Một số biện pháp xây dựng đô thị văn minh - du lịch an toàn ở thành phố Châu Đốc (An Giang)

Thực hiện Kết luận số 23-KL/TU, ngày 12-12-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về xây dựng và phát triển thành phố Châu Đốc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng toàn thể nhân dân luôn đoàn kết, đồng lòng, chung sức cùng nhau phát triển thành phố Châu Đốc trở thành đô thị thương mại - du lịch của An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - nông nghiệp, phát triển những ngành sản xuất và dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Song song đó, phát triển kinh tế, xã hội gắn với phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng, đưa thành phố Châu Đốc trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

Thành phố Châu Đốc là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang, là một trong hai trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh. Thành phố có diện tích tự nhiên là 104,7km2, phía Đông Bắc giáp huyện An Phú, phía Tây Bắc giáp Campuchia, phía Đông giáp thị xã Tân Châu, phía Nam giáp huyện Châu Phú, phía Tây giáp huyện Tịnh Biên. Thành phố Châu Đốc là đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt là trong quan hệ với Campuchia và có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Trong những năm qua, tỉnh An Giang đã đề ra nhiều chương trình hành động, kế hoạch, đề án… liên quan đến phát triển du lịch của địa phương; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư phát triển; phát huy được các giá trị văn hóa phi vật thể, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú... Từ đó, Châu Đốc trở thành điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn, thu hút trên 4 triệu lượt khách du lịch hằng năm, tạo việc làm cho người dân, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, tăng ngân sách cho thành phố, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, kinh tế, xã hội của địa phương tiếp tục phát triển ổn định và giữ được nhịp tăng trưởng. Lượng du khách đến thành phố ước đạt 3.500.000 lượt khách, đạt 58,23% so với kế hoạch năm và giảm 2.227.000 lượt so cùng kỳ năm 2019 (1). Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển du lịch, thành phố tăng cường thực hiện tốt công tác lập lại trật tự đô thị kết hợp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại Khu du lịch núi Sam. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hỗ trợ du khách phòng, chống dịch bệnh COVID-19… được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, tạo ấn tượng tốt đối với du khách. Để phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, năm 2021, thành phố Châu Đốc đề ra mục tiêu: Phát triển du lịch cùng với thương mại, dịch vụ trở thành ngành kinh tế chủ lực của thành phố. Phát triển du lịch thông minh, từng bước đưa ngành Du lịch thành phố Châu Đốc ngày càng phát triển bền vững, đa dạng và nâng cao chất lượng các dịch vụ. Đến nay, lượt khách tham quan đạt 4.300.000 lượt, trong đó, 468.000 lượt khách lưu trú (đạt 12% so với tổng lượt khách tham quan), chi tiêu bình quân của khách thăm quan lưu trú 600.000 đồng (2). Trước những kết quả nói trên, việc triển khai nghiên cứu đề tài Kinh nghiệm xây dựng Đô thị văn minh - du lịch an toàn tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những vấn đề được nghiên cứu, kết hợp với khảo sát thực tế ở địa bàn nghiên cứu, để làm rõ một số vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng, học tập kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao việc xây dựng đô thị văn minh - du lịch an toàn trên địa bàn thành phố là có tính thời sự, khoa học và thực tiễn cấp bách.

Để xây dựng thành công đô thị văn minh - du lịch an toàn, thành phố Châu Đốc đã ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch, đề án phát triển du lịch... Trong đó, thành phố Châu Đốc xác định các nội dung chủ yếu:

Tập trung phát triển 4 loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch tâm linh; du lịch sông nước; du lịch sinh thái; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng.

Xây dựng thương hiệu và truyền thông thương hiệu, khai thác mạng xã hội để tuyên truyền nâng cao hình ảnh của du lịch Châu Đốc.

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch: tham gia hội nghị, hoạt động, sự kiện, hội thảo xúc tiến du lịch của khu vực và tại các tỉnh có tiềm năng để tuyên truyền quảng bá về Châu Đốc.

 Đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch: tập trung mọi nguồn lực để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về du lịch. Đẩy mạnh thực hiện quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nhất là hạ tầng giao thông gắn với hạ tầng đô thị.

Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch: Chính quyền địa phương đã ban hành các định hướng, cơ chế, chính sách đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phải có chính sách đầu tư cho nguồn nhân lực du lịch, tạo cơ hội để các cơ sở đào tạo du lịch phát triển, đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, tăng cường hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo du lịch về cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, chuẩn đầu ra để tiếp cận với yêu cầu của thị trường du lịch hiện nay, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Đào tạo phải đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, nghề chuyên môn chuyên nghiệp, bài bản, đặc biệt tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho lao động du lịch trực tiếp, đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ theo chuẩn trong cộng đồng khối ASEAN và quốc tế, bên cạnh đó vừa có kiến thức quản lý và điều hành, vừa có kỹ năng tác nghiệp du lịch, trình độ khoa học công nghệ cao tương ứng với nghề.

Bảo vệ môi trường du lịch và phát triển du lịch bền vững: địa phương cần xây dựng chiến lược về bảo vệ môi trường, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái và tăng cường chất lượng môi trường, xây dựng thương hiệu du lịch thành phố Châu Đốc thân thiện và mến khách.

Liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch: Cần làm sâu sắc và rõ nét hơn việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển hạ tầng du lịch, liên kết xây dựng chính sách đặc thù, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. Đặc biệt, phải có một “nhạc trưởng” điều phối chung cả tỉnh, vùng cho nhịp nhàng.

Nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng đô thị văn minh - du lịch an toàn trên địa bàn thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang cho thấy vai trò lãnh đạo của Thành ủy, chỉ đạo của UBND thành phố rất quan trọng đối với vấn đề xây dựng đô thị văn minh - du lịch an toàn. Bên cạnh đó, việc phân công công việc trong quá trình triển khai thực hiện tiêu chí là rất quan trọng, có tác động lớn đến hiệu quả. Ngoài ra, công tác tuyên truyền là việc làm không thể thiếu trong xây dựng đô thị văn minh - du lịch an toàn.

Qua thực tiễn nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng đô thị văn minh - du lịch an toàn trên địa bàn thành phố Châu Đốc, tác giả đề xuất một số biện pháp nhằm tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh, đồng thời khắc phục một số hạn chế như sau:

Phát triển hạ tầng phục vụ phát triển du lịch: Đẩy nhanh tiến độ và mời gọi đầu tư thực hiện hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ du lịch. Tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn phát triển hệ thống cáp và trạm phát sóng BTS, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch. Xây dựng cơ sở dữ liệu chính thống về quảng bá du lịch địa phương tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền, thuyết minh, quảng bá du lịch Châu Đốc. Tăng cường áp dụng các công nghệ, giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Du lịch để tăng cường tương tác, trải nghiệm, khám phá của du khách.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về tài nguyên, tiềm năng, lợi thế du lịch Châu Đốc. Phổ biến và triển khai thực hiện sâu rộng bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự giới thiệu tiềm năng du lịch, bản sắc văn hóa các dân tộc, gương điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu trong quá trình phát triển du lịch trên địa bàn thành phố.

 Đổi mới công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trên nhiều kênh thông tin, nhất là trên các kênh truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, có sức hấp dẫn, thuyết phục du khách quốc tế. Chủ động liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp du lịch và Hiệp hội du lịch trong và ngoài tỉnh tổ chức các đoàn xúc tiến quảng bá du lịch thành phố Châu Đốc. Chủ động tham gia các sự kiện quảng bá hình ảnh du lịch Châu Đốc tại các sự kiện lớn trong tỉnh và trong nước; tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch mới của Châu Đốc thông qua các chương trình đón đoàn các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan báo chí…

Phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch: Triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo được yêu cầu về số lượng, chất lượng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch; coi trọng chất lượng đào tạo cả về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng mềm. Tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng xây dựng chính sách, quy hoạch phát triển du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch do Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch hoặc Sở, ban, ngành tỉnh tổ chức. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực du lịch cho cán bộ quản lý về du lịch, nhân viên và người quản lý trong doanh nghiệp du lịch, hộ dân tham gia kinh doanh các dịch vụ phục vụ du lịch.

 Tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thực hiện nhiều giải pháp phát triển các loại hình du lịch như sinh thái, sông nước, văn hóa tâm linh, khám phá, thể thao… để thu hút khách du lịch.

Đảm bảo an ninh, trật tự; tăng cường giám sát qua hệ thống camera tại phường Núi Sam để tiến hành lập danh sách các đối tượng chuyên tham gia chèo kéo khách du lịch, xử phạt nghiêm khắc đối với trường hợp vi phạm nhằm tăng hiệu quả và tạo tính răn đe với các đối tượng chuyên đeo bám, chèo kéo khách du lịch. Tổ chức giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nhất là đối với đối tượng ăn xin, bán hàng rong, lang thang cơ nhỡ. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, nhất là trên các tuyến đường, các địa điểm nơi khách tham quan và khu vực khách nghỉ dưỡng, tạo môi trường an toàn đối với khách du lịch. Tăng cường quản lý vỉa hè, lòng đường, bảo đảm thông thoáng. Xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh trật tự tại các sự kiện về du lịch, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh các doanh nghiệp du lịch hoạt động chưa đúng các quy định về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Duy tu, dặm vá các tuyến đường, rà soát, lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn giao thông rõ ràng, phù hợp bảo đảm an toàn, phòng ngừa ùn tắc giao thông.

Bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường; nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới các công trình vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ nhân dân và khách du lịch. Quản lý và phát triển cây xanh đô thị thành phố Châu Đốc, tổ chức kiểm tra thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, rác thải, chất thải tại khu du lịch. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thực hiện đúng các quy định về vệ sinh môi trường.

Triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất theo quy định để thu hút đầu tư hạ tầng du lịch. Xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh. Thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cải cách nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Việc xây dựng “Đô thị văn minh - Du lịch an toàn” là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư phát triển; phát huy được các giá trị văn hóa phi vật thể, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú. Từ đó, Châu Đốc trở thành điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn, tạo việc làm cho người dân, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và không ngừng được nâng lên, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt muốn thực hiện thành công mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì phải được đại bộ phận nhân dân đồng thuận, ủng hộ.

_______________

1, 2. Thu Thảo, Châu Đốc - thành phố du lịch văn minh, thân thiện, an toàn, baoangiang.com.vn, 22-3-2021.

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tếmũi nhọn.

2. Kết luận số 23-KL/TU, ngày 12-12-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủyAn Giang về xây dựng và phát triển thành phố Châu Đốc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

3. Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 26-10-2015 về phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Châu Đốc đến năm 2020.

4. Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 26-7-2021 của UBND thành phố Châu Đốc về việc thực hiện Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.

Ths TRẦN THỊ THU TRANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023

;