Tái hiện lễ tết truyền thống (Nào Pê Chầu) của người Mông tỉnh Điện Biên

Sáng 29-12, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), các nghệ nhân đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Điện Biên đã tái hiện tết Nào Pê Chầu, đây là Tết cổ truyền có từ lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ vạn vật hữu linh, thờ cúng tổ tiên của đồng bào Mông nơi đây.

Dân tộc Mông hằng năm sau khi thu hoạch mùa màng xong, cuối tháng 11 âm lịch, cơ bản mọi việc đã hoàn tất, hoa đào bắt đầu khoe sắc, hoa mơ nở trắng rừng cũng là lúc hết tháng 12 (theo cách tính âm lịch riêng của người Mông, thường sớm hơn Tết Nguyên Đán một tháng) người Mông tổ chức ăn Tết cổ truyền "Nào Pê Chầu" của mình. Lễ Tết thường diễn ra từ 10 đến 15 ngày, với các phần lễ và hội. Phần lễ diễn ra từ chiều 30 Tết cho đến hết chiều mùng 3 Tết, các nghi lễ này chủ yếu diễn ra tại các gia đình, trưởng dòng họ. Còn phần hội diễn ra tại sân của bản cho đến hết Tết.

Bánh dày - đồ dâng lễ quan trọng trong các mâm lễ tết của đồng bào Mông

Để chuẩn bị các mâm cúng trong tết “Nào Pê Chầu” thì các gia đình phải có đủ các đồ lễ sau: Lợn được các gia đình nuôi từ đầu năm đợi đến Tết mới thịt, 1 phần thịt lợn để dâng cúng và 1 phần thịt để ăn Tết; Gà là vật dâng cúng chính trong các nghi thức cúng; Bánh dày được làm từ gạo nếp nương thơm dẻo, được trồng ở mảnh đất tốt, không pha tạp, đây là đồ dâng lễ quan trọng trong các mâm lễ tết của đồng bào Mông; Trứng gà tượng trưng cho sự sống, sinh sôi nảy nở, là đồ lễ dâng gọi các hồn vía con cháu trong nhà, cùng với hồn vía của các loại nông sản và vật nuôi về với thân chủ và gia đình để cùng ăn Tết; Hương dùng để thắp lên khi làm các nghi lễ thờ cúng, phải là loại hương được đồng bào làm từ một loại cây rừng có tên gọi là "lộng xeng"; Giấy dó được cắt thành các mảnh to bằng bàn tay, sao cho đều nhau để làm tiền âm phủ, sẽ  đốt khi các nghi thức cúng bái kết thúc. 

 Thầy cúng thực hiện nghi thức quét bồ hóng

Đồng bào Mông đón mừng Tết "Nào Pê Chầu" với niềm tin thiêng liêng của thời khắc đất trời chuyển giao sang một năm mới. Tết không chỉ là dịp đoàn tụ của mọi gia đình, mà còn là ngày con cháu cúng mời tổ tiên ông bà những người đã khuất về cùng vui tết với gia đình. Đồng thời các gia đình, dòng họ cầu xin tổ tiên, các vị thần linh, thổ địa phù hộ cho con cháu sang năm mới sức khỏe dồi dào, nhiều tiền tài, nhiều may mắn và hạnh phúc.

Buổi chiều ngày 30 Tết, chủ nhà bắt đầu vào làm các nghi lễ quan trọng của năm. Trước hết là nghi lễ quét dọn nhà cửa (quét bồ hóng) với quan niệm quét đi những điều xấu xa, rủi ro, bệnh tật đi theo năm cũ, đồng thời cầu mong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, nhiều tiền lộc, của cải, gia đình khỏe mạnh và hạnh phúc. Chủ nhà tay cầm cái cuốc cào lần lượt hai phía bên ngoài nhà, vừa làm vừa khấn: "Năm mới đã đến, năm cũ qua đi, tôi tên (tự khai tên, họ của mình) hôm nay tôi không quét không quét, không dọn hồn vía nông sản, cái hồn cái vía vật nuôi, hồn vía con cháu, hồn vía của cải của gia đình mà tôi sẽ quét, sẽ dọn quỷ dữ, ma tà, quét dọn đi những bệnh tật, những điều xấu và rủi ro cho đi theo năm cũ. Năm mới còn lại cái mới tốt đẹp, được ăn được uống cái mới, gia đình ấm no hạnh phúc".

Sau đó chủ nhà vào quét bồ hóng trong nhà, lúc này một tay cầm cái hót rác, tay kia cầm chổi (chổi được làm bằng ba ngọn cây tre nhỏ) vừa quét vừa khấn quanh một vòng phía trong nhà và mang ra ngoài đổ ở phía cửa dưới, nội dung lời khấn: "Năm mới Tết đến, năm cũ qua đi. Hôm nay tôi không quét ma cột nhà, ma bếp, ma cửa, quét hồn vía của cải trong nhà đi mà tôi sẽ quét những bệnh tật, đau ốm, quét ma tà quỷ dữ ở trong nhà đi, quét những cái rủi ro, cái không tốt, tôi quét tất cả những điều xấu này đến nơi mặt trời lặn, xuống nơi mặt trăng xuống, đi cùng với năm cũ để bước sang năm mới này chỉ có cái mới, cái tốt đẹp, không có ốm đau, gia đình yên vui và hạnh phúc".

  Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng "Xử Ca" 

Nghi lễ được tiếp tục bằng việc dâng cúng tại bàn thờ "Xử Ca". Đồng bào Mông quan niệm đây là vị thần quan trọng nhất mà bất kỳ gia đình nào cũng phải thờ, dù họ sinh sống ở đâu hay là ngành Mông gì, nếu không thờ cúng "Xử Ca" thì không phải là người Mông. Vì vậy, mỗi dịp Tết đến các gia đình thường dán lại giấy tại bàn thờ "Xử Ca" sao cho mới hơn, gọn gàng và cầu mong năm mới gia đình sẽ được các vị thần che chở, phù hộ. Khi việc dán lại bàn thờ xong, chủ nhà sẽ thắp hương và tay cầm một con gà trống còn sống, rồi khấn: "Năm cũ qua đi năm mới đến, hôm nay đầu xuân năm mới tôi sẽ thay nhà cửa mới thắp hương thắp nến, có cơm, có thịt gà mới cho "Xử Ca" về ăn Tết cùng với gia đình".

Khấn xong, gà được đem đi mổ, luộc chín và bày lên mâm cùng với một bát cơm, một bát canh, hai chén rượu sau đó tiếp tục khấn: "Hôm nay đầu xuân năm mới, gia đình có con gà trống của nhà để dâng tặng "Xử Ca" về đón nhận thành quả của gia đình, nhận rồi hãy phù hộ cho năm mới, cho tròn một năm 12 tháng, phù hộ cho con cháu năm mới luôn khỏe mạnh, trông giữ nhà cửa không để ma tà, những cái xấu vào được nhà, canh nhà cửa tốt cho gia đình".

 Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng mời tổ tiên

Sau lễ cúng xử ca là lễ cúng mời tổ tiên (cúng tất niên), các gia đình sẽ kê một bàn giữa nhà, trên bàn có một bát hương, một bát gạo có đặt một quả trứng ở trên, bày sáu chiếc bánh dày chia làm hai bên, một cây nến, đồng thời đặt một mâm lễ phía dưới gồm có bánh dày, thịt gà, cơm và canh. Khi bày xong, chủ nhà ngồi phía dưới bàn, một tay cầm thìa chỉ vào đồ lễ và khấn: “Năm cũ qua đi năm mới đã về, gia đình làm mâm cỗ có cơm mới, thịt ngon chưa ăn, kính mời tổ tiên ông bà về ăn. Về cùng ăn, về cùng uống, ăn uống rồi phù hộ cho các thành viên trong gia đình luôn được khỏe mạnh không ốm đau, bệnh tật. Phù hộ cho mùa màng luôn tốt tươi bội thu, phù hộ cho chăn nuôi phát triển sinh sôi, chuồng trại đầy đàn. Phù hộ cho những cái may mắn, xua đuổi những điều xấu, rủi ro, bênh tật theo năm cũ. Năm mới đến làm nương làm rẫy gặp nhiều thuận lợi, đi đường xa không gặp mưa gặp gió, năm mới cơm mới được ăn, nước mới được uống, chăn nuôi không dịch bệnh, mùa màng thì làm ít được nhiều, làm nhiều không sẽ có của ăn, của để cho gia đình”.

Tối ngày ba mươi Tết cổ truyền “Nào Pê Chầu”, đồng bào Mông tiến hành nhiều nghi lễ dân gian để dâng các đồ cúng mời ma nhà, các vị thần, trong đó mâm cúng mời tổ tiên là nghi lễ mang nhiều ý nghĩa với đồng bào Mông nhất, đây là lúc để nhớ về cội nguồn, những người đã khuất.

Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng mời thần linh cai quản bản làng

Chủ nhà lấy một ít thịt, một ít cơm vào thìa rồi mang ra ngoài khấn mời các thần thổ địa, thần núi, thần sông suối... Để tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ cho gia đình và dân bản được khỏe mạnh, mùa màng được bội thu, nội dung lời khấn: “Năm mới đã đến, hôm nay ăn Tết Nào pê chầu, gia đình làm được cơm thịt thơm ngon chưa ăn mà xin kính dâng lên ma thổ địa, ma sông suối, ma núi, ma rừng canh giữ bản làng này, tất cả hãy cùng về ăn, cùng hưởng thụ lễ vật, ăn nhớ phù hộ, uống rồi nhớ che chở, trông giữ làng bản. Hãy phù hộ cho mọi người trong bản làng được khỏe mạnh, làm nương rẫy tươi tốt, mùa màng bội thu; phù hộ cho vật nuôi sinh sôi phát triển không bệnh dịch, không bị hổ, sói ăn. Hãy mang cho làng bản những điều tốt lành”.

Sau nghi thức cúng lễ là những tiết mục văn nghệ, đánh cù, đánh cầu lông gà, ném pao của các chàng trai cô gái người Mông

Từ sáng sớm ngày mùng 1 Tết, không khí ngày Tết đã tràn ngập khắp bản làng, người cao niên rủ nhau ngồi uống rượu và chúc nhau những lời may mắn của năm mới, còn lớp thanh thiếu niên là những người náo nhiệt tạo nên không khí của ngày hội. Những hoạt động văn nghệ, thể thao và trò chơi dân gian rất phong phú và thu hút tất cả mọi tầng lớp tham gia rất nhiệt tình, sôi nổi. Một số trò chơi, văn nghệ, thể thao dân gian gắn liền với Tết cổ truyền “Nào Pê Chầu” và văn hóa Mông như: Múa ô, đánh cù (tù lu), ném pao (pó po), hát ống (cha xái), thổi khèn (tsua kênh), thổi sáo (tsua cha), kéo nhị (ko tra), thổi đàn môi (tsua chà)…

Tết “Nào Pê Chầu” là một lễ hội đặc trưng tiêu biểu, thể hiện rõ nhất về bản sắc văn hóa của dân tộc Mông. Ngày Tết, ngoài các nghi lễ để tạ ơn tổ tiên, đất trời và cầu mong cuộc sống của năm mới luôn bình yên, hạnh phúc. Đây cũng là ngày hội đoàn kết, đưa mọi người trong cộng đồng làng bản xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn, để chung sức xây dựng và phát triển bản làng.

Bài, ảnh: TUẤN MINH

 

 

;