Xử lý âm khu giọng hát trong tiến hành phối bè hợp xướng

1. Những vấn đề xử lý âm khu ảnh hưởng tới hợp xướng

Các tác phẩm viết cho hợp xướng thường gặp phải những hợp âm phân bổ không thuận lợi cho việc cân bằng âm lượng giữa các bè. Ví dụ, ta có một hợp âm có cường độ mạnh (f) như nốt Đô của nam trầm là nốt rất căng thẳng vì nó viết ở âm khu cao. Nốt Mi của bè nam cao là nốt cao nhất của âm khu trung nên nó vang lên tương đối khỏe. Nốt Son của bè nữ trầm thì trung bình; còn nốt Đô của bè nữ cao hơi yếu vì nó là nốt thấp nhất của âm khu trung.

Với một cấu trúc như vậy, không thể đạt tới một hợp âm hài hòa về âm lượng được vì độ mạnh trong âm thanh của từng bè sẽ bị giảm dần từ bè thấp nhất đến bè cao nhất.

Hình tượng nghệ thuật âm nhạc phụ thuộc vào cách bố trí giọng hát ở âm khu nào và sắp xếp khoảng cách giữa các bè hợp xướng rộng - hẹp: giai điệu trải rộng, không linh hoạt, nghiêm trang hay khắc nghiệt nên sử dụng âm khu trầm của giọng. Âm nhạc bình ổn, mềm mại, xa xôi, tĩnh lặng có cường độ pp, p bố trí âm khu trung của giọng. Ở âm khu trung của giọng, khả năng biểu hiện âm nhạc dày và đầy đặn cũng rất tốt nếu xử lý sắc thái có cường độ f và ff. Âm khu trung của giọng có thể xử dụng khá tự do (từ pp đến ff) vì dễ tạo sự cân đối và cân bằng về âm lượng. Cao trào, căng thẳng, kịch tính, mạnh mẽ, rạng rỡ thì nên sử dụng âm khu cao của giọng hát, tuy nhiên, khi sử dụng không nên kéo dài thời gian, cần thận trọng và tiết kiệm, chọn đúng thời điểm sẽ rất tốt, gây hào hứng mà không ảnh hưởng tới sức khỏe của người hát. Trong cùng một tác phẩm, nên sử dụng các âm khu có chủ đích và rõ ràng, đa dạng hóa các thủ pháp, đối tỷ sắc thái, đối tỷ nội dung, phân bè chính, bè phụ, đối tỷ âm khu giữa hợp xướng và solo… Một nhân tố quan trọng của âm thanh trong hợp xướng là tiết tấu và giai điệu của các bè. Trong khi hát forte, người ta hiếm khi giao cho bè alto và bè bass của hợp xướng những nốt giữ lâu, ngược lại người ta giao rộng rãi cho các bè soprano và tenor những âm hình nhanh, nốt nhắc lại… Nhờ có sức sống sôi sục đó, bên trong các bè tạo ra được những hiệu quả nổi bật. Lực hát của các bè hoàn toàn phụ thuộc vào phương thức kỹ thuật phát âm của mỗi người. Một số giai điệu âm hình vang tốt nếu hát legato, một số khác vang tốt nếu hát staccato…

Giảm nhẹ bè trầm

Chúng ta không nên để bè bass nghỉ quá dài, sẽ tạo cho người nghe cảm giác do dự, bâng quơ. Khi bè bass trở lại nó gây ra một cảm giác thở phào, ổn định, vững chãi. Tuy nhiên, ngày nay, người ta sẵn sàng rời bỏ những luật lệ của phong cách thanh nhạc cổ khi nó trái ngược với nguyên lý viết của bản thân được thiết lập từ thời kì Haydn. Đó là đặt cái đẹp của hiệu quả âm thanh lên trên sự nghiêm túc của phép đối vị (đối âm hiểu theo lối cổ). Người soạn nhạc có thể tùy thích tăng, giảm số lượng của các bè hòa âm dựa theo loại âm thanh mà óc tưởng tượng hoặc ý thích của người đó gợi ra, sử dụng rộng rãi tất cả những khả năng phức điệu. Cách tiến hành bè, cách viết ngày nay tự cho phép những sự tự do không hề có ở thời trước, điển hình như các quãng 8 liên tục (nghiêm cấm ở thời kì trước) hay còn gọi là các quãng 8 song song. Người ta ít phân bè alto đặc tả khi toàn bộ hợp xướng đang hoạt động, thông thường bè alto dùng điền đầy đem lại cho hòa âm một sự đầy đặn xét ra cần thiết. Bên cạnh đó, bè bass cũng ít được phân cho những đường nét giai điệu có tiết tấu dày đặc (móc kép ở tốc độ nhanh). Không gì phản âm học bằng việc chồng đống các âm ở những khu vực thấp của thang thanh âm chung. Tất cả những quãng thuận sẽ mất cái đẹp của nó, trừ quãng 8, các hợp âm vang nặng nề, rối rắm, hỗn độn… Bởi thế, đôi khi, người ta chỉ dùng các hòa âm của bè bass để diễn đạt những cảm giác nặng nề, lo lắng cực độ, u uất trong lòng.

Phương thức xây dựng những bè đệm

Ngoài việc hát ngậm miệng chúng ta còn hát thì thầm, đọc tiết tấu, nói thơ, sử dụng những âm thanh trong thiên nhiên: tiếng chim hót, gió thổi, tiếng suối reo… hát vocalize. Tính đồng diễn - cân bằng âm lượng (Ensemble): Việc tiến hành bè tạo nên “vẻ đẹp hòa thanh”, sạch - đẹp - đúng, nhưng không có nghĩa là sơ đồ cứng nhắc, mà có thể biến đổi sao cho hợp lý để âm nhạc không rơi vào tình trạng xô bồ, hỗn loạn… Sự hòa điệu của từng bè trong âm lượng chung của hợp xướng là nghệ thuật đồng diễn. Đạt tới sự tổng hòa, cân đối về âm lượng bằng hai cách: Ensemble tự nhiên, các bè hát ở âm khu thuận lợi giống nhau (cùng ở âm khu trầm, cao hoặc trung của từng loại giọng);           Ensembll nhân tạo, để có cường độ âm thanh cân bằng, mỗi bè cần phải thực hiện những sắc thái khác nhau.

2. Kỹ thuật tiến hành các bè

Giọng hát tương tự như một nhạc cụ không phân định cung bậc, không phân chia cao độ một cách máy móc, vì vậy, để giữ cho giọng hát đúng cao độ, có được những âm thanh chuẩn xác là một việc hết sức khó khăn, nhất là đối với hợp xướng - một tập thể diễn viên với màu sắc giọng rất khác nhau. Đối với tầm cữ giọng trong hợp xướng, mỗi loại giọng đều có âm vực nhất định, việc sử dụng đúng âm vực của từng loại sẽ có được độ vang cân đối, hài hòa. Để diễn tả một màu sắc riêng biệt của giọng hát trong hợp xướng, sự thuần khiết của một loại giọng tạo ấn tượng khá rõ nét, sử dụng âm khu thuận lợi nhất để khoe vẻ đẹp của giọng. Để đạt được những âm thanh như vậy khi tiến hành phối âm cho hợp xướng, theo chúng tôi có những dạng sau:

Âm khu giọng hát

Đối với âm khu giọng nữ cao trong hợp xướng: âm khu thấp nhất: hầu như không sử dụng đến, rất yếu; âm khu thấp: yếu, màu sắc giọng không rõ; âm khu trung bình: dễ phân biệt âm sắc, dày; âm khu cao: sáng, khỏe, rõ và đẹp; âm khu rất cao: khó, nguy hiểm.

Đối với âm khu giọng nữ trầm trong hợp xướng: âm khu thấp: hơi yếu, ít sử dụng; Âm khu trung bình: đều đặn, dày dặn, âm sắc hợi tối; âm khu cao: sáng, khỏe, rõ âm sắc, súc tích; âm khu cao: khó, nguy hiểm, ít đẹp.

Đối với âm khu giọng nam cao trong hợp xướng: âm khu thấp nhất: rất yếu, không hay sử dụng; âm khu thấp: hơi yếu, âm sắc mờ; âm khu trung bình: âm sắc tương đối rõ; âm khu cao: sáng, khỏe, tiêu biểu; âm khu rất cao: khó, nguy hiểm.

Đối với âm khu giọng nam trầm trong hợp xướng: âm khu thấp: mờ yếu, ít sử dụng; âm khu trung bình: dày, đầy đặn với âm sắc, tối; âm khu cao: sáng khỏe vang, đầy, âm sắc rõ ràng; âm khu rất cao: rạng rỡ nhưng rất khó đẹp và khó hát.

Âm lượng trong hợp xướng

Muốn có được một âm thanh cân đối, hài hòa trong từng bè và trong toàn bộ các bè của hợp xướng, chúng ta cần quan tâm tới âm chuẩn. Âm chuẩn của hợp xướng có nghĩa là giữ cho giọng hát được đúng điệu. Một điệu thức vang lên bằng hai cách: một là, thông qua giai điệu; hai là, thông qua hợp âm chứa đựng những cung bậc, những quãng của điệu thức đó. Cho nên, âm chuẩn của hợp xướng cũng được chia làm hai loại: âm chuẩn giai điệu và âm chuẩn hòa thanh. Phối âm những nốt thuận lợi, dễ đúng nhất với giọng hát là những nốt ở âm khu trung của từng loại giọng. Ví dụ: từ g1 đến c2 cho giọng nữ cao; từ d1 đến a1 cho giọng nữ trầm; từ g1 đến c1 (bát độ nhỏ) cho nam cao và từ c đến g (bát độ nhỏ) cho nam trầm.

Sắc thái trong hợp xướng

Một tác phẩm âm nhạc nói chung hoặc một tác phẩm hợp xướng nói riêng đều được viết dưới một dạng cấu trúc nhất định nào đó. Tác giả muốn diễn đạt tư tưởng và tình cảm của mình, đó chính là nội dung, là hồn của mỗi tác phẩm. Áp dụng sắc thái, xây dựng màu sắc của âm thanh là một công việc rộng lớn và sâu sắc trong nghệ thuật hợp xướng. Sắc thái giúp cho việc phát hiện nội dung và bản chất bên trong của tác phẩm, đồng thời cho phép xây dựng nên hình tượng nghệ thuật cần thiết để thể hiện “cái hồn” của tác phẩm. Chính các chất sinh động và đa dạng, độc đáo của sắc thái đã chở thành nguồn cảm hứng vô tận cho nhạc sĩ. Trong nghệ thuật hợp xướng, màu sắc của giọng hát, nhẹ nhàng hay mạnh mẽ, gọn nảy hay mềm mại du dương, sự thay đổi về độ vang mạnh dần hay khẽ dần, rõ ràng mạch lạc hay thì thầm, bóng bảy; tất cả những biến đổi tế nhị về cường độ và màu sắc của âm thanh chính là sắc thái trong âm nhạc. Về khía cạnh nào đó, nó là một yếu tố chủ chốt trong âm thanh của hợp xướng thì ý nghĩa của sắc thái cần phải được hiểu một cách sâu rộng hơn. Khái niệm sắc thái cần tượng trưng cho nội dung tác phẩm, hình tượng nghệ thuật, kể cả sự linh hoạt của tiết tấu chứ không riêng cường độ và sự thay đổi cường độ của âm thanh. Nói tóm lại, ta nên có quan niệm đầy đủ về sắc thái trong hợp xướng như là một biểu tượng nghệ thuật.

Đồng diễn (emsemble)

Đây là yếu tố cơ bản tạo nên âm thanh hợp xướng, trong hợp xướng để đạt hiệu quả âm thanh hài hòa là công việc mà các nhạc sĩ sáng tác luôn cần phải quan tâm. Bởi vì, âm lượng của giọng hát và các nhạc cụ không chỉ thay đổi theo âm khu, mà còn phụ thuộc vào tính chất âm nhạc cần diễn tả, chẳng hạn như một nét nhạc chạy kiểu rải hợp âm đi lên nghe sinh động hơn, vang hơn là nét nhạc ngân dài. Song, như thực tế đã chứng minh, nhiều bài hòa  âm theo lối viết bốn bè “sạch sẽ”, không mắc lỗi, nhưng khi được vang lên ở dàn hợp xướng thì hiệu quả “âm thanh thật” không được như mong muốn. Nguyên nhân của tình trạng này là do cách tiến hành các bè chưa cân đối về mặt âm khu, nhằm đáp ứng khả năng cần thiết trong diễn tả hình tượng nghệ thuật. Hơn nữa, mỗi loại giọng hát chỉ có một vài lợi thế nhất định trong việc diễn tả các tính chất âm nhạc khác nhau. Không phải bất cứ ca sĩ nào cũng có được một giọng hát đáp ứng được tất cả các âm khu của tác phẩm thanh nhạc. Điều này đòi hỏi người sáng tác phải biết cách tổ chức âm thanh một cách hợp lý, khi biết được khả năng và tính chất của từng loại giọng để vận dụng vào từng âm khu khác nhau.

Rút bè, thêm bè trong hợp xướng

Thêm bè, rút bè tạo ra cho hợp xướng một âm hưởng mới, có sắc thái đặc biệt. Việc thêm bè hay rút bè liên quan đến âm khu, âm lượng và sắc thái. Các bè có thể được bố trí “vào” thêm dần từng bè để tạo độ dày, mạnh dần dần để tăng cường độ. Khi muốn giảm cường độ, có thể rút dần từng bè, các bè “ra” lần lượt sẽ tạo hiệu quả mỏng dần, nhẹ dần và xa xăm…

Ví dụ: Đất nước hôm nay của Phan Thao, phối âm Vũ Đình Ân (trích)

Kĩ thuật phối hợp xướng khi có bè solo

Bè solo nên ở âm khu khác với các bè của hợp xướng để có thể nổi bật. Hợp xướng làm nền có tính chất đệm, nên viết ở tiết tấu khác, viết ở sắc thái nhỏ, khẽ hơn bè solo. Giai điệu solo - hợp xướng đệm: âm thanh hợp xường không được lấn át solo. Bè solo hát ở âm khu cao hơn hợp xướng. Tiết tấu hợp xướng khác bè solo, thường bình ổn và ngân dài. Cũng có thể solo có lời ca, hợp xướng hát ngậm miệng hoặc sử dụng hư từ, solo và hợp xướng đối đáp, luân phiên…

Ví dụ: Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của Nguyễn Tài Tuệ, phối âm Đỗ Dũng (trích)

Khi muốn tạo sự tương phản giữa hai màu giọng nữ và giọng nam, có thể bố trí giọng nữ giữ giai điệu, còn giọng nam đệm nền trên những âm hình tiết tấu khỏe, hoặc hát đuổi, hát mô phỏng hoặc hát ngậm miệng, cũng có thể phân cho từng bè hát độc lập một nét nhạc chủ đề, một giai điệu ngắn, khi bè solo ngân dài, hoặc tạm nghỉ. Trong bài hợp xướng Bài ca Hồ Chí Minh của Vĩnh Lai, bè solo Tenor được viết ở âm khu Trung rất thuận lợi cho giọng nam cao. Ở âm khu cao, nốt Mi của bè nam cao là nốt cao nhất của âm khu trung. Vì vậy, nó vang lên tương đối khỏe và được viết ở âm khu khác với các bè của hợp xướng để có thể nổi bật. Hợp xướng làm nền có tính chất đệm, được viết ở tiết tấu khác, viết ở sắc thái nhỏ, khẽ hơn bè solo. Cũng có thể solo có lời ca, hợp xướng hát ngậm miệng hoặc sử dụng hư từ. Solo và hợp xướng đối đáp, luân phiên lần lượt…

Ví dụ: Bài ca Hồ Chí Minh của Vĩnh Lai (trích)

Khi tiến hành đồng âm có thể dùng giai điệu đồng âm hai bè, ba bè hoặc toàn bộ hợp xướng (tutti) đồng âm (bốn bè). Nhưng thường chỉ xuất hiện trong thời gian rất ngắn để tập trung cho ý tưởng nào đó, không nên kéo dài.

Ví dụ: Việt Nam đất nước anh hùng bốn mùa rực rỡ của Nguyễn Chí Vũ - Ngọc Linh (đồng âm hai bè nữ) (trích)

Lối hát ngậm miệng

Không một thủ pháp nào gây ra được một hiệu quả trực diện và rõ rệt như việc hát ngậm miệng, âm sắc lộng lẫy biến đi, nhường chỗ cho một âm thanh u ám, buồn và êm dịu. Do ngậm miệng tạo ra hiệu quả của âm thanh vang lên như vậy, loại âm vang này, không thể dùng kéo dài hoặc dùng luôn. Nó sẽ gây ra một sự rấm rứt có thể dẫn tới người nghe không chịu nổi. Bởi vậy, nhạc sĩ tránh dùng thủ pháp khi không có một dụng ý rõ rệt.

Có thể nói, để có một tác phẩm hợp xướng tốt, đòi hỏi mỗi nhạc sĩ phải biết tường tận những đặc điểm của âm sắc hợp xướng. Khi viết/ phối lại một tác phẩm hợp xướng viết cho giọng này sang giọng khác, hoặc chuyển tác phẩm hợp xướng này sang hợp xướng kia (hợp xướng hỗn hợp bốn bè chuyển sang hợp xướng hỗn hợp ba bè, hợp xướng nam chuyển sang cho hợp xướng nữ… ), hay từ tác phẩm nhạc cụ chuyển sang cho hợp xướng, nhạc sĩ phải sử dụng nhiều kỹ thuật trong tiến hành phối âm, sao cho đạt được hiệu quả âm thanh tốt nhất.

Tài liệu tham khảo:

1. Minh Cầm, Chỉ huy và biểu diễn hợp xướng, Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa và Thông tin, Hà Nội, 1982, tr.28

2. Nguyễn Xuân Chiến, Lâm Trúc Quyên Thiết kế đào tạo môn phối hợp xướng cho đại học sư phạm âm nhạc, Khoa Nghệ thuật - Đại học Sài Gòn, 2011, tr.24 

Tác giả: Ths Nguyễn Xuân Chiến

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

;