Cao Bằng là tỉnh miền núi thuộc địa đầu của Tổ quốc có bề dày lịch sử, văn hóa với nhiều cộng đồng dân tộc cùng sinh sống. Mỗi cộng đồng dân tộc nơi đây đều sáng tạo nên những giá trị văn hóa đa dạng, độc đáo mang bản sắc riêng. Trong đó, đời sống văn hóa tinh thần của người Nùng ở tỉnh Cao Bằng rất đa dạng, phong phú với nhiều truyện kể dân gian, truyện thơ và tích lũy được kho tri thức về tự nhiên, địa lý, lịch sử hay kinh nghiệm chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian... Đây là những tiềm năng, điều kiện thuận lợi góp phần phát triển du lịch bền vững, tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách khi đến tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm du lịch tỉnh Cao Bằng.
1. Dân ca truyền thống của người Nùng ở tỉnh Cao Bằng
Theo số liệu điều tra dân số ngày 1-4-2019 của Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, dân số dân tộc Nùng có: 158.114 người (chiếm 29,81%). Người Nùng ở tỉnh Cao Bằng có nhiều ngành gồm: Nùng Giang, Nùng An, Nùng Phàn Sình, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Sí Kít, Nùng Khen Lài, Nùng Quí Rịn, Nùng Xìn (Nùng Xuồng), Nùng Cháo (1). Địa bàn cư trú của người Nùng tập trung ở vùng đồi núi thấp, ven chân núi, thung lũng, vùng địa hình gần sông, suối để thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp. Người Nùng sinh sống thành từng làng bản có trung bình khoảng 10-15 nóc nhà và có những làng bản trên 30 nóc nhà. Người Nùng cư trú ở 186 xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh Cao Bằng và sống hòa thuận, gắn bó với các tộc người khác. Người Nùng ở tỉnh Cao Bằng chủ yếu sống xen kẽ với người Tày nên về văn hóa, phong tục tập quán giữa người Nùng và người Tày có sự giao thoa, chịu ảnh hưởng lẫn nhau.
Kho tàng dân ca truyền thống của người Nùng ở tỉnh Cao Bằng rất đa dạng, phong phú. Các loại hình dân ca của người Nùng luôn tồn tại trong tiềm thức và được lưu giữ ở lớp người trung niên trở lên và các nghệ nhân, nghệ sĩ. Các làn điệu dân ca luôn có mặt trong cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt, trong phong trào văn nghệ quần chúng tại các lễ hội, các cuộc giao lưu hát dân ca giao duyên và trở thành món ăn tinh thần của người dân nơi đây. Những bài dân ca được người Nùng ghi chép và lưu truyền lại như: Lưu Đài - Hán Xuân, Tần Chu - Quyền Vương, Lưu San - Lưu Vương, Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Quảng Tân - Ngọc Lương, Mộc Quế Anh, Thanh Minh miếu cổ (miếu Thanh Minh ở Phúc Sen, Quảng Uyên), Sli slíp sloong bươn (Sli 12 tháng), Sli mẩng pi mấư (Sli mừng năm mới), Sli chúc mẩng (Sli chúc tụng, mừng các tiết trong năm), Sli lẩu (Sli đám cưới), Hát chúc phù khươi, phù noọng (Hát chúc phù rể, phù dâu)...
Những làn điệu dân ca truyền thống của người Nùng được hình thành trong lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt hằng ngày, bao gồm: Lượn Nàng ới, Dá hai, Pựt lằn, Lượn Phủ, Sli Giang, Sli La Hòi, Xà xá, Hèo phưn, Hát ru, Đồng dao, Lượn Slam khót, Này sli…
Lượn Nàng ới: Là thể loại có lối hát theo trình tự nhất định và số lượng câu hát tùy thuộc vào tình huống, hoàn cảnh khác nhau như trên đường đi chợ, lên rừng, đi lễ hội... Những câu hát trong Lượn Nàng ới có độ dài, ngắn khác nhau với lời ca bóng bẩy, mượt mà chứa đựng nhiều hình ảnh trong sáng cuốn hút người nghe.
Dá hai: Là loại hình nghệ thuật diễn xướng tuồng truyền thống trên sân khấu của người Nùng ở các huyện miền núi biên giới phía Bắc. Dá hai bao gồm 6 làn điệu chủ yếu biểu đạt nhiều nội dung, chủ đề khác nhau trong đời sống xã hội như: Phìn tiảo, Thán tiảo, Sai vá, Hý tiảo, Thiều tiảo, Sấu pán. Dá hai thường diễn xướng các tích truyện cổ như: Phạm Tải - Ngọc Hoa, Hoa Mộc Lan tòng quân, Hoa phù dung, Tống Trân - Cúc Hoa, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài... Dá hai thường được hát hòa cùng các nhạc cụ như: nhị bố giọng trầm ấm áp, nhị mẹ giọng thanh cao, chũm chọe, sáo trúc, trống bỏi gõ nhịp hòa tấu.
Pựt lằn: Là làn điệu có nhịp điệu nhanh được lưu truyền trong dân gian theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Nội dung những làn điệu Pựt lằn phản ánh đời sống tinh thần và các lĩnh vực trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của con người.
Lượn Phủ (Hà lều): Là hình thức hát giao duyên của các đôi nam nữ, mỗi bên bao gồm hai người và ứng tác tại chỗ. Lượn Phủ thường được hát tại chợ phiên, trong lễ hội hoặc đi đường gặp bạn bè khác giới... Lượn Phủ có hai thể gồm: thể thông thường là 14 chữ hai câu và thể thứ hai là lượn tặc, lượn lặn có láy đi láy lại bốn câu với nội dung phản ánh cuộc sống sinh hoạt của người Nùng.
Sli Giang (Vàng dà): Là làn điệu hát đối đáp giao duyên giữa hai bên nam, nữ của người Nùng Giang sinh sống chủ yếu ở các huyện Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hà Quảng. Sli Giang có cấu trúc thơ thất ngôn tứ tuyệt với cách gieo vần, niêm luật không quá chặt chẽ. Nội dung của những làn điệu Sli Giang là ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, cuộc sống mới tươi đẹp ấm no, hạnh phúc và được diễn ra ở nhiều nơi, tại chợ phiên, lễ hội xuân, gặp nhau trong lao động sản xuất, mừng nhà mới....
Sli La Hòi: Là những làn điệu hát giao duyên của thanh niên nam nữ người Nùng La Hòi cư trú chủ yếu ở Phục Hòa. Nội dung và không gian thể hiện của những làn điệu Sli La Hòi cũng giống như những làn điệu của Sli Giang, nhưng khác nhau ở cách gieo vần từ ngữ và thể thức hát là hát đơn đối đáp.
Xà xá: Là điệu hát đậm chất dân gian, trữ tình của người Nùng Giang. Xà xá có thể hát đơn, hát đôi, hát tốp ca hoặc đồng ca. Vào mùa xuân, trai gái trong bản làng rủ nhau đi chơi, cầu may lấy lộc và trước lúc khởi hành thì dâng rượu, dâng trà, hát tụng trước Thổ công (Thành hoàng) để cầu mong được phù hộ. Xà xá thường hát hai câu một theo thể thất ngôn nhị cú và sau mỗi câu hát sẽ khua một hồi trống chiêng náo nhiệt. Người hát có thể ứng tác tại chỗ và với giai điệu bay bổng trữ tình.
Hèo phưn: Là làn điệu dân ca hát đôi truyền thống của người Nùng An với một giọng cao luôn chủ động dẫn đường về tiết tấu, cao độ, trường độ, đúng nhịp, luyến láy và giọng thấp hòa theo nâng đỡ như trợ sức vươn cho giọng cao. Hèo phưn có khổ thơ theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, lời Hèo phưn theo thể cổ phong với ý tứ sâu lắng, đằm thắm biểu đạt tấm lòng thủy chung son sắt, tình nghĩa sâu xa mặn nồng, mến khách của người Nùng An Phúc Sen. Hèo phưn thường được hát trong các lễ hội, đám cưới, hội chợ, chúc thọ, hát giao duyên, mừng nhà mới, cầu mùa…
Hát ru: Là những bài hát để ru ngủ cho trẻ em và thường mở đầu có câu ứ nọng nòn, lời theo thể thơ 5 chữ, trong đó, chữ thứ 5 câu trên vần với chữ thứ 2 hoặc chữ thứ 3 của câu tiếp theo và giai điệu hát ru mượt mà, êm ái. Nội dung của các bài hát miêu tả cuộc sống lao động nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và được thể hiện qua những hình ảnh ngộ nghĩnh như con khỉ nhổ mạ, con ngựa cấy lúa, mẹ gà tha mồi, mẹ đi ruộng lấy cá... Tại một số huyện, người Nùng có nghề truyền thống thì có những bài hát ru với nội dung phản ánh về nghề truyền thống của làng bản như: người Nùng An có các bài hát ru về nghề rèn và công việc làng nghề rèn...
Đồng dao: Là những bài ca dao dành cho trẻ thơ với lời thơ dí dỏm, đáng yêu thường được trẻ em yêu thích. Những bài đồng dao thường được sáng tác theo thể thơ bốn chữ hoặc năm chữ và có đoạn chỉ ba chữ, câu sau vần với câu trước. Nội dung các bài đồng dao chứa đựng nhiều nội dung phản ánh cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như: lao động sản xuất, về các loài vật, nghề truyền thống như rèn, đúc, đan lát…
Lượn Slam khót: Là những làn điệu hát giao duyên của người Nùng Khen lài. Trong hát giao duyên, người Nùng Khen lài thường sử dụng Tài sli dùng để hát ban đêm và Lượn Slam khót để hát ban ngày. Lượn Slam khót có cấu tứ và giai điệu riêng biệt. Mỗi cuộc hát giao duyên thường gồm ba chặng: Mở đầu là mời nhau hát để chúc mừng, chào hỏi, làm quen gồm: Sli xỉnh, Sli tóp, Lượn xỉnh. Tiếp theo là phần hát dài hơi nhất gồm: Sli kến, Lượn kến, Sli tổ, Sli tích (Sli kết, Lượn kết, Sli đố, Sli các tích chuyện xưa). Cuối cùng là hát từ giã, nhắn nhủ hẹn gặp lại gồm: Sli piảc, Lượn Piảc (Sli chia tay, Lượn giã bạn).
Này sli: Là làn điệu dân ca của dân tộc Nùng Cháo phản ánh nhiều chủ đề trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Nùng. Làn điệu Này sli theo thể thơ thất ngôn trường thiên, giai điệu êm ái, nhẹ nhàng còn là làn điệu hát giao duyên trong các lễ hội mùa xuân, hội chợ để bộc bạch tâm tư tình cảm.
Những làn điệu dân ca của người Nùng là phương tiện giao tiếp, lời tâm sự thể hiện tình cảm của con người được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua thời gian, những làn điệu dân ca truyền thống được các thế hệ người Nùng tiếp tục duy trì và hoàn thiện hơn.
2. Phát huy giá trị dân ca của người Nùng trong phát triển du lịch bền vững tỉnh Cao Bằng
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Cao Bằng đã có bước phát triển khá mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu đưa Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển, đồng thời xác định rất rõ phải huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế để bứt phá vươn lên. Trong đó, một trong những nhiệm vụ đột phá là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Từ đó, Ban Chỉ đạo thực hiện các nội dung đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/BCĐ thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2022-2025. Đây là cơ sở để các cấp ủy đảng, sở, ban ngành trong tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện các nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững như: Kế hoạch số 651/KH-UBND ngày 22-3-2022 của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động phục hồi và mở cửa du lịch tỉnh Cao Bằng trong điều kiện bình thường mới; Kế hoạch số 981/KH-UBND ngày 27-4-2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội lĩnh vực du lịch trong tình hình mới; Kế hoạch số 503/KH-UBND ngày 8-3-2022 của UBND tỉnh về công tác xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng năm 2022; Kế hoạch số 1792/KH-TBDLDV ngày 11-7-2022 về thực hiện các nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững năm 2022; Kế hoạch số 616/SNg V-QLBG ngày 5-5-2022 của Sở Ngoại vụ về việc triển khai thực hiện nội dung đột phá phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2022-2025; Thông báo số 145/TB-SVHTTDL ngày 31-8-2022 của Sở VHTTDL về phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2022-2025; Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2022-2025... Qua đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người gắn với phát triển du lịch đã đạt được nhiều kết quả: Trong năm 2022, tổ chức thành lập đội văn nghệ Dá hai Thông Huề và tổ chức truyền dạy dân ca Dá hai cho 30 người; Tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch như: Hội thảo khoa học Phát huy giá trị văn hóa và nguồn lực các tộc người gắn với phát triển du lịch, phát triển con người ở vùng miền núi phía Bắc; Thành lập các đội văn nghệ quần chúng và các câu lạc bộ hát dân ca, dân vũ tại các xã, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố... Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nói chung và giá trị dân ca, dân vũ của người Nùng nói riêng gắn với phát triển du lịch của tỉnh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thu nhập cho người dân địa phương, nâng cao sự hiểu biết của du khách về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của các tộc người sinh sống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Trong năm 2022, tổng thu du lịch tỉnh Cao Bằng ước đạt 550 tỷ đồng, tăng 650% so với cùng kỳ. Tổng lượng khách ước đạt 1,04 triệu lượt, tăng 150% so với cùng kỳ, trong đó: khách du lịch quốc tế ước đạt 14 nghìn lượt, tăng 930% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa ước đạt 1,02 triệu người, tăng 148% so với cùng kỳ (2). Tuy nhiên, trong thời gian qua, mặc dù tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị dân ca của người Nùng, nhưng nhiều làn điệu dân ca cổ và các tích cổ trong các loại hình dân ca đã bị mai một và khó sưu tầm, phạm vi hoạt động diễn xướng bị thu hẹp, những nghệ nhân biết sử dụng nhạc cụ truyền thống và hát dân ca cổ ngày một ít... Bên cạnh đó, công tác truyền dạy dân ca truyền thống cho thế hệ trẻ cũng gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho phát huy giá trị dân ca của người Nùng gắn với các hoạt động dịch vụ du lịch còn khiêm tốn, chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng (3) và chưa tạo động lực cho phát triển du lịch nhanh, bền vững. Để bảo tồn, phát huy giá trị dân ca của người Nùng gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Cụ thể:
Một là, tiếp tục tuyên truyền giáo dục sâu rộng nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và người Nùng nói riêng về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị dân ca truyền thống trong phát triển kinh tế, xã hội nói chung và phát triển du lịch bền vững tỉnh Cao Bằng nói riêng. Từ đó, tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong toàn xã hội và trở thành ý thức, nền nếp thường xuyên của cộng đồng, sự tự giác hành động của mỗi người Nùng trong việc thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca của dân tộc trong đời sống xã hội và trong phát triển du lịch địa phương.
Hai là, tiếp tục kiểm kê, sưu tầm, đánh giá thực trạng và phân loại các loại hình dân ca của người Nùng với hai thành tố quan trọng cấu thành là lời ca và âm nhạc trong từng làn điệu dân ca truyền thống của từng nhóm người Nùng. Ứng dụng khoa học và công nghệ trong nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình dân ca có nguy cơ mai một. Số hóa dữ liệu dân ca và khai thác, phát huy tài nguyên số dữ liệu dân ca của người Nùng trên các nền tảng không gian mạng qua: Facebook, Zalo, YouTube… Đồng thời, củng cố và thành lập mới các đội văn nghệ quần chúng tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch để quảng bá, giới thiệu tới du khách khi tham quan, trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ du lịch tại địa phương. Lựa chọn phục dựng không gian văn hóa dân tộc Nùng tại điểm du lịch cộng đồng và trong các dịp Tết, lễ hội truyền thống nhằm giao lưu, trình diễn, tạo môi trường thực hành và trao truyền các loại hình di sản văn hóa, các loại hình dân ca… tạo ra các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách thông qua các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa...
Ba là, nghiên cứu xây dựng chương trình và tài liệu giảng dạy dân ca truyền thống của người Nùng trong nhà trường cho học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với học sinh người dân tộc Nùng. Đồng thời, tiếp tục vận động các nghệ nhân, nghệ sĩ và những người hiểu biết sâu rộng về dân ca dân tộc Nùng mở lớp truyền dạy dân ca cho các thế hệ trên từng địa bàn trong tỉnh. Khuyến khích việc truyền dạy dân ca truyền thống tại các nhóm người Nùng cư trú ở các xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mô hình câu lạc bộ hát dân ca truyền thống hoạt động thường xuyên, hiệu quả phục vụ phát triển du lịch tại các điểm du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, xây dựng chương trình tập huấn du lịch và dịch vụ du lịch gắn với dân ca truyền thống như bồi dưỡng cho đội ngũ hướng dẫn viên người dân tộc Nùng những bài hát, làn điệu dân ca truyền thống…
Bốn là, thường xuyên quảng bá những làn điệu và bài hát dân ca đặc sắc của người Nùng trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát thanh truyền hình địa phương và truyền hình Trung ương, mạng xã hội... gắn với phát triển du lịch để không ngừng nâng cao sự hiểu biết dân ca của người Nùng cho công chúng, góp phần thu hút khách du lịch, khám phá và trải nghiệm các giá trị văn hóa của các tộc người ở tỉnh Cao Bằng. Đồng thời, tăng cường xúc tiến phát triển du lịch thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt dân ca giữa các dân tộc, các vùng miền nhân ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giao lưu văn hóa với các địa phương trong nước và khu vực.
Năm là, xây dựng các hành trình kết nối di sản dân ca của người Nùng gắn với phát triển du lịch địa phương. Kết nối với các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch trong hoạt động xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Xây dựng các chương trình du lịch gắn kết với loại hình nghệ thuật dân ca truyền thống của người Nùng. Kết nối với các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch trong hoạt động xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù với các tour, tuyến ở các khu vực có tiềm năng về biểu diễn dân ca của người Nùng.
Sáu là, ban hành chính sách ưu tiên và tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác sưu tầm nghiên cứu, lưu giữ và in ấn ban hành tác phẩm, truyền dạy dân ca của người Nùng; chính sách đãi ngộ và tôn vinh đối với nghệ nhân dân ca và nghệ nhân có công trong truyền dạy dân ca; chính sách đối với các đội văn nghệ quần chúng và các câu lạc bộ hát dân ca; hỗ trợ kinh phí tổ chức phục dựng, trình diễn, truyền dạy, tái tạo, phổ biến giá trị dân ca dân tộc Nùng trong gia đình, cộng đồng, nhà trường và các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (4).
_______________
1. Một số nét về đời sống văn hóa của người Nùng ở tỉnh Cao Bằng, dantocmiennui.vn, 8-11-2018.
2, 3. Tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, Báo cáo số 3494/BC-TBDLDV ngày 30-12-2022 về kết quả thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững năm 2022.
4. Nghiên cứu này được thực hiện từ nguồn kinh phí của đề tài khoa học cấp tỉnh của tỉnh Cao Bằng năm 2022 “Nghiên cứu ứng dụng tri thức bản địa về sinh hoạt văn hóa - xã hội của dân tộc Tày, Nùng trong phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng”.
PGS, TS LÊ THỊ BÍCH THỦY - Ths TÔ PHƯƠNG CHI - Ths NÔNG THỊ HỒNG HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023