Nông thôn - văn hóa nông thôn mới hiện nay: Những vấn đề đặt ra

Phát triển văn hóa nông thôn mới (NTM) là việc làm thiết thực, nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực trong xu thế phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng và cả nước. Trên cơ sở một số quan điểm, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông thôn, NTM, bài viết nhận diện thực trạng những kết quả đã đạt được và một số tồn tại, bất cập trong văn hóa NTM hiện nay, đồng thời kiến giải một số nguyên nhân, đề xuất giải pháp để xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong xu thế NTM ngày càng hiện đại, tiến bộ và hội nhập.

1. Thực trạng văn hóa NTM hiện nay

Nước ta có gần 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, xây dựng NTM mới có tầm quan trọng và mang ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nêu rõ quan điểm xây dựng nông thôn: “có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”. Đặc biệt, từ năm 2010 khi Đảng ta khởi xướng và tiến hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đã tạo động lực để các địa phương tự bứt phá để phát triển. Mục tiêu của Chương trình là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, do vậy, trong xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn giữ vai trò rất quan trọng.

Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi đặc biệt cho vùng nông thôn để phát triển kinh tế, văn hóa, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trong đó, trọng tâm là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng (thôn, ấp, bản, buôn) văn hóa, thực hiện xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở. Qua quá trình triển khai thực hiện các phong trào, bên cạnh sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, từng bước xây dựng hạ tầng cơ sở NTM, đời sống văn hóa vùng nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống tinh thần của nhân dân được nâng cao, lối sống, nếp nghĩ của bà con đã từng bước thay đổi, đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi; phát động phong trào tu sửa đường sá đi lại liên thôn, liên bản và liên xã; giữ gìn vệ sinh môi trường làng bản, nơi ăn chốn ở, nơi sinh hoạt cộng đồng… Các tập tục lạc hậu trong cưới, tang, lễ hội dần được đẩy lùi, những phong tục, tập quán, nếp sống mới văn minh tiến bộ dần dần được hình thành và phát triển phù hợp với xu thế văn minh, tiến bộ, hội nhập.

Thực hiện các tiêu chí về văn hóa và môi trường văn hóa trong Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, công tác xây dựng văn hóa NTM đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tại cộng đồng, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, góp phần phát huy tinh thần làm chủ, tính tự giác, sáng tạo của người dân. Nhân dân có ý thức tham gia các công trình xây dựng ở địa phương, trong đó có xây dựng cầu đường, đường giao thông liên thôn, liên xã, bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan, đường làng ngõ xóm sạch đẹp hơn. Các thiết chế văn hóa cấp xã được quan tâm xây dựng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng ngày càng phong phú, hình thức đa dạng, hấp dẫn, thu hút người dân tham gia, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa. Nhiều công trình ra đời từ sự đóng góp đất đai, tiền của, công sức của nhân dân, góp phần làm cho bức tranh văn hóa NTM ngày càng sinh động.

Trong quá trình xây dựng NTM, văn hóa truyền thống được khai thác triệt để theo hướng loại bỏ những tiêu cực, phát huy giá trị tích cực, phù hợp với nhu cầu của nhân dân trong tình hình mới. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân nông thôn đã được nâng lên, đói nghèo giảm mạnh. Những thành quả từ những phong trào Uống nước nhớ nguồn, Xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, ấp, bản văn hóa, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với cuộc vận động Cả nước chung tay xây dựng NTM đã tạo ra một diện mạo đời sống NTM khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tháng 10-2019, tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2020), cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 35,3% so với cuối năm 2015 (thời điểm tổng kết giai đoạn 1) và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020). Đồng thời, có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (1). Đến hết năm 2020, Chương trình đã vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu. Đến tháng 5-2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước có 5.248/8.267 xã (63,48%) đạt chuẩn NTM; có 305 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã có 24 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, bình quân cả nước đạt 16,68 tiêu chí/ xã; có 190/664 đơn vị cấp huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/ đạt chuẩn NTM; 12 tỉnh đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (2).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phong trào Cả nước chung tay xây dựng NTM, nhận thức về công tác xây dựng văn hóa nông thôn, bảo vệ môi trường văn hóa nông thôn đã được thực hiện bằng nhiều chương trình, hành động thiết thực. Diện mạo đời sống văn hóa nông thôn nhiều nơi có sự thay đổi, đạt được những thành tựu quan trọng, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước được đầu tư hợp lý, hệ thống chính trị ở nông thôn ngày càng được củng cố, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nhà ở, cảnh quan môi trường ngày càng khang trang, sạch đẹp; cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp; thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện; môi trường văn hóa nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn.

Một số tồn tại, bất cập trong xây dựng văn hóa NTM hiện nay

Những thành quả trên là sự cố gắng nỗ lực của nhân dân và sự đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở ở nông thôn, nhưng trên thực tế, bên cạnh những kết quả đã đạt được, văn hóa NTM vẫn còn tồn tại một số bất cập:

Thứ nhất, mặt trái của quá trình đô thị hóa cùng những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường đã và đang đánh mất dần nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp ở vùng nông thôn. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, mạnh đang phá vỡ nền tảng văn hóa truyền thống, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị xói mòn hoặc bị phá vỡ như giá trị văn hóa làng xã, tính văn hóa cộng đồng.

Thứ hai, trong quá trình xây dựng NTM, việc bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, khuôn viên hóa gia đình dẫn đến cảnh quan môi trường ở nông thôn đang bị phá vỡ và xâm hại nghiêm trọng, làm mất dần giá trị văn hóa làng. Không gian kiến trúc cổ truyền của những ngôi làng cổ cũng dần chuyển thành những khu đô thị, thị tứ nhỏ. Những nếp nhà truyền thống dần dần thay thế bởi những ngôi nhà cao tầng kiên cố… cùng với đó là những không gian xanh của làng quê: ao làng, giếng làng, bến nước, cổng làng bị mất dần, nhiều giá trị văn hóa làng, xã, giá trị văn hóa cổ truyền bị tổn thương, mai một, có nguy cơ mất hẳn.

Thứ ba, tính ổn định, bền vững của những giá trị truyền thống tích cực trong đời sống văn hóa nông thôn đang bị đe dọa. Sự phân cực giàu nghèo, biến đổi khí hậu, phá vỡ môi trường sinh thái… đã và đang làm biến đổi đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, khiến cho cuộc sống thường ngày của người dân bị ảnh hưởng. Văn hóa tổ chức cộng đồng và ứng xử xã hội nông thôn cũng đang chịu nhiều áp lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Một số phong tục tập quán không còn phù hợp, trong khi đó, các giá trị văn hóa mới chậm hình thành, chưa được khẳng định trong đời sống đương đại. Nhiều hình thức văn hóa, lối sống không lành mạnh thâm nhập về nông thôn, làm mất đi nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống.

Thứ tư, sự phát triển nhanh, mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng, cùng sự du nhập của những yếu tố văn hóa nước ngoài không chỉ mang lại những giá trị tích cực, mà còn là những lo ngại về lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội gia tăng. Do nhiều yếu tố tác động, tính cố kết cộng đồng có phần lỏng lẻo, thiếu bền chặt, dẫn đến các giá trị đạo đức lối sống, văn hóa gia đình và gia đình văn hóa, làng thôn ấp bản văn hóa bộc lộ nhiều vấn đề, như: sự bền vững của nền tảng gia đình truyền thống bị lung lay, cấu trúc gia đình, giá trị đạo đức gia đình và đạo đức cá nhân trong gia đình khu vực này cũng đang có sự thay đổi, rạn nứt, mô hình gia đình trẻ, gia đình hạt nhân phát triển, mô hình gia đình truyền thống ngày càng ít tồn tại. Những nét đẹp trong truyền thống như tình cảm gia đình, họ hàng, hàng xóm láng giềng cũng đang có xu hướng phai nhạt do sự gia tăng kiểu nhà cửa kiên cố, kín cổng cao tường, sự xâm lấn của lối sống không sòng phẳng, cực đoan đang xâm nhập vào đời sống xã hội ở nông thôn hiện nay.

Thứ năm, theo Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, hạ tầng cơ sở nông thôn như điện, đường, trường, trạm, chợ… sẽ được hoàn thiện. Song, để thực hiện mục tiêu này phải sử dụng phương thức bê tông hóa rất lớn, do đó dễ xảy ra tình trạng phá vỡ cảnh quan, môi trường văn hóa, môi trường sinh thái tự nhiên, không gian xanh của mỗi làng, thôn, ấp, bản.

Thứ sáu, một số nội dung của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóaChương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chưa đủ mạnh, các tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM chưa được thực hiện một cách đầy đủ: thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chưa nghiêm; lối sống, nếp sống văn hóa truyền thống tốt đẹp của một bộ phận người dân trong cộng đồng nông thôn đang có biểu hiện suy giảm.

Nguyên nhân của tình trạng trên

Văn hóa và quản lý nhà nước về văn hóa nông thôn có những đặc thù, tầm quan trọng và ý nghĩa riêng, đặc biệt là đặt trong bối cảnh xây dựng NTM, cần được nhận thức đúng và coi trọng.

Việc quản lý văn hóa trong xây dựng NTM ở một số nơi còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương, khu vực nói riêng, của đất nước nói chung.

Nguồn nhân lực văn hóa cơ sở địa bàn nông thôn còn hạn chế, bất cập, chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng đặc thù về quản lý nhà nước phù hợp với địa bàn, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ xây dựng NTM, đây là nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trong quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy vai trò của văn hóa trong xây dựng NTM.

Công tác chỉ đạo, quản lý phong trào xây dựng đời sống văn hóa NTM ở cơ sở nhiều nơi chưa thật cụ thể, sâu sát, thường xuyên, còn nặng về hình thức và mệnh lệnh, hành chính, chưa quan tâm đầy đủ đến công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và khơi dậy, phát huy vai trò chủ động, tự quản của cơ sở.

2. Giải pháp thực hiện

Định hướng chung

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở NTM là tạo ra diện mạo NTM với cuộc sống ổn định, phát triển, lối sống mới, nếp sống mới tiến bộ, do vậy đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với thực hiện xây dựng NTM trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Việc xây dựng đời sống văn hóa gắn với NTM phải dựa trên nguyên tắc kế thừa, giao lưu và phát triển các hoạt động văn hóa, lấy vốn văn hóa truyền thống làm cơ sở. Đặc biệt, phải quan tâm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của từng địa phương, vùng miền.

Xây dựng đời sống văn hóa NTM phải dựa trên Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Đồng thời, tránh xem nhẹ những hình thức tín ngưỡng, phong tục tập quán còn tồn tại trong đời sống tâm linh của cộng đồng, chỉ cách tân, cải tiến, giản lược, bài trừ những tập tục lạc hậu, không còn phù hợp với nếp sống NTM.

Xây dựng văn hóa NTM phải hài hòa trong phát triển, không vì “có mới, nới cũ” mà làm mất đi vẻ đẹp của các làng, thôn, bản, buôn truyền thống mang bản sắc, giá trị văn hóa của từng vùng, miền. Phải đặc biệt chú trọng bảo tồn môi trường cảnh quan vốn có của mỗi làng, thôn, bản, buôn trong quá trình đô thị hóa, bê tông hóa.

Muốn chỉ đạo thành công công tác xây dựng đời sống văn hóa NTM gắn kết mục tiêu xây dựng NTM, trước hết phải đào tạo xây dựng một đội ngũ cán bộ có tâm huyết, toàn tâm toàn ý, có kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động văn hóa cơ sở, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa NTM trong bối cảnh hiện nay.

Một số giải pháp cụ thể

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đặt ra nhiệm vụ: “Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư đạt chuẩn thực chất về văn hóa; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. “Gắn các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, với chương trình xây dựng NTM. Tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng”.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2030 với quan điểm: “Phát triển văn hóa nông thôn trên cơ sở kế thừa những kết quả, thành tựu đã đạt được trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn; việc xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại phải bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc phù hợp từng vùng, miền, từng dân tộc. Thực hiện phát triển văn hóa nông thôn theo phương châm phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư địa phương là chính”. Từ nhiệm vụ cụ thể này, xây dựng văn hóa NTM phải lấy xây dựng và phát triển văn hóa làm nền tảng, thực hiện có hiệu quả các nội dung phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn kết với các tiêu chí xây dựng NTM, tạo động lực để phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng đời sống văn hóa gắn kết NTM. Coi trọng việc xóa đói giảm nghèo về kinh tế song hành với xây dựng đời sống văn hóa. Công tác xây dựng văn hóa NTM gắn với xây dựng NTM cần bám sát vào một số nội dung trọng tâm:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân ở nông thôn về mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn. Đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn vào Nghị quyết của cấp ủy Đảng, kế hoạch của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng trong quá trình phát triển văn hóa nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Hai là, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng về cơ sở vật chất cũng như nội dung hoạt động của các thiết chế văn hóa đối với xã đạt chuẩn NTM. Đây là điều kiện đảm bảo tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp nhận thông tin về mọi mặt và thực hiện quyền làm chủ của mình trong xây dựng NTM. Chú trọng đầu tư xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở để tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa nhằm tạo điều kiện để người dân nông thôn tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống, đồng thời đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Mặt khác, quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn.

Ba là, xây dựng nếp sống mới, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng NTM. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa, hình thành những tập quán mới phù hợp với xu thế tiến bộ. Khơi dậy sức sáng tạo, chủ động của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng. Giữ gìn truyền thống văn hóa trong gia đình, trong làng, thôn, bản, ấp. Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước văn hóa trên cơ sở kết hợp những yếu tố truyền thống tốt đẹp. Kiên quyết và kiên trì đấu tranh xóa bỏ các tệ nạn cũ, các tập tục lạc hậu. Trong quá trình xây dựng NTM với nếp sống mới, tránh áp đặt một cách cứng nhắc dẫn đến hiệu quả thấp.

Bốn là, chú trọng xây dựng và bảo vệ môi trường văn hóa, môi trường sinh thái tự nhiên của nông thôn. Xây dựng phát triển văn hóa nông thôn phải gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên của mỗi vùng nông thôn. Chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích việc quy hoạch chỉnh trang khuôn viên gia đình, nhà ở NTM khang trang vừa hiện đại nhưng vẫn giữ truyền thống. Cải tạo đường làng, ngõ xóm, vườn nhà đảm bảo phong quang xanh, sạch, đẹp, mà vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của làng, xã Việt Nam. Không lạm dụng một cách thái quá chủ trương nhựa hóa, bê tông hóa, gạch hóa, tường rào hóa… trong xây dựng giao thông liên thôn, liên xã, xây dựng cổng làng, khuôn viên gia đình…, phá vỡ nét đẹp thanh bình, tự nhiên của mỗi làng quê. Hình thành ý thức bảo vệ và thân thiện với môi trường sinh thái tự nhiên cho nhân dân.

Năm là, thực hiện tốt cuộc vận động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trong đó chú trọng nội dung xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong thời kỳ mới, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Xây dựng và hình thành những phong tục tập quán mới tiến bộ trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đưa Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào hương ước của từng làng, thôn, ấp bản, cộng đồng dân cư.

Xây dựng văn hóa NTM là tạo ra diện mạo đời sống văn hóa NTM có cuộc sống ổn định, phát triển với lối sống mới, nếp sống mới văn minh tiến bộ, thiết thực bảo tồn, phát triển văn hóa trong thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp hóa nông thôn. Trong quá trình thực hiện phải chú trọng phát triển kinh tế, xã hội gắn liền với phát triển văn hóa; tích cực xóa đói giảm nghèo được tiến hành đồng thời với nhiệm vụ tăng cường đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đó chính là yếu tố tích cực đưa văn hóa trở thành động lực, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. Xây dựng đời sống văn hóa NTM lành mạnh sẽ góp phần đắc lực cho sự nghiệp đổi mới của đất nước trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu về văn hóa và tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM do Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

________________

1. Hương Diệp, Tổng kết 10 năm thực hiện Chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mattran.org.vn, 2019.

2. Tổng cục Thống kê, Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả mang tính lịch sử, gso.gov.vn, 2021.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Tài liệu Hội nghị toàn quốc tổng kết 18 năm thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đờisống văn hóa (giai đoạn 2000-2018), Hà Nội, 2018.

2. Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Đắk Nông, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Xây dựng đời sống nông thôn mới khu vực Tây Nguyên, Đắk Nông, 10-2016.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2008.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

7. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 về việc ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Hà Nội, 2009.

8. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05-01-2010 phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2030, Hà Nội, 2010.

9. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Hà Nội, 2010.

10. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 16-9-2011 phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011-2015 định hướng đến năm 2020, Hà Nội, 2010.

TS TRẦN THỊ TUYẾT MAI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;