XÂY DỰNG TỦ SÁCH GIA ĐÌNH

 

Từ ngàn năm nay, đọc sách là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội loài người, trong tiến trình văn minh nhân loại. Sách cho con người tri thức, hiểu biết và kiến thức tổng hợp về mọi phương diện của đời sống xã hội, giúp họ có thêm kinh nghiệm sống, sản xuất, đấu tranh xã hội, trau dồi tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ, hình thành năng lực tư duy. Theo Karl Marc, sách góp phần giúp con người sống người hơn trong một xã hội đầy biến động.

Sách báo và tủ sách gia đình có vai trò lớn trong sự phát triển nhân cách, trí tuệ và tài năng cho con người và từng thành viên trong gia đình, dòng họ. Từ xa xưa, nhiều tủ sách gia đình và cách giáo dục con cái tiến bộ, đã trở thành vườn ươm tài năng của các bậc thánh hiền, các lãnh tụ, vĩ nhân, danh nhân trên thế giới trong nhiều lĩnh vực: văn học, nghệ thuật, giáo dục, âm nhạc, hội họa, kỹ thuật, y học, công nghệ, quân sự, ngoại giao... Marcus Tulius Cicero- nhà chính trị, nhà hùng biện La Mã nổi tiếng đã từng khẳng định vai trò của sách đối với đời sống gia đình: “Ngôi nhà không có sách như thân thể không có linh hồn”.

Việt Nam là một nước có nền văn hiến lâu đời, đồng thời cũng là một dân tộc ham học và ham đọc sách. Mặc dầu trong hàng ngàn năm Bắc thuộc bị nô lệ, lầm than, không có chữ viết riêng, phải mượn văn tự ngoại lai, song lòng tự tôn dân tộc, ý thức về văn hiến nước nhà vẫn không hề bị mai một. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, bên cạnh những thư viện mang tầm quốc gia, như Bí thư các, Quốc sử quán... vẫn có không ít thư viện tư gia và tủ sách gia đình của quan lại và các học giả, tri thức đương thời, như thư viện của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, nhà sử học Lê Văn Hưu, nhà giáo dục học Chu Văn An, thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, học giả Lê Quí Đôn,... Đức hiếu học của con người đi đôi với lòng quý trọng sách vở, xem thi thư là kho báu, là di sản, tinh hoa vốn quý của cha ông, của dân tộc. Lê Quý Đôn đã từng dạy học trò và con cháu rằng, bụng không chứa nổi ba vạn cuốn sách, mắt không nhìn thấy khắp núi sông thiên hạ thì vị tất đã làm được văn hay.

Lê Nguyên Trung, người đậu cử nhân năm 1813, làm quan đời vua Gia Long, cũng đã đề cao vai trò của sách vở và tủ sách gia đình. Bản thân ông cũng đã gom góp, xây dựng được một tủ sách gia đình khá lớn, để phục vụ cho gia đình, dòng họ, quê hương. Ông cho rằng người chứa sách cần phải năng đọc sách, lại phải biết kính cẩn giữ gìn sách. Khi đi làm quan đã lâu, tiêu pha tằn tiện, còn thừa tiền là ông lại đem mua sách để dành. Hễ mua được bộ nào thì đóng thành bộ ấy, tự an ủi, đó là gia bảo của nhà. Con cháu nếu biết học hành thì phải biết kính giữ sách, không để thất lạc, ngõ hầu không bỏ hoang ruộng của mình, không bỏ rơi của báu, tiến lên làm điều thiện.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, nhiều người dân, nhiều gia đình Việt Nam có đời sống kinh tế khá giả hơn trước. Nhiều gia đình, không chỉ ở thành thị, mà ở vùng nông thôn, thậm chí vùng sâu, vùng xa, đã xây được nhà cửa khang trang hơn, mua sách và xây dựng tủ sách gia đình, vừa để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, làm ăn kinh tế, vừa để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.

Điều đáng quý là những năm gần đây, đã xuất hiện mô hình thư viện, tủ sách tư nhân phục vụ cộng đồng. Nhìn chung các thư viện này đều do tư nhân xây dựng, đầu tư và mở cửa cho gia đình, dòng họ và cho nhân dân trên địa bàn. Tiêu biểu là thư viện, tủ sách của Nguyễn Văn Chín, Phạm Đức Dương (Hà Nội), Đoàn Duy Thành, Phạm Chí Thiện (Hải Dương), Bùi Đình Thăng (Hưng Yên), Huỳnh Tấn Hưng (Vĩnh Long), Đặng Huỳnh (Bến Tre)... Tính đến tháng 6-2014, cả nước đã có hơn 60 thư viện, tủ sách tư nhân phục vụ cộng đồng, đã và đang có tác dụng, ảnh hưởng to lớn trong việc củng cố, duy trì và nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân.

Tháng 6-2011, nhân ngày Gia đình Việt Nam, Bộ VHTTDL đã phát động cuộc vận động xây dựng Tủ sách gia đình văn hóa với mục đích xây dựng và hình thành thói quen đọc sách cho mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình, trước hết là trẻ em, thông qua đó, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, hình thành nhân cách tốt đẹp cho con người, tạo nên những giá trị văn hóa bền vững trong gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chắc chắn, tủ sách gia đình văn hóa sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2020 với chỉ tiêu cụ thể: phấn đấu đến năm 2020, 50 % gia đình ở thành phố, đô thị có tủ sách gia đình, 30 % gia đình ở vùng nông thôn có tủ sách gia đình, 15 % gia đình ở vùng đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa có tủ sách gia đình.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014

Tác giả : Nguyễn Hữu Giới

;