên kết sản xuất và bao tiêu như: cây đẳng sâm, đương quy, đinh lăng, ba kích, sa nhân, nhân sâm. Được biết, một số doanh nghiệp đã ký kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm dược liệu trồng và dược liệu khai thác ngoài tự nhiên với người dân như: Công ty PyLoHerb, Công ty Dược liệu Thái Hòa, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp An Bình, Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Măng Đen,…
Ông Đặng Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Huyện tiếp tục chỉ đạo nhân dân trên địa bàn chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng; nâng cao diện tích trồng cây dược liệu theo cơ cấu từng tiểu vùng. Đồng thời kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng thử nghiệm một số cây dược liệu để xem xét tính khả thi.
Hiện nay, huyện Kon Plông đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất một số loại dược liệu. Sau khi hoàn thiện, huyện sẽ chuyển giao cho các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp có nhu cầu chế biến và đưa sản phẩm cung ứng rộng rãi ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Một số doanh nghiệp cũng đã chế biến và có sản phẩm bán ra thị trường.
Cùng với việc kêu gọi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, huyện còn vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn tham gia trồng cây dược liệu. UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có nhiều cơ chế ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân thuê đất, cho vay ưu đãi, hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, cơ chế quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ vùng nguyên liệu… để yên tâm phát triển cây dược liệu.
Rõ ràng, phát triển du lịch tại Măng Đen có liên quan mật thiết đến việc đẩy mạnh phát triển dược liệu quý tại đây. Đây chính là một sản phẩm hữu ích và giá trị, dùng làm quà tặng cho bạn bè và người thân. Việc đưa các thành phần dược liệu quý vào sử dụng hằng ngày, không chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn góp phần mạnh mẽ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân các dân tộc thiểu số. Quan điểm phát triển đối với khu du lịch sinh thái Măng Đen là xây dựng sản phẩm đặc thù, một thương hiệu độc đáo và hình ảnh riêng biệt, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của du khách. Sản phẩm du lịch sẽ phải thân thiện với thiên nhiên, với các hệ sinh thái tự nhiên, có sự tham gia của cộng đồng dân cư với những nét văn hóa độc đáo. Chính vì vậy, “tuy hai mà một”, phát triển du lịch sinh thái cùng với phát triển dược liệu sạch quả là sự kết hợp tuyệt vời.
NGÔ HUYỀN
_______________
1. Văn Phát, Măng Đen - Điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, langvietonline, 28-3-2013.
2. Quang Định, Phát triển cây dược liệu ở huyện Kon Plong, baokontum.com.vn, 15-2-2022.