Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần ở Đền Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương

1. Đôi nét về Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn

Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, tước hiệu Hưng Đạo đại vương, là một nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Phần lớn tài liệu nghiên cứu lịch sử và cả dân gian đời sau gọi ngài là Trần Hưng Đạo.

Trần Hưng Đạo là con của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu ruột vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Ông sinh ngày 10-12 âm lịch (chưa rõ năm sinh). Căn cứ vào gia phả họ Trần cùng các thư tịch Hán Nôm, có nhiều giả thuyết khác nhau về năm sinh của ông. Tuy nhiên, dựa vào tuổi thân sinh phụ mẫu, anh trai, năm lập gia đình và năm tham gia trận mạc, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết ông sinh vào khoảng năm 1230 đến 1234, tức khoảng đầu những năm nhà Trần khởi nghiệp.

Trong ba lần quân và dân Đại Việt tiến hành cuộc kháng chiến đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông ở TK XIII, Trần Hưng Đạo có vai trò đặc biệt quan trọng. Ông là một nhà chính trị - quân sự đại tài, được nhà vua tin cậy, giao quyền. Năm 1257, ông được vua Trần Thái Tông phong làm đại tướng. Khi quân Mông Cổ xâm lược lần thứ nhất (1258), ông chỉ huy các tướng lĩnh điều quân thủy, bộ, bảo vệ vùng biên giới Tây Bắc, đánh tan quân xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), ông được phong làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội cả nước (thời gian này Mông Cổ đã chinh phục nhà Nguyên để thống nhất Trung Hoa). Những chiến công oanh liệt ở Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp, Tây Kết… trong cuộc kháng chiến lần thứ hai và những chiến thắng ở Vân Đồn, rồi trận địa giăng cọc gỗ trên sông Bạch Đằng lừng lẫy theo chiến thuật của Ngô Quyền ở cuộc kháng chiến lần thứ ba, buộc quân xâm lược phương Bắc phải rút về nước và vĩnh viễn từ bỏ tham vọng thôn tính phương Nam của họ, đều ghi dấu ấn nổi bật về tài thao lược quân sự của Trần Hưng Đạo.

Tháng 4 năm Kỷ Sửu (1289), vua Trần Nhân Tông chính thức phong tước cho ông làm Hưng Đạo đại vương. Ông là một vị danh tướng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, đồng thời rất biết trọng dụng nhân tài quân sự, tiêu biểu, dưới trướng ông có các vị tướng tài ba lừng danh, như: Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng… được lưu danh thiên cổ với nhiều sự tích, truyền thuyết nổi tiếng.

Cả cuộc đời Trần Hưng Đạo cống hiến vì đất nước. Ông luôn đặt lợi ích của dân tộc, đất nước trên lợi ích của bản thân, gạt bỏ tình riêng để tăng cường khối đoàn kết giữa tôn tộc nhà Trần, để tạo cho thế nước ở đỉnh cao muôn trượng, đủ sức đè bẹp quân thù nguy hiểm. Đến khi an nghỉ tuổi già tại thái ấp riêng với cuộc sống bình dị, ông vẫn luôn canh cánh về mối an nguy quốc gia trước giặc phương Bắc và hiến nhiều kế sách nhằm cho quốc thái, dân an. Khi lâm bệnh nặng, được vua Trần Anh Tông về thăm và hỏi kế sách giữ nước, ông căn dặn: “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước” (1). Không những là vị tướng tài ba nơi trận mạc, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn còn là nhà lý luận quân sự tài giỏi, với những tác phẩm kinh điển như: Hịch tướng sĩ, Binh gia diệu lý yếu lược còn gọi là Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư, đã đặt nền móng cho nghệ thuật quân sự Việt Nam kể từ thời nhà Trần đến ngày nay.

Do lập nhiều công trạng lớn, lúc sinh thời, Trần Hưng Đạo được vua phong nhiều chức tước cao quý như: Quốc Công Tiết Chế Nhân Võ Hưng Đạo đại vương, hay là Đức Thượng Từ. Vua Trần Anh Tông phong là Đức Thượng Phụ Thượng Quốc Công Bình Bắc Đại nguyên soái Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo đại vương.

Mùa thu tháng Tám, ngày 20, năm Canh Tý, Hưng Long thứ 8 (5-9-1300), Trần Hưng Đạo qua đời ở trang viên riêng tại Vạn Kiếp. Tương truyền, do lo ngại mộ phần bị quân địch trả thù, đào xới, nên lúc sinh thời, ông đã căn dặn người thân mai táng mình ở vườn An Lạc, giả đám tang của người chị. Khi ông mất, đám tang của ông có hơn bảy mươi quan tài xuất phát cùng một giờ, đưa tang cùng một lúc, rải khắp vùng Vạn Kiếp. Với chi tiết lịch sử này, đến nay, các nhà nghiên cứu cũng chưa xác định được chính xác nơi đặt lăng mộ Trần Hưng Đạo. Ông được triều đình nhà Trần cho lập đền thờ ngay khi còn sống, gọi là Sinh Từ và được đích thân Thượng hoàng Trần Thánh Tông soạn văn bia, ví ông với Thượng Phụ (tức Lã Vọng đã từng giúp Chu Vũ vương), lưu danh ngàn đời một con người có tài cao, đức trọng, luôn vì nước, vì dân. Uy danh của ông còn khiến giặc phương Bắc phải kinh sợ, trong văn tịch, các triều đại phong kiến Trung Hoa cũng phải “khét tiếng ông, không dám gọi tên mà gọi là An Nam Hưng Đạo vương” (2).

Đánh giá về người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Những chiến công đánh bại đế quốc Mông - Nguyên, những cống hiến trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và nghệ thuật quân sự của Trần Quốc Tuấn đã đưa ông lên hàng anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Việt Nam, xứng đáng là một danh nhân quân sự tầm cỡ thế giới.

Với tài năng chính trị, quân sự kiệt xuất, với tấm lòng tận trung với vua, với nước, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã cùng triều đình nhà Trần và quân dân Đại Việt bảo vệ trọn vẹn độc lập dân tộc, đưa triều đại nhà Trần lên hàng triều đại thịnh trị trong lịch sử trung đại, để lại những bài học lịch sử có giá trị về dựng nước và giữ nước. Những thành tựu về võ công và văn trị, những giá trị vật chất và tinh thần thời Trần đã làm vẻ vang lịch sử dân tộc, là niềm tự hào lớn lao cho Tổ quốc ta” (3).

2. Đền Kiếp Bạc - nơi thờ Đức Thánh Trần

Quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc là Di tích đặc biệt cấp quốc gia, gắn liền với những sự kiện lịch sử đầy oai hùng của dân tộc Việt Nam, gắn với các vị anh hùng dân tộc, danh nhân lớn như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo.

Đền Kiếp Bạc nằm giữa hai thôn nên tên đền là sự ghép tên của làng Kiếp (Vạn Yên) và làng Bạc (Dược Sơn), thuộc địa phận xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đền có kiến trúc đặc sắc, là nơi thờ Trần Hưng Đạo; địa danh lịch sử nổi tiếng này chính là nơi ngài đã lập căn cứ, tích trữ lương thực, vũ khí, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Sang TK XIV, để vinh danh công trạng to lớn của ông đối với đất nước, nhân dân đã xây dựng đền thờ tại nơi đây và tổ chức lễ hội hằng năm để dâng hương tưởng niệm.

Phía trước đền Kiếp Bạc có cổng lớn với ba cửa ra vào nguy nga, đồ sộ. Trên cổng mặt ngoài phía trên có bốn chữ “Hưng thiên vô cực”, dưới có 5 chữ “Trần Hưng Đạo vương từ”, cổng đền có hai cột câu đối nổi tiếng: “Kiếp Bạc hữu sơn giai kiếm khí - Lục Đầu vô thủy bất thu thanh” (nghĩa là: Kiếp Bạc muôn ngọn núi đều có hùng khí của kiếm thiêng - Lục Đầu không con nước nào chẳng vọng tiếng thu). Qua cổng lớn, bên trái có Giếng Ngọc mắt rồng không bao giờ cạn nước, đi theo con đường đá sẽ đến khu vực để kiệu trong mùa lễ hội, phía trước có một án thờ.

Toàn thể công trình kiến trúc của đền Kiếp Bạc được bố trí theo lối cung đình. Trong đền không chỉ thờ Trần Hưng Đạo, mà còn thờ các vị thuộc Công Đồng Trần Triều, như: tòa điện ngoài cùng thờ Phạm Ngũ Lão (con rể Hưng Đạo Đại Vương); tòa điện trong cùng thờ công chúa Thiên Thành (thường được gọi là Nguyên Từ Quốc mẫu), bà là phu nhân của Hưng Đạo Đại vương và hai con gái (Nhị vị vương cô). Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: tượng Trần Hưng Đạo, phu nhân, 2 con gái, con rể là Phạm Ngũ Lão, quan Nam Tào, quan Bắc Đẩu và 4 bài vị thờ vọng bốn người con trai là Trần Quốc Hiếu (Hiện), Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Uy (Uất), cùng 2 gia tướng Yết Kiêu, Dã Tượng.

Khu vực đền Kiếp Bạc là một địa danh nổi tiếng bên Lục Đầu giang, cách Côn Sơn khoảng 5km. Tại đây, hội nước 4 dòng sông từ thượng nguồn dồn về, chảy vào sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, mang phù sa màu mỡ tốt tươi về xuôi bồi đắp. Bốn dòng sông ấy, ngoài các tên quen thuộc, đều có thêm một tên Hán tự có chữ “đức” đứng sau, đó là: sông Đuống (Thiên Đức), sông Cầu (sông Như Nguyệt - Nguyệt Đức), sông Thương (Minh Đức), sông Lục Nam (Nhật Đức); dòng chính về xuôi có tên là sông Thái Bình. Vì người xưa coi Lục Đầu Giang là nơi hợp lưu của 4 dòng đức lớn trong vũ trụ mang thái bình tức là mang yên ổn thịnh vượng về cho trăm họ, muôn dân. Kiếp Bạc có đường thủy, đường bộ rất thuận tiện. Từ Kiếp Bạc có thể thuận tới Thăng Long, lên ngược, về xuôi, ra biển đều dễ dàng, nên đây là vị trí chiến lược, “quyết chiến điểm” mà cả quân và dân Đại Việt cũng như quân xâm lược phương Bắc đều cần chiếm giữ trong các cuộc chiến tranh xưa.

Cách đền Kiếp Bạc khoảng 100m về phía nam có quả đồi nhỏ, dân gian gọi là Viên Lăng (viên mộ Trần Hưng Đạo); dãy núi Nam Tào là Dược Sơn cũng có một ngọn núi nhỏ, dân gian gọi đó là núi Lăng (núi mộ của Trần Hưng Đạo). Trong khuôn viên đền Kiếp Bạc, lâu nay dân gian vẫn truyền tụng về câu chuyện tìm ra Giếng Ngọc mắt thần có nguồn nước mát lành quý giá; rồi câu chuyện Hưng Đạo Đại vương thả cây kiếm thánh xuống dòng sông Thương tạo nên dải đất bồi huyền bí. Có thế thấy, Kiếp Bạc có thế “rồng vươn, hổ phục”, có “tứ đức, tứ linh”. Thế sông núi hiểm mà hài hòa, hùng vĩ khoáng đạt mà trang nhã; cùng với hai ngôi đền trên núi Bắc Đẩu và núi Nam Tào được ví như “một cõi thiên bồng giữa hạ giới”.

Sau khi Trần Hưng Đạo qua đời, ông được người dân bao đời sùng kính “thánh hóa” với cách gọi đầy tôn kính: “Đức Thánh Trần”. Đây là điều “độc nhất vô nhị” trong lịch sử Việt Nam, bởi nhân dân phong thánh một nhân vật anh hùng dân tộc có thật trong lịch sử, chứ không phải truyền thuyết, và chỉ dành riêng cho Hưng Đạo Đại vương - vị danh tướng kiệt xuất nhà Trần.

Hiện nay, tuy trên đất nước Việt Nam có hàng nghìn di tích thờ Trần Hưng Đạo, nhưng Vạn Kiếp chính là mảnh đất gắn bó sâu sắc nhất với ngài. Nếu như Nam Định là quê hương của Trần Hưng Đạo, còn Trần Thương ở Hà Nam là kho quân lương lớn nhất của nhà Trần, thì Vạn Kiếp chính là đại bản doanh và là nơi mà ông cống hiến cả cuộc đời và sự nghiệp oai hùng cho đất nước. Nơi đây cũng chính là phủ đệ của Trần Hưng Đạo về sống sau khi rời bỏ các tước vị cao quý của triều đình cho đến khi qua đời.

3. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần ở đền Kiếp Bạc

Thờ Đức Thánh Trần là một hình thức tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam, được hình thành qua quá trình thánh hóa, thần hóa một nhân vật có thật trong lịch sử. Ông trở thành vị thánh phù hộ cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước và giúp dân diệt trừ tà ma, chữa bệnh.

Tục ngữ dân gian có câu: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”. Cha ở đây chính là Trần Hưng Đạo (ông mất ngày 20-8 âm lịch), còn Mẹ là thánh mẫu Liễu Hạnh, đó là những nhân vật thiêng liêng, đã đi vào đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân đất Việt nhiều thế kỷ nay. Hằng năm, tại đền Kiếp Bạc, vào dịp giỗ của Trần Hưng Đạo, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao to lớn của ngài. Nhân dân không gọi trực tiếp tên của ông mà gọi là Đức Thánh Trần hoặc gọi là Cha (Đức Thánh Cha).

Cũng như các tín ngưỡng dân gian khác, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần ở đền Kiếp Bạc là một hình thái biểu thị đức tin, niềm tin của nhân dân. Giá trị nổi bật của tín ngưỡng là giáo dục nhân cách và đạo lý Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; giáo dục, bồi đắp truyền thống yêu nước, thương dân; là hình mẫu về sự hy sinh, cống hiến vì nhân dân, vì đất nước; giáo dục về ý thức tự lực, tự cường dân tộc, về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc… Các nhà nghiên cứu lịch sử dân gian cho rằng, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần chính là sự thấm đẫm, hòa quyện của văn hóa Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo và văn hóa bản địa. Dấu ấn của tín ngưỡng để lại trong từng chi tiết kiến trúc ở các bia đá, tượng thờ, hoành phi câu đối, có giá trị lưu truyền hậu thế. Tín ngưỡng đó còn hiện hữu qua kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, diễn xướng dân gian…

Trong dịp lễ hội ở đền Kiếp Bạc, có nhiều hoạt động mang đậm màu sắc tâm linh diễn ra như: lễ cáo yết, khai ấn, dâng hương vừa trang nghiêm, trọng thể, vừa linh thiêng, huyền bí. Bên cạnh đó còn có lễ rước cỗ tiến Thánh, lễ hội quân, lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, diễn xướng hầu thánh và các trò chơi dân gian như: múa rồng, múa lân, biểu diễn võ thuật, đấu vật, đua thuyền, bắt vịt, thổi cơm, thi nhảy phỗng, chơi cờ người, chọi gà…

Có thể thấy, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần gắn liền với lễ hội đền Kiếp Bạc đã trở thành mỹ tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Do tính chất địa lý và lịch sử, đền Kiếp Bạc (gắn liền với Trần Hưng Đạo) cùng trong cụm di tích lịch sử với Côn Sơn (gắn liền với Nguyễn Trãi), nên lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc thường được tổ chức trùng nhau để nhân dân tưởng nhớ tới hai vị anh hùng của dân tộc. Tuy nhiên, lễ hội tưởng nhớ Đức Thánh Trần có những nét đặc sắc tín ngưỡng riêng. Trong đó có một số hoạt động nổi bật sau:

Hằng năm, cứ đến trước ngày giỗ của Đức Thánh Trần (được xem là thủy tổ của thủy quân Việt Nam), ngư dân nhiều nơi đều tề tựu đua thuyền về khu vực đền Kiếp Bạc để hội quân, để cầu xin ngài một năm “mưa thuận, gió hòa”, ra khơi đánh bắt được nhiều hải sản.

Từ câu chuyện tiêu diệt Phạm Nhan, người dân mang niềm tin về Đức Thánh Trần có thể trừ tà, sát quỷ. Cốt truyện đã được nhiều tài liệu ghi chép lại: Phạm Nhan được coi là hiện thân của loài quỷ dữ, chuyên báo hại con người, nhất là phụ nữ. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú có viết: “Trong nước hễ có đàn bà bị Bá Linh ám ảnh, gọi là ma Phạm Nhan, người ta thường đem chiếu đổi lấy chiếu của đền (Kiếp Bạc) về trải giường cho bệnh nhân nằm thì khỏi ngay”. Từ câu chuyện chém được tà quỷ Phạm Nhan, người ta tin rằng, Thánh Trần trừ diệt được muôn loài ma tà khác.

Trong tín ngưỡng dân gian về Hưng Đạo Đại vương, có câu chuyện thanh kiếm thần, được coi như một vật thiêng đã tạo cho ngài sức mạnh siêu phàm, bởi vậy, các câu chuyện dân gian về ông hầu hết đều gắn liền với kiếm thần. Truyền thuyết kể rằng, sau khi đất nước thái bình, Trần Hưng Đạo về nghỉ ngơi tại vùng Vạn Kiếp. Một hôm, khi dạo chơi trên sông Thương, gần núi Dược Sơn, ông cho dừng thuyền, rút kiếm và nói: “Thanh kiếm này đã gắn bó với ta cả cuộc đời, đã từng dính máu nhiều quân giặc Thát, đã phải bôi phân gà sáp, vôi tôi và bồ hóng bếp để chém đầu tên Phạm Nhan dơ bẩn. Nay, nhờ nước sông gột rửa sạch những vết nhơ”. Nói rồi ngài thả thanh kiếm xuống dòng sông. Hiện nay, trước cửa đền Kiếp Bạc có nổi lên một bãi bồi chạy dài giống hình lưỡi kiếm, dân gian truyền nhau đó là thanh kiếm thần của Trần Hưng Đạo.

Về tín ngưỡng hầu đồng ở đền Kiếp Bạc, kể từ năm 2006, đền Kiếp Bạc được chính quyền chính thức công nhận hình thức sinh hoạt tín ngưỡng hầu đồng. Những người theo tín ngưỡng hầu đồng thờ Đức Thánh Trần được gọi là thanh đồng. Các cảnh hầu đồng đã đồng hóa những chiến công lừng lẫy của Hưng Đạo Đại vương với một Thanh Y đồng tử giáng trần được Ngọc Hoàng Thượng đế phong làm Cửu Thiên Vũ Đế với sứ mạng diệt trừ yêu ma, hiển hóa giúp dân giúp nước. Trong đó, nổi bật là “thành tích” dùng kiếm thần diệt trừ tướng nhà Nguyên, tên Phạm Nhan rất giỏi tà thuật, có phép ẩn hiện khôn lường… “Chứng tích” còn rành rành là cồn Kiếm nằm trước đền Vạn Kiếp, cùng khu chợ bán chiếu khá sầm uất, trải dài nối liền khu hàng quán ăn uống, chỉ xuất hiện vào mùa giỗ Đức Thánh Trần nhằm phục vụ cho bệnh nhân đến đền cầu xin Đức Thánh Trần (cũng là Cha) giải trừ bệnh tật.

Những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại liên quan đền Kiếp Bạc được sử liệu ghi chép lại đều có lôgic với nhau, qua đó có thể khẳng định, vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được nhân dân tôn vinh bậc “hiển thánh” và thực tế đã có một dòng tín ngưỡng - phụng thờ, đó là tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Không gian thiêng của tín ngưỡng ngày nay không còn trong cương vực Kiếp Bạc, mà đã lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Dù các lớp phù sa văn hóa chồng xếp theo thời gian, song, sự linh thiêng của đền Kiếp Bạc với tín ngưỡng tốt đẹp thờ Đức Thánh Trần, cùng với di tích lịch sử chùa Côn Sơn, sẽ tồn tại vĩnh hằng trong tâm thức của các thế hệ người Việt Nam.

__________________________________________________

1. Nguyễn Huệ Chi, mục từ “Trần Quốc Tuấn” trong Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004, tr.1799.

2. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.89.

3. Võ Nguyên Giáp, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng dân tộc kiệt xuất, datviet.trithuccuocsong.vn, 16-9-2000.

Tài liệu tham khảo

1. Đền Kiếp Bạc, Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương, 2020.

2. Nguyễn Khắc Thuần, Danh tướng Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006.

3. Trần Xuân Sinh, Thuyết Trần, Nxb Hải Phòng, 2006.

4. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Bản lưu trữ tại Khu di tích, 27-12-2016.

5. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Trần Hưng Đạo nhà quân sự thiên tài, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000

Ths VŨ THỊ MẬN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021
;