10 năm thực hiện các định hướng phát triển trên lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm

 

     Sự nghiệp đổi mới của Đảng cùng với những chính sách thông thoáng của Nhà nước đã tạo thuận lợi cho hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm của Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới”, Nghị quyết 33 của Ban chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã tiếp sức cho văn nghệ sĩ và định hướng cho văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển.

     Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa, có thể thấy, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ thì mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm được chú trọng, tạo môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật lành mạnh. Việc sáng tạo tác phẩm ngày càng được quan tâm; các triển lãm diễn ra trên khắp cả nước, các ấn phẩm được xuất bản, phát hành rộng rãi trong và ngoài nước, tạo nên một đời sống mỹ thuật, nhiếp ảnh phong phú và đa dạng cả về sáng tác lẫn công bố, phổ biến tác phẩm; góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam.

     Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm được các cơ quan quản lý nhà nước và các Hội chuyên ngành như Sở VHTTDL, Sở VHTT, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật ở các tỉnh, thành phố thực hiện khá tốt, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý. Hoạt động phát triển sự nghiệp mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm với nhiều nội dung như triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, các triển lãm văn hóa nghệ thuật; công tác sáng tác, tuyên truyền, giáo dục mỹ thuật, nhiếp ảnh khá hiệu quả, thu hút đông đảo nghệ sĩ tham gia, số lượng người xem ngày càng tăng lên.

     Những kết quả đạt được

     Lĩnh vực mỹ thuật có những bước phát triển rõ rệt. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như: Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02-10- 2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất của mỹ thuật tính đến nay. Nghị định này đã điều chỉnh các hoạt động như: tổ chức sáng tác, triển lãm, mua bán, sao chép tác phẩm mỹ thuật, xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng, tổ chức trại sáng tác điêu khắc… Nhiều nội dung mới đã được đưa vào Nghị định như các nội dung về chính sách của nhà nước về phát triển mỹ thuật, kinh phí dành cho mỹ thuật trong các công trình văn hóa, thể thao và du lịch. Thông tư số 01/2018/TT-BVHTTDL ngày 18-1-2018 quy định chi tiết thi hành một số điều tại Nghị định 113, hướng dẫn những vấn đề nảy sinh trong hoạt động mỹ thuật như việc xây dựng tràn lan tượng đài có nội dung tôn giáo, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam; vấn đề lập dự án, dự toán xây dựng khi chưa có bộ định mức được ban hành chính thức. Quy hoạch phát triển ngành mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Đây là quy hoạch có tầm nhìn chiến lược, nhiều vấn đề cơ bản cấp thiết và lâu dài cho sự phát triển của ngành Mỹ thuật. Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bằng thông báo số 101/TB-VPCP ngày 26-5-2016. Quy hoạch tượng đài Quốc Tổ Hùng vương và danh nhân, anh hùng dân tộc đến năm 2035, hiện đang chờ xin ý kiến các Bộ, Ban, ngành các tỉnh, thành phố trong cả nước.

     Lực lượng họa sĩ, nghệ sĩ Việt Nam đã nhanh chóng bắt kịp xu thế hội nhập và phát triển, giao lưu văn hóa với nước ngoài, từ đó tiếp thu và nỗ lực tìm tòi sáng tạo tác phẩm mỹ thuật trên nhiều chất liệu khác nhau như tranh vẽ trên giấy, sơn mài, sơn dầu, lụa, acrylic và các chất liệu tổng hợp khác với nhiều đề tài, nội dung phong phú, đa dạng. Đặc biệt, các nghệ sĩ trẻ rất quan tâm đến xu hướng tìm tòi thể nghiệm chất liệu và ngôn ngữ tạo hình hiện đại, tiếp thu tinh hoa của thế giới. Nhiều họa sĩ đã khẳng định cá tính sáng tạo riêng biệt và con đường nghệ thuật riêng được thế giới biết đến. Nghệ thuật điêu khắc truyền thống phát triển mạnh với nhiều tác phẩm, công trình điêu khắc được lưu giữ trong các di tích đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ, thánh đường… trên cả nước. Một mảng rất quan trọng của mỹ thuật đó là mỹ thuật ứng dụng đã được Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Chính phủ định hướng: “Chú trọng mảng mỹ thuật ứng dụng, đặc biệt trong công nghiệp, thủ công nghiệp, sản phẩm tiêu dùng, nội ngoại thất, thời trang”.

     Sau 10 năm triển khai thực hiện nghiêm túc định hướng phát triển này, các hoạt động mỹ thuật ứng dụng đã có những bước chuyển biến mới. Đội ngũ nhà thiết kế có chuyên môn, tay nghề cao tham gia ngày càng hiệu quả vào các hoạt động thiết kế sản phẩm. Nhận thức về giá trị thẩm mỹ của sản phẩm, trình độ thưởng thức và nhu cầu thẩm mỹ của xã hội đã được nâng cao. Đây là nền tảng giúp cho hoạt động thiết kế ứng dụng phát triển nở rộ trong những năm gần đây, có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ thiết kế mẫu mã sản phẩm cho hàng thủ công mỹ nghệ, đến thiết kế tạo dáng công nghiệp, thời trang, đồ họa văn phòng, quảng cáo, thiết kế trang trí nội ngoại thất các nhà ở tư nhân hay trụ sở cơ quan, công trình công cộng… Vai trò định hướng thẩm mỹ, chấn chỉnh các hoạt động, biểu hiện chưa đúng trong hoạt động mỹ thuật ứng dụng được Bộ VHTTDL chú trọng, thể hiện ở sự chỉ đạo kịp thời, nhắc nhở, chấn chỉnh, tuyên truyền vận động các làng nghề dừng sản xuất mẫu linh vật ngoại lai, các cơ sở thờ tự, công sở dừng sử dụng linh vật ngoại lai để bày đặt, trang trí tại cơ sở. Khuyến khích, phổ biến tới các nghệ nhân, cơ sở sản xuất mẫu linh vật thuần Việt để đưa vào chế tác, sản xuất phục vụ đời sống.

     Đặc biệt, xuất phát từ nhu cầu của đời sống xã hội, với chủ trương của Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện giao lưu quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy kinh doanh; với sự nhanh nhạy, khả năng hội nhập của các nhà thiết kế thời trang, hiện nay, thiết kế thời trang đang ngày càng trở thành một thế mạnh rõ rệt, có được sự quan tâm, thị trường ở trong nước cũng như được chú ý, đánh giá cao trên thế giới.

     Tuy nhiên, do đặc thù của lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực rộng, phức tạp, nguồn nhân lực cũng rất đa dạng: nhà thiết kế chuyên nghiệp, nghệ sĩ, nghệ nhân, thợ thủ công… Trong khi, việc phân cấp quản lý lĩnh vực này lại liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều ngành nên có một số tồn tại, hạn chế như: chưa có chính sách cụ thể, chiến lược phát triển đồng bộ, thống nhất, lâu dài; chưa có sự đầu tư nghiên cứu sâu, rộng, toàn diện về lĩnh vực này, nhất là những nghiên cứu về cơ chế quản lý; những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc đã được khai thác nhưng còn chưa phát huy được hết khả năng, tiềm năng quý báu trong các hoạt động mỹ thuật ứng dụng.

     Công tác đào tạo về mỹ thuật thời gian qua rất được chú trọng, bên cạnh các trường đào tạo chuyên ngành, việc dạy và học vẽ trong các trường tiểu học, trung học trong toàn quốc ngày càng được quan tâm (hiện nay có hơn 15.000 giáo viên dạy mỹ thuật tại bậc Tiểu học và Trung học cơ sở). Nhiều hoạt động ngoại khóa như tham quan bảo tàng mỹ thuật, các triển lãm, hoạt động mỹ thuật được các trường tổ chức giúp nâng cao kiến thức về văn hóa, nghệ thuật cho các em ngay từ khi còn nhỏ. Các trung tâm mỹ thuật thiếu nhi phát triển mạnh, giúp thiếu nhi tiếp cận và nâng cao thẩm mỹ. Nhiều giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi trong nước và quốc tế cũng được thường xuyên tổ chức.

     Riêng nguồn nhân lực và đào tạo mỹ thuật ứng dụng phát triển mạnh, với xu thế thời đại, thu hút các nghệ sĩ trẻ tham gia trong các lĩnh vực thiết kế đồ họa, nội, ngoại thất, thời trang, tạo dáng công nghiệp... với nhiều sản phẩm, mẫu mã mỹ thuật ứng dụng đạt được nhiều thành công. Đây là ngành có nhiều tiềm năng tham gia công nghiệp văn hóa trong giai đoạn này.

     Thị trường mỹ thuật trong nước có sự chuyển mình. Trước đây, mọi giao dịch mua bán tác phẩm mỹ thuật đều thông qua các gallery trong nước và nước ngoài giới thiệu. Đến nay, đã hình thành các trung tâm hoạt động đấu giá tác phẩm mỹ thuật, góp phần kích thích thị trường mỹ thuật trong nước phát triển với sự ra đời của các nhà đấu giá: Lạc Việt, Chọn (Hà Nội), Lý Thị (TP.HCM), Trung tâm nghệ thuật Vincom (Hà Nội) là tín hiệu tốt để phát triển thị trường mỹ thuật trong nước. Đồng thời, trong nước cũng đã xuất hiện thêm một số nhà sưu tập, các tập đoàn kinh tế tham gia vào thị trường mỹ thuật; một số nhà sưu tập đã tham gia vào các phiên đấu giá ở nước ngoài để mua các tác phẩm mỹ thuật có giá trị của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng mang về đất nước.

     Các tập đoàn kinh tế như Vincom, Thái Bình Dương, Flamingo Đại Lải… tiếp tục đầu tư cho các hoạt động mỹ thuật, cho thấy sự tham gia có hiệu quả của hoạt động xã hội hóa nghệ thuật, sự tham gia của các tập đoàn kinh tế đã đem đến sự đa dạng trong các hoạt động sáng tác, công bố tác phẩm. Sự phát triển công nghệ số cũng giúp các nghệ sĩ tham gia quảng bá, mua bán tác phẩm mỹ thuật trực tiếp trên internet. Sự ra đời của Trung tâm giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh góp phần tích cực trong hoạt động giám định, mua bán, đấu giá, đưa thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh phát triển theo đúng quy định pháp luật.

     Cùng với mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam trong thời gian qua cũng có những bước tiến rõ rệt. Nghị định 72/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh là văn bản quản lý nhà nước kịp thời cho hoạt động nhiếp ảnh trong xu thế phát triển hiện nay.

     Nhiếp ảnh là lĩnh vực có lực lượng tham gia đông, có tính đại chúng cao, phát triển mạnh trong đời sống xã hội, nhất là trong thời kỳ hội nhập, mở cửa, kỹ thuật số. Song hành cùng sự phát triển của máy ảnh kỹ thuật số, số lượng người sử dụng, chụp ảnh ngày càng tăng. Có thể nhận thấy, thời gian qua, nhiếp ảnh phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: sáng tác, triển lãm, kinh doanh, dịch vụ và đã khẳng định được vị trí của mình, trở thành một ngành nghệ thuật có vai trò quan trọng, đi vào đời sống xã hội như một nhu cầu không thể thiếu.

     Các tác giả nhiếp ảnh Việt Nam đã khẳng định được vị trí và tên tuổi trên trường quốc tế, thông qua các tấm huy chương đoạt được từ các cuộc thi ảnh do Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP), hay Hội Nhiếp ảnh thuộc các cường quốc trong lĩnh vực nhiếp ảnh như: Nga, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Singapore, Trung Quốc... tổ chức. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh khẳng định tên tuổi của mình trên nhiều sân chơi uy tín của nhiếp ảnh khu vực và quốc tế với các bộ sưu tập giải thưởng lên đến con số hàng trăm, mang vinh quang về cho đất nước. Từ đó, nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam được các bảo tàng quốc tế về nhiếp ảnh nghệ thuật danh giá của Tây Ban Nha, Ấn Độ chọn vào bộ sưu tập trưng bày, nhiều nghệ sĩ được các tạp chí chuyên ngành nhiếp ảnh vinh danh vào top của thế giới, từ đó nâng cao vai trò vị thế của nhiếp ảnh Việt Nam, góp phần ghi tên Việt Nam trên bản đồ nhiếp ảnh thế giới.

     Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế FIAP (một tổ chức thuộc UNESCO, có uy tín lớn trong lĩnh vực nhiếp ảnh thế giới) coi trọng và đánh giá cao vị trí của nhiếp ảnh Việt Nam, coi đây là một trong những nước có nền nhiếp ảnh phát triển nhanh ở châu Á, vì mục tiêu phát triển văn hóa, vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc.

     Công tác cấp giấy phép các triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh, giấy phép xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng, cấp giấy phép tổ chức trại sáng tác điêu khắc, cấp giấy phép sao chép tác phẩm mỹ thuật là hoạt động quản lý thường xuyên, được thực hiện khá tốt, đi vào nề nếp và được thực hiện đúng quy trình, quy định; đảm bảo sự nghiêm túc trong nội dung các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh theo đúng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Qua đó, đã ngăn chặn, loại bỏ được những tác phẩm không phù hợp về chính trị, thuần phong, mỹ tục. Đảm bảo việc đưa đến người xem và xã hội những tác phẩm có nội dung tư tưởng tốt, lành mạnh.

     10 năm qua, các hoạt động sự nghiệp trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm chủ yếu tập trung vào các hoạt động như: vận động sáng tác, công bố, phổ biến tác phẩm, tổ chức triển lãm, xây dựng các công trình mỹ thuật, tổ chức trại sáng tác… Các hoạt động này diễn ra ở nhiều quy mô: quốc tế, toàn quốc, khu vực, tỉnh, thành phố và được thực hiện thường xuyên trong cả nước. Một số triển lãm có quy mô, tầm ảnh hưởng rộng như: Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam (5 năm 1 lần), Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc (5 năm 1 lần), Triển lãm 10 năm điêu khắc, Festival mỹ thuật trẻ, Festival nhiếp ảnh trẻ; Triển lãm tranh thiếu nhi toàn quốc, các triển lãm hằng năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam... đã thúc đẩy phong trào sáng tác mỹ thuật, nhiếp ảnh trong cả nước.

     Các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh của Việt Nam đưa ra trưng bày ở nước ngoài và triển lãm quốc tế vào Việt Nam đã làm tốt việc giới thiệu văn hóa nghệ thuật của Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần tích cực vào việc giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

     Ngày 26-2-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 23/2019/NĐ-CP về hoạt động triển lãm. Việc ban hành nghị định sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực triển lãm, đặc biệt là những nội dung triển lãm chưa có sự điều chỉnh, quy định của Luật Thương mại và các nghị định khác. Đây là nghị định rất quan trọng để quản lý hoạt động triển lãm, với phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều lĩnh vực, nội dung và hình thức triển lãm rất đa dạng.

     Các sự kiện triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng chuyên nghiệp và xã hội hóa. Mỹ thuật Việt Nam có nhiều hoạt động giao lưu quốc tế; nhiều nhóm, cá nhân tác giả đã tham gia các liên hoan, hội chợ nghệ thuật quốc tế, các triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật Việt Nam tại Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Ý… đã đẩy mạnh hoạt động giao lưu và quảng bá du lịch Việt Nam với quốc tế. Nhiều dự án nghệ thuật công cộng đã được thực hiện theo hình thức xã hội hóa như dự án tranh tường ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Tháp, TP.HCM... tuy còn nhiều điều phải bàn nhưng cũng cho thấy nhu cầu và đòi hỏi của cộng đồng đối với việc làm đẹp môi trường sống của xã hội. Đáng chú ý là dự án tranh tường ở sân bay Nội Bài, Hà Nội, dự án vẽ hoa làm đẹp các tủ điện ở hè phố quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; một số sự kiện mỹ thuật được tổ chức ở những địa điểm công cộng như siêu thị, quán cà phê… cho thấy nhu cầu hưởng thụ và tương tác với nghệ thuật của cộng đồng là đòi hỏi và xu hướng tất yếu của đời sống đương đại.

     Những tồn tại, hạn chế

     Khó khăn chung của toàn ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm hiện nay là thiếu nhà trưng bày triển lãm; thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh trong nước chưa phát triển; công tác lý luận phê bình, quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu còn yếu; kinh phí cho hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm còn rất hạn chế so với nhu cầu, công tác xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.

     Vẫn còn tồn tại các sai phạm trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, tập trung vào một số vấn đề như: xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng không xin phép, đặc biệt là tượng có nội dung tôn giáo; triển lãm không xin phép, triển lãm sai với nội dung đã xin phép, vi phạm bản quyền tác giả, sao chép tác phẩm không xin phép, không đúng quy định…

     Ở một số địa phương còn lúng túng trong việc phân cấp quản lý, cấp giấy phép giữa UBND tỉnh và Sở VHTTDL; Sở VHTT; một số tỉnh còn buông lỏng quản lý trong cấp phép xây dựng tượng đài có nội dung tôn giáo; xây dựng tượng ngoài trời ở nơi công cộng không có giấy phép, không đạt yêu cầu về chất lượng, thẩm mỹ.

     Hướng hoạt động thời gian tới

     Tiếp tục xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm phát triển toàn diện, theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cụ thể là: hoàn chỉnh Thông tư quy định định mức xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh ghép gốm; Thông tư hướng dẫn nghị định về hoạt động triển lãm; Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh (Sản phẩm sơn mài và Thành phố nhiếp ảnh)…

     Ở các địa phương, tích cực phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật, sớm triển khai xây dựng quy hoạch tượng ngoài trời, thực hiện việc cấp phép xây dựng tượng đài đảm bảo quy trình, quy định, đảm bảo nâng cao chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật các công trình tượng đài trong cả nước; tăng cường công tác kiểm tra thanh tra, hậu kiểm hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm. Đưa hoạt động triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh trở thành chỉ tiêu, kế hoạch công tác năm của các Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố.

     Kiến nghị

     Để mỹ thuật, nhiếp ảnh phát triển đồng bộ và bền vững, trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước thông qua các chiến lược định hướng đúng đắn cũng như có các cơ chế, chính sách nhất quán, đồng bộ như: xây dựng cơ chế đặc thù và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đặt hàng sáng tác tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhất là về cơ chế quản lý và chính sách hỗ trợ phát triển; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống. Có cơ chế đầu tư và hỗ trợ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống của dân tộc; tiếp tục khuyến khích, tăng cường giao lưu, trao đổi, giới thiệu về mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam ra thế giới và giới thiệu những tinh hoa của thế giới đến với công chúng tại Việt Nam; tiếp tục cổ vũ, khuyến khích cho lực lượng sáng tác, hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh.

     Phát triển mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm theo định hướng: ưu tiên hỗ trợ hoạt động sáng tác, tạo điều kiện công bố, lưu giữ, sưu tầm tác phẩm; bồi dưỡng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống các cơ sở đào tạo mỹ thuật, nhiếp ảnh từ trung ương đến địa phương.

     Tiếp tục có các hình thức khen thưởng đối với các nghệ sĩ có nhiều thành tích, đạt được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi mỹ thuật, nhiếp ảnh trong nước và quốc tế. Đặc biệt, nguyện vọng của giới mỹ thuật và nhiếp ảnh là đề nghị Nhà nước xem xét phong tặng danh hiệu Họa sĩ quốc giaNghệ sĩ Nhiếp ảnh quốc gia nhằm vinh danh những đóng góp của các nghệ sĩ thuộc lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, góp phần động viên tinh thần để các nghệ sĩ thêm hăng say sáng tạo, tiếp tục cống hiến tài năng, tâm huyết phục vụ nhân dân.

 

Tác giả: Thu Đông

Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019

 

 

;