Xu hướng phát triển của phim truyện điện ảnh Việt Nam chuyển thể từ văn học dân gian

1. Nét chung về những phim truyện điện ảnh chuyển thể từ văn học dân gian

Với biển chất liệu rộng lớn từ cổ chí kim, phim truyện điện ảnh có trăm đường ngàn lối để hình thành nên tác phẩm mới gây sức hút, có ý nghĩa với người đương đại. Dựa vào “bầu sữa” của người mẹ “dân gian” là một hướng đi nhiều hứa hẹn. Bởi vì, ở đó chứa đựng những cốt truyện, cấu tứ, tình tiết, nhân vật sẵn có, những yếu tố văn hóa từ ngàn đời. Thực tế, nhiều loại hình nghệ thuật như nhạc, họa, múa, văn học hiện đại của nước ta hay nền điện ảnh của nhiều nước phát triển đã chứng minh điều này. Rất nhiều tác phẩm thuộc nhiều loại hình khác nhau đã thành công khi khai thác chất liệu từ văn học dân gian (VHDG). Các nhà làm phim Việt Nam cũng ý thức được giá trị của VHDG từ lâu khi làm một số phim video về nguồn chất liệu này, hoặc quay một số tích truyện dân gian qua các vở diễn sân khấu. Đặc biệt, lĩnh vực hoạt hình cũng có nhiều bộ phim dựa vào VHDG. Trong một thời kỳ, do nhiệm vụ cách mạng quan trọng và cấp thiết nên phim truyện điện ảnh chưa đủ điều kiện đầu tư nhiều vào dòng phim này. Chỉ từ năm 1986, khi đất nước mở cửa, do những phim truyện điện ảnh mới chuyển hướng sang những nội dung khác, phần lớn phục vụ thị hiếu của người dân. Đời sống nhân dân có biến chuyển, nhu cầu giải trí nâng cao và loại hình nghệ thuật điện ảnh đã có những bước tiến đáng kể. Lúc này, phim truyện điện ảnh khai thác VHDG được thực hiện tập trung hơn. Tuy nhiên, số lượng hạn chế, làm rải rác qua nhiều giai đoạn.

Tới nay, các nhà điện ảnh của nước ta ngày càng chú trọng về việc khai thác VHDG. Ngoài 8 phim tiêu biểu chuyển thể từ VHDG là Thằng Bờm (biên kịch: Bành Châu, đạo diễn: Lê Đức Tiến, 1987); Học trò thủy thần (biên kịch: Nguyễn Khắc Phục, đạo diễn: Nguyễn Khánh Dư, 1990); Truyền thuyết tình yêu của thần nước (biên kịch, đạo diễn: Hà Sơn, 1991); Dã tràng xe cát biển Đông (biên kịch: Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn: Nguyễn Khánh Dư, 1995); Hồn Trương Ba da hàng thịt (biên kịch, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, 2006); Cuộc chiến với Chằn Tinh (biên kịch, đạo diễn: Nguyễn Quang Hải Âu, 2014); Tấm Cám chuyện chưa kể (biên kịch: Hoàng Anh, Jun Phạm, Aaron Toronto, Nhã Uyên, Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn: Ngô Thanh Vân, 2016); Trạng Quỳnh (biên kịch: Đỗ Đức Thịnh, Nguyễn Khoa Hồng Thành, Windy Phạm, Nhựt Tân, Nguyễn Lan Chi, đạo diễn: Đỗ Đức Thịnh, 2019) đã xuất hiện nhiều phim truyện điện ảnh có nội dung đi sâu vào các yếu tố văn hóa truyền thống (Áo lụa Hà Đông, Song Lang, Cô Ba Sài Gòn...). Thực tế các phim đạt chất lượng cao của nước ta trong suốt chiều dài lịch sử, hầu hết đều chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa dân tộc sâu đậm như: Chị Tư Hậu, Đến hẹn lại lên, Bao giờ cho đến tháng Mười, Thương nhớ đồng quê, Cánh đồng hoang, Con chim vành khuyên

Khai thác VHDG trong 8 phim truyện điện ảnh trên không phải là “bản chép” thuần túy từ thể loại này sang thể loại khác. Nhờ ngôn ngữ nghệ thuật thứ bảy, câu chuyện xưa hiện lên trên màn ảnh rộng và được làm mới lại theo nhãn quan của người làm phim. Những yếu tố văn hóa trong VHDG cũng được tiếp thu theo quan điểm hiện đại. Có thể nói, huyền thoại trở về trong phim truyện điện ảnh với những biểu hiện đa dạng, nhiều chiều, nhiều vẻ.

Biến thể của VHDG nằm ở tính chất trực tiếp, có khi là những ẩn ý, những dụ ngôn đầy sức hàm chứa, chất thêm nhiều cách “đọc”, cách diễn giải của thời đại mới. Nhà điện ảnh tái sinh huyền thoại bằng cách mô phỏng hoặc viết tiếp huyền thoại, cũng có khi tạo lớp nghĩa mới cho huyền thoại xưa. Nói cách khác, huyền thoại kết thúc là nơi điện ảnh bắt đầu. Ta bắt gặp nhiều biểu tượng huyền thoại truyền thống đã tồn tại trong thế giới tâm hồn người Việt được hiện ra vừa quen thuộc vừa mới lạ, một số trường hợp có phần khác biệt.

Nhân văn là thước đo giá trị văn học nghệ thuật mọi thời đại. Điện ảnh cũng như VHDG lấy con người làm trung tâm, đối tượng phản ánh và luôn có ý thức khám phá, phát hiện những vẻ đẹp muôn mặt của con người trong cuộc sống. Hướng tới con người, khẳng định ca ngợi những nét đẹp của con người chính là thể hiện tấm lòng, thể hiện sự tâm huyết, trăn trở của nhà làm phim với cuộc đời, với số phận con người, kết nối giữa người xưa và người đời sau trong một nhãn quan có chủ ý, trong mạch nguồn thống nhất. Người làm điện ảnh đều có chung đặc điểm là nỗ lực biến đổi nội dung tác phẩm VHDG nhằm vượt qua các giới hạn truyền thống.

Khai thác và cải biên tác phẩm VHDG sang phim truyện điện ảnh, các nhà làm phim không chỉ khai thác/ cải biên các yếu tố thuộc về nghệ thuật như cốt truyện, nhân vật, tình tiết, tư tưởng, nhan đề, ngôn ngữ… mà còn cải biên các yếu tố văn hóa. Nhờ các yếu tố nghệ thuật mới thể hiện được các yếu tố văn hóa, và nhờ các yếu tố văn hóa mà các yếu tố nghệ thuật mới tồn tại có ý nghĩa, mang đặc trưng riêng. Nên đôi khi các yếu tố văn hóa và các yếu tố nghệ thuật trong phim truyện điện ảnh hòa lẫn vào nhau, khó phân tách rạch ròi. Tất cả góp phần hình thành nên chỉnh thể văn hóa nghệ thuật toàn vẹn.

Thường thì nhân vật không hòa nhập vào các yếu tố văn hóa một cách đơn thuần mà bị các yếu tố văn hóa chi phối, gây ảnh hưởng tới hành động của họ. Các yếu tố văn hóa và các yếu tố nghệ thuật luôn có sự tương tác lẫn nhau một cách khăng khít. Các yếu tố văn hóa phần nào giải đáp những câu hỏi: điều gì quan trọng trong câu chuyện, tại sao chúng được sử dụng trong hoàn cảnh xã hội đó. Việc tìm hiểu các yếu tố văn hóa cho phép người xem hiểu được cuộc sống của con người trong những hoàn cảnh, thời đại khác xa họ, hiểu được những hành xử, tư duy của nhân vật, cùng nguồn cơn câu chuyện diễn ra. Song, phần lớn các nhà làm phim của ta chưa thực sự chú ý đến vấn đề này hoặc chưa đủ tầm văn hóa để biến những yếu tố văn hóa dân gian trở thành một tế bào sống, không thể thiếu được trong tác phẩm của mình.

Dựa vào VHDG, các nhà làm phim Việt Nam đã thỏa sức nhào nặn câu chuyện có sẵn thành những tác phẩm mới nhằm chuyển tải thông điệp riêng. Qua đó, các yếu tố văn hóa cũng biến đổi theo. Có những yếu tố văn hóa được phát huy, thăng hoa trong hình thức mới; có những yếu tố văn hóa biến mất hoặc bị thay đổi bằng những yếu tố văn hóa mới. Nhìn tổng thể, hầu hết các nhà điện ảnh của ta đã có ý thức lấy chuyện cũ để nói về vấn đề của thời hiện đại đề cập tới chuyện con người hôm nay, tuy nhiên khi thể hiện trong phim truyện điện ảnh thì sự thành công nhiều khi chưa đạt mong muốn.

2. Sự phát triển của điện ảnh Việt Nam hiện nay

Số lượng, chất lượng phim truyện điện ảnh của nước ta ngày càng được cải thiện và nâng cao. Thời trước, phim truyện Việt Nam sản xuất hoàn toàn bằng tiền Nhà nước, thì nay chủ yếu được làm bằng sự đầu tư của tư nhân. Để tồn tại và phát triển, khẳng định được thương hiệu, các hãng phim quan tâm đặc biệt tới việc đầu tư chất lượng phim. Không chỉ đầu tư về nhân lực, tiền bạc, nhiều phim của nước ta còn đem sang nước ngoài thực hiện hậu kỳ, kỹ xảo. Việc mời chuyên gia nước ngoài tham gia về mặt kỹ thuật ngày một phổ biến; giúp phim nước ta có chất lượng hình ảnh, nghệ thuật ngày càng được nâng cao. Nhiều phim đã tạo được tiếng vang và đạt giải thưởng quốc tế như Em chưa 18, Song Lang, Cha cõng con, Đập cánh giữa không trung, Bi đừng sợ

Cơ sở vật chất của lĩnh vực chiếu bóng cũng có sự chuyển mình đáng kể. Tất cả hướng tới xây dựng điện ảnh thành một ngành mũi nhọn trong công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Ngoài những thành công đạt được là vô vàn thách thức khiến các nhà làm phim không khỏi trăn trở.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021; nhấn mạnh vai trò quan trọng của nghệ thuật điện ảnh: ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa, một số sản phẩm văn hóa chủ lực, có tiềm năng, lợi thế như điện ảnh.

Khẩu hiệu của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII năm 2021 cũng là “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”, với mục đích tiến tới hội nhập, giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế. Việc xây dựng nền điện ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc và đi đến hội nhập với thị trường quốc tế đồng nghĩa với việc nền điện ảnh của ta cần phải vừa giao lưu, vừa cạnh tranh với các sản phẩm điện ảnh trên thị trường quốc tế. Nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc cũng vì thế xuất hiện. Để phim truyện điện ảnh của nước ta bước ra hội nhập và cạnh tranh được với điện ảnh quốc tế mà không bị đồng hóa về mặt văn hóa, thì con đường trở về chính mình là ưu việt hơn cả. Một trong những cách thức trở về chính mình là khai thác VHDG vào phim truyện điện ảnh.

Với giá trị văn hóa sâu sắc, lâu bền trong các tác phẩm VHDG, người làm phim có nhiều cách để khai thác kho tàng này: khai thác trung thành hoặc khai thác tự do. Vấn đề là những người làm điện ảnh phải nhìn thấy giá trị, những nét đẹp văn hóa trong chất liệu dân gian ấy. Phim truyện điện ảnh khác văn học nên phải có các yếu tố như trang phục, đồ dùng, đạo cụ… thể hiện trực quan hình ảnh đời sống trên màn ảnh. Những yếu tố này cần mang “hồn vía” dân tộc, nói cách khác, các yếu tố nghệ thuật phải thể hiện được yếu tố văn hóa trong đó. Vậy nên, phim truyện điện ảnh đậm đà bản sắc dân tộc không chỉ ở cốt truyện mà nhân vật hành xử, tư duy, ngôn ngữ phải mang đặc trưng riêng của văn hóa Việt Nam; nhân vật phải được hoạt động trong môi trường mang đậm bản sắc dân tộc.

3. Thách thức với người làm phim truyện điện ảnh chuyển thể từ VHDG

Quy luật chi phối của thị trường vừa sòng phẳng, vừa nghiệt ngã, lời ăn, lỗ chịu, khiến các nhà điện ảnh luôn đứng trước những sự cân não lớn khi quyết định chọn đề tài phim cũng như thể hiện thế nào để vừa đạt hiệu quả nghệ thuật, vừa đem lại lợi nhuận cao nhất.

Năm 2010, 65 hãng phim tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim. Năm 2018, nhiều hãng phá sản, chỉ còn 33 hãng. Bên cạnh những phim đạt doanh thu phòng vé cao là hàng loạt phim thua lỗ. Bởi vậy, không đơn giản để nhà sản xuất chọn VHDG làm chất liệu cho tác phẩm của mình.

Xu hướng chung của phim truyện điện ảnh Việt Nam hiện nay là giải trí thương mại. Các hãng tư nhân phần lớn chú trọng khai thác đề tài lạ so với truyền thống, đó là các dạng phim: kinh dị, hành động, đồng tính, hài, tình cảm… Phim khai thác VHDG là một mảng nội dung thời gian gần đây được quan tâm phần nào và chủ yếu làm theo hướng phục vụ nhu cầu giải trí, thương mại đơn thuần, nhằm thu lời trước mắt.

Khai thác chất liệu từ VHDG, những phim gần đây, kỹ thuật, kỹ xảo tốt nhưng lại không mang nét riêng. Sự sáng tạo của nhà làm phim hoàn toàn theo ý chủ quan, để phim được ly kỳ, đẹp mắt, dường như đề cao yếu tố câu khách chứ chưa thực sự nghiên cứu thấu đáo yếu tố văn hóa dân tộc. Đến với phim ảnh, người ta không chỉ để xem kỹ xảo, kỹ thuật mà quan trọng hơn còn xem nội dung trong đó, nhất là muốn xem về tư duy, lối sống, cuộc sống của nhân vật trong phim có gì đặc biệt, thú vị với mình. Những vấn đề về kỹ thuật chỉ là để phục vụ nội dung. Nhưng phim hiện nay không chỉ có hàng loạt sạn ở chi tiết, mà còn nhiều vấn đề về kịch bản, nội dung tư tưởng, chưa thực sự chinh phục được khán giả có trình độ, dù có thể bán được vé. GS, TS Trần Thanh Hiệp nhận định rằng, điện ảnh Việt Nam hiện nay, trong đó có phim làm về VHDG “còn thiếu vắng những bộ phim gắn liền với những vấn đề căn cốt của dân tộc, chưa có những phim chứa đựng những triết lý sâu sắc về nhân cách con người Việt Nam, về hệ giá trị đạo đức tinh thần của người Việt Nam trong thời đại mới, trong không gian sinh tồn mới, với những thách thức mới” (1).

Phim truyện điện ảnh nói chung và phim chuyển thể VHDG nói riêng đều tồn tại nhiều vấn đề vì nhiều lý do, song cơ bản là:

Phim truyện điện ảnh vốn cần sự đầu tư lớn về kinh phí thực hiện, phim truyện điện ảnh chuyển thể VHDG càng ngốn số tiền đầu tư “khủng” hơn ở mọi chi tiết. Đó là, hàng núi khó khăn về trang phục, phong tục tập quán, ngôn ngữ, đạo cụ… Mọi công đoạn làm phim khai thác VHDG đều công phu hơn phim làm về đề tài hiện đại. Phim về VHDG có nhiều cảnh thần tiên, huyền ảo, cần sử dụng kỹ xảo. Trong khi trình độ kỹ thuật của ta chưa đáp ứng được, hầu hết phải thuê ở nước ngoài.

Sự am hiểu về văn hóa dân tộc nói chung vốn đã hạn chế ở nhiều người làm điện ảnh trẻ. Bên cạnh đó, họ lại chưa thực sự coi trọng yếu tố này, chưa thấy được tầm quan trọng sâu sắc của nó, nên chưa có sự nghiên cứu thấu đáo để tái hiện nó trong phim. Hầu hết phim về VHDG mới chỉ khai thác những tín hiệu văn hóa bề ngoài, dễ thấy, dễ làm, đôi khi chưa ăn nhập với truyện phim.

Bên cạnh đó, quan điểm về giải trí, thương mại, thẩm mỹ của một số nhà làm phim nói chung, đặc biệt là nhiều nhà làm phim trẻ còn có những vấn đề đáng bàn.

Sản phẩm điện ảnh vốn là loại hàng hóa đặc thù ở chỗ nó còn là sản phẩm văn hóa, nó đòi hỏi sự kết tinh những giá trị văn hóa trong đó. Tuy nhiên, một số phim chủ yếu lấy những thứ hào nhoáng bên ngoài làm cơ sở để hút khách, chưa thực sự nói tới vấn đề căn bản của con người hiện đại, chưa đi sâu vào những giá trị văn hóa dân tộc. Cái đẹp trên màn ảnh ở ta phần nhiều là những cái đẹp mỹ miều về hình thức như quần áo diêm dúa, cảnh quay hoành tráng, hoa lệ, chưa thực sự thể hiện được cái đẹp biểu tượng, cái đẹp ẩn ý của ngôn ngữ điện ảnh. Sự lựa chọn diễn viên, vì thế, được chú trọng ở những người nổi tiếng trên sân khấu kịch, hoặc người mẫu thời trang, hay hoa hậu, ca sĩ vốn được cho là đẹp và quen mặt với công chúng; chứ chưa dụng công tìm sự hóa thân chuyên nghiệp từ một người phù hợp với vai diễn.

Cũng vì tư duy thẩm mỹ và quan niệm giải trí chưa sâu rộng mà một số nhà làm phim chủ yếu chỉ trau chuốt về kỹ thuật, hình ảnh mà xem nhẹ kỹ thuật viết kịch bản. Họ chưa có sự đầu tư cần thiết cho kịch bản một cách thấu đáo.

4. Giải pháp nâng tầm, phát triển dòng phim truyện điện ảnh chuyển thể từ VHDG

Khắc phục thực trạng trên của phim truyện điện ảnh Việt Nam nói chung và phim truyện điện ảnh chuyển thể VHDG nói riêng cần có một chiến lược liên hoàn, đồng bộ về tất cả các khâu. Ngoài việc đầu tư về kinh phí, nâng cấp về trình độ làm phim, trang bị các điều kiện kỹ thuật, đầu tư giáo dục thẩm mỹ, trình độ chuyên môn cho những người làm phim… chúng ta cần đặc biệt chú trọng tới lĩnh vực văn hóa.

Từ việc đầu tư chuyên sâu để nâng cao giá trị văn hóa trong phim, tới việc tuyên truyền sâu rộng về giá trị văn hóa trong VHDG nhằm nâng cao hiểu biết về văn hóa dân tộc của những người làm phim để họ hiểu sâu sắc về giá trị văn hóa dân tộc. Kết hợp với đó là việc học tập kinh nghiệm của nước ngoài khi khai thác VHDG, thổi tinh thần mới vào VHDG để phim truyện điện ảnh thấm đẫm hơi thở thời đại. Đồng thời, tìm cách bồi dưỡng, nâng cao trình độ viết kịch bản điện ảnh; đặc biệt là kịch bản khai thác từ VHDG. Khuyến khích cách tiếp cận sáng tạo khác nhau, cách khai thác khác nhau từ nguồn VHDG, để có được những kịch bản cải biên hay từ VHDG, từ đó đánh thức được các giá trị văn hóa dân tộc trong phim.

Trước áp lực cạnh tranh của thị trường điện ảnh, đòi hỏi giá trị văn hóa phải được nhận thức sâu sắc hơn, đặc biệt tài năng, bản lĩnh văn hóa, khả năng làm chủ phương tiện kỹ thuật và ngôn ngữ điện ảnh của các nhà điện ảnh Việt, sự học hỏi kinh nghiệm khai thác VHDG của các nền điện ảnh lớn trên thế giới và sự hợp tác với các chuyên gia nghiên cứu văn hóa cần phải được coi trọng hơn nữa. Nâng cao hiểu biết (sự am hiểu văn hóa Việt Nam) cho những người làm điện ảnh để hình thành nên thế hệ người làm điện ảnh không chỉ giỏi về nghệ thuật mà còn có tầm văn hóa, bản lĩnh văn hóa. Đây là yêu cầu quan trọng nhất và cũng là thách thức với điện ảnh Việt Nam. Giải quyết được “vấn đề con người” sẽ giải quyết được “vấn đề văn hóa” trong việc khai thác VHDG vào phim truyện điện ảnh Việt Nam.

Vấn đề con người không chỉ là người sáng tạo - chủ thể của phim truyện điện ảnh mà còn cần xác định thêm là con người thời đại - nguyên mẫu để hình thành nên tác phẩm nghệ thuật. Dù làm phim về người xưa nhưng để phục vụ người thời nay, cần đào sâu nghiên cứu các thang giá trị văn hóa. Để từ đó, người làm phim lựa chọn khai thác những gì, lược bỏ những gì, cho phù hợp, nói được vấn đề thời đại qua việc xây dựng những hình tượng gần gũi với khán giả.

Vấn đề quan trọng bậc nhất, quyết định mọi sự thành bại của một tác phẩm nghệ thuật, hay loại hình nghệ thuật nào đó là khán giả. Người sáng tác và khán giả có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ nhau. Để tác phẩm chiếm lĩnh, chinh phục khán giả, đáp ứng tiêu dùng nghệ thuật của họ thì người làm phim không chỉ đáp ứng thị hiếu lành mạnh của họ mà còn cần định hướng thẩm mỹ, đánh thức những nhu cầu tiêu dùng, khám phá, hưởng thụ, nhập thân văn hóa của họ. Giải quyết các vấn đề về con người hay chính là những vấn đề về văn hóa trong quá trình khai thác VHDG vào phim truyện điện ảnh không chỉ tạo ra nhiều phim từ tác phẩm VHDG, mà còn truyền bá sâu rộng văn hóa dân tộc, đồng thời bảo vệ được các giá trị nhân văn truyền thống, từ đó góp phần vào sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp điện ảnh đang trên đà phát triển.

_____________________

1. Trần Thanh Hiệp, Phát triển công nghiệp điện ảnh không chỉ có giải trí, Báo Quân đội nhân dân cuối tuần, 2021.

NGUYỄN THỊ HUỆ NINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;