Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham nhũng là một tội ác phải nghiêm trị. Người khẳng định: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân” (1). Lời căn dặn, chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hàm chứa ý nghĩa sâu sắc về những tác hại khôn lường của tham nhũng đối với đất nước. Do đó, xây dựng văn hóa không tham nhũng cho cán bộ, đảng viên để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc có ý nghĩa rất quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phát biểu Kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, ngày 30-6-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, tạo sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức” (2). Đó là yêu cầu, nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, trước mắt vừa mang tính chiến lược cơ bản lâu dài để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa” những hạn chế, khuyết điểm trong công việc, đời sống sinh hoạt hằng ngày, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang đẩy mạnh việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… thì việc xây dựng văn hóa không tham nhũng của cán bộ, đảng viên càng có ý nghĩa thiết thực, cụ thể.
Xây dựng văn hóa không tham nhũng của cán bộ, đảng viên là toàn bộ cách thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện, quản lý của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và sự tự ý thức sâu sắc của cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nội bộ đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của nghị quyết các cấp đã xác định. Xây dựng văn hóa không tham nhũng của cán bộ, đảng viên là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân, trực tiếp, thường xuyên là cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo đó, nội dung xây dựng văn hóa không tham nhũng của cán bộ, đảng viên hiện nay, theo tôi, cần tập trung vào một số nội dung sau:
Xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên, không dao động trước khó khăn, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; Xây dựng ý thức, tinh thần trách nhiệm cao với cơ quan, đơn vị, địa phương, không đùn đẩy trách nhiệm sang người khác; Xây dựng tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, góp ý kiến cho đồng chí, đồng đội, cùng nhau tiến bộ, nêu cao tinh thần yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; Xây dựng tính nêu gương, nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên trong công việc, cuộc sống; Xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân; Xây dựng ý thức tự giác tu dưỡng phấn đấu, rèn luyện về năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Những nội dung trên là một chỉnh thể thống nhất có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại, không tách rời nhau; trong đó xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên là nội dung quan trọng hàng đầu, chi phối các vấn đề khác. Bởi bản lĩnh chính trị là quan điểm, lập trường, thái độ, tình cảm, niềm tin của cán bộ, đảng viên về sự lãnh đạo của Đảng. Khi bản lĩnh chính trị vững vàng, thì không gì có thể mua chuộc, dụ dỗ được, ngược lại, nếu bản lĩnh chính trị không vững vàng sẽ sa ngã vào chủ nghĩa cá nhân và tham nhũng.
Tại Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 6-4-2022) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã nhấn mạnh: “Năm năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 10, tạo bước tiến rõ nét, đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nâng lên; từng bước hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Những thành quả quan trọng đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ”. Đồng thời, Kết luận số 12-KL/TW cũng chỉ rõ: “Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kết luận 10 thực hiện vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, lãng phí. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều hạn chế, lãng phí trong cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng. Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn kịp thời. Vẫn còn xảy ra những vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận” (3).
Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định lộ trình, mục tiêu phấn đấu đến giữa TK XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời, định hướng lớn cho công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới là: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự. Quán triệt mục tiêu, định hướng nêu trên, xây dựng văn hóa không tham nhũng của cán bộ, đảng viên để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc hiện nay, cần thực hiện các biện pháp sau đây:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa không tham nhũng cho cán bộ, đảng viên.
Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa không tham nhũng cho cán bộ, đảng viên thông qua sinh hoạt chi bộ, thông qua học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tác hại của tham nhũng; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục xây dựng văn hóa không tham nhũng sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong xây dựng văn hóa không tham nhũng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Kiên trì giáo dục, rèn luyện đảng viên nêu cao đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, truyền thống của cơ quan, đơn vị, địa phương; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ đến mọi cán bộ, đảng viên những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế, xã hội, kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở tăng cường và nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống, xây dựng văn hóa Đảng, tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao hơn nữa việc nêu gương của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan chính quyền, đoàn thể ở mọi lúc, mọi nơi; gắn việc xây dựng và thực hành đạo đức trong Đảng với đột phá về công tác tổ chức, cán bộ. Từ đó góp phần phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nguồn gốc đẻ ra tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời, kiên quyết vạch trần, phê phán, bác bỏ luận điệu xuyên tạc, phản động, lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước với cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng văn hóa không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, khắc phục “khoảng trống”, “kẽ hở” để không thể tham nhũng.
Các cơ quan, chức năng có liên quan như ủy ban kiểm tra các cấp, tòa án, viện kiểm sát, công an cần nghiên cứu xây dựng, ban hành những quy định góp phần xây dựng văn hóa không tham nhũng cho cán bộ, đảng viên toàn diện, đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp, hiệu quả với vị trí, môi trường công tác; cơ chế, chính sách nào chưa phù hợp thì tiếp tục bổ sung, hoàn thiện với tình hình thực tiễn đang đặt ra hiện nay; những cơ chế, chính sách mới ban hành phải thực hiện thí điểm, tổ chức rút kinh nghiệm, phân tích, đánh giá những thuận lợi, bất cập để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn thời gian tới. Quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, phân công, theo dõi đối với cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm kỷ luật; xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, về phòng, chống tham nhũng để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu
Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương người trực tiếp quản lý cán bộ, đảng viên, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, phân tích, đánh giá chất lượng, phân loại cán bộ, đảng viên cuối năm. Chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, xác định nội dung kiểm tra, giám sát trên các mặt hoạt động. Kiểm tra, giám sát phải bảo đảm tính công khai, minh bạch thông tin, bảo đảm chuyển biến nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, xây dựng được văn hóa không tham nhũng của cán bộ, đảng viên, làm cho công việc của cán bộ, đảng viên phát triển; nội bộ đoàn kết, thống nhất, ổn định và phát triển đi lên. Cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu nắm chắc nguyên tắc kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; đặc biệt, kết hợp chặt chẽ giữa “xây”, “chống” trong kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, trong đó lấy “xây” là chính; kết luận kiểm tra, giám sát và kỷ luật cán bộ, đảng viên phải thấu tình, đạt lý, mang tính cảnh tỉnh, răn đe, ngăn ngừa từ trước, từ sớm, từ xa.
Bốn là, đề cao tính tự giác tu dưỡng phấn đấu, rèn luyện, thực hành tiết kiệm, không tham nhũng của cán bộ, đảng viên.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cán bộ, đảng viên cần có bản lĩnh chính trị vững vàng; thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” phù hợp với thực tiễn cuộc sống; đặt ra yêu cầu cao cho bản thân, tránh xa cám dỗ vật chất, tiền tài, địa vị, danh vọng; tự giác chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định cơ quan, đơn vị, địa phương; nêu cao tinh thần, trách nhiệm với công việc, học hỏi đồng chí, đồng đội và trong nhân dân; không tự bằng lòng với tài năng, kết quả hiện có của bản thân; xây dựng thái độ khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi, cầu tiến bộ, không kiêu ngạo, mắc bệnh cho rằng mình là người có tài, không cần phải học hỏi, tham khảo ý kiến của người khác. Tự giác rèn luyện về phẩm chất nhân cách, đạo đức, lối sống có văn hóa của người cán bộ, đảng viên trong các hoạt động công tác, nhất là khi tiếp xúc, ứng xử với nhân dân.
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới đất nước; văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội… là những chỉ dẫn quan trọng để mỗi người, trước hết là cán bộ, đảng viên soi chiếu vào từng suy nghĩ, hành động của mình, xây dựng lối sống văn hóa trong sạch, lành mạnh, giản dị, không tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Kết luận số 12-KL/TW ngày 6-4-2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhấn mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân (4).
________________
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.140-141.
2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn lại 10 năm qua, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, qdnd.vn, 30-6-2022.
3, 4. Thông báo Kết luận số 12-KL/TW ngày 6-4-2022 của Bộ Chính trị “về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, tulieuvankien.dangcongsan.vn.
Ths NGUYỄN VĂN PHƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022