Độc đáo nghề thêu truyền thống của đồng bào Dao tỉnh Bắc Giang

Nghề thêu thổ cẩm của đồng bào dân tộc Dao tỉnh Bắc Giang đã có từ lâu đời, chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của họ. Hiện nay, nhiều phụ nữ Dao vẫn giữ nếp tự may, thêu quần áo cho bản thân và những người trong gia đình. Họ là những người đang tiếp tục bảo tồn, phát huy nghề truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Quảng Trị năm 2024, bà Triệu Thị Bình là dân tộc Dao Thanh Phán sống tại thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã giới thiệu với du khách nghề truyền thống đặc sắc này. Chia sẻ về nghề thêu thổ cẩm, bà Triệu Thị Bình cho biết, đối với phụ nữ Dao, từ khi lên 8 hoặc 9 tuổi đã được mẹ, hoặc bà dạy học nghề, bắt đầu từ đơn giản đến các mũi thêu khó hơn. Mỗi cô gái Dao học thêu để tự trang bị cho mình bộ váy áo, khăn đội đầu thật là rực rỡ để mặc vào ngày cưới, các dịp lễ, Tết. Trong đó, một bộ trang phục nữ đầy đủ của người Dao gồm: quần, áo, khăn, mũ, xà cạp, yếm thông.

Bà Triệu Thị Bình (bên phải) trình diễn nghề thêu truyền thống của dân tộc Dao Thanh phán, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang

Các họa tiết trên sản phẩm thêu của người Dao thường được phối các màu sắc sặc sỡ, với những hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng trên quần. Những hoa văn thêu thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Dao Thanh Phán mang ý nghĩa sâu sắc, gắn liền với đời sống, tín ngưỡng, sản xuất nông nghiệp, ước mong cuộc sống có được mọi điều viên mãn, như: con đường, con chim, hoa 8 cánh, mặt trời, lá cây…

Đối với trang phục thường ngày, các họa tiết thêu không quá cầu kỳ mà hướng đến sự đơn giản, ít đường thêu. Tuy nhiên, bộ quần áo được mặc trong ngày quan trọng như lễ hội, ngày cưới, được các cô gái Dao đầu tư khá nhiều công sức. “Nghề thêu của đồng bào Dao Thanh phán không quá khó, mà đòi hỏi sự cần cù và tỉ mỉ, chỉ thêu sai một đường kim, là sản phẩm sẽ trở nên xấu, không đều, nên phải tháo ra và làm lại. Để hoàn thành một chiếc áo đi lễ hội phải thêu liên tục trong 2 tháng; khăn cô dâu phải thêu mất 2 tháng; khăn đi hội thêu trong vòng 1 tháng. Để hoàn thiện trang phục đầy đủ của một cô dâu Dao, người thạo nghề cũng phải làm mất 4-5 tháng liên tục” – bà Bình chia sẻ.

Sản phẩm thêu truyền thống của dân tộc Dao thị trấn Tây Yên Tử

Theo bà Triệu Thị Bình, nghề thêu của dân tộc Dao Thanh phán thị trấn Tây Yên Tử vẫn đang được giữ gìn, bảo tồn. “Có một khoảng thời gian, vì giới trẻ tiếp cận với xu hướng hiện đại từ nước ngoài nên bị mai một. Nhưng những năm gần đây, chúng tôi mở các câu lạc bộ truyền dạy, nên nghề thêu thổ cẩm đã duy trì và ngày càng có nhiều các em nhỏ theo học” – bà Bình chia sẻ.

Đối với nghề thủ công truyền thống, mỗi lớp dạy nghề không thể dạy được nhiều em. Cách dạy là truyền nghề, nên một người chỉ có thể dạy khoảng 3 em trong một lớp. Bà Triệu Thị Bình cũng cho biết, bà đã tham gia Câu lạc bộ thêu ren thổ cẩm để dạy nghề cho thế hệ trẻ từ mùa hè năm 2000 và đã dạy được nhiều lớp. Trong mỗi lớp, sẽ phổ biến những kiến thức cơ bản ban đầu như nhận biết đường kim, mũi chỉ, học cách thêu cho thẳng hàng. Sau đấy mới đến học những công đoạn phức tạp như thêu các họa tiết, hoa văn cầu kỳ đòi hỏi kỹ thuật cao. Đồng thời, cũng không thể dạy được hết các loại hoa văn trong mỗi lớp học, mà dạy tùy theo sở thích, mong muốn của mỗi cháu. Vì vậy, nên mỗi kỳ, các cháu sẽ học được 2 đến 3 kiểu hoa văn và dạy từ kỹ thuật dễ như thêu gấu quần, đến khó hơn là thêu áo.

Là người Dao thuộc xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, chị Triệu Thị Hiền cũng giới thiệu với du khách tại Ngày hội bộ trang phục có nhiều đường thêu cầu kỳ, sặc sỡ. Chị Hiền chia sẻ, “trước đây, tôi cũng đã học qua các đường thêu như của bà Triệu Thị Bình dạy. Sau đó, vì yêu thích nghề thêu, tôi đã tìm hiểu thêm trên internet về các họa tiết văn khác và đưa vào sản phẩm. Vì thế, các họa tiết trên trang phục của tôi có màu sắc sặc sỡ hơn”.

Chị Triệu Thị Hiền giới thiệu sản phẩm thêu của mình với du khách

Chị Triệu Thị Hiền cũng cho biết, nghề chính của chị là nghề làm nông, nên khi rảnh rỗi sẽ thêu trang phục cho bản thân và cả gia đình. Theo chị Hiền, phụ nữ người Dao hiện nay vẫn chú trọng nghề thêu, đặc biệt trong lễ cấp sắc thì phải tự tay làm trang phục cho bản thân. Nếu không có thời gian thì phải đặt người thêu, giá thành đầy đủ trang phục cho lễ cấp sắc phải lên đến mấy chục triệu đồng. Vì thế, mỗi phụ nữ Dao đều phải tự thêu, may quần áo, khăn, mũ cho bản thân trong ngày lễ quan trọng này.

Bên cạnh các trang phục truyền thống, phụ nữ Dao ngày nay còn thêu các sản phẩm phục vụ đời sống hiện đại như túi xách, ví, túi đựng điện thoại… Những sản phẩm này không chỉ được bà con sử dụng mà còn được du khách trong nước và quốc tế yêu thích. Với mở lớp truyền dạy nghề thêu truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, còn góp phần xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, qua đó nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập của người dân bản địa.

Bài, ảnh: AN NGỌC

;