Bảo tồn và phát huy giá trị di sản các điểm khảo cổ thời đại đá cũ tại Phú Thiện (Gia Lai)

Từ năm 2019 đến năm 2021, thông qua hoạt động điền dã khảo cổ, hơn 200 hiện vật đá đã được phát hiện tại 26 địa điểm khảo cổ tại khu vực thung lũng huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Bằng phương pháp địa tầng học (quan sát vách taluy) và phương pháp so sánh loại hình học, bước đầu nhận định các điểm khảo cổ tại thung lũng Phú Thiện thuộc thời đại Đá cũ. Trên cơ sở tiếp cận phát triển bền vững, bài viết xác định giá trị di sản của các địa điểm khảo cổ thời đại Đá cũ ở huyện Phú Thiện, từ đó, đề xuất quan điểm và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai.

1. Các phát hiện khảo cổ thời đại Đá cũ tại huyện Phú Thiện

Huyện Phú Thiện nằm ở phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, có địa hình phức tạp, bao gồm cả đồi núi và thung lũng khá rộng lớn. Thung lũng Phú Thiện có độ cao trung bình từ 200-250m so với mặt nước biển; địa hình thung lũng Phú Thiện được cấu tạo bởi các gò đồi thấp có độ cao tương đối trung bình trong khoảng 5-20m xen kẽ các địa hình bằng phẳng, sông suối.

Tháng 4, 5 năm 2019, triển khai thực địa đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước TN17/T06 (do Bảo tàng Thiên nhiên chủ trì) thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, Đoàn công tác của TS La Thế Phúc phối hợp cùng cán bộ chuyên môn Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên đã phát hiện 15 địa điểm có công cụ đá của người tiền sử trên địa bàn xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Các công cụ thu thập rải rác trong bãi cuội trên bề mặt, gồm các loại hình công cụ ghè đẽo chooper, ghè đẽo chooping - tool, mũi nhọn (Picks), ghè đẽo hai mặt (biface), đá có vết ghè, hạch đá, mảnh tước (1). Các hiện vật này có nét tương đồng di vật thời đại Đá cũ An Khê phát hiện tại thị xã An Khê (Gia Lai) từ năm 2014-2019 (2). Niên đại tuyệt đối nhóm di tích Sơ kỳ Đá cũ An Khê được xác định bằng phương pháp Kalium-Argon (40K/38Ar) trên 2 mẫu tektits cho kết quả 806.000 ± 22.000 năm và 782.0000 ± 20.000 năm cách ngày nay (3).

Tháng 3-2020, đoàn khảo sát gồm các nhà khoa học Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga), Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) và cán bộ chuyên môn Sở VHTTDL Gia Lai, UBND huyện Phú Thiện đã tiến hành khảo sát thẩm định tại thực địa ở xã Chư A Thai, phát hiện thêm 3 điểm và thu được nhiều hiện vật thuộc loại hình công cụ ghè chooper, công cụ mũi nhọn (Picks), đá có vết ghè, hạch đá, chất liệu cuội đá quartz, quartzit, silic, opan. Những hiện vật phát hiện năm 2020 tương tự bộ sưu tập hiện vật đá tại Phú Thiện năm 2019 (4).

Năm 2021, chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở Điều tra các di tích khảo cổ học tiền - sơ sử huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai của Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên phối hợp đoàn khảo sát của TS La Thế Phúc điều tra mở rộng, phát hiện thêm 8 địa điểm khảo cổ tiền sử tại xã Ia Sol và xã Chư A Thai, nâng tổng số địa điểm khảo cổ tại thung lũng Phú Thiện được phát hiện lên 26. Đoàn khảo sát đã thu thập 76 hiện vật khảo cổ thuộc nhiều loại hình: công cụ ghè đẽo chooper, chooping tool, công cụ mũi nhọn, công cụ ghè đẽo toàn bộ một mặt (uniface), công cụ ghè đẽo hai mặt (biface), công cụ mũi nhọn, công cụ mảnh, đá có vết ghè, hạch đá và mảnh tước. Đáng chú ý, một số công cụ ghè đẽo chooper gợi lại hình dáng công cụ hình móng ngựa, công cụ hình múi bưởi thuộc các văn hóa giai đoạn Hậu kỳ Đá mới như văn hóa Sơn Vi. Các hiện vật thuộc loại hình công cụ ghè hai mặt dạng rìu tay (biface - handaxes), công cụ ghè một mặt (uniface) và mũi nhọn tam diện được phát hiện năm 2021 có đặc điểm tương đồng tổ hợp công cụ chooper - chooping - tool/ picks/ bifaces - handaxes đặc trưng của kỹ nghệ Sơ kỳ Đá cũ An Khê (5).

Kết quả các đợt khảo sát cho thấy các điểm khảo cổ thung lũng Phú Thiện phân bố hai bên sườn núi Chư A Thai, thuộc địa phận xã Chư A Thai và xã Ia Sol, trên 2 dạng địa hình:

Địa điểm khảo cổ phân bố trên sườn núi tiếp giáp thung lũng: Tại sườn Đông núi Chư A Thai - nơi tiếp giáp với thung lũng, di vật khảo cổ được phát hiện phân bố rải rác tại các bậc địa hình từ bậc 6 đến bậc 2, tức từ chân núi đến gần đỉnh núi, độ cao tương đối 3-60m. Bề mặt các bậc địa hình tương đối bằng phẳng, lộ cuội sỏi đa khoáng là sản phẩm trầm tích Đệ tứ (không phân chia) trên bề mặt bào mòn của trầm tích Neogen (hệ tầng Sông Ba). Phần cao nhất của núi là lớp phủ đá basalt (dày 10-50m), màu xám xanh - xám đen thuộc hệ tầng Túc Trưng (bN2 - Q1 tt) có tuổi trong khoảng 5,3-0,8 triệu năm, không xuất lộ các loại đá khác.

Di tích trên các gò đồi thấp: Tại thung lũng Phú Thiện lộ ra nhiều bãi cuội đa khoáng có diện tích từ vài trăm mét vuông tới hàng ngàn mét vuông trên các gò đồi thấp với độ cao tương đối khoảng 3-20m. Các bãi cuội này là trầm tích Pleistocene sớm phần giữa - muộn, được thành tạo cách đây khoảng 1,50-0,78 triệu năm, nguồn gốc aluvi (cuội sông cổ) (6). Các gò đồi thấp là tàn dư của các trầm tích aluvi cổ, thềm sông bậc 1 (độ cao tương đối 3-7m) hoặc thềm sông bậc 2 (độ cao tương đối 7-15m) của sông Ba trước đây. Các gò đồi này tuy có độ cao khác nhau, nhưng có cấu tạo tương đồng với phần đỉnh khá bằng phẳng, sườn tương đối thoải.

Quan sát tại các vách taluy một số địa điểm chưa bị xâm phạm như địa điểm Pha Đui (ký hiệu Phú Thiện 8)… có thể nhận thấy, mặt cắt được chia thành 2 phần rõ rệt: phần trên là cuội sạn sỏi đa khoáng có độ mài tròn tốt - trung bình, chiều dày thường 1-3m, thành phần chủ yếu là: thạch anh, đá silic, diorrit thạch anh, gneis, granit porphyr, quartzit, đá sừng, basalt, gỗ silic hóa, opal-chalcedon, thủy tinh núi lửa… kích thước hạt từ vài cm đến 10cm hoặc lớn hơn; phần dưới là cát sạn lẫn sét bột màu xám sáng - trắng xám, độ gắn kết yếu, chiều dày hơn 2m, thành phần cát chủ yếu gồm: thạch anh, felspat, mảnh đá; bột sét chủ yếu là caolinit và có thể có montmorilonit (7).

Các địa điểm khảo cổ Phú Thiện đều phát hiện tại vùng thung lũng thuộc lưu vực sông Ba cổ. Ngược dòng sông Ba cổ, tại khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai đã phát hiện và nghiên cứu cụm di tích Sơ kỳ Đá cũ An Khê và sưu tập hậu kỳ Đá cũ thượng du sông Ba (8). Trên cơ sở so sánh chất liệu, loại hình và phương pháp chế tác bộ sưu tập công cụ đá Phú Thiện với tổ hợp di vật Sơ kỳ Đá cũ An Khê và bộ sưu tập công cụ giai đoạn Hậu kỳ Đá cũ thượng du sông Ba, đoàn khảo sát cho rằng, các địa điểm khảo cổ Phú Thiện thuộc thời đại Đá cũ, cùng thuộc hệ kỹ nghệ An Khê nhưng có nhiều đặc điểm trẻ hơn so với các di tích khảo cổ Sơ kỳ Đá cũ An Khê. Dù có nhiều đặc điểm tương đồng nhưng các địa điểm khảo cổ Phú Thiện có nét cổ hơn so với bộ sưu tập Hậu kỳ Đá cũ thượng du sông Ba. Nhóm địa điểm khảo cổ thời đại Đá cũ Phú Thiện có thể là cầu nối giữa các di tích Sơ kỳ Đá cũ An Khê với bộ sưu tập Hậu kỳ Đá cũ thượng du sông Ba (9). Tuy nhiên, đây là giả thuyết xây dựng trên cơ sở phương pháp so sánh loại hình học, cần kiểm chứng bởi các kết quả phân tích niên đại tuyệt đối trong tương lai.

2. Giá trị nổi bật của bộ sưu tập Phú Thiện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Về giá trị di sản

Về giá trị di sản lịch sử - văn hóa: 26 địa điểm khảo cổ học thời đại Đá cũ tại huyện Phú Thiện cùng 23 di tích khảo cổ Sơ kỳ Đá cũ An Khê và 8 địa điểm khảo cổ Hậu kỳ Đá cũ thượng du sông Ba tạo thành một hệ thống các địa điểm khảo cổ thời đại Đá cũ phân bố rộng tại vùng lưu vực sông Ba cổ, nay là địa bàn các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai. Các hiện vật phát hiện tại Phú Thiện có đặc điểm tương đồng với các hiện vật tại các di tích thời đại Đá cũ đã được nghiên cứu tại thị xã An Khê, huyện K’bang, huyện Đắk Pơ. Sự tương đồng về không gian phân bố và đặc điểm di vật thu thập tại các di tích này chứng minh sự tồn tại một cơ tầng văn hóa của các cộng đồng cư dân cổ xưa thuộc thời đại Đá cũ trên một không gian rộng lớn tại phía Đông tỉnh Gia Lai. Việc phát hiện các tiêu bản công cụ ghè hai mặt dạng rìu tay (biface - handaxes) tại An Khê và Phú Thiện làm thay đổi định đề lâu nay do H.Movius và một số nhà khảo cổ học đề ra về việc đối lập văn hóa giữa phương Đông và phương Tây ngay từ bình minh của lịch sử. Theo đó, họ cho rằng ở phương Tây phổ biến rìu tay, những kỹ nghệ chế tác công cụ đá có hình dáng cân đối, ghè đẽo quy chuẩn, thể hiện sự tiến bộ, năng động của con người; trong khi ở phương Đông tồn tại lâu dài kỹ nghệ cuội ghè đẽo chopper - chopping thô sơ phụ thuộc vào hình dáng tự nhiên của hòn cuội, thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ và hầu như không có đóng góp gì cho nhân loại (10).

Trên thế giới, mỗi di tích khảo cổ học thời đại Đá cũ được phát hiện đều thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp xã hội, đều là di sản văn hóa của nhân loại, là điểm du lịch văn hóa của quốc gia. Các di tích thời đại Đá cũ phía Đông tỉnh Gia Lai có ý nghĩa đặc biệt trong khoa học, giáo dục lịch sử dân tộc, phục vụ công tác tuyên truyền, xây dựng khối đại đoàn kết, khẳng định chủ quyền dân tộc tại vùng cao nguyên phía Tây Tổ quốc, góp phần ổn định an ninh xã hội, quảng bá hình ảnh và phát triển kinh tế địa phương.

Về giá trị di sản địa chất: Các di tích thời đại Đá cũ tại huyện Phú Thiện phân bố tập trung trên các gò đất thấp thuộc thung lũng Phú Thiện và trên các bậc thềm núi Chư A Thai liền đó. Qua khảo sát sơ bộ, tại núi Chư A Thai phản ánh nhiều kiểu di sản địa chất theo Thông tư 50/2017/TT-BTNMT (11): di sản cổ sinh (kiểu A) chứa đựng hóa thạch quần thể thực vật đặc trưng có giá trị định tuổi, chỉ thị cho điều kiện cổ môi trường tại khu vực và là kết quả của một giai đoạn lịch sử địa chất; di sản môi trường (kiểu C) là điểm lộ địa chất chứa dấu tích rõ ràng, đặc trưng về môi trường thành tạo đá trong lịch sử địa chất khu vực, cụ thể là rừng cây nhiệt đới cổ, đầm hồ lục địa giàu SiO2 và hoạt động núi lửa; di sản địa tầng (kiểu E) với tập hợp điểm lộ ranh giới basalt N2 - Q1 với trầm tích N1sb trong khu vực... Các kiểu di sản địa chất tại khu vực núi Chư A Thai cần tiếp tục tiến hành nghiên cứu, bổ sung và hệ thống trong tương lai. Bên cạnh đó, các khu rừng phòng hộ trong khu vực thể hiện tính đa dạng sinh học.

Như vậy, các địa điểm khảo cổ thời đại Đá cũ vùng thung lũng Phú Thiện có tính đa giá trị di sản, bao gồm: giá trị di sản văn hóa - lịch sử, giá trị di sản địa chất, giá trị di sản đa dạng sinh học. Trên phạm vi thế giới, số lượng di sản có đa giá trị di sản không nhiều, luôn được UNESCO cùng các tổ chức khoa học, giáo dục và du lịch đánh giá cao.

Về giá trị phát triển

Với giá trị di sản nổi bật, các địa điểm khảo cổ thời đại Đá cũ phía Đông tỉnh Gia Lai trở thành một tiềm năng lớn, độc đáo và riêng biệt cho các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai vốn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội. Các tài nguyên tự nhiên, nhân văn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai bao gồm:

Hệ thống giao thông kết nối vùng cao nguyên với vùng duyên hải ven biển Nam Trung Bộ, cụ thể là quốc lộ 19 và 25. Đây không chỉ là những tuyến giao thương huyết mạch mà còn là con đường du lịch cao nguyên - biển, kết nối du lịch tỉnh Gia Lai với các tỉnh thành ven biển. Đáng chú ý, vị trí các địa điểm khảo cổ thời đại Đá cũ nằm ven các đường quốc lộ 19 và 25.

Hệ thống thắng cảnh, danh thắng độc đáo, hấp dẫn như: núi Chư A Thai, Hồ Ayun Hạ, cảnh quan thung lũng vùng cao nguyên… Không gian phân bố di tích thời đại Đá cũ trùng khớp với không gian thắng cảnh phía Đông tỉnh Gia Lai.

Khu vực thung lũng Phú Thiện phù hợp với việc phát triển các sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương.

Di sản văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc Tây Nguyên. Đặc biệt, di sản Yang Pơtao Apui (hay còn gọi là “Hỏa Xá”, hoặc “Vua Lửa”) của người Jrai không chỉ giới hạn trong phạm vi một làng, một điểm di tích Plei Ơi, mà còn lan tỏa ra cả các tỉnh liền kề, vượt qua biên giới Tổ quốc khi để lại những dấu ấn nhất định tại Vương quốc Campuchia. Hiện tượng lịch sử Pơtao Apui là “hóa thạch văn hóa”, không chỉ phản ánh một diễn trình lịch sử cổ xưa của người Jrai, mà còn phản ánh một giai đoạn phát triển của các hình thái xã hội trước khi nhà nước ra đời trong lịch sử nhân loại.

3. Đề xuất quan điểm, định hướng và giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản các di tích thời đại Đá cũ khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai

Quan điểm, định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản các di tích

Với giá trị nổi bật, các địa điểm khảo cổ thời đại Đá cũ khu vực cần được bảo tồn và phát triển nhằm phục vụ tạo động lực phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa, phục vụ công tác xây dựng khối đại đoàn kết và ngoại giao quốc phòng.

Về bảo tồn: Bài toán phát triển sinh kế dân sinh và ổn định xã hội không cho phép triển khai quây vùng bảo tồn toàn bộ khu vực di tích. Công tác bảo tồn cần tiến hành có trọng điểm, tại mỗi huyện phía Đông tỉnh Gia Lai, cần lựa chọn một số địa điểm tiêu biểu, còn nguyên vẹn, có giá trị nghiên cứu khoa học, thể hiện tính đa dạng di sản, thuận lợi phát triển kinh tế và thuận tiện cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Về phát triển: Từ thực tiễn thế giới, với cách tiếp cận phát triển và giá trị di sản nổi bật, các địa điểm khảo cổ thời đại Đá cũ các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai có khả năng tích hợp với các tài nguyên sẵn có trên địa bàn tạo thành động lực, hướng đi đột phá trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai. Đó là hướng đi phát triển du lịch sinh thái văn hóa - lịch sử. Trong đó, các di tích khảo cổ Đá cũ gắn liền di sản địa chất, di sản sinh thái, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa Tây Nguyên sẽ là điểm nhấn thu hút du khách trên tuyến du lịch rừng - biển. Du lịch phát triển sẽ đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, các sản phẩm OCOP của địa phương. Khi người dân được hưởng lợi từ du lịch di sản văn hóa, họ sẽ tự động có ý thức bảo tồn và sáng kiến phát huy các di sản đó.

Về vai trò các chủ thể: Chính quyền chỉ đóng vai trò kiến tạo, xây dựng mô hình phát huy giá trị di sản mang tính thí điểm; còn cộng đồng chủ nhân di sản là những người có trách nhiệm bảo vệ di sản lâu dài và nhân rộng mô hình.

Các giải pháp bảo tồn và phát triển các địa điểm khảo cổ thời đại Đá cũ

Trước mắt, cần triển khai điều tra, thám sát khẩn cấp trên diện rộng lưu vực thượng nguồn sông Ba tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai, bao gồm: huyện Đắk Pơ, huyện Krông Chro, huyện Ia Pa, huyện Phú Thiện, huyện Ayun Pa, huyện Krông Pa. Riêng thị xã An Khê, đã được khảo sát và nghiên cứu từ năm 2014-2019 nên có thể không cần đưa vào kế hoạch điều tra, thám sát khẩn cấp. Trong quá trình điều tra, tiến hành đào thám sát một số địa điểm có tiềm năng nhằm thu thập luận cứ nhằm minh chứng rõ hơn về các giá trị di sản, làm cơ sở triển khai các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản tiếp theo.

Triển khai xây dựng hồ sơ di sản danh thắng đối với khu vực núi Chư A Thái - địa điểm đáp ứng nhiều giá trị di sản địa chất, giá trị đa dạng sinh học và giá trị di sản khảo cổ học.

Triển khai đào thám sát, khai quật khẩn cấp đối với ít nhất 1 di tích trên tổng số 26 địa điểm khảo cổ thời đại Đá cũ đã phát hiện tại huyện Phú Thiện. Trong số các địa phương phát hiện di tích thời đại Đá cũ, Phú Thiện là địa phương có tốc độ xâm phạm và phá hủy nhanh nhất. Nguy cơ các di tích thời đại Đá cũ tại huyện Phú Thiện bị xóa sổ hoàn toàn chỉ trong 2-3 năm tới. Do đó, cần đào thám sát, khai quật khẩn cấp đối với ít nhất 1 di tích nhằm mục tiêu: thu thập tài liệu, mẫu phân tích phục vụ xây dựng báo cáo khoa học đối với cụm di tích Đá cũ Phú Thiện và xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích; cơ sở các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai và huyện Phú Thiện xây dựng phương án khoanh vùng, bảo tồn di tích, tránh người dân lấn chiếm, xâm phạm; gắn liền với công tác tuyên truyền và giáo dục tại chỗ, nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ di sản của cộng đồng đối với di sản văn hóa - lịch sử địa phương.

Triển khai công tác tuyền truyền, nâng cao ý thức bảo vệ di sản của cộng đồng sinh sống tại vùng di sản thông qua hình thức trưng bày lưu động, giáo dục tại chỗ.

Triển khai khẩn cấp các hoạt động rà soát quy hoạch, có phương án bảo vệ các di tích khảo cổ thuộc đất lâm nghiệp, đất quy hoạch chưa cấp quyền sử dụng cho cá nhân, tổ chức. Đối với các di tích thuộc diện tích đất đã giao khoán, yêu cầu các tổ chức, công ty được giao khoán cam kết không xâm phạm tính nguyên trạng của di tích.

Về lâu dài, tỉnh Gia Lai cần có kế hoạch xây dựng quy hoạch phát triển du lịch sinh thái văn hóa - lịch sử khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai, trong đó các di sản thời đại Đá cũ - di sản địa chất - đa dạng sinh học đóng vai trò điểm nhấn, tạo sức hút khách du lịch. Du lịch sinh thái văn hóa - lịch sử đóng vai trò mắt xích trọng yếu trong liên kết ngành kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế tại các địa phương.

Bên cạnh đó, xây dựng hồ sơ di sản địa chất - sinh thái - lịch sử văn hóa trình UNESCO ghi danh di sản thế giới của nhân loại. Đối với các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai đã phát hiện di tích khảo cổ học thời đại Đá cũ, cần đưa các điểm di tích thời đại Đá cũ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

4. Kết luận

Mặc dù chỉ mới là những kết quả khảo sát, nghiên cứu ban đầu nhưng bộ sưu tập di vật đá thời đại Đá cũ tại thung lũng huyện Phú Thiện cho thấy các giá trị di sản kép cả về giá trị lịch sử - văn hóa và giá trị di sản địa chất, độc đáo, hiếm có trong nước và quốc tế. Các giá trị di sản này hoàn toàn có thể tích hợp cùng các tiềm năng sẵn có của địa phương, tạo thành lợi thế phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản các điểm khảo cổ thời đại Đá cũ huyện Phú Thiện nói riêng, các di tích khảo cổ thời đại Đá cũ khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai là bài toán đòi hỏi trách nhiệm chung của các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai, các nhà khoa học và các cộng đồng cư dân sinh sống tại khu di tích.

________________________

1. La Thế Phúc, Nguyễn Khắc Sử, Lương Thị Tuất, Vũ Tiến Đức, Bùi Văn Thơm, Nguyễn Trung Minh, Một số phát hiện mới về di sản ở Tây Nguyên, Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Khoa học Trái đất và Môi trường, tập 35, số 4, 2019, tr.49-60.

2. La Thế Phúc, Lương Thị Tuất, Bùi Văn Thơm, Nguyễn Khắc Sử, Vũ Tiến Đức, Bùi Quang Anh, Nguyễn Trung Minh, Đặng Thị Hải Yến, Một số phát hiện mới về di tích khảo cổ trong các thành tạo và di sản địa chất dọc thung lũng cổ sông Ba, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Khoa học Trái đất và Môi trường, tập 36, số 3, 2020, tr.55-69.

3. Derevianko A.P., A.V.Kandyba, Nguyen Khac Su, S.A. Gladyshev, Nguyen Gia Doi, V.A. Lebedev, A.M. Chekha, A.G. Rybalko, V.M. Kharevic And A.A.Tsybankov, The Discovery of a Bifacial Industry in Viet Nam (Nghiên cứu kỹ nghệ ghè hai mặt ở Việt Nam), Khảo cổ học, Dân tộc học và Nhân học Âu - Á, tập 46, số 3, 2018, tr. 3-21.

4. Nguyễn Khắc Sử, Lê Hải Đăng, Kandyba A., Gladyshev S., Sayana K., La Thế Phúc, Lương Thị Tuất và Nguyễn Quang Tuệ, Báo cáo sơ bộ kết quả điều tra khảo cổ ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) tháng 3-2020, tài liệu Viện Khảo cổ học, Hà Nội.

5. Nguyễn Gia Đối và đoàn khai quật hợp tác Việt Nga, Tổng quan quá trình khai quật, nghiên cứu phức hợp di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê, tỉnh Gia Lai 2015 - 2019, Tạp chí Khảo cổ học, số 225, 3-2020, tr.9-23; và Vũ Tiến Đức, Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát đề tài Điều tra các di tích khảo cổ học tiền - sơ sử huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, tài liệu Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk, 2021.

6. Trần Tính, Bản đồ địa chất và khoáng sản tờ An Khê, tỷ lệ 1/200.000, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), Hà Nội, 1996.

7. La Thế Phúc, Nguyễn Khắc Sử, Lương Thị Tuất, Vũ Tiến Đức, Bùi Văn Thơm, Nguyễn Trung Minh, Một số phát hiện mới về di sản ở Tây Nguyên, Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Khoa học Trái đất và Môi trường, tập 36, số 3, 2020, tr.79-92.

8. Nguyễn Khắc Sử (chủ biên), Khảo cổ học tiền sử miền Trung Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.390- 391: Bộ sưu tập Hậu kỳ Đá mới thương du sông Ba được phát hiện năm 2013 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, gồm các di vật thu lượm trên bề mặt 8 địa điểm thượng du sông Ba: Làng Roh, Làng Lợk, Thôn Ba (huyện Kbang), Tư Lương, Soi Tre, Ong Dú, An Phong (Đắk Pơ), Thôn Hai (thị xã An Khê).

9. Nguyễn Khắc Sử, Kỹ nghệ An Khê trong bối cảnh thời đại Đá cũ Việt Nam và khu vực, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Thời đại Đá cũ ở Việt Nam trong bối cảnh khu vực, Gia Lai, 2016, tr.77-93.

10. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy định nội dung công tác điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất, số 50/TT-BTNMT, ngày 30-11-2017, Hà Nội.

Ths VŨ TIẾN ĐỨC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

;