Lễ “Xên đông” của đồng bào dân tộc Thái thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái

Lễ “Xên Đông” (Cúng rừng) là tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Thái thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Là một trong những lễ hội quan trọng nhất của cộng đồng người Thái đen, lễ hội không chỉ mang tính tâm linh mà còn là cơ hội để cộng đồng gắn kết, giao lưu và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Đối với đồng bào dân tộc Thái, rừng như trái tim của cộng đồng, thể hiện những quy ước, luật tục và những giá trị văn hóa truyền thống. Rừng được tôn thờ, sùng kính như ông bà, tổ tiên. Trải qua hàng ngàn năm chung sống hòa thuận với rừng, những của cải vật chất mà rừng đã đem lại cho con người, người dân nơi đây đã rất biết ơn và tôn trọng rừng, họ tự đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng, được cộng đồng đồng thuận và tự nguyện tuân theo.

Đại diện Bộ VHTTDL trao Bằng Chứng nhận của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái - Ảnh: Ngọc Bích

Là cư dân nông nghiệp lúa nước, trong tâm thức của mỗi người, ai cũng nhận biết được tầm quan trọng của rừng đối với đời sống hằng ngày. Rừng chính là nơi bảo vệ cho bản mường luôn mát lành, đem lại cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt, cung cấp nguồn nước sạch cho đồng bào, cung cấp cho con người bao sản vật quý, từ vật liệu làm nhà ở đến đồ dùng sinh hoạt hằng ngày đều do rừng cung cấp, rừng đã góp phần nuôi sống con người và đến khi theo quy luật của tạo hóa, mỗi người qua đời, rừng lại đón về ấp ủ yêu thương như người mẹ. Chính vì thế, lễ "Xên đông" có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của tộc người Thái.

Lễ Xên đông được tổ chức chính thức vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, đây là dịp để người dân tri ân các vị thần linh, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no và bình yên.

Để chuẩn bị cho nghi lễ cúng chính thức trong ngày hôm sau, từ sáng ngày hôm trước, các thầy cúng cùng một số người giúp việc đã có mặt tại chỗ tổ chức nghi lễ chính thức để cúng xin quét dọn, sửa sang, trang trí khán thờ.

Khi công tác chuẩn bị nơi diễn ra lễ cúng chính xong, con trâu tế được đưa về nhà tạo, chủ mường là người có vị trí, chức sắc trong mường, bản, trâu được buộc vào cột cái dưới gầm sàn. Đến giờ đã chọn, thầy mo đến nhà chủ mường, thực hiện bài cúng dưới gầm sàn, xin mang trâu đi mổ, đồng thời mượn áo của chủ mường; vòng tay, vòng bạc của vợ ông chủ mường; vải trắng của nhà ông chủ mường ra khu rừng thiêng làm lễ.

Sau lễ cúng tại nhà chủ mường, con trâu được dắt ra bãi đất rộng ven bờ hoặc bên dưới khu rừng thiêng, nơi diễn ra nghi lễ chính để giết thịt. Trâu mổ xong, lấy 4 chân, đầu, đuôi, nội tạng, tiết để làm lễ cúng cho thế giới hiện tại.

Các thầy mo làm lễ cúng Xên đông dưới gốc cây đa cổ thụ - Nguồn ảnh: Báo Yên Bái

Trên ban thờ cao, tại gốc cây đa đặt các loại quả, nước, tiền, vàng, đèn, hương, bánh kẹo… Ban thờ được trang trí giấy năm màu, cắt hình hoa, hình người, hình áo, đồi núi và có hai cây mía trắng được đặt hai bên. Phần dưới của ban thờ đặt ở gốc cây đa, đặt đầu trâu, ba chân trâu, đuôi trâu, da trâu, xương sườn và một ít thịt trâu sống để cúng thần rừng.

Ngoài ra, các phần còn lại của con trâu tế được thầy mo phụ thứ hai cùng những người giúp việc chế biến tại ngay khu vực diễn ra nghi lễ để chuẩn bị ba mâm cỗ cúng đặt phía dưới gồm thịt trâu và đầy đủ các bộ phận của con trâu. Riêng mâm giữa có 1 chiếc chân trâu cùng với xôi, bánh chưng, măng, rau xanh, rượu, muối, nước mắm… cùng áo chủ mường, vòng tay của vợ chủ mường để làm lễ cúng.

Cuối cùng thầy mo và chủ mường tham gia cúng lễ. Kết thúc phần lễ, mọi người cùng tham gia ăn uống vui vẻ tại nhà chủ mường, sau đó chuyển sang phần hội với nhiều hoạt động vui vẻ, hấp dẫn.

Ngày 9-8-2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 2319/QĐ-BVHTTDL, về việc đưa tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ “Xên Đông” của người Thái thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ngày 21-12-2024, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ “Xên đông”.

Đối với người Thái tại Nghĩa Lộ, lễ Xên Đông không chỉ là một tập quán tín ngưỡng mà còn mang ý nghĩa bảo vệ môi trường, đặc biệt là rừng đầu nguồn. Đây là biểu tượng của sự gắn bó chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên, thể hiện triết lý nhân văn sâu sắc về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên môi trường. Di sản này phản ánh khát vọng vươn lên của cộng đồng, gắn kết văn hóa và đời sống tinh thần của người dân.

Sự ghi danh lễ Xên Đông là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và người dân thị xã Nghĩa Lộ trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Đây cũng là động lực để địa phương tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với gìn giữ bản sắc dân tộc, xây dựng Nghĩa Lộ trở thành một vùng đất phát triển, văn minh và giàu bản sắc.

BÍCH NGỌC

;