Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được hình thành, hoàn thiện trên cơ sở tổng kết, kế thừa và phát triển tinh hoa trong đời sống văn hóa của dân tộc Việt Nam và của nhiều dân tộc khác trên thế giới trên nền tảng soi sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là một hệ thống những quan niệm, quan điểm, sự quan tâm đặc biệt của Hồ Chí Minh về con người, về cách ứng xử giữa người với người hướng tới giải phóng triệt để con người, thấm đượm tinh thần dân tộc và quốc tế trong sáng.
Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết và kế thừa những quan niệm, quan điểm về con người trong lịch sử nhân loại, Hồ Chí Minh cho rằng: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là loài người” (1). Với quan niệm như vậy, con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh vừa chỉ một cá nhân cụ thể, vừa chỉ một cộng đồng người được Hồ Chí Minh gọi chung là “đồng bào” hay “nhân dân” và gọn hơn nữa là “dân”. Suy rộng ra, theo Hồ Chí Minh, con người là những gì tinh hoa, tinh túy nhất của trời, đất, nhân luân và trong quá trình tiến hóa của tự nhiên, sự phát triển của xã hội, do xã hội quyết định. Con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là những con người hiện thực, có đời sống và nhân cách riêng, đang tham gia vào những yếu tố cơ bản, nền tảng trong hệ thống cấu trúc - chức năng của toàn bộ đời sống xã hội. Còn thông qua cuộc đấu tranh cải tạo tự nhiên và xã hội ngày càng phát triển, hoàn thiện, nói như Hồ Chí Minh là “tiến bộ không giới hạn” (2). Điều đó có nghĩa, đời của một người cụ thể là hữu hạn, các thế hệ người kế tiếp nhau, mà thế hệ sau bao giờ cũng tiến bộ hơn thế hệ trước.
Trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, con người mà Người quan tâm là nhân dân lao động. Theo Người, “nhân dân lao động” là tất cả những ai tham gia thúc đẩy sự nghiệp phát triển xã hội, trước hết là công nhân, nông dân, trí thức. Qua nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước ở những quốc gia, dân tộc khác nhau, có chế độ xã hội khác nhau, Hồ Chí Minh thấu hiểu tình cảnh người bị bóc lột và tìm thấy ở một chế độ xã hội mới tiến bộ, đó là chủ nghĩa xã hội khoa học đáp ứng được những khả năng hiện thực và hoài bão, mong đợi của mình.
Nói về vị trí của con người trong thế giới, Hồ Chí Minh cho rằng, con người bao giờ cũng đứng ở vị trí trung tâm và là chủ nhân của thế giới. Hồ Chí Minh đặt bốn đức tính cần, kiệm, liêm chính của con người trong mối quan hệ nhân quả với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của trời đất và bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc của đất, từ đó để làm rõ vị trí con người trong thế giới. Quan điểm đó của Người đã có sự kế thừa cái hợp lý của tư tưởng triết học phương Đông và phương Tây. Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh khẳng định: “…thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa” (3).
Đánh giá về vai trò của con người, Hồ Chí Minh có quan điểm thống nhất với triết học Mác: con người từ chỗ phụ thuộc vào thế giới đã dần trở thành lực lượng thống trị thế giới. Người nói rõ rằng: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (4). Vai trò đó của con người được thể hiện trước hết ở vai trò tái sản xuất mở rộng ra chính bản thân con người và xã hội loài người, cả về số lượng và chất lượng. Đạo lý “con người có tổ tông”, “uống nước nhớ nguồn”, “hậu sinh khả úy”… được Hồ Chí Minh kế thừa đều bắt nguồn từ vai trò đó. Quan trọng hơn là vai trò sáng tạo ra mọi giá trị văn hóa mà nhờ đó con người tồn tại và phát triển không ngừng. Hồ Chí Minh nói rõ: “vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, nghệ thuật, những công cụ về sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng” (5). Vai trò của con người còn được nâng lên với chất lượng mới quyết định sự phát triển của xã hội loài người, từ thấp đến cao, thông qua các cuộc cách mạng xã hội và cách mạng giải phóng dân tộc - Hồ Chí Minh chỉ rõ. Muốn được độc lập và tự do thật sự, các dân tộc bị áp bức phải trông cậy trước hết vào lực lượng của bản thân mình; người Việt Nam phải tự giải phóng lấy mình. Đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa” (6). Cuối cùng, Người kết luận: “Làm việc gì cũng phải có quần chúng” và “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” (7).
Theo Hồ Chí Minh, để con người đạt được vai trò to lớn đó tất yếu đòi hỏi con người phải có những nhiệm vụ, trách nhiệm và những quyền nhất định; phù hợp với địa vị xã hội và nghề nghiệp trong các nấc thang xã hội, cũng như trong phân công lao động xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng, nhiệm vụ của con người chính là những việc mà con người phải làm xuất phát từ địa vị xã hội và nghề nghiệp của con người nhằm duy trì xã hội và nghề nghiệp ấy. Những nhiệm vụ ấy được con người hoàn thành một cách tự giác, coi là có trách nhiệm. Hồ Chí Minh yêu cầu: “bất kỳ người nào, làm bất cứ việc gì, chính trị hay chuyên môn, nếu làm tròn nhiệm vụ, thì đều có kết quả” còn “có một người không làm tròn nhiệm vụ là hỏng cả” (8). Bằng trải nghiệm thực tế, Hồ Chí Minh còn phân chia xã hội thành hai loại người “người thiện và người ác”, trên cơ sở thực hiện hai loại công việc “việc chính và việc tà”. Người kết luận: “Làm việc Chính, là người Thiện. Làm việc Tà, là người Ác” (9). Từ đó, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Việc Thiện dù nhỏ mấy cũng phải làm. Việc Ác dù nhỏ mấy cũng phải tránh” (10) và đối với bọn ác quỷ thì “ta phải kiên quyết đánh đổ” (11). Đó chính là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của tất cả mọi người đối với chính bản thân mình và xã hội.
Gắn liền với vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của con người là quyền con người, cái quyết định tính chủ động, sáng tạo, động cơ, mục đích sống của con người. Con người có bao nhiêu vai trò, nhiệm vụ thì cũng có bấy nhiêu quyền. Quyền ấy là quy tụ những tính quy định của cả tự nhiên và xã hội trong con người, được coi như “tạo hóa” cho con người. Theo nghĩa đó, quyền con người không ai được quyền tước đoạt. Để khẳng định và khái quát những quyền ấy, chính Hồ Chí Minh đã trích lại những câu tuyên ngôn bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, trong đó nói rõ “tạo hóa” cho con người những quyền không ai có thể xâm phạm được. Đó là quyền bình đẳng, quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Suy cho cùng đó là quyền tự do của mỗi người và quyền độc lập của mỗi dân tộc. Thế nhưng, khi có áp bức, bóc lột giai cấp và dân tộc thì những quyền ấy của con người, những dân tộc bị áp bức, bóc lột đã bị tước đoạt. Nhiệm vụ của họ là phải đấu tranh đòi lại những quyền ấy. Tổng kết lịch sử đấu tranh giành lại quyền con người, Hồ Chí Minh đã khái quát được chân lý của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (12). Đây cũng chính là cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần rất lớn vào việc mở rộng và hoàn thiện quyền con người trong lịch sử nhân loại.
Theo Hồ Chí Minh, con người Việt Nam là con người mang bản sắc và tâm hồn dân tộc Việt Nam, thể hiện sâu sắc những giá trị văn hóa Việt Nam cùng với tinh hoa văn hóa nhân loại. Người luôn kêu gọi và yêu cầu mọi ngành, mọi cấp phải tích cực xây dựng con người mới, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở và giáo dục cho mọi người phải hiểu rõ mình là người làm chủ nước nhà, phải có trách nhiệm và năng lực làm chủ, cần kiệm xây dựng đất nước, phải có chí tiến thủ. Người kêu gọi các cơ quan, đoàn thể và mỗi công dân Việt Nam thực hiện đời sống mới, sửa đổi lối làm việc, tự phê bình và phê bình, tôn trọng, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Tư tưởng về con người của Hồ Chí Minh là cơ sở hình thành những quan điểm của Người về cách ứng xử với con người, vì con người. Trong đó, Hồ Chí Minh đặc biệt tin tưởng, quý trọng, thương yêu con người. Người từng khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân” (13) đã trở thành một chân lý được Người tổng kết, thể hiện sự tin tưởng, quý trọng rất mực của Hồ Chí Minh đối với con người. Người yêu cầu: “Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ ma tà phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ” (14). Thực chất, trọng nhân của Hồ Chí Minh là trọng nhân cách con người. Vì vậy, khi phê bình, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phê bình việc làm, chứ không phê bình người” (15), đó là làm cho tính nhân văn cao cả trong quan điểm “trọng nhân” của Hồ Chí Minh được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn.
Xuất phát từ chỗ tin tưởng, quý trọng con người, Hồ Chí Minh mong muốn con người “phải thực hành chữ Bác - Ái” (16). Đó là tình thương yêu đồng bào của con người một cách sâu sắc và bao dung mà Hồ Chí Minh là hiện thân đầy đủ nhất. Hồ Chí Minh chẳng những thương tất cả người lao động, những người ở mọi lứa tuổi, giới tính trong đời thường, mà đặc biệt thương yêu những người bị áp bức, bóc lột, bị đày đọa đau khổ, bị nô dịch giai cấp và dân tộc. Gửi thư chúc Tết đến đồng bào bị tạm chiếm ngày 2-2-1949, Hồ Chí Minh viết: “…cũng ngày tốt lành, trời Nam đất Việt, mà các đồng bào phải riêng chịu sự lạnh lùng, nhục nhã, cơ cực, tức buồn dưới gót sắt của lũ quỷ thực dân tàn bạo… Tôi rất đau lòng thương xót đồng bào tạm lâm vào hoàn cảnh ấy” (17). Chưa bao giờ Hồ Chí Minh thờ ơ, lãnh đạm trước số phận đau khổ của con người. Hồ Chí Minh còn thương yêu tất cả những con người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột trên thế giới, đến cả những binh lính, sĩ quan quân đội xâm lược bị bắt làm tù binh. Tình thương yêu con người của Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở lòng “trắc ẩn”, mà còn được nâng lên ở một tầm cao của sự nhận thức trong tư tưởng.
Giúp người, cứu người hướng tới giải phóng triệt để con người là động cơ mạnh mẽ, là mục tiêu lý tưởng cao cả của Hồ Chí Minh. Người nói rõ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (18). Từ “ái nhân” đến “cứu nhân” là một kết quả hợp logic. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được cái hợp logic ấy trong nhận thức và trong hành động. Hơn nữa, những người đạt tới logic đó cũng phải tất cả đều tìm ra cách hành động đúng. Hồ Chí Minh là một trong số ít người vừa đạt tới logic đó, vừa tìm ra cách hành động đúng. Hồ Chí Minh khẳng định rằng, muốn cứu nước, cứu dân thì phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Thực tế ở các nước tư bản mà Người đã đến cho thấy, ở đó có độc lập, tự do, nhưng là chỉ tự do của bọn áp bức, bóc lột, cho số ít bọn thống trị xã hội, còn những người khác vẫn còn bị áp bức, bóc lột, đói khổ như nhân dân ở các nước thuộc địa. Từ đó, Người chỉ ra rằng: “chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì” (19). Do đó, để giải phóng triệt để con người thì không chỉ đánh đổ bọn thực dân xâm lược, giải phóng dân tộc, mà còn phải xóa bỏ tình trạng người bóc lột người. Theo Hồ Chí Minh, để thực hiện được mục tiêu đó thì “không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (20), vì chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới đưa được con người từ “vương quốc tất yếu” lên “vương quốc tự do” và “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (21).
Khi đất nước mới giành được độc lập đi lên xây dựng theo con đường chủ nghĩa xã hội, đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Người đã đặt ra các mục tiêu phấn đấu và Hồ Chí Minh dành hết tâm trí của mình vào việc chăm lo cho đời sống, hạnh phúc của nhân dân. Người yêu cầu Đảng và Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân: “Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm thì Đảng và Chính phủ có lỗi” (22). Do vậy, Người cũng luôn nhắc nhở: “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân… Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được” (23). Trước khi Người về với cụ Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh vẫn không quên gửi “lại muôn vàn tình thương yêu cho nhân dân” (24), vẫn lo cho hạnh phúc của nhân dân. Người viết: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân” (25).
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng đất nước, đời sống nhân dân ta ngày càng phát triển về mọi mặt, tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh, sự quan tâm đến con người vẫn còn nguyên giá trị đối với đất nước ta và thời đại. Mục đích cuối cùng của sự nghiệp đổi mới đất nước là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Chúng ta chỉ có thể vượt qua thách thức trước hết bằng việc xây dựng và thực hiện thành công chiến lược con người xã hội chủ nghĩa, với sự phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức được huy động vào các phong trào cách mạng trên phạm vi cả nước ở mọi cấp, mọi ngành.
______________
1, 2, 9, 10, 11, 14, 16, 17. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.130, 130, 129, 131, 130, 130, 131, 27.
3, 15. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.594, 272.
4, 13. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.453, 453.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.458.
6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.66.
7, 12, 24, 25. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.279-280, 130, 613, 613.
8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.219-220.
18. 19. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.187, 175.
20. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.30.
21. C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.628.
22, 23. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.518, 518.
PHẠM BÁ HIẾU - NGUYỄN THỊ HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022