“Xuân về trên bản làng”

Ngay từ đầu năm mới 2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động tháng 1 với chủ đề “Xuân về trên bản làng”, giới thiệu những hoạt động nô nức đón xuân đầu năm cùng nhiều nghi lễ, lễ hội và phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc. Qua đó du khách thêm hiểu những nét văn hóa, các hoạt động truyền thống đón Tết cổ truyền, đặc trưng các dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển nhân dịp năm mới 2025.

Chuỗi các hoạt động đầu năm mới nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, tạo điểm đến, thu hút khách du lịch, góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tăng cường, đa dạng, phong phú nội dung hoạt động sự kiện, hàng ngày, cuối tuần và đáp ứng yêu cầu của khách tham quan đến với Làng, nhất là trong dịp cuối tuần, nghỉ Tết Nguyên đán.

Các hoạt động tháng 1 có sự tham gia của khoảng 100 đồng bào thuộc 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 11 địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng).

“Xuân về trên bản làng” với phong phú các hoạt động như: “Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025”. Hoạt động chuyên đề điểm nhấn “Xuân về bản em” gồm các Chương trình dân ca dân vũ “Đón xuân ở bản em” của các nhóm đồng bào phía Bắc diễn ra vào ngày 4 và 5-1 tại thung thung lũng gần làng Tày, Khu các làng dân tộc I với các tiết mục hát múa ngày xuân, diễn xướng dân gian của các dân tộc phía Bắc khi xuân về; Giới thiệu không khí ngày xuân của các dân tộc phía Bắc qua trò chơi dân gian, sản vật truyền thống, những món ăn ngày xuân; Trò chơi dân gian: ném pao, đánh yến, nèm còn, đánh đu, nhảy sạp…

Đáng chú ý là sự kiện tái hiện Lễ tạ ơn của dân tộc Dao diễn ra vào ngày 5-1-2025 tại Làng dân tộc Dao, Khu các làng dân tộc I. Theo truyền thống từ bao đời nay của đồng bào Dao Quần chẹt ở Ba Vì, Hà Nội từ mồng 3 đến 29 tháng Chạp tại mỗi gia đình đều tổ chức lễ cúng cuối năm để tạ ơn Bàn Vương, tổ tiên và Tản Viên sơn thánh đã phù hộ, che chở cho gia đình trong suốt năm qua. Đây là dịp để đồng bào báo cáo về những thành quả đạt được trong năm, cầu cho những điều may mắn, hạnh phúc sẽ đến trong năm mới. Phần nghi thức được diễn ra theo truyền thống, sau lễ là những làn điệu múa chuông, múa rùa cổ truyền đặc sắc của các chàng trai, cô gái bản Dao. Lễ tạ ơn tổ tiên là nét văn hóa đã trở thành phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. Trong lễ này, tất cả những khó khăn, vất vả, những mâu thuẫn xích mích đều được dẹp bỏ, mọi thành viên trong gia đình dù xa, dù gần đều đến chung vui. Nghi lễ thờ cúng ngày Tết của đồng bào Dao Quần chẹt không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn tể hiện sự thành kính của con cháu với tổ tiên.

Chương trình giao lưu “Xuân về trên cao nguyên” của các dân tộc Tây Nguyên diễn ra trong 2 ngày 11 và 12-1 tại Làng dân tộc Ê Đê, Khu các làng dân tộc II. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động tại “Ngôi nhà chung” đón mừng năm mới 2025 bằng lời ca tiếng hát, diễn xướng dân gian của các nhóm đồng bào Tây Nguyên hòa chung niềm vui, sự tin tưởng và quyết tâm đồng lòng bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng tại “Ngôi nhà chung”.

Ngoài ra, nhân dịp này không thể thiếu các hoạt động chuẩn bị, trang trí không gian đón Tết tại các làng dân tộc đang hoạt động hàng ngày. Từ ngày 1 đến 14-1 tại các làng dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, đồng bào sửa soạn bàn thờ ngày Tết, treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và trang trí không gian nhà theo đúng phong tục truyền thống của các dân tộc. Cùng với đó, phía bên ngoài trang trí cổng, không gian xung quanh, lối đi vào và không gian tổ chức trò chơi dân gian, trang trí thêm các điểm nhấn để du khách chụp hình. Đặc biệt làm nổi bật không khí đón mừng năm mới của các làng dân tộc phía Bắc (dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng, Khơ Mú, Lào).

Cây Nêu là biểu tượng không thể thiếu tại các lễ, Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số

Trong không khí đầu năm, không thể thiếu việc tổ chức “dựng cây Nêu ngày Tết”. Dự kiến ngày 19-1 tại sân nhà điều hành làng IV. Dựng cây nêu là phong tục truyền thống lâu đời, ý nghĩa đối với nhiều dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, cây nêu không chỉ thể hiện ý nghĩa “tống cựu, nghinh tân”, biểu tượng tâm linh mà còn chuyển tải những ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp. Người Việt coi cây nêu là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Dựng cây nêu ngày Tết cũng là hoạt động được tổ chức đều đặn hằng năm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm giới thiệu với du khách những phong tục lâu đời trong Tết Việt. Ngọn nêu vươn cao, mang theo ước vọng về một năm mới bình yên, hạnh phúc, thuận hòa tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em. Làng VHDL các dân tộc Việt Nam dự kiến tổ chức “dựng cây Nêu ngày Tết” vào ngày 19-1 tại sân nhà điều hành làng IV.

Bên cạnh đó, Chương trình “Hội xuân” Vui đón tết Nguyên đán năm 2025 cũng được diễn ra sôi nổi các hoạt động như: Chương trình đón Tết của đồng bào các dân tộc phía Bắc diễn ra tại Làng dân tộc Mường, Khu các làng dân tộc I vào ngày 31-1-2025 (tức ngày mùng 3 tết nguyên đán). Đầu xuân năm mới đến với không gian văn hóa của đồng bào Mường ngoài không khí đón Tết của đại diện đồng bào các dân tộc phía Bắc du khách còn được trải nghiệm nét văn hóa độc đáo - buộc chỉ cổ tay (hay còn gọi là dây vía), một nét văn hóa rất đẹp của đồng bào mang lại những điều may mắn, bình an cho năm mới.

Chương trình dân ca dân vũ “Xuân sum họp” diễn ra vào ngày 31-1-2025 tại Làng dân tộc Ba Na, Khu các làng dân tộc II. Đồng bào dân tộc nơi đây sẽ thể hiện các ca khúc về mùa xuân, những nét rộn ràng khi mùa xuân về khắp buôn làng, phum sóc. Giới thiệu âm nhạc dân gian các dụng cụ từ tre nứa như đàn Đing pút, Đàn tơ rưng… những bản nhạc về mùa xuân, về Đảng, Bác Hồ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của dân tộc Khmer.

Đồng thời, trong tháng 1 còn diễn ra các hoạt động hằng ngày, cuối tuần của các nhóm đồng bào đang hoạt động hằng ngày tại Làng, tổ chức nhiều Hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống cho du khách. Đến với Làng VHDL các dân tộc Việt Nam dịp này, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm một số trò chơi như: đánh chắt chơi chuyền, chơi ô ăn quan, cờ ca rô, chơi rối tre… tại không gian trong nhà; đi cà kheo, nhảy sạp, chơi đu, bập bênh… tại không gian ngoài trời. Hoạt động dịch vụ theo nhu cầu của du khách như: không gian trải nghiệm tô tượng, tô tranh cát, chuồn chuồn tre, tranh gỗ, cá gỗ, tô vẽ tranh, trải nghiệm trang phục dân tộc…

Thông qua một số trò chơi tuy đơn giản nhưng sẽ giúp du khách và các bạn học sinh được tham gia những hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, con vật, góp phần rèn luyện kỹ năng tư duy, sáng tạo, khéo léo mà còn gắn kết thêm về tình bạn, tình yêu gia đình. Với không gian này giúp các em có thêm điểm dừng chân, thêm trải nghiệm, thêm niềm vui trong hành trình tham quan Khu các làng dân tộc.

Bài, ảnh: THANH DANH

;