Nghề dệt - Nét đẹp văn hóa của người Mường Thanh Hóa

Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống đồng bào dân tộc Mường xứ Thanh. Sử thi và thần thoại dân tộc Mường cho thấy nghề dệt ra đời rất sớm, từ thời kỳ “Đẻ đất, đẻ nước”, thời kỳ của những “Ông Đá Cần, bà Dạ Kịt”. Sau khi tìm ra các “Mường” và tìm được lửa, biết làm nhà ở, người Mường bắt đầu truyền dạy cho con cháu việc dệt vải may quần áo.

 

Người Mường có truyền thống trồng bông, ươm tơ, dệt vải phục vụ nhu cầu gia đình và những bộ quần áo, váy của bà con thường được làm thủ công từ khâu dệt đến lúc nhuộm màu sắc. Những công việc dệt vải và tằm tang ấy đã bao năm cứ đều đặn dù không rộn ràng như các làng ven sông Đáy, sông Hồng “ngàn dâu xanh ngát” song vẫn âm vang nhịp nhàng lặng lẽ trong đời sống người Mường xứ Thanh.

Trong xã hội người Mường cổ truyền, nghề dệt được coi như là một tiêu chuẩn đánh giá về khả năng lao động và vị trí của người phụ nữ. Người phụ nữ nào dệt giỏi không những được đánh giá cao mà còn được người dân trong vùng kính trọng. Chính vì lẽ đó mà ngay từ khi lên 7-8 tuổi các bé gái đã bắt đầu làm quen với những công việc đơn giản như quay sợi, phơi bông, tách hạt, hái dâu, nuôi tằm và được mẹ truyền cho cách dệt các loại vải.

Theo tập quán, trước khi đi lấy chồng, ngoài công việc đồng áng và nội trợ, các cô gái Mường còn lo dệt vải, làm gối, làm chăn, làm đệm. Ngoài việc lo vải mặc cho cả gia đình, các cô còn lo liệu tư trang, vải vóc, quần áo chuẩn bị cho ngày cưới. Mỗi thành viên trong gia đình nhà chồng đều được cô dâu mới biếu chiếc gối. Gia đình nhà chồng có thể đánh giá nàng dâu qua những thứ hồi môn này. Cô dâu nhất thiết phải có áo váy đẹp vắt trên sào nơi gian ngủ của hai vợ chồng trẻ, như một biểu tượng về sự cần cù chịu khó của người phụ nữ. Chiếc gối biếu bố, mẹ chồng khéo hay vụng là kết quả rèn luyện từ đôi bàn tay của người con gái. Do đó, xu hướng vươn lên để hoàn thiện, giỏi giang trong công việc tằm tang, khung cửi là ý thức trách nhiệm giáo dục các bà, các mẹ đối với con gái mình.

Người Mường, cư trú lâu đời trên đất Thanh có những biểu trưng riêng thể hiện trên trang phục. Các đường răng cưa tượng trưng cho những dãy núi trùng điệp, nương rẫy, gò đồi, trong khi đó các hình sóng nước tượng trưng cho những dòng sông, con suối... toàn hình ảnh gần gũi, gắn liền với cuộc sống đời thường của cư dân nông nghiệp. Các họa tiết hoa văn trang trí trên cạp váy còn in đậm dấu ấn của văn hóa Đông Sơn với họa tiết hình học và động vật. Cạp váy của phụ nữ Mường được dệt bằng sợi tơ tằm trang trí hoa văn độc đáo như hình: Con rồng, con hươu, hình quả trám, kẻ ô vuông, kẻ luống... Nhận xét về sự tài hoa, khéo léo của phụ nữ Mường, PGS Nguyễn Từ Chi trầm trồ thán phục: “Họ không khắc lên gỗ, lên đá, lên đồ gốm, lên kim loại, không tạc tượng gỗ, tượng đá, không nặn tượng đất, không đúc tượng đồng, mà họ dệt cái quan niệm thẩm mỹ của mình lên cạp váy phụ nữ! Cạp váy ở đây, là như tượng như tranh!”. Những hoa văn dệt trên cạp váy chẳng những phản ánh tay nghề kỹ xảo tài hoa của người Mường, mà còn phản ánh khả năng nhận thức về xã hội và tự nhiên, làm phong phú, sinh động thêm cuộc sống của đồng bào, nó góp phần vào kho tàng truyền thống dệt và nghệ thuật dệt trang trí của nền văn hóa dân tộc.

Kỹ thuật dệt của người Mường từ bao đời nay cũng như cách trang trí họa tiết, hoa văn được tiếp nối theo hình thức mẹ truyền cho con gái. Chính vì vậy, mẫu hoa văn trên trang phục cũng như đồ sinh hoạt của dân tộc Mường khá đa dạng và thể hiện những nét riêng nhất định của mỗi cá nhân, mỗi xứ Mường, bên cạnh mô típ truyền thống chung của dân tộc. Các bộ trang phục của người Mường chứa đựng trong đó rất nhiều nét độc đáo, thể hiện tâm hồn, là những giá trị đích thực của bản sắc dân tộc. Để có được một tấm vải tơ tằm đẹp, người Mường cần phải thực hiện nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng chi tiết từ kéo kén cho đến lên khung cửi dệt vải. Công đoạn kéo kén là khi tằm vàng óng (tằm chín), dùng nồi đồng (nồi ba) cho kén vào rồi đổ nước vừa phải, bắc lên bếp củi giữ cho lửa cháy đều, nước trong nồi sôi nhẹ. Trong nồi có một cái cuồng quay để kéo ra thành những sợi tơ. Sợi tơ kéo ra từ nồi kén được đưa vào một cái mẹt hoặc cái nia, tơ được xếp từng lớp; sau mỗi lớp, người ta lại có lớp hạt quả trám, hoặc hạt quả bùi rải đều một lớp; tiếp đến là lớp sợi tơ - làm như vậy để cho sợi tơ không bị rối. Cứ như thế kéo đầy mẹt này thì thay mẹt khác cho đến khi kéo hết kén. Kéo guồng chẳng: Giống như làm vải sợi bông, đây là bước để chia cho các tay chỉ đều nhau và làm cho sợi chỉ không bị rối trước khi ngâm vải để kéo thành từng ống chỉ nhỏ. Ngâm chao vải - nhuộm màu: Đây là công đoạn chỉ tơ tằm được ngâm với rễ đu đủ cho sợi tơ mềm mại hơn. Sau khi ngâm cháo vải, người ta cũng chia thành hai loại chỉ, một loại dệt thành vải tấm, một loại nhuộm màu để dệt thổ cẩm để làm chăn, ga, gối, đệm, làm váy hay làm túi đeo, đặc biệt là cạp váy. Từ sợi tơ này, người ta có thể dệt những họa tiết hoa văn cách điệu có tính nghệ thuật độc đáo của người Mường. Nhà ống: Cũng giống như quy trình sản xuất vải bông sợi, tùy từng sở thích và điều kiện của mỗi người, có thể mắc cửi trước hoặc đánh ống khót (ống chỉ để đưa vào thoi dệt). Mắc vải (Mắc cửi) - Đan co (lấy hoa văn): Các bước để mắc cửi, đan co (Tan co, sỏ khổ, vởt lố) cần người có kinh nghiệm và thật khéo léo mới làm được. Đặc biệt là hoa văn thổ cẩm phải có người tài giỏi để gài hoa (lấy mẫu hoa văn) theo mục đích sử dụng. Lên khung cửi - dệt thổ cẩm - dệt vải: Cũng như phần dệt vải, dệt thổ cẩm của vải bông. Một điều lưu ý đó là nhận biết khung cửi của khung dệt thổ cẩm khác với dệt vải tấm (kể cả vải bông hay vải lụa tơ tằm). Khung cửi dệt vải tấm có con ác và thoi thường là dài hơn, chỉ thì chỉ một loại, còn khung cửi dệt thổ cẩm thì không có con ác mà ngược lại nhiều co, nhiều chỉ, nhiều màu hơn và quá trình dệt các hình hoa văn không bị lỗi.

Nghề dệt thổ cẩm là một nét văn hóa đặc trưng của người Mường Thanh Hóa. Sắc màu của cuộc sống, không gian của núi rừng được đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Mường khắc họa trên từng đường nét hoa văn thổ cẩm. Có lẽ các dịp lễ, Tết là thời gian đẹp nhất để thổ cẩm khoe sắc. Với tình yêu nghề và tâm huyết bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc, những nghệ nhân, những người phụ nữ ngày đêm miệt mài bên khung cửi để làm ra sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc, lấp lánh tình yêu quê hương, đất nước.

LÊ HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 504, tháng 7-2022

 

 

;