Được chuyển thể từ hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bộ phim “Tro tàn rực rỡ” đã gây ấn tượng bởi chủ đề quen thuộc về tình yêu của người phụ nữ, song được khắc họa một cách tinh tế, khéo léo dưới góc nhìn nghệ thuật. Nhiều khán giả hâm mộ văn Nguyễn Ngọc Tư, từng đọc hai truyện ngắn hẳn đều muốn xem phim, để xem hình ảnh con người và sông nước Cà Mau hiện lên thế nào trong phim của một đạo diễn người Hà Nội.
Một trong những điểm đặc biệt của Tro tàn rực rỡ là việc phim có được sự đồng hành của chính “mẹ đẻ” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong khâu kịch bản. Hiếm có một phim điện ảnh Việt nào lại có được sự ưu ái lớn đến vậy từ chính tác giả của tác phẩm gốc, đặc biệt là Nguyễn Ngọc Tư. Song, nữ văn sĩ chia sẻ, cô “không có kỳ vọng gì” và dường như có vẻ “lãnh đạm”. Dự án phim Tro tàn rực rỡ là lần đầu tiên nhà văn Nguyễn Ngọc Tư làm việc cùng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Một người miền Nam, một người miền Bắc; một người viết văn, một người làm phim. Nữ văn sĩ chỉ biết vài điều về vị đạo diễn người Hà Nội trước khi có cơ duyên cùng mang Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về lên màn ảnh rộng.
Nhàn và Hậu hai người đàn bà xóm Thơm Rơm
Nguyễn Ngọc Tư là một cây bút xuất sắc, đặc biệt được yêu mến với những áng văn rất “tình” về đất mũi Cà Mau, về cuộc sống người nông dân miền Tây. Được đắm mình trong đời sống thôn quê sông nước, Nguyễn Ngọc Tư mang trọn vẹn sự nhạy cảm của tâm hồn, cái tài tình khi dùng câu chữ vào kể chuyện miền Tây sông nước long đong, lận đận này. Cái tình người miền Tây cứ đầy ăm ắp trong từng trang sách của cô, để độc giả dẫu có từng sống ở mảnh đất này hay không, cũng không thể ngăn lòng mình yêu mến con người nơi đây, hay mảnh đất vừa yên bình, vừa chuyển động dữ dội này.
Nguyên tác của hai truyện ngắn đậm chất Nguyễn Ngọc Tư là thế, kể chuyện người đàn bà miền Tây yêu thương đầy nhiệt huyết đến vậy, có không ít “ngờ vực” khi người mang câu chuyện lên màn ảnh lại là một đạo diễn Hà Nội chính gốc. Cũng giống như Nguyễn Ngọc Tư đẫm “chất miền Tây” trong từng câu văn, cách nói chuyện, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tỏa ra cái “chất Hà Nội” rõ rệt, thêm chút nghệ sĩ của người đã làm nghệ thuật gần như cả cuộc đời. Năm 2009, Bùi Thạc Chuyên cho ra mắt Chơi vơi, bộ phim kể về câu chuyện yêu đương của những người phụ nữ Hà thành, vừa khuôn phép vừa phá cách, vừa dịu dàng vừa dữ dội. Sau một thập kỷ mới trở lại màn ảnh rộng, ông tìm về miền Tây, kể chuyện tình yêu của những người phụ nữ nơi đây.
Bùi Thạc Chuyên đã dành 5 năm cho dự án phim này, không chỉ anh lăn lộn để hiểu về vùng đất và con người đất mũi, sinh hoạt cùng người dân nơi đây, mà các diễn viên cũng được đạo diễn yêu cầu đến đây sinh sống, ít nhất 1 tháng để tìm hiểu kỹ về nhân vật. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhớ lại: “Tôi còn không đếm được bao nhiêu lần Chuyên quay lại Cà Mau, sau cái lần tới nói chuyện tác quyền. Khi một mình, khi đi với cộng sự. Có khi báo trước quãng ấy anh có tới, nào rảnh ra ngồi cà phê chơi. Có lúc ảnh đến, biến mất trong rừng ngập mặn hay cái xó quê nào, rồi lặng lẽ rời đi, tôi không hay. Lại có đợt Chuyên nói đi vô một xóm làm chuối ép, bẵng cả tuần tôi tưởng ảnh về lại Hà Nội rồi, thì bỗng lù lù thấy xuất hiện ở chợ Cà Mau. Ảnh với người bạn ém mình trong cái xóm đó từ bữa giờ. Đi một vòng về, Chuyên hay khoe hình ảnh mình thu nhặt được, hoặc hớn hở nói tìm được cái đáy hàng khơi đẹp, quá đẹp không thể tưởng tượng, hoặc xuôi xị râu buồn hiu nói chắc đợt tới đi một vòng Hậu Giang, Đồng Tháp coi sao”.
Bởi vậy, miền Tây qua lăng kính đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong Tro tàn rực rỡ vô cùng gần gũi, sống động. Tro tàn rực rỡ bắt đầu bằng đám cưới của Nhàn (Phương Anh Đào thủ vai) và Tam (Quang Tuấn thủ vai). Trong ngày trọng đại, vẻ mặt người phụ nữ trẻ không giấu được sự hạnh phúc. Đám cưới tràn ngập những lời chúc, những câu đùa cợt tếu táo ấy khép lại, mở ra cuộc hôn nhân đau khổ cho hai người đàn bà trẻ của xóm Thơm Rơm.
Đôi vợ chồng Nhàn và Tam
Câu chuyện tình yêu của Nhàn và Tam chỉ được kể qua vài chi tiết vụn vặt, khi Nhàn đến lò than đón chồng, hay khi cả hai cùng rửa bát sau bữa cơm tối. Không có nhiều lời thoại hay cử chỉ yêu thương giữa Nhàn và Tam trong suốt bộ phim. Phim không kể một cách “sỗ sàng”, chỉ vừa đủ để khán giả tin rằng Nhàn và Tam thực sự đến với nhau bằng tình yêu nguyên sơ, chân thành nhất. Vậy nhưng, tình yêu của Nhàn và Tam không đủ lớn để vượt qua sóng gió, nhất là khi kết tinh tình yêu của hai người mất đi. Sau biến cố, cả Nhàn và Tam đều có sự thay đổi lớn, dẫu bên ngoài họ vẫn cố tỏ ra bình thường. “Phải chi khóc được thì tôi đâu có đốt nhà”.
Người ta tự hỏi, cô gái xinh đẹp, tháo vát như Nhàn, cớ gì phải giam mình trong cuộc hôn nhân vốn đã không còn hy vọng này. Người ta hỏi Nhàn sao không bỏ đi, có chăng vì thấy cô vẫn “bình thường”, vẫn mạnh mẽ sau đau khổ, chứ không suy sụp đến đánh mất thần trí như Tam. Nhưng có ai biết chăng, ẩn sâu trong tâm trí người phụ nữ là nỗi đau được nén chặt, là cảm giác dằn vặt rằng mình là nguyên nhân của mọi tội lỗi. Và hơn tất cả, có lẽ chính là tình yêu, tình nghĩa cô dành cho người đàn ông của mình. Cô khao khát được chồng mình nhìn thấy, dù là giữa ánh lửa bạo tàn kia.
Cho đến cuối cùng, Nhàn vẫn không thể từ bỏ Tam, hay từ bỏ tình yêu của mình. Khi Nhàn nhận ra cả cô và Tam đều đã quá mỏi mệt, cô đã lựa chọn kết thúc trong chính ngọn lửa cháy sáng rực rỡ nhất, ngọn lửa mà người đàn ông của cô yêu hơn vợ mình. Không ai dám chắc lần đốt lửa cuối cùng là do Tam, hay do chính Nhàn. Không ai dám nói đó là sự bế tắc, hay giải thoát cho chính cuộc đời Nhàn. Chỉ biết rằng, người phụ nữ ấy đã mang tình yêu của mình hóa thành vĩnh cửu. Cho dù bị đốt rụi thành tro tàn, đó vẫn là thứ tro tàn rực rỡ nhất, là tàn tích của một tình yêu thiêng liêng không thể thay thế.
Kể về câu chuyện của Nhàn là Hậu (Juliet Bảo Ngọc Doling thủ vai), một cô gái khác sống cùng xóm Thơm Rơm. Trong đám cưới của Nhàn và Tam, Hậu cũng tới dự. Cô tíu tít nói cười bên cạnh Dương (Lê Công Hoàng thủ vai), chàng trai trẻ tuổi với thái độ kỳ lạ. Không lâu sau đó, Hậu và Dương bước vào cuộc hôn nhân ép buộc khi Hậu phát hiện mình có thai. Còn người chồng cô yêu thương theo thuyền đánh cá, bắt tôm nhiều ngày đêm, rồi lại ở biền biệt trong chiếc chòi cô đơn, quạnh quẽ giữa bốn bề sông nước.
Không giống như Nhàn, từng yêu và được yêu để rồi gục ngã cay đắng, Hậu cô đơn trong chính cuộc hôn nhân của mình, ngay từ giây phút đầu tiên. Khi những đốm lửa cuối cùng chấm dứt bi kịch của Nhàn dần tàn, Hậu cũng bắt đầu lái xuồng ra biển. Trước đây, dù mẹ chồng không ít lần thúc giục cô “ra tận nơi mà lôi nó về, nó là chồng con”, thì Hậu vẫn kiên nhẫn thuyết phục Dương bằng những mẩu chuyện vụn vặt về Nhàn. Ngay cả khi Dương khoác ba lô bỏ chạy ở phân cảnh áp chót, Hậu vừa dấm dứt khóc, vừa ép chuối như công việc cô vẫn làm thường ngày. Nhưng rồi ở cảnh cuối cùng, khán giả được thấy Hậu lái xuồng ra biển, tiến gần đến chiếc chòi cô độc của Dương. Dẫu cho chiếc xuồng ấy không phải thứ dùng để lái ra biển, dẫu biết rằng có lẽ kết cục của một lần can đảm này chẳng mấy tươi sáng, thì Hậu thực sự đã quyết tâm vì hạnh phúc của mình, vì người đàn ông mà cô yêu. “Bởi vì khi người phụ nữ còn yêu, không gì làm họ dừng lại”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã chia sẻ như thế tại Liên hoan phim Tokyo.
Chị Loan khùng sống với tâm trí của một đứa trẻ 12 tuổi
Trong những khuôn hình của Tro tàn rực rỡ, ta còn bắt gặp câu chuyện của cô Loan “khùng”, người phụ nữ đã lỡ dở cả cuộc đời vì một tên đàn ông. Bị người ta đồn là “khùng”, vậy nhưng cô Loan vẫn rất nhạy cảm, tỏ thái độ ra mặt khi người ta nói về gã đàn ông đó. Cô không muốn bất cứ ai soi mói về bi kịch cuộc đời cô, hay kẻ đã gây ra bi kịch này. Nghe tin gã trở về, đang nương thân nơi cửa Phật, cô chẳng thể kìm lòng mà tìm đến. Ban đầu, cô hận gã rất nhiều. Nhưng rồi, một ngày kia, cô thốt ra với gã một ước mơ sâu kín nhất, điều cô vẫn luôn mong mỏi: “Hay là anh cưới tôi đi…”. Sâu thẳm trong lòng người phụ nữ ấy, cô vẫn muốn được yêu, được thương. Và cô tin rằng, sẽ chỉ có gã là kẻ duy nhất chấp nhận con người cô. Ấy thế mà, giữa lúc cô hạnh phúc nhất, gã lại đột ngột biến mất. Gã trôi đến và trôi đi, lặng lẽ và lênh đênh tựa tấm củi mục gãy nát.
Ba người đàn bà lựa chọn ba cái kết khác nhau cho câu chuyện tình của chính họ. Có thể với vài người, đó là sự bế tắc, cố chấp; nhưng dưới những góc nhìn khác, đó lại là những cách “giải thoát”, để lòng họ được nhẹ nhàng hơn, để họ được tự do yêu hết mình. Tình yêu có thể là sự trừng phạt, nhưng cũng là món quà quý giá nhất mà tạo hóa ban tặng cho tâm hồn con người.
Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên như “giải” cơn khát phim điện ảnh Việt chất lượng của khán giả. Phim đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
NGÔ HỒNG VÂN