Bên dòng Bến Hải

Đến với miền Trung biển xanh cát trắng, đi dần về phía Bắc, dừng chân thăm Quảng Trị, mảnh đất năm xưa là bãi chiến trường ác liệt, bạn hãy ghé tham quan cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải, cây cầu này, xưa kia có lúc là giới tuyến tạm chia đôi hai miền Nam- Bắc Việt Nam theo Hiệp định Giơ-ne-vơ (20.7.1954). Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

 

Ghé vào Bảo tàng di tích lịch sử cầu Hiền Lương, đầu tiên khách sẽ được nghe thuyết minh đôi nét về lịch sử hình thành nên cầu Hiền Lương cũng như  những câu chuyện kể về sự kiện “chọi cờ”, “đấu loa” của hai bên- bờ Nam (chế độ Sài Gòn) với bờ Bắc (chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa).

Vào thu. Bầu trời vĩ tuyến 17 xanh trong, lãng đãng vài áng mây trắng đùn lên phía chân trời. Sông Bến Hải bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ chảy về xuôi, đôi bờ biêng biếc, quanh co, uốn khúc đổ ra biển Đông. Hai bên bờ sông loáng thoáng những  xóm làng thanh bình, yên ả, như chưa  từng bao giờ biết đến chiến tranh! Nhưng, ngày ấy, cách đây hơn nửa thế kỷ (1954-2013), nơi đây là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, với những trận “chọi cờ” “đấu loa” không khoan nhượng!         

Chúng tôi bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên lên thanh ván cầu số 1, chữ số kẻ sơn đỏ. Cầu Hiền Lương được xây dựng đầu tiên vào năm 1928.  Hồi ấy, cầu được làm bằng gỗ, đóng cọc sắt, rộng 2m, chỉ đủ cho người đi bộ. Năm 1931,  cầu  được  sửa chữa lại rộng hơn, nhưng xe cộ muốn qua sông thì vẫn phải đi bằng phà. Năm 1943 cầu được nâng cấp, lúc này xe loại nhỏ có thể qua lại được. Năm 1950,  Pháp đã cho xây cầu Hiền Lương bằng bê tông cốt thép, dài 162m, rộng 3,6m, trọng tải 10 tấn. Hai năm sau, cầu bị Việt Minh  đánh sập. Tháng 5. 1952 thực dân Pháp làm lại chiếc cầu mới có 7 nhịp, dài 178m, trụ bằng bê tông cốt thép, dầm bằng thép, mặt lát  gỗ thông, rộng 4m, hai bên có thành chắn cao 1,2m, trọng tải cầu là 18 tấn. Cầu chia làm hai phần, mỗi bên dài 89m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm. Đến 1967 cầu Hiền Lương bị máy bay Mỹ đánh sập. Năm 2001, cầu Hiền Lương - được phục chế lại nguyên bản theo thiết kế của chiếc cầu cũ (1952). Cầu Hiền Lương phục chế dài 182,97m gồm 7 nhịp, mặt lát gỗ lim có đánh số thứ tự từng tấm ván. Những câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ được cán bộ khu di tích kể lại làm chúng tôi thêm khâm phục, hào hứng:

…Lúc đầu, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có một hệ thống loa với 5 cụm với chiều dài 1.500m ở bờ Bắc, mỗi cụm gồm 24 loa có công suất 25W. Song hệ thống loa này không thể át được các loa do Tây Đức, Úc cung cấp cho chính quyền Sài Gòn do đó Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  tăng thêm 8 loa có công suất 50W và 1 loa có công suất 250W của Liên Xô. Ngược lại, phía miền Nam được Mỹ viện trợ cho những loại loa hiện đại, âm thanh vang xa hàng chục cây số. Không chịu thua, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lắp đặt chiếc loa có công suất 500W với đường kính rộng đến 1,7m  tại đầu cầu Hiền Lương. Khi thuận gió, tiếng loa có thể truyền xa hơn 10km. Các chương trình phát thanh  tuyên truyền, đặc biệt là văn nghệ rất được bà con hai bên bờ sông Bến Hải ưa thích. Có một số bài thơ, ca cổ do các nghệ sĩ nổi tiếng của miền Bắc được nhiều binh sĩ địch “thuộc lòng”! Treo cờ là chuyện bình thường, song cũng là cả câu chuyện đã từng xảy ra ở hai đầu cầu Hiền Lương vào những năm 50 kéo dài đến những năm 60 của của thế kỷ  trước. Một trụ cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m  được Tổng thống miền Nam Ngô Đình Diệm cho dựng ở bờ Nam. Trên đỉnh treo một lá cờ vàng ba sọc đỏ lớn, có hệ thống đèn nhiều màu. Tháng 7 – 1957, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam đã gia công một cột cờ bằng thép ống cao 34,5m chuyển vào giới tuyến. Trên đỉnh cột cờ gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2m, 5 đỉnh ngôi sao gắn một chùm bóng điện loại 500W, lá cờ rộng 108m2. Chính quyền miền Nam bị “dội” trước sự kiện bất ngờ này nên gấp rút đôn cột cờ của họ lên 35m và lên giọng: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn chọi cờ nhưng chọi sao nổi với Quốc gia”. Năm 1962,  phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dựng một cột cờ cao 38,6m với lá cờ đại 134m2, nặng 15kg, Cột cờ này được xem là cột cờ cao nhất ở vĩ tuyến 17.  Màu sắc của cầu Hiền Lương cũng là câu chuyện đáng nói. Kẻ địch sơn nửa khúc cầu bên kia màu gì thì ta sơn theo màu ấy! (ý nghĩa thống nhất Bắc Nam). Có nhiều khi bên Nam trở màu xanh thì bên bờ  Bắc hôm sau cũng xanh, nếu màu xám thì bên Bắc cũng xám!

 

Ngày 2-8-1967, địch tập trung nhiều đợt máy bay dội bom liên tục suốt ngày đêm. Cột cờ bờ Bắc trúng bom bị gãy và cầu Hiền Lương bị đánh sập. Tối hôm ấy, loa của bờ Nam huênh hoang: “Cột cờ của Bắc Việt trên đầu cầu Hiền Lương đã bị không lực Hoa Kỳ đánh tan thành tro bụi”. Nhưng ngay đêm hôm đó, một cột cờ mới được dựng lên. Sáng hôm sau, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện tung bay trong gió. Tiếp sau đó, quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ôm bộc phá sang đánh gãy cột cờ ở bờ Nam, từ ấy lá cờ của chính quyền Sài Gòn không còn hiện hữu trên bầu trời của sông Bến Hải nữa! Cầu Hiền Lương chỉ có duy nhất lá cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa tung bay phấp phới, uy nghi, hùng tráng  đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng!

Chúng tôi tiếp tục đi trên những mảnh ván cầu lịch sử đến đoạn chia hai giữa cầu (mảnh ván số 450) trong không gian mà ngày xưa các chiến sĩ Công an vũ trang của miền Bắc ngày đêm đối mặt căng thẳng với những người lính “Cảnh sát Quốc Gia” của chế độ  Sài Gòn. Những hình ảnh ấy ngày nay vẫn còn lưu giữ ở Bảo tàng di tích lịch sử cầu Hiền Lương. Trụ cờ  bờ Bắc (phục chế) với lá cờ to lớn, phấp phới tung bay gợi cho ta một thời hào hùng, oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước! Phía bờ Nam có cái tháp canh chơ vơ, xưa là nơi đặt loa, ngày nay im ắng đứng soi mình lặng lẽ bên sông! Cuối cầu, là con đường đất đỏ dẫn đến khu tượng đài “Khát vọng thống nhất”.

 

Tượng đài “Khát vọng thống nhất” rất gần Quốc lộ 1A (chừng 30m). Nếu đi xe đến gần bờ Nam cầu Hiền Lương, ta cũng rất dễ dàng nhìn thấy. Chúng tôi đi bộ đến khu tượng đài. Trước tượng đài là một cái ao rộng, nước trong vắt có trồng sen, sau lưng là mấy hàng thùy dương rợp mát. Ta sẽ gặp ngay hình tượng người phụ nữ miền Nam và đứa bé gái đứng như ngóng về bờ Bắc trông chồng, trông cha! Phông nền mô tả một cụm sáu cây dừa nước là giống cây đặc trưng của sông nước miền Nam. Bệ tượng đài là dải phù điêu mô tả hành trình 21 năm quân dân hai miền Nam, Bắc chiến đấu chống  kẻ thù xâm lược. Đứng trước tượng đài, hồi tưởng lại quá khứ oai hùng của dân tộc, lòng mọi người ai ấy cũng bồi hồi cảm xúc.           

Cầu Hiền Lương ngày nay đã nối thông đôi bờ vĩ tuyến 17. Khát vọng thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam đã thành hiện thực. Một thời quá khứ hào hùng, oanh liệt như vẫn còn hiển hiện đâu đây, bên dòng sông Bến Hải.

_______________

Tư liệu tham khảo: Bảo tàng di tích lịch sử cầu Hiền Lương (2013)

 

MAI LÝ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022

 

;