Xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020

     Ngày 6-5-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 581/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Chiến lược được ví như một kế hoạch lớn, được thiết kế để định ra phương hướng dài hạn nhằm giúp tổ chức đạt tới các mục tiêu đề ra. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đề cập tới những lĩnh vực chủ yếu: tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa; di sản văn hóa; văn học, nghệ thuật; giao lưu văn hóa với thế giới; thể chế và thiết chế văn hóa, trong đó tư tưởng, đạo đức, lối sống là lĩnh vực then chốt, cũng là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài của sự nghiệp phát triển văn hóa nước ta, nhằm xây dựng con người phát triển toàn diện.

     Sau khi chiến lược được phê duyệt, cả hệ thống chính trị và ngành văn hóa, thể thao và du lịch nước ta đã chủ động, tích cực thực hiện. Ngày 22-5-2009, Bộ VHTTDL ban hành: Chương trình phối hợp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đề ra 38 nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, như: xây dựng chương trình đưa nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, gia đình vào trường học dưới nhiều hình thức thích hợp; xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục văn hóa, thẩm mỹ, nếp sống và ứng xử văn hóa trong công sở, trường học, bệnh viện; văn hóa doanh nghiệp, kinh doanh; văn hóa trong giao thông, thể thao, du lịch và sinh hoạt cộng đồng…; xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình học tập, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa.

     Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm xây dựng và ngăn chặn đà suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, có tác dụng mạnh mẽ đưa nội dung chiến lược phát triển văn hóa đi nhanh vào cuộc sống. Trong số đó, đáng lưu ý là hai văn bản: Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chỉ thị số 05-CT/TW, Bộ Chính trị yêu cầu:

     “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.

     Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”.

     Năm 2014, Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế. Xây đi đôi với chống, năm 2016, Đảng ra Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Đảng ta rất quan tâm đến vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên đối với việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, đã ban hành một số quy định: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

     Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị, xã hội các cấp bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng về tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhiệm vụ xây dựng con người nêu trong Chiến lược phát triển văn hóa vận dụng vào từng cơ quan, đơn vị, vùng miền cụ thể, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào văn hóa mà trọng tâm là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Các chuẩn mực tư tưởng, đạo đức, lối sống đã được đưa vào một số văn bản pháp luật; vào quy ước, hương ước làng, xã; vào quy chế, quy định, nội quy, quy tắc của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Ví dụ: năm 2015, tỉnh Quảng Ninh ban hành Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Quảng Ninh”. Năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam công bố 10 điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Năm 2017, thành phố Hà Nội ban hành và triển khai thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”...

     Ngành văn hóa, thể thao và du lịch căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị chủ động triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước và của ngành, góp phần đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội, thiết thực thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa của Chính phủ.

     Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân, việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội góp phần xây dựng con người toàn diện đã có những chuyển biến rất tích cực. Nhờ thành tựu đổi mới, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một cải thiện, nâng cao, thế và lực của quốc gia trên trường quốc tế được khẳng định. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tính tích cực xã hội của nhân dân được phát huy. Điều này thể hiện rõ ở tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, với khí thế sôi sục, dâng trào, cả nước phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014. Niềm tin của nhân dân vào chế độ chính trị ngày một gia tăng, nhất là từ sau Đại hội XII (2016) của Đảng, khi mà Đảng và Nhà nước ta quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, “lợi ích nhóm”, tệ chạy chức, chạy quyền và tư duy nhiệm kỳ. Nhân dân ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vào con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, kiên quyết đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chế độ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội được mở rộng cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và tiếp cận với các phương tiện truyền thông mới đã làm cho con người Việt Nam luôn đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo hơn, có nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Khắc phục tư tưởng giáo điều, duy ý chí, qua thực tiễn đổi mới không ngừng phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng vững chắc của toàn Đảng, toàn dân, là công cụ nhận thức và cải tạo thế giới, con người. Các giá trị tự do, bình đẳng, quyền cơ bản của con người từng bước được pháp luật bảo vệ và đảm bảo thực thi trong đời sống xã hội.

     Các giá trị đạo đức truyền thống được giữ gìn, phát huy, thể hiện đạo lý, tình thương, lòng nhân ái của con người, dân tộc Việt Nam và thay đổi theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Nhiều chuẩn mực đạo đức mới hình thành trên nền tảng đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng. Đạo đức xã hội được nhìn nhận, đánh giá trên nhiều bình diện mới như: ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, ý chí làm giàu chính đáng, đề cao phẩm giá con người, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, tôn trọng người hiền tài, sẵn lòng cảm thông, chia sẻ với những người yếu thế, ham cống hiến vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, đất nước. Lối sống “một người vì mọi người; mọi người vì một người” tiếp tục được khẳng định, phát huy với phương châm giữ gìn bản sắc, phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc và bắt kịp nhịp sống đô thị, hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, hình thành nếp sống văn minh, tác phong công nghiệp, tính chuyên nghiệp, thiết thực, hiệu quả, đề cao, tôn trọng con người.

     Bên cạnh kết quả đạt được, 10 năm qua, việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống cũng bộc lộ nhiều vấn đề gây bức xúc xã hội. Năm 2014, Đảng ta tiến hành tổng kết 15 năm (1998 - 2013) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng tình hình, Báo cáo tổng kết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình bày tại Hội nghị Trung ương 9 đã nhận định về nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Trung ương 5: “Chưa thành công trong việc xây dựng con người, xây dựng hệ giá trị mới của văn hóa Việt Nam, nhất là lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội... Chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền có xu hướng gia tăng, chi phối đời sống xã hội, gây hậu quả xấu đối với việc xây dựng con người và môi trường văn hóa. Đạo đức nghề nghiệp sa sút trên nhiều lĩnh vực, cả ở lĩnh vực vốn được xã hội tôn vinh: y tế, giáo dục, luật pháp, báo chí... Lý tưởng chung và động cơ cá nhân ngày càng có khoảng cách, làm gia tăng lối sống thực dụng, cơ hội, vụ lợi, buông thả và sính ngoại trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ có chức, có quyền đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giáo dục lý tưởng, nhân cách thế hệ trẻ” (1).

     Năm 2016, văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục đánh giá: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng” (2).

     Cho tới nay, đất nước ta đã bước sang năm thứ 10 thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa của Chính phủ, mặt trái của tình hình tư tưởng, đạo đức, lối sống nêu ra trong văn kiện Đại hội XII của Đảng vẫn đang là thách thức lớn, gây bức xúc xã hội, cản trở công cuộc đổi mới.Thời gian qua xuất hiện một số cán bộ lãnh đạo cao cấp tán phát những bài viết trái quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, thậm chí có cán bộ đến mức bị kỷ luật. Nhiều vụ án tham nhũng, bảo kê đánh bạc lên tới cả nghìn tỷ đồng mà những năm trước ít xuất hiện. Nhiều vụ sử dụng ma túy, mâu thuẫn cá nhân dẫn đến giết hàng loạt người dân, người thân, hiếp dâm tập thể. Một số người mẫu, người đẹp tham gia vào đường dây gái gọi. Xuất hiện nhóm xã hội đen lừa đảo, cướp giật, khống chế làm ăn của người dân, có tâm lý “người ngay sợ kẻ gian”. Một bộ phận dân, nhất là lớp trẻ “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị”. Tình trạng xả rác thải gây ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn làm lo lắng người tiêu dùng… Trong khi đó, mặt trái của kinh tế thị trường, thông tin xấu độc, sai sự thật trên các phương tiện truyền thông mới, âm mưu thù địch chế độ xã hội chủ nghĩa của các thế lực phản động vẫn tác động mạnh mẽ đến đời sống tư tưởng, đạo đức, lối sống. Trong khi đó, công tác tư tưởng còn hạn chế về tầm nhìn, tính chiến đấu và tính thuyết phục. Nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tiễn phát triển đất nước chưa được giải đáp kịp thời, thỏa đáng. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giữ gìn đạo đức truyền thống, xây dựng những giá trị đạo đức mới, nếp sống văn minh, công nghiệp chưa thường xuyên, liên tục và chưa đi vào chiều sâu.

     Là lĩnh vực then chốt, cốt lõi của văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong Đảng, trong xã hội bị suy thoái, nếu không được chặn đứng, đẩy lùi sẽ là nhân tố làm giảm niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào chế độ và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững đất nước. Nhận thức sâu sắc vấn đề hệ trọng trên, thiết nghĩ thời gian tới cấp ủy, chính quyền, ngành văn hóa, thể thao và du lịch các cấp cần tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống nêu trong Chiến lược phát triển văn hóa với một số nội dung chủ yếu sau:

     Một là, đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn mỗi vùng miền, thực sự trở thành dòng tư tưởng chủ lưu trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam.

     Hai là, kiên quyết khắc phục tư duy giáo điều, duy ý chí, bao cấp, sợ trách nhiệm, khẩn trương và quyết liệt chỉ đạo, thực hiện các văn bản của Đảng, các đề án văn hóa liên quan đến xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống đã ban hành.

     Ba là, nêu cao vai trò gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và thực hiện các nhiệm vụ được giao. Triển khai mạnh mẽ việc xây dựng văn hóa trong Đảng và cơ quan nhà nước để làm gương cho xã hội, góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

     Bốn là, với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực, cần đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền người tốt việc tốt, những người tử tế có những việc làm cụ thể, giúp ích cho cộng đồng, xã hội, đất nước, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

     Năm là, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống thành các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách cụ thể làm cơ sở pháp lý trong hành động. Triển khai các biện pháp đồng bộ, chủ động đấu tranh phòng chống sản phẩm độc hại, sự áp đặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa của nước ngoài trái với chủ trương của Đảng và thuần phong mỹ tục của dân tộc, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa.

     Sáu là, hướng các hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện mà trọng tâm là tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đưa giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống vào mọi hoạt động giáo dục của xã hội.

________________

     1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết và một số chủ trương của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI (dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2014, tr.35-36.

     2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.61.

 

Tác giả: Nguyễn Hữu Thức

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

 

;