Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 8 dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời, gồm Tày (chiếm trên 50% trên tổng số dân tộc ở Cao Bằng), Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Hoa, Kinh. Sự hiện diện của các dân tộc đã ẩn chứa tính đa dạng về văn hóa trên mảnh đất này.

Tỉnh Cao Bằng được thành lập năm 1499, đến nay đã tròn 525 năm. Vùng đất này là cao nguyên đá vôi, núi non trùng điệp, rừng núi chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh. Từ đó hình thành nên ba vùng rõ rệt: miền Đông có nhiều núi đá, miền Tây núi đất xen núi đá, miền Tây Nam phần lớn là núi đất có nhiều rừng rậm. Đây còn là vùng đất sinh sống của nhiều tộc người, do đó văn hóa cũng rất đa sắc.

Với môi trường tự nhiên ấy, con người các dân tộc ở đây tuy thuộc các tộc người khác nhau, có tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán riêng, nhưng có hàng ngàn năm cùng chung sống, các tộc người ở đây đã diễn ra quá trình giao lưu văn hóa sống động, từ đó càng làm tăng lên kho tàng vốn văn hóa chung.

Bà Tô Thị Trang - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng cho biết Sở VHTTDL Cao Bằng đã ban hành kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các đề án, dự án liên quan đến bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc- Ảnh: Tuấn Minh

Vì vậy, khi xem xét để đưa ra các kế hoạch, đề án, dự án về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng ngoài phân biệt nhận diện ở khía cạnh văn hóa khu vực, còn nhận diện ở khía cạnh văn hóa tộc người. Trong đó, cần quan tâm đến khía cạnh văn hóa tộc người (bao gồm văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần) đóng vai trò quan trọng để tạo nên sự đa dạng văn hóa của mỗi dân tộc sống trên mảnh đất Cao Bằng, đồng thời là tài nguyên để khai thác phát triển du lịch.

Căn cứ từ tình hình thực tế của từng tộc người sinh sống trên địa bàn, trong những năm gần đây tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm, đầu tư đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Sở VHTTDL đã ban hành kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các đề án, dự án liên quan đến bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, như: Khai trương điểm du lịch nhà sàn cổ 9 gian tại xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An); Tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy nghề nhuộm chàm, nghề đan lát của dân tộc Tày tại xóm Bản Giuồng, xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa (với 60 học viên); Nghiên cứu, khôi phục trang phục truyền thống; Khôi phục nghề thủ công truyền thống của người Nùng An, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa (với 75 học viên); nghề ép mía đường truyền thống của dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn huyện Quảng Hòa.

Bên cạnh đó, xây dựng mô hình bảo tồn làng nghề làm ngói thủ công truyền thống xóm Lũng Rì, xã Tự Do, huyện Quảng Hòa gắn với phát triển du lịch; Khảo sát xây dựng mô hình bảo tồn nghề rèn Phúc Sen, Quảng Hòa gắn với phát triển du lịch; Tham gia chương trình hoạt động “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội); Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024; Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn, năm 2024.

Tỉnh cũng tổ chức thành công chương trình ra mắt 7 câu lạc bộ hát then, đàn tính, hát dân ca tại các địa phương (xóm Nà Tậu, xã Lê Lợi, huyện Thạch An; xóm Hồng Định II, xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hòa; xóm Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An; tổ dân phố 4, Thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa; xóm Đoàn Kết, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình; tổ dân phố 4, thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc; xóm Bản Nùng, xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình); Biên soạn cuốn sách Sắc màu lễ hội truyền thống Cao Bằng; Mở lớp truyền dạy bí quyết thực hành di sản lễ hội Nàng Hai tại huyện Quảng Hòa; Biên soạn, xây dựng ấn phẩm Giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa; Giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể nghi lễ then của người Tày Cao Bằng…

Bà Tô Thị Trang - Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng cho biết: Xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vì vậy trong những năm qua, Sở VHTTDL Cao Bằng đã ban hành kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các đề án, dự án liên quan đến bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Các kế hoạch, đề án, dự án được đầu tư, triển khai đã phát huy tích cực trong việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số ở Cao Bằng. Như vậy, có thể thấy trong quá trình triển khai bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Cao Bằng, bên cạnh những chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền tỉnh Cao Bằng, thì chính đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây đóng vai trò trụ cột, bởi họ là những người sáng tạo, thụ hưởng, gìn giữ các giá trị di sản văn hóa. Từ đó đóng góp tích cực vào công cuộc gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

TUỆ SAM

;